Dạo gần đây, Trung Quốc đang trở thành tiêu điểm quan sát cho cộng động quốc tế với những hoạt động, chính sách nghiêm khắc để chấn chỉnh lối sống của giới thanh, thiếu niên trong nước. Cụ thể như: chấn chỉnh lối sống thiếu chuẩn mực của giới văn nghệ sĩ trong nước (phong sát, cấm sóng…); hạn chế tư tưởng tư bản của các ngành nghề phục vụ dân sinh như dạy thêm ngoài giờ; giới hạn thời gian chơi game của thanh, thiếu niên xuống 3 giờ/tuần…
Nhìn vào những chính sách trên, chúng ta sẽ thấy có sự liên kết ở đây đó là đối tượng cuối cùng mà chính sách nhằm tới để hỗ trợ, điều chỉnh chính là giới trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước. Chúng ta hãy cùng phân tích thử:
- Chấn chỉnh giới văn nghệ sĩ: những thần tượng, những người được giới trẻ theo dõi và học hỏi còn nhiều hơn người lớn trong nhà. Một bộ phận không nhỏ của giới “xướng ca” này đang trở nên lệch lạc về lối sống, tự cho mình quyền đứng cao hơn luật pháp và luân thường đạo lý, tạo tấm gương xấu lên cộng đồng người hâm mộ, mà đa phần là những người trẻ, những chiếc la bàn đạo đức chưa vững vàng và dễ bị dao động.
- Ngừng dịch vụ dạy thêm có trả phí của các giáo viên trường tiểu học và trung học cơ sở công lập: giảm tải sức ép học đua của các học sinh. Chính sách này sẽ giúp hạn chế dần tâm lý không học thêm thì không lên lớp, không có tương lai của các bậc phụ huynh, qua đó không biến con mình thành các ngựa đua, gà chọi khi đi học.
- Giới hạn thời gian chơi game online của thanh, thiếu niên xuông 3 giờ/tuần: ngành công nghiệp game online phát triển vượt bậc đã thu hút toàn bộ sự tập trung, sức khỏe và cả tiền bạc của giới trẻ Trung Quốc. Tác hại của việc chơi game liên tục, trong thời gian dài đã được nhiều nhà khoa học chứng minh, di chứng để lại cho trí não và sức khỏe là hiện hữu.
- Ngoài ra, còn những chính sách khác như giảm học phí, giảm lượng bài tập, bài kiếm tra cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở.
Tại sao chính phủ Trung Quốc lại muốn thực hiện những chính sách tác động mạnh mẽ vào những thói quen, những luật bất thành văn của đời sống như vậy? Câu trả lời chỉ có 1, giới hoạch định chính sách Trung Quốc đang rất lo lắng cho tương lai nguồn lao động của đất nước, yếu tố quyết định đến bức tranh kinh tế và xã hội. Theo các nhà thống kê, lực lượng lao động trẻ của Trung Quốc trong thập niên qua có dấu hiệu thu hẹp vì tình trạng dân số già. Chính phủ Trung Quốc có thể lo ngại xu hướng này cộng hưởng với tình trạng người trẻ Trung Quốc dành quá nhiều thời gian cho giải trí và tiêu dùng, tác động tiêu cực đến năng lực sản xuất chế tạo và những ngành công nghệ cao trong diện ưu tiên chiến lược. Ngoài ra, việc điều chỉnh những bất bình đẳng trong phân phối nguồn lực hộ gia đình vào nuôi dạy và giáo dục trẻ em (chạy đua học thêm; áp lực học hành, thi cử tăng cao; chi phí nuôi dạy gia tăng…), là những chính sách căn cơ để kích thích tỷ lệ sinh của người dân. Khi môi trường sống của người dân Trung Quốc trở nên thích hợp để sinh và dưỡng một đứa trẻ, chi phí nuôi dạy giảm sẽ giúp người dân muốn sinh nhiều hơn (kế hoạch là vậy!)
Dự báo, những bước can thiệp tiếp theo vào đời sống và giáo dục thanh thiếu niên Trung Quốc sẽ hướng đến thể thao, giải trí, năng lực thể chất và hoạt động hội nhóm. Mọi hình thức giáo dục ngoài học đường hay trò chơi điện tử có thể được tái quy hoạch xoay quanh tinh thần yêu nước và lợi ích chung toàn xã hội.
Về sâu xa hơn, cuộc chiến này của giới cầm quyền Trung Quốc cũng là một sự tuyên chiến với Công nghệ Thông tin. Tại sao ư? Tất cả những thứ mà bộ máy của ông Tập đang muốn điều chỉnh đều sinh ra, biến chất và phát triển hùng mạnh cùng với sự phát triển của Internet. Những hội nhóm tôn thờ thần tượng trên không gian mạng, các diễn đàn dạy cách luyện con, hay những nền tảng chơi game online có thể nói đều là sản phẩm của Công nghệ thông tin, không có Internet, Facebook, Weibo hay bất kỳ một nền tảng truyền thông online nào thì những vấn đề được thảo luận trong các nhóm nhỏ này sẽ không thể tiến hóa lên thành những vấn nạn xã hội được… Không phải tự nhiên những Công ty Công nghệ như Alibaba, Tencent liên tục bị giới chức cầm quyền Trung Quốc sờ gáy trong thời gian gần đây.
Nhìn người mà ngẫm đến ta, những vấn nạn mà Trung Quốc đã trải qua và đang nỗ lực cải thiện, có thể nói ở Việt Nam chúng ta cũng có. Nhưng có thể nói là con đường để chúng ta giải quyết những vấn đề này sẽ khó khăn hơn Trung Quốc rất nhiều. Thứ nhất, cơ quan thực thi pháp luật của Đảng và Nhà nước trong những vấn đề này có lẽ chưa định hình được hiện trạng và có kế hoạch cho tương lai trung – dài hạn, từ đó dẫn đến việc thực hiện chính sách điều chỉnh sẽ không tập trung, không đi vào trọng tâm để giải quyết được vấn đề. Thứ hai, Việt Nam khá coi trọng nhân quyền của người dân (các bạn nên nhìn nhận sâu vào sự phát triển các nền tảng trên không gian mạng như Facebook, Tik Tok, Youtube khá tự do, so với nước láng giềng Trung Quốc), và những biện pháp mạnh tay là khó thực thi trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Thứ ba, các nền tảng Công nghệ đang phát triển mạnh trong nước đều không thuộc sở hữu của các Công ty trong nước (ngoại trừ Zalo), và khi can thiệp mạnh vào những nền tảng này với mục đích hành pháp sẽ thành xung đột với các Công ước Quốc tế mà Việt Nam ký kết.
Dù khó khăn thế nào đi nữa, chúng ta vẫn mong chờ rằng Chính phủ mới sẽ sớm nhìn nhận thấu đáo những khía cạnh này, để hướng tới nuôi dưỡng, duy trì và bảo vệ tương lai của giới trẻ Việt Nam. Vì đó không chỉ là nguồn nhân lực để vận hành đất nước mà còn là mục tiêu xây dựng một dân tộc Việt Nam hùng cường, một nòi giống Con Rồng – Cháu Tiên mạnh mẽ, tráng kiện và chính trực cả về sức lực, tâm lực và trí lực.
Hiếu Minh
01/09/2021.
Nguồn: