"Trò chuyện với bản thân là cái quái gì mà ai cũng khuyên ta nên".
3 cách để lắng nghe bản thân
Ta đã nghe quá nhiều lần về việc học cách lắng nghe bản thân, đã thuộc lòng những bài giảng về cách nuôi dưỡng tâm hồn người. Thế nhưng ta luôn đau đáu một suy nghĩ rằng làm sao để lắng nghe được chính chúng ta?
Điều đó còn khó khăn gấp nhiều lần với chính những bạn trẻ, những người đang trong quá trình phát triển tích cách và đang dần nhận ra ta chính là ai. Sẽ có nhiều khi, ta mơ hồ, thấy bản thân buồn bực vì chuyện không đáng, thấy mình nhạy cảm, thấy mình nặng ưu tư vì những hành động nhỏ bé. Ta biết cũng mông lung rằng không biết là do tính cách hay đâu đó trong ta tổn thương.
Người ta cứ khuyên rằng nên lắng nghe mình nhiều hơn nhưng đâu mới là cách. Làm sao tôi có thể nghe được chính lời tôi nói ?
Là một người hướng ngoại, sẽ chẳng bao giờ tôi có ý định ngồi lại với chính mình, để nhìn thấy chính mình. Thế nhưng tôi chợt nhận ra một điều, nói chuyện với bản thân không khó như người ta vẫn hằng tưởng. Chỉ là ta cần tìm được đâu là điểm kết nối với con người thật nhất của chính mình.
1/ Nơi mà ta được làm chính mình.
Mỗi khi buồn bực hay trở nen thiếu năng lượng - cái khoảnh khắc mà ta cần chăm sóc bản thân mình nhiều nhất, tôi thường lủi thủi ra một góc nhỏ nào đó thoải mái nhất. Chẳng cần là nơi với ánh đèn rực rỡ và khung cảnh nên thơ như trong phim, đôi khi chỉ cần là vào trong phòng, khẽ với tay tắt đèn rồi bật một bài nhạc nhẹ.
Với tôi, đó là niềm hạnh phúc nhỏ nhoi. Tôi ngóng tìm một nơi thật kính đáo, sống chân thành với những suy nghĩ trẻ con mà bao lâu nay nó bị kèm nén. Đôi khi, tôi nằm và mơ về những chiến tích hào hùng mà mình sẽ đạt được, mơ màng về thuở đầu mới yêu nhau hay có khi là vẽ lại một chuyện tình đẹp. Khi trong một tâm thái hoàn toàn thư giãn, ta sẽ tìm về những kỉ niệm buồn vui để rồi còn chia ngọt sẻ bùi, trải nghiệm trọn vẹn giây phút hiện tại giữa ta và chính ta. Đó tôi gọi là lắng nghe bản thân.
2/ Một sở thích nho nhỏ.
Tôi nghĩ đây là cách thú vị để sống thật với chính mình. Xin hãy hiểu rằng đây là sở thích rất riêng, rất cá nhân và có khi bạn ngại khi phải chia sẻ ra. Bởi có những người thích ngắm một bông hoa mãi không dời mắt, bởi có những kẻ viết nhạc làm thơ, bởi có những bạn lặng lẽ viết nhật kí. Tất cả những điều ấy thật khó để nói ra nhưng thật dễ để tận hưởng một mình. Tôi luôn tin rằng một thú vui mà ta ngượng ngùng khi nói ra lại là chính điều chân thật nhất về mình.
Tất cả những hứng khởi ấy khơi dậy cảm xúc trong ta, mang ta đến những miền tưởng tượng, để ta mơ màng mãi không nguôi. Hãy để những thanh âm, những giai điệu hay những khung cảnh đẹp đến nức lòng gợi lên sự rung cảm và giúp bạn cảm nhận trọn vẹn thời khắc hiện tại.
3/ Hãy hỏi mình có đang vui không
Ta từng nghĩ tự nói chuyện một mình thật kì lạ trong khi thuở bé, ta vẫn hằng làm điều đó, ta vẫn diễn tập, nói chuyện với những nhân vật, đồ chơi. Thế tại sao ta lại không tiếp nối trò chơi thú vị ấy nhỉ?
Tiếc rằng, theo các nhà nhân chủng học, ta luôn tự dày vò và đau đáu về những hối tiếc, những buồn đau, những điều dở dang chưa trọn vẹn. Bởi một phần, não ta được thiết kế để luôn chú tâm vào những điều chưa hoàn thiện để rút kinh nghiệm và nâng tỉ lệ sinh tồn. Chính thiết kế ấy mang đến cho ta sự bất an, là "FOMO" (Fear of missing out), là sợ hãi và tệ nhất là quên đi những hạnh phúc trước mắt.
Thế nên dùng có dằn vặt đến đâu thì hãy luôn tự hỏi, ta đang có được những gì và học cách biết ơn về điều đó. Tại sao đến khi phải xa rời gia đình, ta mới biết nhớ, biết thương bóng hình cha mẹ? Tại sao đến khi phải rời xa quê hương, ta mới tiếc, mới ngậm ngụi trước kí ức tuổi thơ? Tại mãi cho đến khi mất đi, ta mới quý trọng?
Phương pháp ở đây là hãy liệt kê những điều mình biết ơn trong cuộc sống này, nhỏ bé thôi cũng được. Có thể là biết ơn vì còn được sống khỏe mạnh, biết ơn vì còn được chuyện trò với người thân. Những điều ta biết ơn sẽ thổi bừng lên những giá trị tích cực trong cuộc sống, làm nó sáng tỏ trước mắt ta. Để rồi cuối cùng ta nhận ra : "Thật ra mình không phải là kẻ bất hạnh". Với tôi đó là yêu thương bản thân.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất