Sáng ở làng nghề, nắng lên sớm nhưng không khí vẫn rất mát mẻ. Mình chạy ra chơi với mấy chiếc kén tằm vàng ươm, lấp lánh. Cô Duyến bảo: "Đừng động vào mấy cái đấy, để vậy cô hốt cho. Vì kén tắm có cái mùi "oi" rất đặc trưng, ai ngửi quen thấy khó chịu mà rửa mãi không sạch." Cô trêu gái thành phố đừng động vào. Mình cười. "Cháu cũng ở quê thôi ạ. Với lại có kén thì mới có đủ ti tỉ thứ vải, thứ khăn đẹp, nên càng phải trân trọng hơn." 
Một chiếc kén tằm.
Chúng mình quay lấy video các cô, các bác làm tư liệu. Bếp lửa bập bùng, nồi kén đầy ụ, rồi sang chậu đũi đang kéo dở. Mình thò tay xin kéo thử, nhìn thì dễ mà cái bàn tay vụng về này chả vê nổi đoạn nào, cứ kéo ra là đứt. Tay ngâm nước tí đã nhăn nheo. Mình nắm lấy bàn tay của cô, thầm cảm ơn sự tảo tần qua bao tháng năm. Thầm cảm ơn dù bây giờ người ta vào nhà may, xí nghiệp thì cuộc sống chắc đủ đầy hơn nhưng cô vẫn bám trụ với nghề. Năm ngoái cũng về thăm cô, hi vọng sang năm vẫn được về thơ thẩn với dàn mướp bé tí mà lủng lẳng bao nhiêu là quả, quanh quẩn với căn nhà nhỏ bé đơn sơ với chiếc ăng-ten bé tin hin mà rực sáng bởi nụ cười của người  phụ nữ yêu nghề truyền thống.
Chú ăng-ten bé tin hin.
Nắng lên cao, tầm 9-10 giờ chị Huyền chụp ảnh được một lúc thì say nắng. Các bác vừa pha nước chanh cho uống vừa lắc đầu chê thanh niên giờ yếu quá. Mình với San thì loay hoay làm vải với bác Đại. Mấy bác cháu ngồi nhặt mấy mảnh trấu còn sót lại, là cho phẳng gấp cho gọn. Vừa làm bác vừa ri rỉ kể chuyện cho chúng mình nghe. Từ chuyện bác đi học hỏi, chuyện Covid, chuyện lấy chồng, rồi chuyện làng chuyện xóm. Bác kể chuyện bác nói với anh con trai bác: "Bố cũng không hiểu lí do vì sao. Nhưng tơ tằm nó như là đam mê của bố, bố không bỏ được. Bây giờ đã già, con cháu trưởng thành nhưng vẫn mê." Mình nghe câu đó mà thấy xúc động quá. Chẳng hiểu vì sao. Chắc bởi vì ai đó, khi thật sự yêu một người hay yêu một công việc nào, đều trở nên tỏa sáng. Giống như hình ảnh bác ngồi trên chiếc bàn trong gian nhà cặm cụi làm việc, là một trong những khung cảnh đẹp nhất mà suốt mấy mươi năm cuộc đời mình chứng kiến.
Hoa mướp nhà "nàng"
Bữa cơm trưa có món dưa trong vườn muối. Dưa chưa chín hẳn, ăn vào cay xè, cảm giác nó xốc lên tận óc như ăn mù tạt. Đứa nào đứa nấy nước mắt ròng ròng. Thế mà vừa ăn vừa cười, vừa xuýt xoa: Chao ôi ngon thế!  Lại thêm bát canh rau đay nấu tôm và mướp, ăn đến đâu mát ruột đến đó. Mấy bác cháu bữa nào cũng mở bia uống với nhau. Tiếng cốc cụng, tiếng khà sảng khoái và tiếng cười vang vọng một góc làng. Nhà có quả gì, bác Hòa mang ra thiết khách hết. Chị Huyền với San thì ăn vừa thôi. Còn mình tính cả nể, đưa gì cũng ăn, nên hôm nào cũng no tròn lại còn tăng cân nữa. Ai nghe cũng cười nhưng đều khen ăn được ngủ được là ngoan, các bác quý.
Chiều thì quay ra xem anh Duy nhuộm màu vải từ lá bàng. Nồi nước lá sôi sùng sục, bỏng giãy nhưng thơm lừng. Là thứ mùi thơm của hương đồng cỏ nội, dễ chịu và cũng dễ thương. Nhuộm màu tự nhiên phải nhuộm đến ba lần. Cứ nhuộm lên phơi, rồi lại nhuộm tiếp. Mình chạy ra thấy anh đã căng tấm vải vừa nhuộm. Luồn người lom khom xuống mặt dưới, vừa đưa tay vuốt ve mặt vải man mát, lại người thấy hương bàng lẫn với mùi đặc trưng của tơ tằm. Mình gọi đó là thứ mùi của hạnh phúc.
Một tấm vải mới thơm mùi lá bàng.
Giữa buổi anh nấu xong mẻ đũi mới, bác Hòa hướng dẫn chúng mình phân loại để phơi lên. Sản phẩm của ai sẽ được buộc một màu chỉ khác nhau để tính công. Có người vê khéo, có người vê chặt, chia ra để còn chọn mà dệt khăn, dệt vải cho đẹp. Từng bó đũi trắng ngà, nom đầy ú ụ phơi kín cả khoảng sân, đung đưa trong gió. Mình đững giũ đũi một lúc cho sạch thì trời sâm sẩm tối. Mấy đứa mượn chiếc xe đạp của cô Thoa, cô Duyến đi quanh quanh trong làng. Mua hai gói bim bim rồi đi ra mép hồ, ngồi ăn. Vừa ăn vừa nhìn xuống miếng ruộng xâm xấp nước còn trơ gốc rạ có vài con ốc đang bò thật chậm rãi. Chị Huyền bảo ước gì được nằm vật ra đây ngắm trời. Mình cũng thế, mình cũng thích nhìn lên bầu trời. 
Câu chuyện  bó đũi.
Đến tối, ăn cơm xong bác Hòa còn đưa đi bộ thêm một vòng nữa. Trăng hôm đấy là trăng mười sáu, vừa tròn vừa sáng. Mình lẩm bẩm: "Trăng quầng đại hạn. Trăng tán thì mưa." Năm nay nhìn trăng có vẻ quầng quầng, bác bảo lâu lắm rồi không có cơn mưa nào. Mấy bác cháu vừa đi vừa kể chuyện. Trời thì tối, nhưng tự dưng mình muốn hát, thế là mình hát: "Trời xanh xanh rất xanh, một cô em trông rất xinh tươi." San và chị Huyền cũng phụ họa theo. Chúng mình có đi qua một nhóm các cô đang tập nhảy. Lũ trẻ thì túm tụm chơi với nhau ở một góc cạnh đấy. Ông chú thì nằm dài trên ghế, áo vắt lên cổ, ngước lên nhìn cả một bầu trời sao lấp la lấp lánh.
Mình ở làng nghề chẳng muốn về. Mình thích cái êm ả dễ chịu của những bóng cây, của cơn gió mát lành thổi từ đồng vào. Mình thích cái nét đẹp lao động tỉ mẩn, nhưng kiên trì bền bỉ theo cùng năm tháng. Mình thích tình yêu của các bác, các cô, các anh với nghề truyền thống của cha ông. "Con người sống được mấy chục năm trên đời. Điều quan trọng không phải cháu giàu có, hay kiếm được thật nhiều tiền, mà là những giá trị cháu để lại cho đời."   Đêm đó, bác Đại vừa nhâm nhi cốc chè xanh vừa bảo mình như thế. 
Vậy, mình nên về chứ! Về để tìm cách đưa sản phẩm của các bác đến với nhiều người hơn nữa, để các bác yên tâm sản xuất, để người ta không đi theo nhà máy nước ngoài mà quay lưng lại với thứ nghề mà ghế cao ghế thấp gì cũng mỏi này.
Bạn mình vẫn hay tặc lưỡi tiếc rẻ tấm bằng kĩ sư của mình. Bạn không hiểu, với mình chẳng có tấm bằng nào giá trị bằng niềm vui khi được làm công việc mình thích. Ngày trước mình có bạn bè, có quần áo, giày dép, những buổi hẹn chơi không đầu không cuối. Ngày nay, mình có sách, có công việc, có nơi thi thoảng viết linh tinh, ít bạn hơn nhưng chất lượng, và mình có hạnh phúc.
Covid đến, khó khăn vẫn còn chồng chất đến thời điểm hiện tại. Có những chiều anh em lặng nhìn nhau, mặt buồn thiu. Nghĩ không biết có trụ được đến bao giờ. Vừa lo vừa buồn. Nghĩ không được làm với nhau thì buồn lắm. Nghĩ không được làm với các bác, các cô thì buồn nữa. Bác cứ an ủi, động viên luôn. 
Thực ra, cuộc đời vốn vậy đó. Thi thoảng lại ném cho bạn một cục tạ. Chẳng quan tâm bạn đã sẵn sàng hay đủ cứng cáp hay chưa. Nhưng có một lẽ mặc nhiên là điều đó tất yếu sẽ xảy ra. Khó khăn sẽ không bao giờ ngơi nghỉ, mà chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác. Bạn hoặc chiến đấu và trưởng thành, hoặc từ bỏ rẽ hướng và gặp một khó khăn khác. Có lẽ cái khác nhất là đến khi gặp cái khó khăn tiếp theo, người lựa chọn đối mặt đã nâng cao được giới hạn của mình, còn người rẽ hướng sẽ tiếp tục luẩn quẩn trong những ngã rẽ hay lựa chọn đối diện một lần đây?
Hoa giấy ven đường
.Và đây là phần kết: