Trượt đại học, biết đâu lại là điều may?
Góc nhìn của một cậu sinh viên năm 3 về việc trượt đại học.
Khoảng 1 tháng trước khi các trường đại học công bố điểm chuẩn đầu vào cho đợt tuyển sinh 2021, tôi vô tình bắt gặp một bài viết trên VTV24 kể về một cậu học sinh trượt mọi nguyện vọng với tổng điểm 3 môn xét duyệt là 27. Cậu than thở:
"18 tuổi, lần đầu em biết cảm giác trượt đại học."
Tôi đã đùa rằng 18 tuổi, không lần đầu thì lần bao nhiêu trượt đại học!? Tôi đã mỉm cười nhớ lại mình 3 năm trước cũng cắp giấy bút đi thi lại, rồi thầm nhắn nhủ cậu học sinh nọ hãy vững tâm mà theo đuổi những điều mình muốn.
Hoặc ít nhất là tin vào điều đó.
Tôi của 4 năm trước đặt nguyện vọng 1 là Học viện An ninh Nhân dân, và 1 năm sau là Đại học Ngoại Ngữ. Tôi đều không bén duyên với 2 ngôi trường này, mà giờ lại đang học ở Đại học Ngoại thương. Sau này nhìn lại, tôi không thể hình dung được vì sao 3 cái tên này lại gần như chẳng liên quan gì tới nhau về mặt chuyên môn, có chăng một điểm chung là đều nổi tiếng. Tại sao cùng là một người mà mỗi lần thi lại chọn một con đường khác? Tôi đã nghĩ gì khi đặt bút viết các nguyện vọng của mình?
Thì ra tôi chưa bao giờ suy nghĩ thật kĩ về ngôi trường mình sẽ theo học. Thì ra tôi chưa từng thử nghĩ khi vào trường tôi sẽ được học gì, và khi ra trường sẽ làm gì. Lần đầu tiên điền nguyện vọng, tôi nghe lời phụ huynh mà chọn ngành mặc áo xanh đeo quân hàm. Lần thứ hai, khi đã quá sợ cảm giác trượt đại học, tôi quyết bám vào thế mạnh mà tôi tự tin: tiếng anh. Tôi chỉ chọn những ngành lấy điểm tiếng anh nhân đôi, cùng với tên trường bấy lâu nay người ta vẫn bảo là "uy tín." Tôi không biết được khi khoác lên mình bộ quân phục tôi sẽ được học gì. Tôi cũng chưa bao giờ thật sự hiểu rằng vào Ngoại thương là sẽ học về xuất nhập khẩu, các quan hệ kinh tế quốc tế hay chuỗi cung ứng toàn cầu. Tất cả những thứ này tôi đều không có hứng thú học, và cũng không nghĩ mình sẽ theo nghiệp này. Cho tới lúc này có thể nói, lựa chọn đại học của tôi "về cơ bản" là sai lầm.
Ngoại ngữ x2 + Trường có uy tín = Lựa chọn đại học
Điều đáng buồn là bạn học của tôi đa phần cũng có cảm giác tương tự khi nhìn lại lựa chọn của họ. Nhiều người cũng như tôi, cũng lắc đầu ngán ngẩm trước những môn học vừa khó, vừa không hợp sở thích. Thì ra tôi không phải nạn nhân duy nhất của quyết định vội vàng trong quá khứ, và chắc chắn sẽ không phải là người cuối cùng. Hiện nay đã có thêm nhiều phương thức tuyển sinh mới, bao gồm xét duyệt học bạ, thành tích trong các kì thi học sinh giỏi hay các chứng chỉ quốc tế bên cạnh việc xét duyệt tổ hợp 3 môn theo truyền thống. Tôi cho rằng trong hoàn cảnh này, sẽ có càng ít sự quan tâm hướng đến việc chọn một ngành nghề thực sự phù hợp với bản thân. Tôi có một người em khóa dưới khi đó đã xét tuyển vào trường bằng chứng chỉ IELTS, hiện em đang học khoa tài chính. Em vẫn luôn tiếc ngẩn ngơ vì không được vào khoa "xịn" nhất của FTU - Kinh tế đối ngoại hệ chương trình tiên tiến. Nhưng em than thở không phải vì em đam mê xuất nhập khẩu hơn tài chính - ngân hàng, mà vào được khoa mũi nhọn của trường thì nó "oai" hơn, sau này ra trường chắc là dễ có việc hơn. Có lẽ nhiều người không quá bận tâm về cái mình học, về cái nghề mình sẽ làm, nhưng dưới góc nhìn của một người quan tâm, tôi thấy chút bất an khi tiếp tục trên con đường mình không thấy phù hợp.
Quay lại với em học sinh nọ. Lúc biết kết quả hẳn em đã rất buồn. Với số điểm đầy tiềm năng như vậy, trượt được mọi nguyện vọng cũng là điều khó nghĩ tới. Khoan nói đến câu chuyện lạm phát điểm và sự khinh suất trong việc lựa điểm chọn trường, tôi muốn nói về một cơ hội. Không phải những con bò nhưng chúng ta vẫn thường nhai lại bài văn mẫu "Khi cánh cửa này đóng lại, một cánh cửa khác sẽ mở ra." Trong bài viết này, tôi là một trong những chú bò đó, ở đây và nói rằng biết đâu đấy, trượt đại học lại là một điều may.
Ta hãy ví hành trình học đại học là một con dốc dài, mỗi sinh viên là những tay đua đang ở trên một chiếc xe và những người vừa thi đại học thì đang đứng ở trạm soát vé. Khi đó, những người vững chí, vững tin sẽ vặn ga lên thẳng, lên đều cho tới khi hết dốc, còn những người vừa ngó lên đỉnh dốc, vừa luyến tiếc vạch xuất phát sẽ kẹt lại, động cơ xe của họ sẽ trục trặc, thả trôi thì không nỡ mà còn có thể bị ngã, còn muốn lên tiếp thì lại cần tăng ga mạnh gấp nhiều lần. Ở giữa lưng dốc của hành trình học đại học, tôi đủ thấm thía sự khó khăn của quyết định dừng lại hay đi tiếp. Đã nhiều lần tôi ngoái lại điểm xuất phát, ước gì được quay lại ngưỡng cửa soát vé để tha hồ chọn con dốc mình sẽ leo. Tôi có chút ghen tị với những người chưa đi qua cánh cửa đó, hoặc chưa đủ tiêu chuẩn để đi qua. Họ sẽ có thời gian nhìn lại mình, nhìn lại mong muốn của mình, tìm hiểu thật kĩ điều gì sẽ đón chờ mình ở từng ngành nghề cụ thể, rồi đối chiếu với ước mơ và định hướng của bản thân. Nếu họ vẫn chọn con đường trước đây họ từng vấp ngã, họ sẽ quyết tâm hơn, vững vàng hơn mà đi thẳng trong lần thử thứ hai. Còn nếu sau thời gian soi xét lại, họ nhận ra những điều sai lệch và quay xe đổi hướng, họ đã tự cứu mình khỏi một bi kịch nhỏ mà tôi đang mắc kẹt trong đó.
Tôi đã từng có cho mình cơ hội đó, và tôi đã ném nó đi.
Đừng như tôi.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất