Sách nói về những câu chuyện thành công trong trường học, các tư tưởng giáo dục, những ví dụ cụ thể về một tư tưởng giáo dục mang tính “Cách mạng” và trả lời cho câu hỏi lớn: “Chúng ta phải thay đổi thực trạng ngành giáo dục hiện tại như thế nào?”
(Sách mới được dịch gần đây, chưa tái bản, nên vẫn còn một số lỗi sai chính tả: “Tựu chung” – “Tựu trung”, hi vọng những lần tái bản sau sẽ ổn dần).
-------------------------------------------------------------------------------
Các tư tưởng lớn mà tác giả quyển sách trình bày:
- Phê phán phong trào chuẩn hóa: Chúng ta không cần cải cách giáo dục, chúng ta cần cách mạng giáo dục. Ông giải thích vì sao tiêu chuẩn thi theo điểm – một dạng chuẩn hóa – mà Việt Nam, Trung Quốc, và nhiều nước khác áp dụng, không còn phù hợp, là do Cuộc cách mạng công nghiệp.
- Phê phán Giáo dục hiện tại khi hướng mọi người học tới đích đến là một học giả, khi tài năng mỗi người khác nhau.
- Ông đưa ra luận điểm: Trẻ em có óc sáng tạo và tính tò mò tuyệt vời, vì thế việc giáo dục không phải là một quy trình công nghiệp lặp đi lặp lại, mà giống như một phương pháp nông nghiệp “Hữu cơ”. Giáo dục chỉ nên thúc đẩy con người phát triển theo hướng cá nhân hóa.
-------------------------------------------------------------------------------
Một số quyển sách có thể đọc kèm với quyển này để hiểu thêm về tư tưởng “Hữu cơ” của tác giả: khá giống “Nông nghiệp thuận tự nhiên”.
“Cuộc cách mạng một cọng rơm” – Masanobu Fukuoka, quyển này thì quá nổi tiếng rồi.
“Gieo mầm trên sa mạc” – Masanobu Fukuoka.
“Văn minh Đông phương và Tây phương” – Thu Giang Nguyễn Duy Cần, bàn về những hạn chế của giáo dục và tư tưởng phương Tây, đồng thời đề cao cái “Phẩm”, và cho rằng chúng ta không nên so sánh vì mỗi người đều có cái “Phẩm” khác nhau.
-------------------------------------------------------------------------------
Một số trích đoạn tham khảo:
“Chúng tôi không nói với học trò rằng học toán thì quan trọng, còn đá bóng thì không. Nếu một đứa thấy bóng đá rất quan trọng với nó, chúng tôi sẽ làm mọi cách để nó có thể tiếp tục đá bóng”.
“Học thuật chỉ là một phần của giáo dục”.
“Khả năng khởi nghiệp của một quốc gia lại tỉ lệ nghịch với thứ hạng cảu nó trên những kỳ thi chuẩn hóa”.
“Chỉ khi lũ trẻ được học những thứ chúng hứng thú nhất, bằng cách phù hợp nhất thì chúng mới có thể đột phá”.
“Khi bạn dành thời gian ở trường cùng với một đám đông, và tất cả được đánh giá theo cùng một cách, người ta làm sao có thể biết bạn là ai và bạn có thể làm gì?”.
“Mỗi người tiếp cận học một điều mới mẻ theo cách khác nhau – đơn giản vì mỗi người mỗi khác”.
“Trí nhớ ‘kém cỏi’ của chúng ở trường học có lẽ chỉ là một sự chán nản, chứ không phải là không có khả năng”.
“Trẻ nhỏ sinh ra đã tò mò. Để giúp trẻ hứng thú với việc học, chúng ta cần giữ ngọn lửa tò mò đó".
-------------------------------------------------------------------------------
Sách hay nên đọc, dành riêng cho những người làm Giáo dục, tiếp cận một tư tưởng cách mạng, góp phần cũng cố niềm tin trong tình trạng giáo dục hiện nay: Quá thành tích, nặng tính so sánh, và thiếu đạo đức. Với những người ngoài ngành Giáo dục, có thể đọc lướt để tiếp cận tư tưởng của tác giả (Vì phần sau quyển sách khá dài và nặng tính chuyên môn), từ đó thay đổi quan điểm về ý nghĩa cuộc đời và lựa chọn một nghề nghiệp mình cảm thấy hạnh phúc và vui vẻ, cân bằng với việc lao động kiếm tiền.
Tác giả là một nhà Giáo dục, diễn thuyết nổi tiếng, được nhiều người biết đến qua những bài thuyết trình trên TED Talk, tiêu biểu là bài “Trường học bào mòn khả năng sáng tạo” (Link dưới bài viết), mất năm 2020.