Lắm lúc ngồi mơ
Giấc mơ, mơ ước... hay những thứ tương tự vậy là một trong những thứ thay đổi theo thời gian, nó không bị đánh thuế nên người ta mơ...
Giấc mơ, mơ ước... hay những thứ tương tự vậy là một trong những thứ thay đổi theo thời gian, nó không bị đánh thuế nên người ta mơ đủ thứ trên đời. Thủa tôi còn theo các anh đi chăn bò thì mơ ước của tôi không phải siêu nhân không phải là đồ chơi hay quần áo mới, những thứ đó là những thứ tôi không thấy trong thế giới của tôi. Ở thời điểm ấy ước mơ của tôi chỉ đơn giản là không phải đi quét lá nhãn về đun, thắng thật nhiều bi của bọn trẻ con xóm khác, có thật nhiều dây thun để bện thành dây to và dài, có nhiều cây tú lơ khơ nhỏ hay đơn giản là buổi tối mất điện để tối khỏi phải học bài rồi được chạy đi chơi, mơ làm người lớn... còn rất nhiều, rất nhiều nữa nhưng tôi không thể hệ thống lại một cách đầy đủ nên tôi sẽ chỉ kể lại theo sự dẫn dắt của trí nhớ bằng lối tùy bút chính vì vậy nó sẽ không có trật tự và quy luật hệt như những giấc mơ vậy, cũng có thể sự rối loạn ấy đến do tôi đang mơ tưởng về những ấu thơ đó thật hoặc có thể hoài niệm đồng loạt ùa về tôi khiến tôi trở nên vội vàng tới độ không còn kịp sắp xếp lại nó nhưng hãy thử xem trong sự hỗn loạn ấy biết đâu chúng ta sẽ thấy chúng ta của ngày xưa ở đây.
1. Chơi đồ hàng.
Tôi không biết ở quê bạn gọi là gì nhưng từ khi chúng tôi còn nhỏ mấy đứa con gái đã gọi ấy là chơi đồ hàng cái tên mà tôi thấy chẳng liên quan tí tẹo nào cả. Trong trí nhớ của tôi thì những ngày tôi bé xíu mấy đứa con gái trong xóm hay rủ cả bọn ra chơi nhà một con bé ở cuối xóm, nhà nó là cái nhà cấp 4 quay về đằng Tây ngay phía bên phải vườn nhà tôi, nhà nó thường chỉ có mỗi nó ở nhà nên bọn tôi thường kéo đến quậy phá mà không sợ bị quở mắng. Cả một lũ trẻ con 5 6 đứa cả trai lẫn gái đứa thì bằng tuổi tôi đứa thì hơn 1 2 tuổi có khi là 3 nhưng trẻ con ở quê ngày xưa gọi nhau mày tao như nhau hết chứ không có anh em hay chị em như trẻ con bây giờ, thường thường bắt đầu chơi mấy đứa con gái lớn tuổi to con và to mồm hơn sẽ được quyền phân công "mày là bố đứa này..." "đứa này là mẹ mày..." "mày là con lớn, con thứ hai, con thứ 3, thứ 4..." và có thể là kính thưa các loại vai vế trong gia đình, đại loại là sẽ có cha mẹ, ông bà, anh em trong một gia đình hoặc hai hoặc có thể là 3 gia đình nếu đủ số nhóc tì. Tôi nhớ tôi thường đóng vai em nhỏ cũng có khi tôi thủ vai khác ví dụ như vai chồng, tôi rất ngại vai này do tôi hay xấu hổ và mỗi lần như thế tôi thường phá bĩnh nên bọn con gái cũng không cho tôi thủ những vai "quan trọng" vậy nên vai chính của tôi trong các cuộc chơi đồ hàng là một vai em út hoặc vai gì đó miễn sao vai đó không quá quan trọng, vì nếu quan trọng tôi được mặc sức phá đám mà tụi nó không cản nổi.
Đó là màn phân vai để bắt đầu cho cuộc "giả làm người lớn" tiếp đến là đi kiếm đồ dùng trong gia đình, đồ dùng của chúng tôi là vỏ của những con trai đã bị thịt, mảnh bát vỡ, hay bất cứ thứ gì nhặt ngoài vườn, bờ rào có khả năng đựng được để giả làm xoong nồi, bát ăn cơm. Đũa ăn chúng tôi lấy bằng những mẩu tre khô rồi bẻ ra, mà có đôi khi quên luôn rằng cần dùng đũa... tiếp đó là bếp nấu cơm, bếp nấu cơm thường được kê sát hai viên gạch để làm sao có thể đặt "nồi cơm" ở giữa mà không rơi tọt xuống dưới. Thường thường công việc kiếm đồ gia dụng này được giao cho bọn nhắng nhít, phá đám nhất để chúng có công ăn việc làm và kìm hãm sự phá hoại chính vì lẽ vậy nên lần nào thủ vai tôi đều được giao nhiệm vụ cao cả này...
Những đứa thủ vai quan trọng trong cộng đồng mà đám bọn tôi đề ra sẽ là bố mẹ, ông bà, mấy đứa đóng bố mẹ thì sẽ phải đi mua thức ăn, đi chợ... Mà thật ra là đi lấy thức ăn chúng tôi lấy bột gạch từ những viên gạch bị mưa gió làm cho bở ra từng mảng giả, mì chính được lấy từ hoa của loài cây mà cái tên của nó khá bốc mùi ấy là cây hoa cứt lợn, ngoài ra nhưng thứ gia vị hay thức ăn khác đều lấy từ hoa, cỏ dại ví như hoa đồng nội, quả thèn đen, mồng tơi... đủ các loại cây cỏ mà chúng tôi có thể nghĩ ra để lấy nó làm một thứ đồ ăn gì đó. Kế đến là vai ông bà, đây có thể nói là vai diễn tôi ghét nhất vì mấy đứa không phải làm gì chỉ ngồi cố làm giả điệu bộ thều thào của các cụ già miễn sao cho trông thật ốm yếu như thể các "cụ non" ấy có thể trút hơi thở ngay lập tức trước mặt đám con cháu bằng tuổi các cụ vậy, cũng vì thế mà tôi không ít lần phá đám và tìm cách chọc phá các cụ non ấy mỗi khi lên cơn ngứa mắt...
Khi đủ vật dụng cần thiết cho buổi đồ thì bắt đầu đám trẻ con tụi tôi bắt đầu diễn lại công việc thường nhật làm sao cho giống nhất của một gia đình thôn quê bấy giờ, bố đi làm, mẹ ra chợ bán hàng, các cụ già ngồi nói chuyện với nhau và trẻ con ngồi học tựa như một vở kịch mà các đoàn kịch hay về sân kho các làng để chiếu cho mọi người xem. Chỉ khác là mỗi phân cảnh chỉ diễn ra trong có vài phút với sự góp mặt của những khán giả kiêm luôn diễn viên trong một phong thái không thể nghiêm túc hơn. Và trong trí nhớ của mình tôi có lẽ nhớ nhất phân cảnh hai gia đình tổ chức đám cưới, cô dâu chú rể quan viên hai họ đi chân đất và quần áo bụi bám đến bạc màu. Cô dâu được quấn những hoa đồng nội cùng tua rua dậy nhợ trên đầu làm vương miện, chú rể cũng không khá hơn khi tay cầm 1 bó hoa hổ lốn đủ các loại hoa có ở vườn mặt đang hết sức nghiêm túc trong lễ thành hôn cùng cô dâu. Tất cả đều vô cùng ổn chỉ có lũ trong vai em út như chúng tôi là bất ổn, chúng tôi cứ hễ thấy cô dâu chú rể và quan viên hai họ nghiêm túc tiến hành lễ cưới chúng tôi lại cười như điên, lễ cưới càng nghiêm túc chúng tôi càng cười dữ nên thường phân cảnh cô dâu chú rể cưới nhau hay bị hỏng nhất. Bởi vì cô dâu chú rể không thể chấp nhận nổi sự cợt nhả của chúng tôi mà phải dừng đám cưới để dẹp yên lũ phá đám bằng gắt lên "chúng mày không chơi thì thôi, lần sau tao không cho tụi mày vào chơi cùng nữa" tất nhiên là không thể dừng chúng tôi lại được và vậy là đám cưới đã hỏng bét.
Đó chỉ là một số trong rất nhỏ những gì chúng tôi đã cùng nhau chơi thuở ấu thơ, còn vô số những cảnh mà dù tên cảnh đau buồn đến tột độ là cảnh các "cụ non" giả vờ nằm chết nhưng vẫn làm lũ con cháu mất nết như chúng tôi cười đến đau hàm. Đến bây giờ tôi cũng không thể trả lời chính xác tại sao lũ nhóc ngày ấy lại muốn làm người lớn đến vậy, đóng giả làm bố, làm mẹ, giả đám cưới... có lẽ trong trí tưởng tượng lũ trẻ con chúng tôi ngày ấy người lớn là điều gì đó lớn lao đẹp đẽ mà với tất cả sự trải nghiệm, tư duy tưởng tượng hiện giờ của tôi hay bất cứ ai không thể cắt nghĩa và miêu tả được. Nhưng có lẽ những đứa nhóc của ngày ấy không biết rằng chúng có thể vô tư khóc vô tư cười, điều mà bất kì người lớn nào làm được sẽ được trao ngay danh hiệu tâm thần... Có lẽ chúng không biết rằng rồi một ngày chúng có thể dám đánh đổi tất cả những gì đáng giá để chỉ lấy vài phút đồng hồ quay lại thời ấu thơ đã ở mãi tít đằng xa đó, ấy ngày chúng nhận ra chúng mếu máo nhận ra chúng không làm cách nào để dừng lại viêc lớn lên, cũng chính là khi chúng không thể từ chối việc bắt buộc phải làm người lớn...
Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất