Sáng nay, bạn qua nhà sớm. Mắt nhắm mắt mở trùng trục đi ra, bạn cười và đưa cho một chiếc hộp.

Mùng một tháng sáu, thế là đã có hoa. Hoàng lan vẫn còn xanh. Nhài thơm ngào ngạt bên cạnh mẫu đơn và hoa cau. Định sang Lý triều xin mấy lá trầu nhưng mà lười quá, thôi thì có sao dùng vậy!
Ngày xưa, người ta hay kiêng hoa nhài trong việc thờ cúng. Hoa nở ban đêm dù thơm, dù đẹp, dù tinh khiết đến mấy cũng chẳng phải là loài đoan chính, dù có thật thơm, thật đẹp nhưng cũng chỉ dùng trong phòng chứ tuyệt đối không để lên bàn thờ. Suy nghĩ của các cụ ngày xưa có thể chẳng còn hợp thời nhưng các cụ có lý của các cụ.

Rửa lại một lần, hoa được bày lên đĩa sứ trắng sạch với ba loại thôi. Mùng một thế này cũng gọi là tươm rồi.
Nhìn đĩa hoa trên bàn thờ chợt nhớ lại thuở xưa. Có một thời, hoa chưa được bán bằng gánh, bằng xe đạp như bây giờ. Hoa được bán bằng đĩa, được bày biện sắp xếp bởi những nhà hàng hoa. Cứ mùng một, ngày rằm, những nhà hàng hoa lại mang một đĩa hoa đến cho gia chủ. Trước là ân sâu Phật Thánh cùng gia tiên tiền tổ, sau là trang trí gia môn. Cái lệ ấy dường như đã ngắt quãng từ lâu, đến giờ thì chẳng còn mấy ai theo cả.
Yêu hoa, chơi hoa là truyền thống có từ lâu của người Việt. “Chơi hoa có cả trăm đường”. Mỗi người một nghệ, mỗi người một tinh. Người thích thả trong bát. Người thích dùng bàn chông. Lại có người thích bọt biển. Cũng không hiếm người thích lọ từ nhỏ đến to, từ thấp đến cao, từ đơn tới đa. Người thích kiểu Nhật, kiểu Tàu. Người thích cắm lẫn màu kiểu những năm 80 của thế kỷ trước. Có người thích quy tắc. Có người tùy sở trạng. Người ưa mùi. Người chơi màu.
Hoàng lan xanh quá!
Bên cạnh mùi hoa sữa, Hà Nội còn màu hoàng lan, còn mùi hoàng lan. Một màu xanh đặc trưng và khiêm nhường trong bạt ngàn loài hoa. Màu xanh chẳng ám ảnh như màu mái tóc của người con gái trong bài thơ của tác giả yêu hoa sim ngày nào. Màu xanh cũng chẳng như những điều được chạm tới trong truyện ngắn của Thạch Lam. Màu xanh chẳng hiển nhiên như bầu trời thu Hà Nội. Màu xanh này rất hoàng lan.
Đó là màu của tuổi trẻ, màu của những điều đang qua.
Đó là màu của tiếc nuối, khi đã ở vào tầm tuổi của người viết – một hời hợt trung niên vẫn luôn hoang mang vì những điều gần gũi nhất.
Đó là …