Trung thu của người Việt
Tháng 8 mùa thu, mùa của trà sen thơm và cốm mới, mùa của lễ hội trăng rằm đang gần kề. Hơn bất cứ đâu, tết trung thu tại gia đình...
Tháng 8 mùa thu, mùa của trà sen thơm và cốm mới, mùa của lễ hội trăng rằm đang gần kề. Hơn bất cứ đâu, tết trung thu tại gia đình có tầm quan trọng vô cùng to lớn. Trung thu là tết đoàn viên để gia đình cùng sum họp. Mọi người ngồi cùng nhau bên mâm cơm ấm cúng, dưới ánh trăng tháng tám sáng tròn vằng vặng. Những món quà ấm tình thân, những lời chúc đong đầy cảm xúc. Cùng những tiếng nói cười rạng rỡ của trẻ thơ trong đêm trăng rằm.
Tết Trung Thu, theo Âm lịch là ngày rằm tháng 8 hằng năm. Đây là ngày tết của trẻ em, còn được gọi là "Tết trông Trăng". Trẻ em rất mong đợi được đón tết này vì thường được người lớn tặng quà, là đèn ông sao, mặt nạ hay đèn kéo quân đủ đầy màu sắc... rồi bánh nướng, bánh dẻo. Vào ngày tết này, người ta tổ chức bày cỗ, trông trăng. Thời điểm trăng lên cao, trẻ em sẽ vừa múa hát vừa ngắm trăng phá cỗ. Ở một số nơi, người ta còn tổ chức múa lân, múa sư tử để các em vui chơi thoả thích.
Ở Việt Nam, ngày tết Trung Thu được diễn tả trong tục: "Ban ngày làm cỗ cúng gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng Nguyệt. Đầu cỗ là bánh mặt trăng, và dùng nhiều thứ bánh trái hoa quả, nhuộm các màu sắc sặc sỡ xanh, đỏ, trắng, vàng. Con gái hàng phố thi nhau tài khéo, gọt đu đủ thành các thứ hoa nọ hoa kia, nặn bột làm con tôm con cá coi cũng đẹp".
Theo các nhà khảo cổ học thì Tết Trung Thu ở Việt Nam có từ thời xa xưa, đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Còn theo văn bia chùa Đọi năm 1121 thì từ đời nhà Lý, Tết Trung Thu đã được chính thức tổ chức ở kinh thành Thăng Long với các hội đua thuyền, múa rối nước và rước đèn. Đến đời Lê - Trịnh thì Tết Trung Thu đã được tổ chức cực kỳ xa hoa trong phủ Chúa. Còn theo sách “Thái Bình hoàn vũ ký” thì: “Người Lạc Việt cứ mùa Thu tháng Tám thì mở hội, trai gái giao duyên, ưng ý nhau thì lấy nhau”. Như vậy, mùa Thu là mùa của thành hôn.
Việt Nam là một nước nông nghiệp nên nhân lúc tháng Tám gieo trồng đã xong, thời tiết dịu đi, là lúc “muôn vật thảnh thơi”, người ta mở hội cầu mùa, ca hát vui chơi Tết Trung Thu.
Theo phong tục người Việt, vào dịp Tết Trung Thu, cha mẹ bày cỗ cho các con để mừng Trung Thu, mua và làm đủ thứ lồng đèn thắp bằng nến để treo trong nhà và để các con rước đèn. Cỗ mừng Trung Thu gồm bánh Trung Thu, kẹo, bưởi và các thứ hoa quả khác nữa. Cũng trong dịp này người ta mua bánh Trung Thu, trà, rượu để cúng tổ tiên, biếu ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè. Trung thu đã trở thành một ngày lễ không thể thiếu trong văn hóa của Việt Nam từ xưa tới nay.
Người Trung Hoa thường tổ chức múa rồng vào dịp Trung Thu. Còn người Việt múa sư tử hay múa lân. Múa lân là phong tục được lưu truyền bao đời nay bởi mang nhiều ý nghĩa đặc biệt. Theo phong thủy, con lân có tác dụng trừ ma, xua đuổi tà khí và tai ương. Hơn nữa, Lân là con vật đại diện cho những điềm lành, may mắn, sự thịnh vượng và giàu có. Do vậy ý nghĩa Tết trung thu qua màn múa lân là cầu mong những điều tốt lành, bình an đến với mọi nhà...
Tết Trung Thu ở miền Bắc còn có tục hát trống quân. Ðôi bên nam nữ vừa hát đối đáp với nhau, vừa đánh nhịp vào một sợi dây gai hoặc dây thép căng trên một chiếc thùng rỗng, bật ra những tiếng "thình thùng thình" làm nhịp cho câu hát. Những câu hát vận (hát theo vần, theo ý) hoặc hát đố có khi có sẵn, có khi lúc hát mới ứng khẩu đặt ra. Cuộc đối đáp trong những buổi hát trống quân rất vui và nhiều khi gay go vì những câu đố hiểm hóc. Trai gái dùng điệu hát trống quân để hát trong những đêm trăng rằm, nhất là vào rằm tháng tám. Trai gái hát đối đáp với nhau vừa để vui chơi vừa để kén chọn bạn trăm năm. Người ta dùng những bài thơ làm theo thể thơ lục bát hay lục bát biến thể để hát. Tục hát trống quân, theo truyền thuyết, có từ thời vua Lạc Long Quân đời Hồng Bàng. Hát trống quân dần trở thành một nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của người Việt.
Đất nước Việt Nam chúng ta gắn bó với nền văn minh lúa nước nên hình ảnh ánh trăng mang nhiều ý nghĩa lớn lao. Trong những ngày tháng tám mùa thu mát mẻ, ánh trăng tròn, chiếu sáng muôn nơi, tô rõ từng cảnh vật. Người dân được ngồi thảnh thơi ngắm trăng sau một mùa vất vả, cực nhọc. Quả thực, đây là những giây phút thư thái, tuyệt vời nhất. Bởi ánh trăng mang biểu trưng của sự sum họp, gần gũi. Sự đầm ấm, quây quần chính là ý nghĩa Tết trung thu lớn lao được lý giải qua phong tục thưởng nguyệt này.
Ngoài ra, tục lệ ngắm trăng còn mang một ý nghĩa đặc biệt khác không chỉ đơn giản là khoảnh khắc vui chơi của người lớn và trẻ em. Người xưa cho rằng, dựa vào màu của trăng có thể tiên đoán được nhiều điều. Trăng chiếu màu cam là dấu hiệu của sự bình yên và hạnh phúc. Trăng thu màu lục hay xanh báo hiệu thiên thai ập đến, còn màu vàng là mang đến một mùa vụ thuận lợi.
Tết đoàn viên ở Việt Nam không thể thiếu được những chiếc bánh trung thu thơm ngon, ngọt ngào. Bởi đây là một thức bánh đặc biệt nhất chỉ có riêng mỗi dịp trung thu về.
Thông thường bánh trung thu có hai loại là bánh nướng và bánh dẻo. Món bánh thơm ngon, bổ dưỡng được làm cầu kỳ từ nhiều nguyên liệu khác nhau. Nhưng hương vị truyền thống với đậu xanh, hạt sen, đậu đỏ, lòng đỏ trứng muối, lạp xưởng… là được nhiều người yêu thích hơn cả.
Trước đây, bánh trung thu thường được làm hình dáng tròn, bởi quan niệm hình tròn là biểu tượng của sự đoàn kết, gắn bó và hoàn hảo nhất. Tuy nhiên, bánh trung thu ngày nay đa dạng và phong phú về kiểu dáng, hình thức trang trí và nguyên liệu… Bánh vuông, bánh tròn, hay bánh có hình thù ngộ nghĩnh, đáng yêu đều mang những ý nghĩa đặc biệt của mùa trăng.
Hương vị bánh thơm ngon, đặc biệt này không chỉ để cúng trăng và tưởng nhớ tới người đã khuất mà còn để cắt bánh phá cỗ. Đây là phong tục rất quan trọng trong ngày tết này. Thông thường, bánh sẽ được cắt thành từng miếng nhỏ bằng số lượng thành viên trong gia đình. Nhiều người quan niệm rằng, bánh chia càng đều thì gia đình cành hòa thuận, hạnh phúc.
Rằm tháng tám không chỉ là dịp để người lớn, trẻ nhỏ được thưởng nguyệt, rước đèn, phá cỗ trong tiết trời thu. Đồng thời, ý nghĩa Tết Trung thu còn lớn hơn cả những thông điệp của các phong tục truyền thống mang lại. Bởi đây là ngày dành cho sự đoàn viên, tình thân hữu, lòng biết ơn và báo hiếu.
Một năm, Tết trung thu chỉ diễn ra trong một ngày duy nhất. Vì vậy, ý nghĩa Tết trung thu càng đáng được trân trọng và gìn giữ. Không có lý do gì mà trong dịp lễ quan trọng này, chúng ta không dành những điều tốt đẹp nhất cho gia đình. Bởi đây là những người thân thiết và gắn bó nhất trong cuộc đời mỗi người.
Nhất là với những người con đi làm, đi học xa nhà thì Tết trung thu còn mang những ý nghĩa thiêng liêng hơn. Ai cũng mong ngóng để được trở về nhà, đoàn tụ trong vòng tay của mẹ cha và các anh chị em. Điều này cũng lý giải vì sao người dân Việt Nam lại trân trọng và yêu thương mùa thu tháng tám đến như vậy.
Khi cả nhà được quây quần bên nhau, an yên đón mùa trăng mới thì Tết trung thu mới thực sự đến. Người lớn cùng thưởng trà, ngắm trăng và hồi tưởng lại những ký ức tuyệt vời của ngày xưa. Còn trẻ nhỏ vốn hồn nhiên, vui vẻ cuốn hút cùng những câu chuyện, những sự tích hay những lời ca, tiếng hát và đặc biệt nhất là được rước đèn, liên hoan phá cỗ. Chỉ cần những giây phút gần gũi, đoàn viên đơn giản như vậy thôi cũng đủ thấy ý nghĩa Tết trung thu đáng quý biết nhường nào. Mọi người cùng sum vầy bên cốc trà thơm, bên miếng bánh dẻo ngọt, cùng kể những câu chuyện vui mà thấy sao thân thương, gần gũi. Đây là sợi dây gắn kết, xích mọi người lại gần nhau hơn để cùng cảm nhận và trao nhau yêu thương.
Trong thời đại ngày nay, khi mà con người thường bị cuốn bởi cuộc sống mưu sinh thì những khoảng thời gian gia đình đoàn viên càng giá trị hơn rất nhiều. Vì mỗi một mùa trăng qua đi là chúng ta đã bớt đi một cơ hội để đón trung thu cùng người thân.
Giữa thu tháng tám, mỗi chúng ta hãy tạm gác lại công việc, bỏ qua những ưu phiền để cùng đón Tết đoàn viên an nhiên, yên bình bên gia đình. Ý nghĩa Tết trung thu chính là sự đoàn viên, hạnh phúc quý giá không gì có thể sánh được.
Tết trung thu là dịp mọi người thể hiện lòng biết ơn và sự báo hiếu đối với những người thân yêu. Những mâm cỗ trông trăng được bày biện cầu kỳ, cẩn trọng thể hiện tấm lòng thành đối với các thành viên lớn tuổi trong gia đình, đó chính là ông bà, cha mẹ… Đồng thời chúng ta còn mang theo lời cầu nguyện cuộc sống yên ấm, hạnh phúc cho mọi người.
Tết đoàn viên là phong tục truyền thống lâu đời được gìn giữ cho đến ngày nay. Hiểu được cuội nguồn và những ý nghĩa Tết trung thu tốt đẹp này, chúng ta trân càng chân quý ngày hội này hơn. Một mùa trăng tháng tám lại sắp về, cầu chúc tất cả mọi người sẽ được đoàn tụ bên gia đình trong an nhiên và hạnh phúc ngập tràn
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất