Lời mở đầu

Tôi không nhớ rõ lần đầu tiên tôi được đọc Black Jack hay bản dịch tiếng Việt gọi là "bác sĩ quái dị" là bao giờ, nhưng tôi có thể chắc chắn rằng đó là chuyện của ít nhất mười năm trước.
Có câu rằng: "Hai mươi tuổi đọc sách như thấy trăng qua khe cửa. Bốn mươi tuổi đọc sách như ngắm trăng ngoài sân. Sáu mươi tuổi đọc sách như thưởng trăng trên đài." Tôi đã đọc trọn bộ Black Jack không dưới hai lần, và có lẽ "khe trăng" của tôi đã lớn hơn trong lần đọc kế tiếp?
Tôi cũng không chắc nữa. Tôi viết bài viết này phần đa là để mình soi, phần ít là để xàm xí với mọi người.

Tuyệt tác của một bậc thầy

Bất cứ ai đủ nghiêm túc yêu và tìm hiểu văn hóa 2D của Nhật Bản đều không thể không biết đến một cái tên: "Thánh" Osamu Tezuka.
"Thánh" Osamu Tezuka
"Thánh" Osamu Tezuka
Chẳng phải tự nhiên mà Osamu Tezuka được tôn thành hàng "thánh". Di sản mà Osamu Tezuka để lại không chỉ là những tuyệt tác từ cây cọ vẽ mà còn là một tư duy, một triết lý về man họa (manga). Với Osamu Tezuka, manga có thể được đưa lên hàng nghệ thuật chứ không phải là sản phẩm, là hàng hóa giải trí thông thường như những tác phẩm của thời đại samurai. Cả đời cầm cọ vẽ của ông sau đó đã chứng minh, và truyền đi tinh thần nghệ thuật đến mọi thế hệ mangaka sau này. Về mảng làm hoạt hình (anime), đóng góp của Osamu Tezuka lên kĩ thuật cũng như tính kinh tế phổ quát đại chúng là một phần lý do mà truyền thông phương Tây hay ví von rằng ông là "Walt Disney của Nhật Bản". Đối với cá nhân tôi, sự so sánh này có phần chưa thỏa. Nhưng đây là một bài viết về Black Jack, tôi sẽ không phí phạm nhiều thì giờ để phân tích nhận định của mình.
Giới phê bình và độc giả hay nói về một khái niệm :"Tam đại tuyệt tác của Osamu Tezuka", ý chỉ ba tác phẩm kết tinh đỉnh cao nhất của Osamu Tezuka bao gồm: Astro boy, Phoenix và Black Jack. Trong số ba đại tuyệt tác này, tôi cho rằng Black Jack là tác phẩm đặc biệt nhất Osamu Tezuka. Lý do hiển nhiên có rất nhiều, tôi đã được đọc một bài viết rất chi tiết lý giải rằng tại sao Black Jack lại đặc biệt đến thế với vị "thánh" của manga - anime (tiếc rằng tôi đã quên mất đường dẫn). Nhưng với tôi, lý do quan trọng hơn tất thảy: Osamu Tezuka là một sinh viên tốt nghiệp trường y nhưng không có cơ hội hành nghề vì chứng sợ máu.
Với tôi, Black Jack là một sự phản chiếu một cuộc đời khác của chính tác giả trong một thế giới song song khác, là thịnh nộ cũng như đau thương, là mơ ước cũng như là một sự thấu triệt, là ai oán cũng như là lời tạ ơn...

Những tinh tú neo trong tâm thức

Tôi viết bài viết này hoàn toàn bằng trí nhớ và ấn tượng của bản thân mình. Do đó, những "vụ nổ tân tinh", những "điểm sáng bất chợt" trong tâm thức là thứ dẫn lối cho tôi.

Điều đầu tiên: "Mỗi sinh mạng đều đáng quý"

Tập đầu tiên của Anime Black Jack bắt đầu bằng một luận đề: "sinh mạng nào đáng quý hơn?". Giữa một vị quan chức cấp cao bị thương và một con mèo thuộc giống quý hiếm sắp có nguy cơ tuyệt chủng, Black Jack đã chọn cứu con mèo trước. Bác sĩ Black Jack là người không bị trói buộc bởi những thứ gì kể cả tiền - thứ mà nhiều độc giả chưa đủ nghiêm túc cho rằng Black Jack "ham" và "tham". Quyết định của bác sĩ Black Jack trong hoàn cảnh đó quả thực không bất ngờ.
"Nếu viện bảo tàng bốc cháy, bạn sẽ cứu bức tranh nào trước." Khi vị giáo sư nghệ thuật đang phân vân, "định giá", anh nhân viên lau dọn đã kịp cắp bốn bức tranh ra khỏi vùng nguy hiểm. Quá lý tính hay sự biện luận xuất sắc cho hành vi của mình có thể là một trong những tội ác - điều ngu xuẩn lớn nhất của nhân loại. Con người bị ám ảnh bởi việc đưa ra "sự lựa chọn tốt nhất", và đôi khi sự lựa chọn tốt nhất đó là hướng tới bản thân họ đồng thời với việc chà đạp lên quyền lợi của mọi người khác. Khi phải ra hầu tòa, đáp lại câu hỏi từ chánh án, Black Jack đã đáp lại rằng: "Trước mặt tôi chỉ có hai bệnh nhân. Tôi cứu bệnh nhân nguy cấp hơn".

Điều thứ hai: "Tiền không phải là điều quan trọng nhất"

Tôi có thể nhớ rất nhiều câu chuyện để chứng minh rằng bác sĩ Black Jack là một người không ham tiền. Nhưng tôi sẽ chỉ chọn câu chuyện mà mình tâm đắc nhất.
Câu chuyện bắt đầu với một bà mẹ chồng già càn rở liên tục đòi tiền tiêu vặt hàng tháng với giọng hách dịch. Con dâu và chồng không hiểu nổi hành vi của mẹ mình khi không thể biết được mẹ mình đã cất hay tiêu số tiền "khổng lồ" kia vào việc gì. Một cuộc "điều tra" đã được bắt đầu.
Bối cảnh tua đến cuộc nói chuyện giữa bác sĩ Black Jack với người vợ của một vị bác sĩ phẫu thuật mà bác sĩ Black Jack khen rằng "ông ấy hẳn phải là một người rất giỏi". Lời khen này được bật ra sau khi bác sĩ Black Jack được người vợ kể rằng chồng mình luôn thu phí vô cùng cao cho mỗi ca phẫu thuật. Điểm này thật giống với Black Jack, Black Jack khen vị bác sĩ kia phải chăng là đang khen chính mình? Tôi không cho là phải.
Rồi bà mẹ chồng già "càn rở" kia xuất hiện với xấp tiền vừa lấy được từ con. Hóa ra suốt mấy chục năm qua, bà ấy mỗi tháng luôn đều đặn phải phí phẫu thuật cho gia đình vị bác sĩ kia. Để cứu con trai của mình, bà mẹ ấy đã phải vất vả làm việc cả cuộc đời. Thế nhưng đến khi sức lực không còn, bà ấy vẫn chẳng đủ tiền để trả nợ cho vị bác sĩ phẫu thuật kia. Thế nên mới có chuyện "mẹ chồng già càn rở". "Thám tử điều tra" - người con trai sau mấy chục năm dài cuối cùng mới biết được mẹ mình đã phải hy sinh âm thầm nhiều như thế nào.
Số phận (hay chính Osamu Tezuka) thật khéo sắp đặt. Người mẹ già sau bao nhiêu năm lam lũ đã mắc trọng bệnh. Người có thể chữa khỏi căn bệnh ấy - bác sĩ Black Jack đã nói với người con trai rằng: "Phí phẫu thuật của tôi không rẻ đâu!". Người con trai đã nắm lấy cổ áo bác sĩ Black Jack và đáp lại quả quyết rằng: "Tôi sẽ trả. Dù hai mươi năm, ba mươi năm, hay bốn mươi năm tôi cũng sẽ trả đủ cho anh!". Lúc này trên môi bác sĩ Black Jack xuất hiện một nụ cười: "Đó là điều tôi muốn nghe."

Điều thứ ba: "Bác sĩ không phải thần thánh"

Tỷ lệ tử vong của trẻ em cao đáng sợ là một cơn ác mộng mà thế hệ Việt Nam hiện đại đã quên mất. Con cái vua chúa thời xưa con chết trẻ (dưới 5 tuổi) chứ chẳng kể tới hạng dân đen, "con đỏ". Con số 40%, 50% hay cao hơn với chúng ta đơn giản là con số. Nhưng nếu con số gắn với những đứa trẻ được sinh ra thì chúng ta mới thấy rùng mình. Thế mới thấy nghề y có "quyền năng" lớn thế nào.
Những "truyền kỳ" kéo dài về bác sĩ Black Jack đôi khi vô hình chung tạo ra cho mọi người một câu "thần chú" chẳng khác gì như hồi bé xem phim siêu nhân vậy :"(nhân vật chính) mau xuất hiện (và kết thúc sự đau khổ)!". Thế nhưng "bác sĩ không phải thần thánh". Có rất nhiều người Black Jack không thể cứu được, mà đau đớn nhất là người thầy của mình.
Tương phản với "bác sĩ quái dị" Black Jack, Osamu Tezuka đã tạo ra nhân vật "bác sĩ tử thần" - người bán những cái chết êm ái. Lần đầu tiên "bác sĩ tử thần" xuất hiện cũng là lần để lại ấn tượng lớn nhất của tôi về nhân vật này. Tiếng cười đầy ám ảnh của "bác sĩ tử thần" ở những trang cuối cùng và tiếng hét đầy bất lực của bác sĩ Black Jack chắc chắn là một trong những chi tiết đáng nhớ nhất trong cả bộ truyện. Và ở đó một lần nữa tôi thấy được "bác sĩ không phải thần thánh".

Điều thứ tư: "Án tử hình"

Con người là một giống loài hiếm hoi có khả năng và động cơ để giết đồng loại. Một trong những hình thức đặc biệt của hoạt động này là tử hình.
Bác sĩ Black Jack đã được nhận một yêu cầu từ chính phủ là phải cứu sống bằng được một tử tù để kẻ này có đủ nhận thức để nghe án phạt và phải nhận sự trừng phạt là cái chết. Với tư cách một bác sĩ, điều này thật khó chấp nhận. Nhưng chính phủ lại sẵn sàng bỏ ra một đống tiền để thực hiện hành động trên. Câu chuyện trong Black Jack không phải là một giả định nguyên bản mà Osamu Tezuka tự nghĩ ra. Trùm phát xít Nhật Bản chính là một người được các bác sĩ cứu khỏi tay tử thần để rồi sau đó phải chịu án tử.
Lát cắt nhỏ trên đặt cho chúng ta một câu hỏi tranh luận vẫn chưa đi đến hồi kết: án tử hình có cần thiết hay không? Osamu Tezuka không đi sâu hơn vào vấn đề này, cá nhân tôi cũng không muốn đi lệch khỏi quỹ đạo. Tôi chỉ muốn đưa câu chuyện này ra như một mệnh đề đáng chú ý mà thôi.

Kết

Black Jack là một TÁC PHẨM có ảnh hưởng lớn nhất tới tôi. Tôi có thể viết, phiêu lưu, lang thang với Black Jack bằng phi cơ bàn phím cơ đến khi vượt khỏi quỹ đạo. Chỉ là hôm nay tình cờ tìm thấy chuyện người ta từ nửa năm trước đã bắt đầu dùng AI để viết tiếp truyện về "bác sĩ quái dị", nên tay chân thật có chút ngứa ngáy.