Good morning...
Được một hôm buổi tối cuối tuần đầy tâm trạng, không có gì trong tay để làm, thế là mình quyết định mở Netflix lên và tận hưởng bộ phim đầu tiên đập vào mắt. Định mệnh thế nào lại trao cho mình Nó - bộ phim dù không được đánh giá cao nhưng lại là một món ăn tinh thần vừa đủ, để "chạm". 
Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi (tựa đề tiếng Anh: Good morning and goodnight) là ấn phẩm đầu tay của nam đạo diễn Chung Chí Công. Bộ phim kể về một ngày vi vu khắp Thành phố hoa lệ của một đôi bạn trẻ, Vĩnh Tâm - chàng nhạc sĩ trẻ và Giang Th.Anh - cô tài xế Grab Bike, để ngày hôm sau mỗi người có thể đi theo hướng đi của mình. Trong suốt chuyến đi như-được-sắp-đặt ấy, những tâm tư, suy nghĩ, rắc rối trong cuộc sống của hai tuyến nhân vật nói riêng và tuổi trẻ nói chung dần được bộc lộ. 
Cũng như những bài viết trước đây, mình không chê bai phim hay, dở, hoặc là "sao lại phải dùng chiêu PR thế kia" blah blah, mình chỉ muốn chia sẻ những điều mình thấy được từ chiếc phim này. 
1. "Bầu trời sáng nay đẹp quá" 
Tâm là con chiên Thiên Chúa giáo. Đang đi dạo và chuyện trò cùng người bạn mới quen, Tâm xin phép một chút thời gian để vào Nhà thờ và xưng tội với Cha. 
Vào buổi sáng hôm ấy, Tâm có dự định "nhảy xuống từ ban công của khu chung cư cũ đó" vì thất bại, vì sự áp lực của việc đối mặt với nó hằng ngày. Nếu nhảy xuống, Tâm đã là một con ma vấn vương ở chốn trần gian vì những điều mình chưa buông bỏ được. Nhưng không, Tâm đã được cứu với ánh mặt trời lúc bình minh và có lẽ đó cũng chính là lúc anh nhận thấy được sự thật rằng: Dù tối hôm trước có lạnh lẽo và cô quạnh đến thế nào thì sáng hôm sau vẫn có ánh dương ban mai đẹp đẽ, chực chờ có người đón nhận những ánh dương đó và khiến họ thốt lên rằng "Trời ơi con chưa muốn chết"
Và cùng với khúc Thánh ca được dâng cao lúc ấy, mình như được hồi sinh lại từ những góc tối trong chính bản ngã của mình. Lúc đó, Tâm nói với Cha: "[...] nhưng con lại không làm vậy, vì bầu trời sáng nay đẹp quá". 
"Bầu trời sáng nay đẹp quá" - Tâm nói, cùng với đoạn Thánh ca dâng cao, khiến người xem (là mình) có cảm giác như đang được hồi sinh từ đống tro tàn cảm xúc của chính bản thân. 
 2. Thực 
Thực mình đang đề cập đến ở đây không phải là diễn xuất chân thực của (các) diễn viên, mà chính là góc quay. 
Bộ phim sử dụng nhiều những góc quay 1/3 cùng với những khung hình đối xứng đủ và ít những phân cảnh quay trung tâm (chủ thể chính nằm ở giữa khung hình), làm người xem có cảm giác một Sài Gòn thân thuộc qua những ngõ ngách, con hẻm, những đoạn đường đầy ổ gà nhấp nhô cạch cạch. Đôi khi là những phân khúc quay toàn cảnh, có cảm giác như thành-phố-hoa-lệ này được ngắm nhìn từ trên cao xuống, có thể thấy vạn vật chứ không bị bó hẹp. 
Phân đoạn được quay theo bố cục đường dẫn (hai nhân vật chính ở hai bên đối xứng, ở giữa là con đường dài hút ở phía sau) tạo cảm giác hai nhân vật đang thực sự nói chuyện với nhau một cách thân mật đến khó tả bằng lời 
3. Sự lạc lõng của một phần nhỏ thế hệ trẻ 
- "Hồi mới lên Sài Gòn, em thích nó bao nhiêu. Giờ thì, em ghét nó bấy nhiêu." 
- "Sài Gòn đâu có lỗi." 
- "Ừ thì Sài Gòn đâu có lỗi đâu, nhưng mà càng ngày em cảm thấy em không hợp với nó nữa." 
Ở quán nước của chị Ka, một chị bạn quen biết với người bạn cũ của Th.Anh, diễn ra một cuộc tâm tình ngắn của hai người bạn mới quen về Sài Gòn. Và cũng chính tại đây, khung cảnh này, góc quay này Th.Anh đã nói lên sự "không hợp với nó nữa" cùng với một cái lắc đầu nhẹ và đôi mắt như muốn thể hiện sự giận dữ đối với thành phố này. 
Phản ứng, có thể nói là chân thực nhất của nữ chính, gần như nói lên phần nào đặc điểm chung với những người trẻ, nhất là những người phải xa quê đến những thành phố lớn để học và làm việc: Liệu nơi đây, một nơi đầy ắp những cơ hội ngon lành nhưng dần về sau càng thấy lại càng không hợp, có còn ổn cho mình không? Ở lại không yên lòng, mà về cũng không xong. Hay nói cách khác, một cảm giác chênh vênh vô định không lối thoát mỗi khi miểu lòng.
"[...] nhưng mà càng ngày em cảm thấy không hợp với nó nữa" cùng ánh mắt diễn tả một sự khó chịu đến tức giận
4. Âm nhạc 
Là một bộ phim âm nhạc - chính kịch nên việc thiếu nhạc thì không thể rồi. Song, nhạc trong phim không phải là những bài cần đến dàn vũ công phụ họa đầy đam mê nhiệt huyết và máu lửa. Những bài indie, cả cũ lẫn mới của những danh nghệ sĩ có tiếng trong giới underground, với những giọng hát và cây đàn guitar. Một sự kết hợp thông thường, không cũ không mới, nhưng bằng cách nào đó đã tạo nên điểm nhấn cho bộ phim (chí ít là đối với người xem dễ tính như mình). 
5. Bài học về sự kết nối 
Hai người, một nam một nữ, biết nhau qua Grab, có một cuốc xe thôi mà lại thân. Hẳn nhiều người sẽ nghĩ "Aaaa, FWB hay ONS rồi, zời!". 
Có thể đúng, cũng có thể không đúng. Nhưng nếu để ý, có thể ta sẽ thấy được cách mà hai nhân vật này kết nối được với nhau: bằng ứng dụng đặt xe ôm công nghệ. Hay nói cách khác, nhìn theo từ phía mình, dụng ý của tác giả có thể nói rằng bản chất của con người là không thể đơn độc một mình mà họ cần phải và cần được kết nối với nhau, bằng cách này hay cách khác đều phục vụ mục đích ấy. Hơn nữa, những người mà chúng ta đã, đang, và sẽ kết nối được ấy đều sẽ phải rời đi sau khi hoàn thành nhiệm vụ của họ: Gửi gắm những bài học, kinh nghiệm, v.v. đến cho tụi mình. Đến khi đó, ta phải học thêm cách biết chấp nhận để mà đi tiếp
6. Lời nhắn gửi từ tên phim 
Ở đây mình sẽ dùng tên phiên bản tiếng Anh của bộ phim, là Good morning and Goodnight. 
Ai biết tiếng Anh chắc chắn sẽ biết ý nghĩa của những cụm này. Bằng cách vô tình hay cố ý, cái tên này như một lời nhắn gửi đến khán giả, hay cụ thể hơn có thể là những tâm hồn cô đơn, lạc lõng chưa tìm thấy lối thoát: 
- Good morning: Xin chào và chúc các bạn, những tâm hồn cô lạc, một buổi sáng tươi đẹp và tràn đầy ánh nắng!
- Goodnight: Bạn đã có một ngày làm việc học tập chăm chỉ và mệt mỏi rồi. Ngủ ngon đi nhé! 
Nghe như là một lời chúc từ một người bạn thân thiết, có thể là bất kỳ ai, nhỉ. 
[Nếu các bạn chưa xem phim thì có thể tìm trên Netflix hoặc đã xem rồi thì hay cho mình biết thêm những gì các bạn thấy được ở phần comment nhé] 
                                                                                                            ... and Goodnight.