Khi tôi còn học lớp 5, tôi có quen một người bạn cùng lớp. Cô ấy có một khuôn mặt bình thường, hơi gầy và cao. Bạn đó lớn hơn tôi 2 tuổi, trái ngược với con người của tôi, là một người hoạt ngôn, bạn ấy trầm tính, ít nói và rất ít nói. Tôi hay phát biểu trong lớp, thậm chí không giơ tay vẫn nói, điều này khiến thầy chủ nhiệm tôi khó chịu. Còn bạn ấy thì không, nói đúng hơn là chưa bao giờ phát biểu trong lớp.
Có một lần bạn mấy bị gọi đứng tại chỗ trả lời. Tôi là người thích quan sát người khác, không lý nào một trường hợp hiếm có thế kia tôi lại không ngoảnh lại nhìn. Bạn ấy cuối đầu, miệng lấp bấp cái gì đó, thầy chủ nhiệm bước xuống để nghe rõ hơn, tôi thấy cô ấy càng ngày càng run. Tôi không hiểu có gì phải ngại chứ? Thầy bảo bạn ấy ngồi xuống. Lớp học trầm xuống bất ngờ. Có lẽ ông thầy đang nói gì với bạn ấy. Tôi không quan tâm. Quay lên nói chuyện với đứa bạn của mình.
Bỗng ông thầy đứng trên bục nói rằng bạn ấy  không biết đọc và khó đọc. Thế quái nào mà một đứa lớp 5 lại không biết đọc. Và điều gì khiến bạn đó lên được lớp 5. Sau này tôi mới biết đó là điều hết sức bình thường bởi chỉ tiêu đề ra là phải 100%, bạn không nghe lầm đâu, 100% phải lên lớp, bắt buộc phải lên lớp.
Giờ ra chơi, thầy có cuộc gặp riêng với tôi, thầy nhờ tôi dạy kèm bạn ấy đọc trên lớp. Tự dưng cái tính nói nhiều của mình cũng có ngày được trọng dụng. Tôi về khoe với mẹ về việc này với những lần bị đội sổ vì nói chuyện trong lớp. Tôi no đòn.
Ngày nào tôi cũng ngồi cạnh bạn ấy, dậy bạn ấy cách đọc. Ngày qua ngày, tôi cảm thấy có gì đó không đúng. Bất bình thường ở bạn ấy. Không hẳn là không biết đọc. Đến khi cấp 3 tôi mới biết đến khái niệm "chứng khó đọc". Dần dần, khả năng đọc của bạn ấy tiến triển tốt hơn. Nhưng xét về mặt bằng chung của lớp, có lẽ bạn ấy đuổi không kịp. Nếu trở ngại về tâm lý của bạn đó phát hiện sớm hơn, được quan tâm hơn thì có lẽ sẽ tốt hơn cho bạn ấy.
Gần cuối học kì, bạn ấy bị đuổi học vì lý do không biết đọc. Tôi tự hỏi rằng tại sao không đuổi ngay từ đầu. Nhiều năm sau tôi biết rằng thật ra việc bạn ấy bị đuổi đơn giản vì nó sẽ ảnh hưởng đến thành tích 100% đậu tốt nghiệp cấp 1 của nhà trường. Thành tích đáng nể của họ.
Lần đầu tiên một câu hỏi lớn trong lòng tôi hiện ra: liệu những con người không may mắc phải những rào cản tâm lý ấy,  xã hội này có chấp nhận họ không, hay là bỏ qua họ? Xem họ như kẻ dị thường. Tôi từng mắc chứng chậm nói, 4 tuổi tôi mới nói được, tôi cố nói thật nhiều để tôi không quá kì lạ với toàn thể mọi người. Dù nhiều lần ăn đòn vì tật nói nhiều của mình nhưng tôi vẫn nói. Tôi chỉ muốn như một người bình thường.
Cuối cấp ba tôi có tham gia 1 group về tâm lý học, mục đích của tôi là học hỏi về những trở ngại tâm lý của con người. Hoạt động khá lâu, tôi là các quản trị viên quyết định sáng lập page về tâm lý học. Mục đích ban đầu là chia sẽ cũng như lắng nghe những khúc mắc trong lòng của mõi người. Cũng như chữa lành những vết thương mà không một kim khâu nào có thể may lại được. Nhưng rồi tôi từ từ nhận ra rằng, trên đời này có rất nhiều người có những trở ngại về tâm lý, tôi không thể giúp được tất cả, nhưng xã hội này thì có. Chỉ cần xã hội này gian tay đón nhận những con người khác biệt kia, chấp nhận họ như một con người bình thường. Thì những trở ngại tâm lý đó sẽ không còn tồn tại nữa. Nhưng điều đó có lẽ sẽ rất khó.....