Câu chuyện về Barbieland

Tháng 7 năm 2023, bộ phim Barbie do Greta Gerwig làm đạo diễn đã được ra mắt. Với tông màu tươi sáng, rực rỡ của sắc hồng và cái tên Barbie đã quá nổi tiếng đã giúp cho bộ phim mang về 1,38 tỷ đô trên toàn cầu. Câu chuyện xoay quanh búp bê Barbie trên hành trình tìm cách khôi phục lại thế giới Barbieland sau khi Ken mang đến nhiều xáo trộn cho vùng đất này và tìm ra ý nghĩa cho sự tồn của cô. Chủ đề phim mang đậm chủ nghĩa hiện sinh và chủ nghĩa cá nhân, bộ phim đã đưa ra những thông điệp về thế nào là một người phụ nữ trong thế giới hiện tại.
Bên cạnh những nhân vật chiếm nhiều sóng như Barbie (do Margot Robbie thủ vai), Ken (do Ryan Gosling thủ vai), một nhân vật đã được làm nổi bật lên nhờ sự khác biệt của mình trong một thế giới tràn đầy tính nữ và tính nam chính là Allan (do Michael Cera thủ vai). Trong khi thế giới Barbieland có rất nhiều Barbie cũng như có rất nhiều Ken, riêng chỉ có Allan là nhân vật duy nhất có cái tên này, điều này làm cho cái tên Allan trở nên đặc biệt và khiến mình phải tìm hiểu về anh chàng này.
Allan trong thế giới Barbieland là một anh chàng đặc biệt, vui tính và duyên dáng, điều nhân vật này muốn chỉ là được vui vẻ, được mang đến những điều tốt đẹp cho cả các Barbie và các Ken. Nhưng Allan lại là nhân vật bên lề của cả các Barbie và các Ken, Allan đã sinh sống ở Barbieland, nhìn thấy được cái gì là sự nam tính và cái gì là sự nữ tính và anh nghĩ mình không thuộc về cả hai. Những sự nam tính được các Ken thể hiện anh thấy không phù hợp với mình, nhưng anh lại không phải phụ nữ và anh thích các Barbie. Đó là cảm giác mình rất thường xuyên gặp phải trong suốt quá trình sinh sống và lớn lên.

Tuổi thơ với những chuẩn mực

Từ nhỏ, mình đã được gia đình và sau này khi lớn hơn một chút là xã hội, dạy rằng thế nào là một người con trai và sau này là thế nào là một người đàn ông. Con trai có sức mạnh, con trai cứng cỏi, con trai hoạt bát vân vân. Tất cả những bài học đó được mình tiếp thu và thực hiện hoặc cố gắng thực hiện để trở thành một đứa con trai theo lời dạy của gia đình bởi vì gia đình là những người lớn nên họ phải biết thế nào là con trai chứ. Nhưng lúc nhỏ mình là một đứa mít ướt, mình hay khóc vì thua trò chơi hoặc bị bạn bè đánh. Những lúc mang cái mặt tràn đầy nước mắt nước mũi về nhà thì sẽ nghe ba mẹ nói con trai không có khóc, nếu bị đánh thì đánh lại nó chứ sao lại khóc. Bao nhiêu lần khóc bấy nhiêu lần nghe những câu tương tự, mình vẫn không thể ngừng khóc và trở nên “mạnh mẽ” như gia đình mong muốn.
Sau rất nhiều trải nghiệm thì cuối cùng mình cũng đã có thể không khóc nữa khi gặp khó khăn, và nó làm mình cảm thấy như một cái xác không hồn. Bao nhiêu nước mắt, bao nhiêu tiêu cực đã bị chìm sâu bên dưới sự mạnh mẽ được gọi tên là sự nam tính. Mình được xã hội dạy đàn ông phải khắc kỉ, phải nén cảm xúc của mình, đóng chai nó lại và vượt qua nó. Cho đến bây giờ mình cảm thấy, những lúc mình cần khóc thì khóe mắt lại cạn khô, cố gắng mấy chỉ là một vài giọt đủ để đọng lại trên mí mắt, chợt lăn dài trên gương mặt và bay hơi.

Định nghĩa về đàn ông và sự nam tính

Đàn ông là gì? Sự nam tính là gì? Ai là người định nghĩa hai thứ vừa rồi? Câu trả lời là xã hội.
Từ khi chúng ta được sinh ra, chúng ta được nhìn nhận là nam hoặc nữ dựa trên những tính trạng bên ngoài (bộ phận sinh dục), nội tiết tố và nhiễm sắc thể. Đây là giới tính sinh học của mỗi người. Tuy nhiên định nghĩa này chưa bao gồm người liên giới (chiếm 1.7% dân số thế giới) khi họ có cả những tính trạng của nam và nữ.
Đàn ông là một phần của bản dạng giới, được định nghĩa bởi văn hóa, xã hội và môi trường sống xung quanh dựa trên giới tính được giao khi sinh ra của cá nhân đó. Nó đại diện cho nhận thức của từng cá nhân về bản thân mình, về giới tính của mình và mong cầu được đối xử như thế nào.
Định nghĩa của đàn ông và sự nam tính đã được xã hội hình thành, thay đổi và phát triển theo dòng lịch sử. Từ thời xa xưa, con người sống theo bầy đàn, họ phân chia cho nam giới những công việc mang tính nặng nhọc và nguy hiểm còn nữ giới là những việc nhẹ nhàng và ít nguy hiểm hơn như là hái lượm hay chăm sóc con non. Đó là một trong những thứ đầu tiên định nghĩa người đàn ông và sự nam tính của họ: những việc làm khó khăn và nguy hiểm. Vai trò giới được sinh ra như là hệ thống tiêu chuẩn do xã hội áp đặt lên mỗi người dựa trên giới tính và yêu cầu họ phải thực hiện theo để được xem là đàn ông hay phụ nữ.
Ví dụ: phụ nữ được xã hội coi là phái yếu, nhỏ nhẹ, duyên dáng, đối nghịch với sự mạnh mẽ, kiên cường và khắc kỉ của người đàn ông.
Như vậy chúng ta thấy, sự nam tính là kì vọng xã hội về thế nào là một người đàn ông. Đàn ông là những con người mạnh mẽ, khắc kỉ, làm những công việc nặng nề, không được mặc màu hồng bởi vì đó là màu nữ tính,... Những người đàn ông không phù hợp với hệ thống đó sẽ bị cho là yếu đuối, thiếu nam tính và “đàn bà”.
Đây là một hệ thống tốt nếu như bạn muốn lập trình những người máy nam và người máy nữ hoàn hảo, một hệ thống danh sách tiêu chuẩn cần đạt được trước khi sản phẩm được tung ra thị trường và không sai lệch một chút nào. Nhưng chúng ta là con người, và con người thì phức tạp hơn như thế. Con người không sống trong hai màu trắng đen mà là ở giữa là dải màu xám với nhiều sắc độ khác nhau. Việc đóng khung con người trong những danh sách tiêu chuẩn khác nhau chỉ để phân biệt họ thực sự đáng chê trách. Mình bị “trừng phạt” bởi những việc làm “không nam tính”, bị ép buộc phải theo quy chuẩn xã hội, bị lăng mạ khi ý tưởng về một người đàn ông của họ không thể áp dụng được với mình.

Những sự biến tướng xấu xa

Nam tính độc hại là những tiêu chuẩn trong hệ thống chuẩn mực xã hội mà nó gây đến sự tiêu cực cho nam giới. Cụm từ này nhấn mạnh những khía cạnh tồi tệ của nam tính khuôn mẫu, gây ảnh hưởng đến bản thân nam giới và cả những người xung quanh anh ta.
VD: Bạo lực, thích thống trị, chôn giấu cảm xúc và sự thù địch với sự nữ tính hay nữ giới.
Phiên bản này tồi tệ hơn nam tính bởi vì nó ảnh hưởng đến những người đàn ông, tồn hại đến sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần và rập khuôn đàn ông từ khi là những bé trai, thúc đẩy hành vi phân biệt giới tính và tính gia trưởng, góp phần gây ra tình trạng bất bình đẳng giới gây nhiều bất lợi cho phụ nữ và đem đến nhiều đặc quyền cho đàn ông.
Khi áp dụng nó với mình, mình đã chịu sự chai lì cảm xúc khi không cho phép bản thân cảm nhận những tiêu cực và xả chúng ra một cách lành mạnh như khóc ở một đứa trẻ hay nói về cảm xúc bản thân ở người lớn. Hiện tại mình đang trong giai đoạn đi tìm lại sự lành mạnh trong cảm xúc của bản thân bằng cách cho bản thân mình được buồn và có thể là được khóc nhiều hơn, tìm những chỗ dựa tinh thần để có thể thể hiện con người mình ra nhiều hơn, mang vớ sặc sỡ hơn… thứ mà mình muốn làm và nên làm từ lâu lắm rồi.

Bạn là duy nhất

Mỗi cá thể đều mang những sự đặc biệt, mỗi con người là phiên bản độc nhất và chỉ có bạn là chính bạn, không thể có phiên bản thứ hai được đúc khuôn mà ra. Thay vì ép mình vào một cái khuôn không vừa, hãy xem đó là những sự gợi ý, những điều nên cân nhắc trên chặng đường phát triển của bản thân và hãy trở thành con người mà bạn muốn trở thành. Hãy là người đàn ông, người phụ nữ, đứa con trai, đứa con gái duy nhất và của chính bạn. Bạn là một hạt cát đặc biệt trong một bãi biển đặc biệt. Điều đó không đồng nghĩa với việc ai cũng đặc biệt thì không ai đặc biệt. Sự đa dạng chính là thứ tạo nên con người, giúp con người tồn tại và phát triển.
Nếu bạn không là Barbie cũng không thuộc phe về Ken, hãy trở nên độc nhất như Allan.