Trò chuyện với một người không muốn tiêm vắc xin
Nhân dịp cả nước Đức đang trở thành ổ dịch vì bùng phát covid-19 mạnh mẽ, khi mà các bệnh viện bắt đầu quá tải và tỉ lệ người tiêm...
Nhân dịp cả nước Đức đang trở thành ổ dịch vì bùng phát covid-19 mạnh mẽ, khi mà các bệnh viện bắt đầu quá tải và tỉ lệ người tiêm chủng đầy đủ chỉ ở mức 67%, mình muốn đem đến một mảnh thông tin nhỏ ở góc độ một cá nhân liên quan đến những chuyện đang xảy ra. Ở đây, bài viết không có ý ca ngợi hay chê bai những người được nhắc đến.
Vài tuần trước, trong một buổi gặp mặt của nhóm SMD - một nhóm sinh viên Cơ Đốc giáo tổ chức sinh hoạt văn hóa cho sinh viên quốc tế, mình có dịp nói chuyện với Tobias. Cậu là một thành viên thường xuyên của nhóm và cũng là một sinh viên cùng trường với mình. Tobias là người Đức và đến nay vẫn chưa tiêm một mũi vắc xin nào cả.
Vì không nhớ chính xác từng lời nói của mỗi người (ngay cả của chính mình) nên mình xin phép viết lại ý của cuộc trò chuyện này theo lối kể chuyện. Mặc dù không báo cho Tobias biết trước khi đăng bài, nhưng mình tin danh tính của cậu ấy sẽ được giữ kín vì thế giới này có vô vàn Tobias.
Tobias: mày đã tiêm vắc xin chưa?
Mình: tao tiêm cả 2 mũi rồi, mũi 1 cũng ổn còn mũi 2 thì mệt hơn hẳn. Còn mày thì sao?
Tobias: tao không tiêm vắc xin, tao bị nhiễm covid nhưng bây giờ thì khỏi rồi. Lúc đó cả bố mẹ tao xét nghiệm cũng dương tính nhưng sau đó đều khỏe lại.
Mình: ô thế mày có bị di chứng gì không? mất vị giác chẳng hạn?
Tobias: không tao không có di chứng, thấy đau họng cảm giác như bị cảm cúm thôi, chữa vài ngày là khỏe lại. Tao nghĩ cứ như hồi xưa thì dịch bệnh qua nhanh hơn nhiều. Khi con người không biết đến vắc xin là gì và cũng không biết cách phòng chống, họ nhiễm bệnh rồi chết đi, rồi sau đó dịch bệnh cũng qua.
Bây giờ vì khoa học phát triển và có vắc xin nên dịch bệnh kéo dài hơn, mới có chuyện đi tiêm, cả phong tỏa và hạn chế tiếp xúc nữa. Mà hạn chế như thế này thì tác động xấu đến tâm lý và giáo dục lắm.
Mình: đúng là các biện pháp này ảnh hưởng đến tâm lý và giáo dục, nhưng lúc này có những hậu quả không thể đảo ngược. Khi bệnh viện quá tải và có người chết, không thể làm họ sống lại được trong khi bệnh tâm lý có thể được chữa trị, kiến thức cũng có thể dạy lại mà.
Tobias: tao đồng ý là các biện pháp giúp giảm áp lực cho hệ thống y tế, cứu mạng người là việc nên làm. Nhưng tao tin là có những hậu quả lâu dài khi làm như thế. Khi một đứa trẻ không được ra ngoài và cũng không được đi học, trong khi nó đang ở giai đoạn quan trọng để phát triển, thì nó có thể sẽ phát triển không hoàn thiện khi lớn lên.
Mình: *vẫn không cảm thấy thuyết phục lắm, nhưng không có ý định biến cuộc nói chuyện này thành tranh luận nên chuyển hướng* Mày khỏi bệnh như thế thì kháng thể có hiệu lực trong bao lâu?
Tobias: tao nghĩ là tầm 4-5 tháng đấy
Mình: vậy sắp tới khi kháng thể suy yếu, mày có định tiêm vắc xin không?
Tobias: tao hi vọng không cần phải tiêm vắc xin, có thể sắp tới chính phủ không làm được gì để kiểm soát dịch bệnh, có thể tất cả mọi người rồi sẽ nhiễm bệnh.
Mình: thế mày chỉ cần bị nhiễm thêm lần nữa là khỏi phải tiêm
Tobias: *cười*
...
Đến đây câu chuyện cũng nhạt và chuyển sang một chủ đề khác. Mình nhớ mình và Tobias đã nói nhiều hơn những gì được viết ở đây, có thể là đùa cợt hay những chi tiết nhỏ xung quanh nhưng ý chính thì như các bạn đã thấy.
Tại một thời điểm có một cậu người Đức thứ 2 xuất hiện trong cuộc nói chuyện này. Tuy nhiên, cậu nói rằng đã chán ngấy với chủ đề covid nên hầu như giữ im lặng và rồi chuyển sang bàn khác ngồi. Cậu này thì đã tiêm đầy đủ nên mình cũng không nhắc tới ở đây.
Điều mình không hiểu là: dường như những con số tử vong hàng ngày, những hậu quả có thể trông thấy ở hiện tại vẫn không thể làm thay đổi suy nghĩ của những người không tiêm chủng. Dường như là, họ lo lắng cho những hậu quả chưa biết đến mà vắc xin và các biện pháp hạn chế có thể gây ra và quyền tự do cá nhân hơn.
Ở mặt tích cực thì, sự tự do này bảo đảm quyền con người không bị xâm phạm. Mặt khác, tình hình covid này giống như một trò chơi có tổng bằng 0 mà trong đó lợi ích có được của người không tiêm chủng là mất mát mà người đã tiêm phải gánh chịu (đúng hơn là mất mát của tất cả) và không ai biết tình hình này sẽ còn kéo dài đến bao giờ.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất