Có thể khẳng định  là đội tuyển Việt Nam đã chơi tốt ở vòng bảng dù phải rơi vào một bảng đấu được coi là khó nhằn nhất tại Asian Cup lần này. Vậy mà chúng ta đã vượt qua nó, vượt qua những thời khắc sinh tử đó chứng tỏ rằng thầy trò ông Park Hang Seo có năng lực chơi bóng, hoàn toàn có thể tiến xa tại giải đấu đang diễn ra ở UAE. 
ĐT Việt Nam đã phải chờ đến tận giây phút cuối cùng mới biết mình xếp trên Lebanon ở chỉ số phụ để đi tiếp vào vòng 1/8 Asian Cup 2019 nhưng đó là một sai số thường gặp trong bóng đá khi chúng ta đã chơi ngang ngửa hay thậm chí còn phần trên cơ trước Iraq về số cơ hội nguy hiểm được tạo ra và chỉ chịu thua với tỷ số 2-0 trước đội bóng số 1 châu Á Iran trong một trận đấu mà thầy trò HLV Park Hang Seo đã có thế trận rất chặt chẽ và kỷ luật. Vì thế, dù chỉ có được 3 điểm sau vòng bảng nhưng lối chơi và cách sử dụng nhân sự của thầy Park vẫn được rất nhiều phương tiện truyền thông và báo chí châu Á nể phục.
Nhưng muốn biết chúng ta đã chơi tốt và còn những hạn chế nào thì phải phân tích chiến thuật, lối chơi mà ĐT Việt Nam đã áp dụng tại vòng bảng. Từ đó, chúng ta mới có thể hoàn thiện và còn chơi tốt hơn nữa ở vòng đấu knock-out sắp tới.
Qua 3 trận vòng bảng, chỉ có thể nói ngắn gọn là thầy Park quá biến ảo và quá linh hoạt trong việc bố trí cách chơi và nhân sự cho "Những ngôi sao Vàng". Ở trận ra quân gặp Iraq, HLV người Hàn gây ra bất ngờ cực lớn khi xếp một đội hình thiên về tấn công và quyết định chơi đôi công với đối thủ để tìm kiếm một chiến thắng khi có vẻ ông đã nhận ra một điều, Iraq không như các đội tuyển khác ở Tây Á, nghĩa là không chơi pressing tầm cao, chịu khó áp sát và gây áp lực lên cầu thủ đội bạn liên tục. Điều đó đã giúp ông thầy 59 tuổi nhận thấy thời cơ của ĐT Việt Nam khi chúng ta sẽ có nhiều khoảng trống để luân chuyển bóng, để đánh vào trung lộ hoặc khoét xuống hai nách của ĐT Iraq, nơi Việt Nam có những cầu thủ chơi cánh rất hay như Văn Hậu hay Hồng Duy, Trọng Hoàng. Và thế là ĐT Việt Nam quyết định chơi sòng phẳng với đội thủ và kết quả đá cho thấy, chúng ta chơi ngang ngửa với họ về mặt thế trận, tạo nên một trận đấu ở tốc độ cao và nếu xét trên khía cạnh ở số cơ hội trên 1/3 sân cuối cùng của đối phương, ĐT Việt Nam mới là những người làm tốt hơn.
Với ý đồ chiến thuật và cách tiếp cận đó, ĐT Việt Nam cũng đã có những sự điều chỉnh về mặt con người để phục vụ cho mặt trận tấn công nhằm thu về 3 điểm trọn vẹn ở ngày ra quân. Xuân Trường trở lại đội hình xuất phát cho thấy tham vọng rất rõ của ông Park: tận dụng khả năng phát động tấn công và chuyền bóng vào khoảng trống giữa hậu vệ và tiền vệ biên của Iraq của cầu thủ người Tuyên Quang khi những tiền vệ đánh chặn của đội bóng Tây Á tuy to cao nhưng lại không tích cực tham gia hỗ trợ phòng ngự từ xa để chỉ động cắt và đoạt lại bóng. Cả 2 bàn thắng mà ĐT Việt Nam ghi được trong trận này, đều xuất phát từ đánh thẳng vào trung lộ khi áp lực dành cho các tiền vệ công của chúng ta là không lớn, giúp Việt Nam có cơ hội tấn công thẳng vào chính diện hàng phòng thủ của Iraq, nơi mà họ đã bộc lộ khả năng phán đoán và xoay sở khá chậm chạp.


Xuân Trường và Hồng Duy đã chơi tốt trước Iraq nhưng trước Yemen, họ đã chơi dưới sức
Một thay đổi nữa của ông Park so với đội hình chính vừa vô địch AFF Cup 2018 hồi tháng trước là nằm ở vị trí hậu vệ trái, nơi Văn Hậu bất ngờ ngồi dự bị ở trận gặp Iraq để nhường lại vị trí cho Hồng Duy. Thực tế, do không hay được sử dụng dưới thời ông Park nên có nhiều người chưa hiểu lắm về vai trò của Hồng Duy so với người cùng cánh là Đoàn Văn Hậu hay thậm chí là cả Đức Huy. Thế nên mình sẽ nói qua. Đầu tiên là Văn Hậu. Đây có thể nói là hậ vệ trái hiếm có mà bóng đá Việt Nam mình đang có, lên công về thủ đều đặn, tốc độ, kỹ thuật, sút bóng tốt, y hệt như Gareth Bale vậy. Nghĩa là, nếu xét cả công lẫn thủ, Văn Hậu đều cực kỳ ổn định, đặc biệt là những tình huống đánh chặn, cắt bóng hiệu quả và khả năng leo biên, tạt bóng rất đa dạng. Ai xem AFF Cup 2018 trên suốt hành trình vô địch của chúng ta thì sẽ dễ dàng nhận ra Malaysia có một tiền vệ biên đá rất hay mang quốc tịch Gabon là Sumareh nhưng ở cả 3 lần gặp Việt Nam ở vòng bảng và chung kết dều bị Văn Hậu bắt bài và phong tỏa hoàn toàn. Có chăng, điều cầu thủ quê Thái Bình này cần cải thiện đó chỉ là ở sự điềm tĩnh và bớt những tình huống phạm lỗi không đáng có.
Còn Hồng Duy, anh khác Văn Hậu ở chỗ là cầu thủ của HAGL chỉ thật sự mạnh và nguy hiểm ở khả năng tấn công, đặc biệt là những pha bứt tốc và leo biên. Ở khía cạnh này, khi được chơi tự do và được phát huy khả năng lên tham gia tấn công ở hành lang cánh trái, Hồng Duy sẽ là một bài toán không dễ tìm ra lời giải với đối phương khi anh rất năng nổ, chạy chỗ tốt và sẽ giúp cánh trái của chúg ta, nơi còn có sự hiện diện của người đồng đội ở HAGL ở Công phượng có thêm rất nhiều phương án chuyền bóng và tạt bóng. Chắc hản nhiều người vẫn chưa thể quên được Hồng Duy đã phối hợp hay với Văn Đức như thế nào và chuyền bóng vào trong cho Quang Hải ghi bàn gỡ hòa cho Việt Nam trước Qatar ở giải U23 châu Á năm 2018. Chính tốc độ, kĩ thuật và khả năng quẫy nhiễu của HD đã làm rối loạn hàng thủ của đội bóng Tây Á, giải phóng tàm hoạt động của QH và giúp anh chơi gần khung thành đối phương hơn. Thậm chí, đôi khi Hồng Duy còn có thể chơi cả tiền đạo lùi trái, nghĩa là hoàn toàn được ưu tiên để chơi tấn công như trận chung kết lượt về AFF Cup 2018 với Malaysia mà Duy đã vào thế chỗ Văn Đức.
Nhưng đó là ở mặt trận tấn công còn kỹ năng phòng thủ, một điểm không thể thiếu của các hậu vệ biên thì Hồng Duy lại chưa làm tốt điều này, chí ít là ở 2 trận mà anh đã đá chính ở Asian Cup năm nay. Anh là một hậu vệ trái thuần túy nhưng chưa bao giờ được đánh giá cao ở khả năng phòng ngự. Thể hình có phần hạn chế, yếu trong tranh chấp khiến HD ít khi chủ động và giành chiến thắng trong việc phán đoán tình huống bóng. Thực tế cho thấy, trước Iraq và Yemen, cánh trái mà Hồng Duy đảm nhiệm thay Văn Hậu đã bị đối phương khoét rất sâu hơn cánh đối diện của Trọng Hoàng rất nhiều khi anh không đảm bảo vị trí tốt, thường xuyên mất bóng và khi bóng được đối phương luân cánh trái của anh, áp lực mà HD tạo ra cho đối thủ cũng không lớn, khiến họ có dủ không gian, thời gian, tầm nhìn để chuyền và tạt bóng vào, như bàn thua thứ 2 trước Iraq hay những phút cuối trận gặp Yemen.
Qua 2 trận chơi chính, có thể thấy Hồng Duy mắc nhiêu lỗi, chuyền hỏng nhiều hay thậm chí là phạm lỗi nguy hiểm dẫn đến siêu phẩm của Ali Adnan trong trận mở màn với Iraq. Rõ ràng, lựa chọn Văn Hậu ở hành lang trái vẫn là một lựa chọn phù hợp hơn, vừa đảm bảo sự chắc chắn khi chúng ta đá phòng ngự 5-4-1 và khi chuyển sang chơi tấn công hay phản công với sơ đồ 3-4-3, nó cũng phát huy được hiệu quả tối đa. Văn Hậu vừa hỗ trợ tấn công tốt và khi đội nhà bị tấn công ngược lại, anh vẫn đủ tốt độ để di chuyển về. 
Nói đến đây, các bạn có thể hiểu vì sao chúng ta lại thua trận mở màn với Iraq. Việt Nam có thế trận tốt, cầm bóng tốt khi hiệp 1 Xuân Trường đã làm rất tốt nhiệm vụ cầm chịch của mình còn tốc độ của HD cũng đã phát huy tác dụng. Nhưng khi đã dẫn trước và buộc phải chơi chắc chắn hơn để bảo toàn tỷ số, cái đội hình thiên về tấn công đó mà điển hình nhất là vị trí của Hồng duy đã lộ ra nhiều hạn chế. Nhiều người cho rằng giá như rút Xuân Trường ra sớm hơn để tung vào sân một tiền vệ đánh chặn nữa bên cạnh Hùng Dũng và rút Hồng Duy ra thay bằng Văn Hậu ở ngay đầu hiệp 2, chúng ta còn có thể sẽ thắng trận đó. Nhận định đó cũng đúng nhưng đã không xảy ra khi ông park cũng đã có một chút lưỡng lự khi những phút đầu hiệp 2, Việt Nam vẫn chơi ngang ngửa với Iraq và chúng ta chỉ thật sự lâm vào thế bị động khi Iraq gỡ lại 2-2. Khi đó thì đã quá muộn cho một thay đổi khi khi không chỉ Hồng Duy mà rất nhiều cầu thủ của ta đã bị suy giảm thể lực. Chính vì Xuân Trường không còn duy trì thể lực để luân chuyển bóng và phát động tấn công nên nó đã dẫn đến việc ta không còn cầm bóng tốt như hiệp 1 mà ngược lại, VN cứ liên tục phải đuổi theo bóng khi Iraq buộc phải dâng cao hơn và đã kiểm soát trận đấu tốt hơn những gì họ đã làm trong hiệp 1. Thầy Park đã đúng khi dùng Xuân Trường nhưng lại không rút anh ra sớm hơn, đó có thể coi là một sai sót hy hữu của ông nhưng cũng là một sai số khó tránh khỏi trong bóng đá. Pha phạm lỗi của Hồng Duy dẫn đến quả đá phạt của Ali Adnan cũng chỉ đơn giản là thể lực đã xuống sau một trận đấu tốn quá nhiều năng lượng và khi thể lực đã không còn được duy trì liên tục trong những phút cuối trận thì mọi quyết định và hành động, nó sẽ mang tính bộc phát hơn là chúng ta sẽ tự chủ được tình huống. 
Sang trận thứ 2, trước một Iran hùng mạnh nhất châu Á, dĩ nhiên ông Park đã thay đổi hoàn toàn về mặt nhân sự và lối chơi cho toàn đội. Không còn là một đội hình nghiêng về tấn công và cầm bóng như trước Iraq mà ở đó, HLV 60 tuổi yêu cầu sự chắc chắn và sự xông xáo của bộ đôi tiền vệ trung tâm. Hùng Dũng và Đức Huy được tín nhiệm và thực tế, chính sự cơ bắp và chơi an toàn của họ đã ngăn chặn tốt những tình huống đánh vào trung lộ và đạp nhả đến từ những cầu thủ đầy sức mạnh và kĩ thuật của Iran. Vì thế, Iran phải đổi bài, họ không tấn công trung lộ nữa mà chuyển bóng ra cánh nhiều hơn và bàn thắng của họ cũng xuất phát từ cánh lật vào. Đó là trận đấu mà chúng ta đã giữ cừ ly đội hình tốt, 2 tiền vệ trung tâm luôn có mặt và hỗ trợ thêm cho các trung vệ trong những tình huống phòng thủ. Còn việc thua trận, nó như là lẽ tất yếu khi Iran quá mạnh với 13/23 cầu thủ đang chơi bóng ở châu Âu. Điều quan trọng là chúng ta đã phòng thủ tốt với sự chắc chắn của bộ 3 trung vệ cùng sự trở lại của Văn Hậu ở vị trí hậu vệ trái.
Sang trận đấu thứ với Yemen, trận đấu quyết định khi Việt Nam buộc phải thắng cách biệt thì mới giành vé đi tiếp. Chính vì vậy, chúng ta từ chơi phản công truyền thống dưới tay thầy Park buộc phải chuyển sang chơi tấn công chủ động, áp đặt và kiểm soát trận đấu. Và vì thế nên không quá khi nói rằng, trận đấu với Yemen là trận đấu kém nhất của Việt Nam ở vòng bảng. Việt Nam của HLV Park chưa bao giờ mạnh và tỏ ra khó lường khi chơi tấn công chủ động và kiểm soát bóng trong suốt hơn 1 năm qua. Đó là hạn chế của ta khi nếu chơi tấn công và dồn đối thủ về phần sân nhà, đội bóng áo đỏ cũng sẽ có ít khoảng trống và có ít cơ hội để ghi bàn hơn khi thời cơ sẽ bị thu hẹp lại và khoảng trống sẽ không xuất hiện nhiều. Nó khá giống với khoảng thời gian trước khi thầy Park lên nắm quyền khi chúng ta luôn đá tấn công nhưng lại thường thua khi đối thủ phản công lại. Còn khi phản công, Việt Nam sẽ rất mạnh bởi chúng ta đã dụ đội bạn lên để tìm kiếm khoảng trống nhờ khả năng chơi bóng nhóm, ít chạm để phản công. 
Thế mà trước Yemen, VN buộc phải chơi tấn công và cầm bóng và đó là 1 trận dứoi sức của cả đội. Hồng Duy lại được đá chính khi Duy Mạnh vắng mặt buộc Văn Hậu phải lui về đá hậu vệ và so với trận đấu gặp Iraq, anh còn chơi tệ hơn khi chuyền hỏng cực nhiều, xử lý bóng còn rườm rà làm lỡ mất cơ hội tấn công của cả đội. Xuân Trường cũng chỉ chơi tròn vai khi Yemen quá chịu khó đá áp sát và gây áp lực từ phía sau khiến những đường chuyền tấn công của XT không đạt hiệu quả quá cao. Quang Hải, ngoài quả đá phạt xuất thần thì cũng không phát huy được những điểm mạnh nhất của anh ở hai trận trước đó, đặc biệt là anh chuyền hỏng cũng khá nhiều. Có thể do Yemen quá yếu nên VN cũng chủ động không đá hết sức để tiết kiệm sức lực cho những cuộc chiến tiếp theo. Thể lực cũng là môt vấn đề nữa với Việt Nam trước Yemen khi chúng ta đã bị vắt sức khi đấu Iran và còn phải di chuyển một quãng đường dài để đến thành phố Al Ain quyết chiến với Yemen.
Đấu Jordan vòng 1/8: Thầy Park sẽ lại chơi phản công?
Đã vượt qua vòng bảng, đó có thể coi là một màn thể hiên tương đối tốt của ĐT Việt Nam, dù vẫn còn những sai số nhất định. Phía trước là Jordan ở vòng 1/8, một đối thủ có thể coi là ngang tầm với chúng ta và vừa sức trong mục tiêu tiến xa tái lập chiến tích ở Thường Châu 1 năm trước. 

Đây có thể coi là đội hình tối ưu nhất của ĐT Việt Nam đấu Jordan tối nay
Vậy với một đối thủ ngang cơ như Jordan, thầy Park có nhiều khả năng sẽ lại trở lại với lối chơi phản công đã làm nên thương hiệu cùng ĐT Việt Nam. Nhưng sẽ không dễ để làm điều đó khi chúng ta biết rằng ĐT Jordan cũng là một đội tuyển chỉ mạnh khi chơi phản công, y hệt chúng ta. HLV tuyển Jordan, ông  Vital Borkelmans là một người Bỉ và cũng như thầy Park, cực kỳ ưa chuộng lối chơi phòng ngự kỷ luật, chắc chắn nhưng khi đã phản công là sẽ đá rất nhanh dựa vào tốc độ của bộ tứ trên hàng công là Suleiman, Al Murijan, Bakheet và Rawshdeh. Họ thường xuyên hoán đổi vị trí cho nhau, giữa các vị trí tiền vệ dạt cánh và tiền đạo cắm nên sẽ rất khó đoán khi phản công. Jordan chưa thủng lưới bàn nào và đã ghi 3 bàn nhờ sự nguy hiểm từ triết lý bóng đá phòng ngự- phản công, trong đó có pha lập công giúp Jordan quật ngã cả ĐKVĐ Australia. Hai đội cùng tôn thờ cùng một cách chơi phản công đặc trưng, vậy nên ai chơi chủ động hơn, đó sẽ là một câu hỏi .lớn và chưa hẳn sẽ là đội giành phần thắng khi đó đều không phải là sở trường của cả VN và Jordan. 
Thế nên, điều quan trọng nhất với chúng ta ở trận tới sẽ là chơi với đội hình nào khi gần như chắc chắn, VN sẽ vẫn chơi phản công nhanh. Điều đáng lưu tâm nhất sẽ là cặp tiền vệ trung tâm của chúng ta sẽ là ai khi đây đã là vòng loại trực tiếp và sẽ không có chỗ cho sự mạo hiểm và sai lầm. Xuân Trường gần như sẽ dự bị khi liên tục bị đuối sức sau 2 trận đá chính ở vòng bảng nhưng không quá nổi bật mà Jordan lại cực mạnh về thể lực và tranh chấp tay đôi. Còn thể hình của họ, cũng chỉ tương đương mình (1m 75 so với 1m78). Khi đó, ông Park có thể sẽ lại ưu tiên sự chắc chắn ở khu vực giữa sân nên rất có thể, Huy Hùng, Hùng Dũng và Đức Huy sẽ là những người được đặt niềm tin. 
Đây là 3 cầu thủ tiền vệ có thiên hướng phòng ngự, tranh chấp tốt nhưng ĐT Việt Nam sẽ chỉ sử dụng 2 trên 3 cầu thủ này. Nếu xét trên phương diện này, có thể Đức Huy và Hùng Dũng sẽ được sử dụng ngay từ đầu khi cả hai đều có cảm quan không gian tốt, có khả năng tỳ đè và át vía những cầu thủ Jordan chơi rất thiên về thể lực. Trong khi đó, người còn lại là Huy Hùng tuy rất giàu sức mạnh, cơ bắp và hơn cả Đức Huy và Hùng Dũng về mặt kinh nhiệm nhưng nếu nhìn tổng quan từ AFF Cup 2018, anh rất hay chuyền hỏng hoặc chuyền về khiến đội nhà mất bóng và bị phản công rất nguy hiểm. Trước Jordan, một đội tuyển không mạnh ở khả năng cầm bóng và làm chủ cuộc chơi, chúng ta cần giữ bóng tốt ở trung tuyến để từ đó phát triển bóng lên bằng những đường chuyền ở cừ ly ngắn và trung bình, vốn là sở trường của các cầu thủ tấn công bên phía ĐT Việt Nam.
Ông Park chắc chắn sẽ rất đắn đo cho bộ đôi tiền vệ trung tâm của chúng ta ở trận này khi bộ đôi đá trung tâm của Jordan sẽ là 2 cầu thủ rất giàu sức mạnh và giỏi tranh chấp. Cặp tiền vệ đá giữa của họ là bộ đôi Bani Ateyah và Abdel Rahman- một công một thủ rất đều đặn và luôn rất tích cực tham gia phòng ngự từ xa. Bani Ateyah là một người có thiên hướng công nhưng nếu so với tiền vệ công của chúng ta là Xuân Trường, Ateyah mạnh mẽ và chịu khó tranh chấp hơn rất nhiều. Còn người đá cặp với anh, Abdel Rahman là một tiền vệ đánh chặn nhưng sở hữu một cái chân trái cực "ngoan" y hệt Quang Hải của Việt Nam cùng với dó là những pha đá phạt rất xuất sắc, một điểm chúng ta phải rất cẩn trọng ở những điểm phạm lỗi trước vòng cấm.
Nhìn chung, sức mạnh của Jordan cũng hầu như chỉ đến ở các tình huống cố định và tổ chức phản công ở tốc độ cao nên tốt hơn hết, ĐT Việt Nam sẽ tiếp tục đá phản công bởi lẽ, ai cũng đã nhìn thấy những hạn chế của chúng ta khi đá tấn công chủ dộng trước Yemen. Thầy Park có lẽ cũng hiểu điều đó và đá theo kiểu rình rập và phản công dựa trên nền tảng kĩ thuật sẵn có sẽ là cách hiệu quả nhất để ĐT Việt Nam hướng đến chiến thắng và giành vé vào tứ kết Asian Cup 2019.
Chúc đội tuyển chiến thắng!