Mới đây, Cộng Hoà Ireland mở cuộc bầu cử nhằm bãi bỏ Điều 8 trong Hiến Pháp qui định cấm phá thai, và kết quả, vào ngày 26/5/2018, đã ngã ngũ với phần thắng thuộc về những người ủng hộ bãi bỏ.
Cách đó xa xa, ở Việt Nam, bên cạnh những trò hề như trẻ trâu miệt mài Chạy Ngay Đi để bớt ngu si, đọc xeo-hép để mau bẻm mép, và chụp băng vệ sinh để khoe bị rong kinh, thì một nhóm hài mới đầy triển vọng nổi lên với hashtag #SaveThe8th, ra chiều muốn giữ Điều 8, và phản đối việc phá thai.
Nếu như các bé chụp băng vệ sinh đơn giản để khoe bị rong kinh, thì các #SaveThe8th, không đơn giản như thế, lại muốn khoe đạo đức ngời ngời của mình.

Đó là trò hề, một trò hề cần có khán giả, và đôi khi, cần cả tiếng cười.

I. THẾ NÀO LÀ GIẾT NGƯỜI?


Luận điệu bất li thân của các rồ-thai rằng: Cái thai là một con người, phá thai là giết người. Giết người là trái đạo đức.
Để phản bác luận điệu này, như trước mọi cuộc tranh luận lô gích, ta luôn cần định nghĩa khái niệm trước.
Thế nào là một con người?
Thế nào là hợp đạo đức?
Tin vui là cả hai vấn đề trên đều là chủ đề từ lâu của triết học và thần học; tin buồn là đến giờ vẫn chưa ngã ngũ.
Bài này tôi sẽ không đi vào lối mòn các tiền nhân, mà sẽ giả định luôn, theo hướng có lợi cho các rồ-thai: Cái thai được coi đã là con người, và kết hợp với những điều luật đang vận hành và được ủng hộ trong thế giới này.
Vậy—

1. Trách nhiệm của người nữ?


Nếu cái thai là con người, đây là một người, vì tình cờ, đã gắn kết sinh mạng mình vào một người nữ mà nằm ngoài ý chí và mong muốn của cô gái. Như lẽ hiển nhiên cô gái không có nghĩa vụ phải duy trì gắn kết với người khác, mà hoàn toàn có quyền chấm dứt gắn kết nếu muốn. Dù cho sinh mạng người kia kết thúc theo sự chấm dứt, đó vẫn không thuộc trách nhiệm cô gái.
Nếu rồ-thai thương tình cho người kia, họ có thể đến nhận về. Nếu người kia chết khi bị tách khỏi cô gái, đó là chuyện của người đó.
Chúng ta đã biết về lí cô gái không buộc phải có trách nhiệm duy trì, nhưng xét về tình thì có nên không, đặt dưới quan điểm cô gái thì không. Bởi Người chửa là cửa mả, tức phụ nữ khi đẻ rất nguy đến tính mạng, ngoài tính mạng thì còn tàn phai nhan sắc, da bụng sồ sề. Cô gái không buộc phải lựa chọn cứu người-hại mình như thế.

2. Còn các rồ-thai?


Ta đã biết có thai ngoài ý muốn là việc không may xảy ra chẳng mong đợi, còn có tên khác là tai nạn. Trước một tai nạn như vậy, dưới quan điểm người bị nạn: phá thai là cách giải quyết ít tồi tệ nhất, đẻ ra là cách giải quyết tồi tệ nhất.
Vậy cớ sao các rồ-thai luôn muốn người bị nạn chịu cách giải quyết tồi tệ nhất? Đạo đức các người áp dụng lên ai? Phải chăng chỉ áp dụng với cái thai, còn cô gái nằm ngoài phạm vi áp dụng?
Có thể sẽ có người nói, cô gái quan hệ tình dục nên đáng chịu. Nếu vậy, phải chăng qhtd là một tội lỗi?
Oh God, why?
Tiếp, giả định cô gái bất chấp nguy hiểm mà gắn kết trong 9 tháng, sinh nở thành công. Vậy—  
    (a) Tiền của sinh nở, công sức và nhan sắc bỏ ra để hoài thai của cô gái, các rồ-thai có chịu đền bù toàn bộ?
    (b) Đứa bé đẻ ra các rồ-thai có nhận nuôi không? Giao việc nuôi cho cô gái, tất nhiên, là không được.
    (c) Nếu cô gái nuôi, và không đủ kinh tế lẫn kiến thức để giáo dưỡng con cho tốt. Đứa bé lớn thành tội phạm, các rồ-thai có chịu đi tù cùng nó?
    (d) Nếu đứa bé đau khổ vì cuộc sống nghèo hèn, các rồ-thai có chịu sửa chữa?

4 câu hỏi trên, nếu các rồ-thai đều trả lời thì đáng khen, còn trả lời không dù chỉ một câu, thì trò hề đạo đức bắt đầu được diễn.

II. THẾ NÀO LÀ ĐẠO ĐỨC?


Phần I ta đã xét đoán vấn đề giết người theo lí tính, ở đây ta xét theo đạo đức. Bên cạnh định nghĩa về con người, định nghĩa đạo đức cũng có rất nhiều trường phái triết học, và cũng chưa ngã ngũ.

Đọc thêm:

Ta hãy nhìn từ cách thế giới đang vận hành trước.

    (a) Một kẻ buôn ma tuý bị ngồi tù, xét theo nhân quyền, hắn đã bị tước quyền tự do, những người thực thi pháp luật có lí do cho điều đó: tách hắn khỏi cộng đồng để gìn giữ trật tự và ổn định xã hội. Hại một người để bảo vệ nhiều người.
    (b) Một kẻ giết nhiều người bị tử hình, họ có lí do cho điều đó: loại trừ hắn khỏi cộng đồng để gìn giữ trật tự và ổn định xã hội. Giết một người để bảo vệ nhiều người.
Có thể có người nói rằng tên sát nhân gây tội, đứa bé thì chưa, tên sát nhân bị giết vì số người hắn đã giết. Nghe rất hay! Nhưng không ra gì.
    (c) Một tên khủng bố nã đạn vào đám đông, thật không may (hay là có may nhỉ) hắn là tay súng tồi, tua cả băng toàn trượt. Cảnh sát được quyền bắn vỡ hộp sọ hắn, óc phọt ra bầy nhầy, bên cạnh tròng mắt nát bét khiến những em xì tin nhìn thấy ré lên như bị hiếp dâm, mà không bị tội gì.
Rõ ràng hình phạt để ổn định xã hội, chứ không phải để trả thù, nếu trả thù, hẳn một kẻ sát hại một gia đình, thì gia đình kẻ đó cũng bị lôi ra bắn cùng mới đáng.

Có một thuyết triết học tên gọi Vị Lợi, do Jeremy Bentham và người kế nhiệm là John Stuart Mill xây dựng. Mục đích Thuyết Vị Lợi là mang đến càng nhiều hạnh phúc cho số đông người càng tốt. Một hành động đạo đức hay không tuỳ xét vào mục đích nó mang.

Và luật pháp thế giới này vận hành bằng Thuyết Vị Lợi.
Và việc phá thai là đạo đức hay không tuỳ thuộc mục đích của người phá.
Một người muốn mang thai và có thể nuôi nhưng phá cho vui, rất khác với, một người không muốn mang thai và không thể nuôi nên phá để tương lai tránh khó khăn.

Tất nhiên các rồ-thai có thể phủ nhận thuyết này, mà vẫn xét đạo đức biệt lập trong hành động, nhưng nếu im lặng trước các Vị Lợi đang vận hành trong thế giới thì, ấy đấy chính là cái gọi là: TRÒ HỀ ĐẠO ĐỨC.

Bài đến đây hết rồi, sau đây chỉ là vài tâm sự ngoài lề với các rồ-thai cho vui.
Nếu coi cái thai là con người, chính xác là con người tiềm năng bởi nó chưa phát triển đủ hình hài, nó cần đủ điều kiện để đến hình hài hoàn thiện, vậy thì tinh trùng và trứng cũng là con người tiềm năng, chúng chỉ cần đủ điều kiện.
Vậy, mộng tinh và hành kinh cũng là giết người, cũng trái đạo đức.
Thai người thời kì đầu.
Suýt quên, nếu cái thai là con người, vậy việc đẻ nó ra có phạm nhân quyền, vì ý chí của nó không chắc muốn được đẻ?

Tornad
27/5/2018