Trưởng thành là tập vui một mình.
Mình, từ nhỏ rất yếu, kiểu dễ cảm cúm trúng gió, hay dị ứng cái này cái kia, lại có chứng đau đầu nữa. Hồi đó mình biết mình yếu, cả...
Mình, từ nhỏ rất yếu, kiểu dễ cảm cúm trúng gió, hay dị ứng cái này cái kia, lại có chứng đau đầu nữa. Hồi đó mình biết mình yếu, cả nhà biết mình yếu, nên những lúc có dấu hiệu lạ là mình báo lại với mẹ hoặc người lớn luôn. Vừa là để mẹ biết mà có phương pháp, vừa là để mình được thông cảm, cảm thương và chiều chuộng. Đương nhiên rồi, đó là đặc ân của người ốm/ con nít. Mình nhớ rõ một chập choạng chiều lúc năm 6,7 tuổi, đang chơi vui với đám trẻ con trong xóm thì mình hùng hục chạy về, nơi góc bếp có mẹ đang ngồi. Mình đưa tay lên phía ngực trái, nói mẹ là "có gì đó ở đây không ổn". Mình nhớ hằn in thước phim cũ đó, góc bếp cũ và sự nhẹ nhàng của mẹ cùng câu nói: "Không sao đâu con. Đây là tim đập thôi". Thiệt tình. Mình ngu sinh học từ bé.
Mình không thích quan điểm hãy biết ơn những điều không tốt đẹp vì nhờ đó mới biết trân trọng những thứ này thứ kia. Mình tự biết trân trọng, hoặc không cần trân trọng cũng được, mọi thứ cứ tốt đẹp thuận lợi thôi, những điều xấu xí làm ơn đừng đến. Nếu được order với vũ trụ mình sẽ order vậy. Nhưng mọi sự vận hành tự nhiên mình đâu điều chỉnh được, thôi thì đành chịu mà thay đổi từ phía bản thân. Trong phim gì đó nhỉ, có câu là Chúng ta có quyền tự do lựa chọn cách ta phản ứng với sự việc . Và với mình, đích đến vẫn là thái độ bình thản.
Nói vậy chứ, đôi lúc bình thản, mình cũng chậc lưỡi: Thôi thì cảm ơn Migraine.
Từ nhỏ xíu mình bị đau đầu, đau bể đầu. Đi đủ nơi, khám đủ chỗ, thử mọi phương pháp từ khoa học đến tâm linh, thầy này nổi tiếng thầy nọ tai tiếng, gia đình đưa mình đi khám cả, vẫn không ra nguyên do. Họ chỉ dặn mình đừng suy nghĩ lo lắng áp lực nhiều. Lo lắng áp lực chuột chi ở một đứa trẻ con không chỉ vô tư mà còn bị chê tồ, chậm lớn so với cùng lứa. Cho đến một ngày mình có kết luận là Migraine.
Nhớ mãi một lần đau đầu quá, mình khóc. Hỏi han dỗ dành đủ kiểu mãi cũng không được, mẹ xuống bếp làm cơm cho cả nhà kịp giờ ăn tối. Lúc đó mình ngồi bệt ở trên sàn nhà, đầu và nửa phần thân trên nằm sõng xoài vào phía chân giường, nước mắt cứ tự chảy. Nếu là phim, đó là một cảnh được quay theo chiều ngang, camera bẻ góc 90 độ, có màu vàng của đèn bếp, có dáng mẹ đứng ở phía đó nấu ăn cùng tiếng xì xèo của tiếng xào rán. Nước mắt mình cứ chảy hoài chảy hoài, vì đau, và vì tủi thân. Giây phút đó, mình hiểu rằng, thế giới của mình, mỗi mình mình hiểu. Mọi cảm giác mọi suy nghĩ, mỗi mình mình chịu. Không ai có thể hiểu và không ai có thể chịu thay mình được cả. Không ai có thể cả, dù họ có muốn hay rất muốn.
Có thể từ đó mình có thói quen hay im lặng. Với người thân thiết thì mình thi thoảng của thi thoảng vẫn kêu mệt kêu đau. Nhưng về cơ bản thì mình vẫn thích giữ ở trong lòng. Cũng không hẳn là mình cố giấu diếm hay né tránh gì, chỉ là mình thấy, im lặng thì dễ chịu hơn nhiều việc đi miêu tả hay giải thích thứ mà khả năng người ta hiểu không cao. Dần dà, mong muốn nhu cầu được thương cảm chiều chuộng của mình cũng hạ dần, ít nhất là thấp hơn việc cố miêu tả diễn tả sự yếu đuối mệt mỏi. Khi một ai thương hay chiều chuộng mình, hãy dể tự lòng họ muốn vậy, chúng ta không cần phải viện một lý do hay trình bày một hoàn cảnh đặc biệt nào đó. Ơn trời là gia đình mình thương mình theo cách đó, hoặc theo một cách nào đó mà mình cảm nhận được.
Lớn dần mình đi học xa nhà. So với các bạn cùng lứa, mình xa nhà khá sớm, từ năm cấp 2. Dù tính cách tiểu thư õng ẹo cần được cảm thông chăm sóc vẫn đó, phần nào đó mình cũng tự lập hơn. Thêm thói cô lập mình trong thế giới cảm giác của chính mình từ nhỏ, nay xa gia đình xa người lớn- những người chiều chuộng mình, mình lại càng quen thói một mình làm mọi thứ. Mình biết những suy nghĩ vẩn vơ, những sự thay đổi lên xuống cảm xúc. Dường như bên trong mình đang có một thế giới riêng, và mình chứng kiến nó đang diễn ra mà không muốn diễn đạt với ai cả.
Kể cho rõ, thì những thời gian đầu xa nhà, Mẹ vẫn hay gọi điện thoại hỏi thăm. Những lần đầu mình có nói rằng mình đang mệt phờ, đang cảm lạnh hay đang đau đầu... Nhưng, nếu ai đi học xa nhà phần nào sẽ hiểu, mình có nói một vài lời thì diễn tả không đủ, và cũng chẳng để làm gì. Mà thực tế là, mẹ hay người nghe phía bên kia cũng chẳng giúp được gì. Nào thì dặn uống nước, uống thuốc hay ăn uống nhiều vào, cũng có lúc trách nhẹ không để ý sức khỏe gì cả... Những cái đó mình tự biết rồi. Biết là gia đình thương lo cho mình, nhưng đôi lúc mệt thì nghe những lời đó... khá vô nghĩa, kiểu cũng chẳng để làm gì.
. Dần dà, những lần ốm cảm, mình không thiết tha nói với ai. Tự mình biết, tự mình chịu trong yên lặng. Có những lần mẹ nhận ra qua chiếc giọng khàn hay thều thào truyền qua sóng điện thoại. Có những lần mình trả lời ngắn gọn để sự nhận ra đó chưa kịp diễn ra. Dần dà, mọi người cũng nghĩ rằng mình đang ổn. Người ta chỉ biết khi người ta thấy. Nếu không thấy, người ta tin những thứ người ta được nghe kể. Và để nhanh gọn, mình kể những điều hay ho tốt đẹp.
Sau này cái cụm từ Cũng chẳng để làm gì đó như một câu thần chú giải thoát mình rất nhiều. Cần làm cái này không, cần mua cái này không, hay cần giải thích rõ với người kia không... tất cả được giải quyết với câu: Thôi. Cũng chẳng để làm gì.
Rồi mình lớn dần và đi xa dần, mình dần quen với điều đó. Quen với việc vui buồn một mình, mạnh ốm một mình. Và mình hoàn toàn tin đó là sự thật. Rằng đó là trách nhiệm của mỗi người, và mình cũng phải vậy.
Nhưng mình vẫn thích hoài niệm.
Cách đây chừng 9,10 năm, một chiều ốm nằm trên gác xép của căn phòng trọ nhỏ ở quận Thủ Đức, mình nhớ về những ngày tháng cấp 3 da diết. Hồi đó vui thật vui, mình với anh Hiếu- anh họ mình rất thân nhau. Hai anh em cùng nhau đi học, cùng xem phim buổi tối rồi, cùng trốn hai bác đi chơi, cùng đi ăn khuya khi xem phim xong... Mình nhớ và thèm lại những ngày tháng ấy quá, rồi nhắn tin cho anh bằng chiếc cục gạch Nokia: Em nhớ ngày xưa quá anh Hấu ạ (cùng một chuỗi ký ức vui vẻ). Năm đó anh H mới ra trường đi làm, chiếc Nokia báo có tin nhắn mới: Ai rồi cũng phải lớn thôi.
Ồ.
Nghe dĩ nhiên vậy mà lúc đó mình choáng váng thật sự.
Ai rồi cũng phải lớn thôi.
Có nghĩa là, những sự vui vẻ vô tư vô lo của ngày xưa chỉ là kỷ niệm thôi. Hoài niệm những điều xưa cũ không giúp ích gì cho hiện tại cả. Đầu óc đơn giản thơ ngây ngày đó không còn nữa. Người bên cạnh cũng có cuộc sống lắm bộn bề suy nghĩ lo toan, đâu như ngày xưa, việc đi học là nhiệm vụ quan trọng nhất và việc trốn học là sự việc nghiêm trọng nhất. Này thì deadline công việc, này thì chuyện vợ chuyện chồng đối nội đối ngoại, này thì cơm áo gạo tiền,... À mình sai rồi, giữa hiện tại này, hoài niệm có thể đem lại một vài niềm vui nhỏ nhoi dễ chịu.
Ai rồi cũng phải lớn thôi.
Nhưng đôi lúc mình vẫn tự hỏi, tại sao không một ai nói trước cho mình về điều này. Rằng cuộc sống của người lớn, là tập xoay xở mọi thứ một mình, và hãy bình thản chấp nhận điều đó. Nếu bạn buồn một chuyện thì nó chỉ là buồn thôi. Nhưng lúc bạn muốn tìm một người sẻ chia hay giúp đỡ mà không có, thì nỗi buồn đó còn gia tăng gấp bội. Còn gì tệ hơn khi đã buồn lại còn thấy mỗi mình mình buồn.
Nhiều người nói, càng lớn, càng có nhiều mối quan hệ, càng nhiều thú vui, càng nhiều sự hưởng lạc và mới lạ, thế mà lại thấy càng cô đơn.
Ai đó nói trưởng thành là cô đơn?
Mình nghĩ bản chất cuộc sống mỗi người là sự cô độc. Chỉ là hồi bé chúng ta quá bé để nhận ra (không phải ai cũng dính Migraine từ bé như mình. Thôi đùa đấy).
Thực ra không cần đến Migraine, chỉ cần để ý chút đỉnh thôi, bạn cũng sẽ thừa nhận rằng chỉ chúng ta mới "sống" được cuộc sống của chúng ta. Những sự việc xảy ra với mình, chỉ có chính mình cảm nhận và đương đầu. Có thuyết minh kể tả chi tiết đến mấy, người khác cũng không thể cảm nhận chính xác được những gì mình cảm nhận. Mỗi người có một thế giới cảm giác. Trong thế giới của bạn, luôn chỉ có mình bạn. Cũng sự việc sự vật đó, trong thế giới của người khác lại ra một biến thể khác.
Cũng chẳng cần để ý gì nhiều, bạn sẽ thấy, không ai có thể bên bạn mãi được, dù họ muốn. Có những lúc họ muốn hiểu bạn, nhưng hiểu không được. Có những lúc họ muốn giúp bạn, cũng giúp không được. Vì họ cũng như bạn, đang chiến đấu với những vấn đề của chính mình. Những đồng điệu về sở thích hay suy nghĩ ngớ ngẩn điên rồ cũng theo thời gian mà đi mất. Chúng ta vẫn vui cười mỗi khi nhớ hay kể lại, nhưng tin mình đi, có kể lại hoài hoài thì cũng không làm tươi mới cứu vớt hay lấy lại được những cảm xúc đó. Nhưng dù sao thì thứ chúng ta cần là mối quan hệ, không phải chỉ là kỷ niệm đúng không?
-----
Đến bây giờ 29 tuổi, người lớn nhà mình vẫn hay hỏi, mình có còn hay đau đầu nữa không.
Mình thường cười và nói Dạ cũng đỡ.
Cũng đỡ, là cách phản ứng nhanh nhất và phù hợp nhất cho hoàn cảnh đó, theo cách nghĩ của mình. Nói đỡ hẳn thì là nói dối. Không không đỡ, thì cũng đâu có tả được những ngày liên tiếp uống giảm đau cho kiệt quệ sức lực. Cũng đâu kể được những chiều đang làm thì xin bỏ dở để về nằm và bị ai đó trách móc hay ốm... Và lần nữa, rằng kể được ra thì cũng chẳng để làm gì cả.
Cũng đỡ, nó cũng như câu Cũng bình thường của những người bạn mình trả lời người lớn mỗi dịp tết nhất. Tụi nó biết nói gì ngoài câu Cũng bình thường cho qua chuyện. Chẳng nhẽ đi kể rằng cháu đã suýt tự tử vì trầm cảm sau sinh kèm với việc mọi sự không thuận lợi. Hay cháu đã phá sản năm qua phải bán xe bán đồ để xoay sở. Hay cháu đã bỏ việc một cách đột ngột và chịu nhiều thiệt thòi vì không thể chịu đựng thêm một giờ nào ở cái công ty địa ngục đó nữa... Còn nhiều lắm. Nhưng không ai đi kể vậy cả. Vì kể nào đâu có hết, những câu chuyện và những tổn thương trong lòng... nào đâu kể tả hết được. Và quan trọng là, không phải ai cũng muốn lắng nghe và chia sẻ những cảm xúc hay vấn đề của bạn. Câu nói này trong phim nào nhỉ: Tôi đã quá bận bịu với những rắc rối của mình. Tôi không còn thời gian nghĩ đến ai khác.
Một số thôi. Và một số vẫn luôn muốn biết và chia sẻ mọi cảm xúc và mọi cùng bạn nhé. Những người đó là ai, chắc bạn biết chứ?
Trưởng thành (có thể) là một hành trình cô đơn.
Hãy chấp nhận nó một cách bình thản.
Khi lớn lên và đống quần áo cũ bị chật, phải mua quần áo mới thay thế, bạn có trách móc cơ thể sao lại lớn lên không?
Còn chưa kể, chẳng qua là chúng ta hiểu sai thôi. Ngay từ khi sinh ra, chúng ta đã luôn một mình, trong thế giới của chính mình.
Và biết đâu được, nếu bạn may mắn, sẽ có người cùng chia sẻ cách cảm nhận thế giới cùng với mình.
Chúc may mắn.
Chúc may mắn.
P.s: Mình viết bài này lâu lắm rồi, trong tình trạng sức khỏe tốt, tinh thần vui vẻ. Và mình muốn khẳng định là mình luôn thấy may mắn vì được mọi người yêu thương ưu ái giúp đỡ lắm lắm, dù là người thân hay mới quen, thậm chí là những người chỉ biết mình qua mạng. Nên mình không có ý tiêu cực gì, ít nhất là khi viết bài này. Mong không làm người đọc nào hiểu sai mà sang ý tiêu cực không mong muốn. Hoặc bạn có thể tự do hiểu theo cách của mình. :)
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất