Trong công việc, ổn định có đồng hành cùng sáng tạo và phát triển?
Nguồn ảnh: unsplash.com Mình vừa đọc một bài viết, dưới bài viết đó một bạn đã bình luận 'có nghề nào không phải là nghề sáng...
Mình vừa đọc một bài viết, dưới bài viết đó một bạn đã bình luận 'có nghề nào không phải là nghề sáng tạo'. Mình ấn tượng với câu này vì nó nhắc mình về công việc mình đã và đang làm hơn mười năm qua - kế toán.
Mình tự hỏi 'Rốt cuộc mình không nhìn ra và phát huy được tính sáng tạo trong công việc hay công việc đó không có chút sáng tạo nào?' Có lẽ là cả hai.
Về tính chất công việc, cho đến hiện tại mình vẫn đang đánh giá công việc kế toán mà mình đang làm là một công việc có tính sáng tạo rất rất thấp, gần như là không có. Những phát sinh trong công việc của mình không có gì mới, đều đều hàng tháng, chỉ khác nhau về mặt số liệu. Cuối tháng ngần đó công đoạn, cứ việc theo quy chuẩn mà làm. Sáng tác thêm cái gì mới chết dở. Hồ sơ thanh toán thì cũng đã chuẩn bị trước một mẫu chung, áp dụng cho toàn bộ các khách hàng. Nếu khách hàng nào có yêu cầu đặc biệt thì sẽ bổ sung theo ý của họ, cũng không phải mình đi sáng tạo thêm.
Về phía người làm là mình đây, cũng không có tính sáng tạo nốt. Mình cứ đều đều làm cùng một vị trí công việc như vậy suốt bao năm. Không học hành mở mang thêm các kỹ năng nào mới hay cập nhật xu hướng phát triển của thị trường việc làm. Cao nhất cũng chỉ là tham gia các khoá tập huấn nghiệp vụ. Đấy cũng chẳng phải do mình chủ động, công ty hay cơ quan có thẩm quyền liên quan yêu cầu thì mới tham dự. Thêm nữa mình còn thoả hiệp với môi trường làm việc mà mọi người ngại thay đổi. 'Em làm kiểu này chị thấy phức tạp, khó hiểu thêm. Em có chắc mình làm được không?' Đồng nghiệp và sếp bồi cho mình câu đó kèm thêm một đống lý do khác khi mình muốn thay đổi một vài khâu trong quy trình công việc trong khi họ thậm chí còn chưa xem hết kế hoạch của mình. Sau vài lần như vậy mình đã thôi không còn muốn cố gắng cải thiện công việc cho tốt hơn nữa. Mình từ chối thay đổi để được ổn định, để được yên thân, không cần cải thiện gì lương thưởng vẫn tăng đều theo quy chế, chẳng ảnh hưởng gì. Lúc đó mình còn không nhận ra được là tính ù lì này có vấn đề, rất rất có vấn đề. 'Quanh mình ai chả vậy,' mình tự nhủ.
Đầu năm 2020, một người quen nhờ đến hỗ trợ công việc giấy tờ do bạn phụ trách nghỉ đột ngột, mình có cơ hội được tiếp xúc với việc dạy năng khiếu cho trẻ em, lúc đó mình mới có ý niệm về tính đa dạng và linh hoạt trong công việc.
Mình bắt đầu tìm kiếm, tham gia vào các group trên các trang mạng xã hội và choáng ngợp. Đâu phải chỉ có đến văn phòng nhận lương đều đều hàng tháng hay chắc một chân trong một cơ quan nhà nước mới là cách kiếm tiền duy nhất đâu. Tư duy của mình đã bị đóng khung trong sự ổn định và máy móc. Sẽ không có vấn đề gì nếu nhịp cuộc sống quen thuộc vẫn diễn ra như nó vẫn thế suốt mười năm qua. Nhưng trong xã hội có nhiều biến động như bây giờ, lấy ngay đại dịch covid là ví dụ, công ty làm ăn sa sút, thậm chí đóng cửa thì mình không còn chút năng lực hay ưu thế cạnh tranh nào hết. Kinh nghiệm giờ không còn là tiêu chí hàng đầu trong tuyển dụng nữa, tuổi tác trở thành một gánh nặng.
Mình sẽ không chết đói được. Đương nhiên rồi! Nhưng ở đây mình quan tâm đến góc độ sáng tạo và tính thích nghi. Mình mong muốn được thử sức trong những lĩnh vực mới. Mình học viết nhưng đến cách viết cũng bế tắc và cũ kỹ, quẩn quanh như chính tư duy của mình vậy. Ở tuổi ngoài ba mươi thay đổi cách suy nghĩ, học hỏi bồi đắp các kỹ năng mới không hề dễ dàng. Các thành viên trong nhóm khá e dè, lạ lẫm với một người 'không còn ít tuổi như mình'. Rất nhiều các cuộc thi viết, sáng tác, cộng tác viên đều giới hạn độ tuổi, hoặc mang theo tựa đề 'dành cho tuổi trẻ', mình cảm thấy mình bị bỏ rơi, à không, chính xác là cảm thấy mình bị văng khỏi dòng phát triển tiến về phía trước của xã hội.
Khi mình đem những trăn trở này chia sẻ với các bạn, họ đều cảm thấy mình thật ngớ ngẩn. Đang yên đang lành lại cứ đòi thay đổi làm gì. 'Giờ mày có thiếu gì đâu mà đòi thay đổi', 'Giờ học không vào được đâu', 'Khó đấy, từ bỏ đi' đây là những câu mà mọi người thường bảo tôi. Rốt cuộc nhu cầu được phát triển, được học hỏi ở lứa tuổi ngoài 30 có gì là sai chứ?"
Hiện tại mình đang trong trạng thái chơi vơi, vừa nỗ lực chật vật để bắt kịp với xu thế mới với đầy sự nghi ngờ, hoang mang về bản thân, vừa ngột ngạt trong cái khung ổn định quen thuộc trong suốt bao nhiêu năm. Sự mâu thuẫn này chính là một trong những cái giá phải trả cho việc chấp nhận ổn định khi còn trẻ.
(Hà Nội, ngày 22/03/2021)
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất