Đầu tiên mình sẽ tóm tắt một số ý trong bài viết trên vnexpress.net mà mình có đọc được:
- Trung Quốc thúc đẩy ứng dụng AI trong cải cách giáo dục.
- Trọng tâm phát triển: Tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng thực hành AI.
- Áp dụng trên các yếu tố: Giảng dạy, học tập, đánh giá và nghiên cứu học thuật (theo mình hiểu thì đây là mọi khía cạnh của giáo dục đào tạo mà có thể tích hợp AI được, chỉ có mỗi việc thực hành thì người học phải tự thực hành)
- Lý do của việc này là AI thay đổi đổi thị trường lao động lẫn cách thức tạo ra tri thức, do đó Trung Quốc cũng cần thúc đẩy thay đổi mô hình đào tạo nhân tài.
- Triển khai trên mọi cấp học.
- Thí điểm trong việc dạy học và kiểm tra.
---

Họ có cơ sở làm điều này không?

Câu hỏi đầu tiên mình nghĩ đến là họ có cơ sở làm điều này không. Rồi mình nhanh chóng nhận ra câu trả lời: Chắc chắn, vì họ làm chủ được AI.
Điều kiện tiên quyết là làm chủ được công nghệ, bởi nếu đang áp dụng mà gặp vấn đề về bản quyền, tăng giá hay nặng hơn là cấm vận thì sẽ là các điểm chết không thể khắc phục được trong ngày một ngày hai.
Thứ hai là vấn đề dữ liệu sử dụng cho AI. Dữ liệu có một vấn đề là nó đòi hỏi sự bảo mật, nếu không thì các quốc gia khác có thể đánh cắp hoặc khai thác nó tốt hơn cả người sở hữu ban đầu. Mà chất xám trong giáo dục, định hướng giáo dục lại rất quan trọng, vượt trên cả những giá trị của dữ liệu thông thường. Một ví dụ tiêu biểu là rất nhiều thành tựu nghiên cứu, thí nghiệm của một số quốc gia thua trận trong chiến tranh đã bị bên chiến thắng cướp đoạt và phát triển nó, trở thành vũ khí hỗ trợ đắc lực cho họ sau này. Với lợi thế dân số đông, đã triển khai số hóa từ lâu, có nền tảng công nghệ phát triển mạnh, nguồn dữ liệu mà Trung Quốc có thể sử dụng cho AI khai thác là rất lớn.

Áp dụng AI vào dạy và học có khả thi không?

Để có câu trả lời cho câu hỏi này, mình đã nhìn lại suốt quãng thời gian vừa qua, khi mình sử dụng AI (cụ thể là mình sử dụng ChatGPT) trong việc học, chuẩn bị tài liệu, sáng tác... và có một số nhận định như sau:
1. Với những kiến thức dạng lý thuyết, việc dùng AI như một công cụ tra cứu, tổng hợp và giải thích lại chúng bằng ngôn ngữ tiếng việt dễ hiểu có thể nói là rất tốt. Nó giúp giải quyết được hai vấn đề: Cách truyền tải nội dung và rào cản ngôn ngữ. + Về cách truyền tải, nội dung khá đầy đủ và được trình bày bắt mắt, dễ hiểu. Thay vì kiến thức như 1 trang sách giáo khoa thì nó được viết như một bài post trên facebook, rất gần gũi, đẹp mắt. Một điểm nữa là nó có thể mở rộng kiến thức bằng các câu hỏi gợi ý để đào sâu thêm vấn đề; và những nội dung trong câu trả lời của AI có thể được yêu cầu đưa ra dẫn chứng về nguồn gốc thông tin mà nó có (lấy từ trang web nào, có đáng tin cậy không), có vi phạm bản quyền không? + Về ngôn ngữ, thay vì đọc các bài viết có nguồn tiếng nước ngoài, mình được đọc các nội dung bằng tiếng việt, được trình bày với văn phong gần gũi như trao đổi với một người bạn. Điều này giúp việc đọc và tiếp nhận nội dung rất tốt. Không có tình trạng bị trở ngại khi đọc phải những từ tiếng anh chuyên ngành hay phải tìm kiếm thông tin từ nhiều nguồn rồi phải tự tổng hợp lại.
2. Với những yêu cầu về thực hành, mình thấy chưa tốt. AI không tự sáng tạo ra được bài thực hành, hoặc nếu có file kèm theo thì file đó cũng chưa dùng được cho mục đích thực hành. Nó thiên về mô tả mục tiêu của kiến thức, dưới dạng một sản phẩm mẫu hơn là đưa ra đề bài kèm theo hướng dẫn thực hiện từng bước để đi tới đích.
Tuy nhiên, nó đã làm tốt một việc đó là chỉ ra được mục đích. Nếu mục đích đúng, người học có thể đào sâu hơn, hỏi kỹ hơn để cùng AI hoàn thiện sản phẩm này. Do đó để làm được tốt việc này, người sử dụng AI phải hiểu rõ mình muốn gì, sản phẩm của mình, để từ đó hướng cho AI hoàn thiện sản phẩm theo định hướng của mình, chứ không phải chấp nhận ngay sản phẩm của AI tạo ra.
3. Với những yêu cầu về kiểm tra, mình chưa tìm hiểu đủ sâu, mới chỉ lượt qua. Trước mắt mình thấy nó làm tốt việc tạo ra các bài kiểm tra dạng câu hỏi trắc nghiệm hoặc câu hỏi ôn tập kiến thức. Nhưng mình thấy các câu hỏi này chưa có tính hệ thống về tư duy theo kiểu đặt bẫy tư duy hay yêu cầu người học phải phản biện, suy luận, mà chỉ thuần túy là hỏi nội dung có sẵn.
Việc phân chia độ khó cũng đang dập khuôn, máy móc. Bởi AI khó có thể biết thế nào là "khó" theo cách tư duy của con người. Để làm tốt điều này phải có sự kết hợp giữa kinh nghiệm trong giảng dạy, đào tạo, kinh nghiệm ra đề kiểm tra.

Chúng ta nghĩ sao về việc ứng dụng AI trong giảng dạy, học, nghiên cứu?

Mình thấy nhiều bài viết nói về nỗi lo học sinh lạm dụng AI sẽ lười tư duy. Giáo viên lo sợ AI sẽ thay thế vai trò của họ.
Còn góc nhìn của mình là:
- Việc học sinh hiện nay, và các thế hệ sau, chắc chắn họ sẽ sử dụng AI như một công cụ hỗ trợ học tập đắc lực. Nó giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức trong việc nắm bắt kiến thức cơ bản. Tốc độ học 1 kiến thức mới sẽ được rút ngắn nhiều ở phần lý thuyết và kiểm tra. Họ sẽ có nhiều thời gian hơn cho thực hành. Việc sử dụng AI sẽ giúp chúng ta nhanh chóng "biết" về một thứ. Còn để thật sự "hiểu" được thứ đó, họ cần được thực hành đủ nhiều. Vai trò của giáo viên sẽ trú trọng hơn vào việc đưa ra các yêu cầu thực hành, giải quyết những bài toán thực tế hơn thay vì lý thuyết suông. Đây chính là thứ mà AI khó có thể làm được.
- Với giáo viên, họ có thể sử dụng AI để hỗ trợ việc xây dựng bài giảng, tổng hợp kiến thức, trình bày nội dung đa dạng với tốc độ nhanh và số lượng nhiều hơn. Thay vì dành cả tháng để xây dựng một chương trình thì giờ đây có thể họ chỉ mất 3-5 ngày. Với 1 tháng họ có thể làm được nhiều chương trình hơn, có sự phân cấp hơn cho các đối tượng học viên. Họ cũng có thể có thêm thời gian cho các yêu cầu thực hành, có tính thực tế hơn - thứ mà trước đây họ không có thời gian để tham gia.
Với 2 góc nhìn này, việc sử dụng AI trong giáo dục là rất khả thi và nó sẽ thay đổi đáng kể phương pháp giáo dục truyền thống. Giờ đây việc học không còn trú trọng vào ghi nhớ lượng kiến thức khổng lồ trong đầu nữa, không yêu cầu phải tính nhanh nữa, thay vào đó là khả năng liên kết kiến thức để mở rộng vấn đề, tư duy phản biện để khai thác sâu hơn một vấn đề, thời lượng thực hành tăng lên đáng kể để thật sự hiểu và làm chủ được vấn đề.
Đó là viễn cảnh không xa. Nó chỉ xa khi người ta vẫn ngồi đó than vãn, lo sợ. Nó yêu cầu ta phải thay đổi, có chăng là ta có dám thay đổi không?
---
18/04/2025
duongAQ