Tôi đã hoàn toàn đắm chìm vào Letterboxd và Goodreads.
Những ứng dụng này cho phép tôi theo dõi và lưu lại các bộ phim đã xem và đã đọc của mình, là những địa chỉ tốt để tôi tìm và lưu lại các đề xuất. Cả hai ứng dụng đều có những cộng đồng cùng sở thích với tôi, nơi tôi có thể tìm thấy những người tuyệt vời luôn sẵn sàng cùng tôi thảo luận mọi thứ về văn học và điện ảnh.
Letterboxd và Goodreads trở thành nguồn cảm hứng tuyệt vời khi giúp tôi khám phá ra những bộ phim và cuốn sách mới mà tôi có thể chưa từng khám phá trước đây. Cứ như u mê vậy: tôi thực sự tin rằng bản thân đã tìm thấy hai ứng dụng truyền thông xã hội tốt nhất.
Bài đánh giá chỉ nhận được vài lượt thích trên Letterboxd.
Bài đánh giá chỉ nhận được vài lượt thích trên Letterboxd.
Nhưng sau một thời gian, cả Letterboxd lẫn Goodreads bắt đầu tác động đến sở thích của tôi theo những cách không hoàn toàn dễ chịu. Năm hết tết đến, Goodreads yêu cầu tôi đặt ra một thử thách đọc. Tôi hào hứng làm theo. Tới tháng 11, tôi chìm hẳn vào đau khổ khi biết thử thách vẫn còn dài mà năm thì sắp hết; tôi vội vàng tìm đọc những cuốn sách ngắn để theo đuổi mục tiêu một cách tùy tiện trong khi bỏ quên những cuốn mà tôi thực sự muốn đọc trên chiếc bàn đầu giường.
Trên Letterboxd, nếu bài đánh giá chỉn chu của tôi chỉ thu được một vài lượt thích, tôi sẽ thấy thất vọng ghê gớm. Tôi nhận ra bản thân đã quên mất cách tận hưởng một bộ phim theo đúng nghĩa; thay vào đó, tôi cứ vừa xem vừa nghĩ xem mình nên đánh giá bộ phim này bao nhiêu ngôi sao, lại cố gắng soạn thảo một chú thích dí dỏm trong đầu, chỉ để sau này chứng minh cho những người theo dõi của tôi rằng tôi đã nói những điều đúng đắn về những bộ phim đúng đắn.
Tôi cũng nhận ra mình đã ngừng xem những bộ phim mà bản thân thực sự thích. Tôi chỉ xem những bộ phim mà tôi nghĩ rằng những người theo dõi tôi sẽ chú ý - những bộ phim chán đến phát khóc - và nhờ thế họ sẽ tôn trọng tôi hơn. Cả Letterboxd lẫn Goodreads đều khiến các hoạt động thư giãn của tôi trở nên căng thẳng; thú tiêu khiển của tôi chẳng mấy chốc đã trở thành một công việc bán thời gian.
Rồi tôi biết đến khái niệm Game hóa: quá trình bổ sung các yếu tố trò chơi vào môi trường không phải trò chơi. Tiến sĩ Michael Daubs, giám đốc chương trình nghiên cứu phương tiện truyền thông tại Đại học Victoria tại Wellington cho biết việc tổng hợp sở thích thông qua các ứng dụng phong cách sống như Letterboxd hay Goodreads, ứng dụng thể dục như Strava hay Nike Run Club, ứng dụng quảng cáo bia Untappd hay nền tảng học ngôn ngữ Duolingo và hơn thế nữa đều có tác động phức tạp đến tâm lý của chúng ta theo cả hai cách tốt và xấu.
"Nếu bạn đang muốn sở hữu một thân hình cân đối, thì việc đánh giá thể lực ở một mức độ nhất định sẽ có lợi." Daubs nói. "Nó cung cấp cho bạn một mục tiêu rõ ràng để bạn cố gắng đạt được mỗi ngày hoặc mỗi tuần, bạn có thể theo dõi lịch sử luyện tập để thấy mức độ thể chất của mình được cải thiện theo thời gian hoặc tìm ra những khía cạnh mà bản thân còn thiếu sót. Và đặc biệt là trong các ứng dụng như Strava, có một lợi ích cụ thể khi bạn nhận được lời tán thưởng từ bạn bè hay gia đình kiểu "Làm tốt lắm, bạn giảm được thêm X kg". Về mặt hóa học, những loại phản hồi tích cực đó sẽ tác động tích cực tới chúng ta."
Quăng mình vào thử thách đọc của Goodreads.
Quăng mình vào thử thách đọc của Goodreads.
Khi các ứng dụng mời gọi chúng ta thiết lập các mục tiêu cá nhân, chúng ta có nguy cơ bị ám ảnh bởi mục tiêu hoặc đặt ra các mục tiêu không thể đạt được. Daubs phân tích: "Tại một số thời điểm, ứng dụng gửi cho bạn những mục tiêu như chạy 5km trong 25 phút thay vì 30 phút và bạn đơn giản là không thể thực hiện được. Khi không hoàn thành được mục tiêu, bạn sẽ cảm thấy thất vọng và chán nản cực độ."
Aucklander Toi Rankin, người làm việc trong lĩnh vực điện ảnh và truyền hình, cho biết anh đã tìm thấy cộng đồng và sự khẳng định trên Nike Run Club, đặc biệt là với hệ thống phần thưởng tích hợp sẵn của ứng dụng. "Mỗi khi kết thúc một cuộc chạy, tôi thường rất ngạc nhiên khi nghe thấy những câu nói kiểu "Làm tốt lắm" hay "Cố lên". Những lời như thế luôn khiến tôi cảm thấy như đang ở trong một nhóm cộng đồng. Bạn biết đấy, tập thể dục luôn vui hơn khi có người cùng tham gia với bạn. Tôi thường chạy bộ một mình, vậy nên khi nhận được những tin nhắn âm thanh đó, tôi biết có hàng nghìn người cũng đang cố gắng như tôi. Thật vui khi được chúc mừng và cảm thấy được ủng hộ".
Tuy nhiên, như một con dao hai lưỡi, Rankin cũng thấy mình như bị ám ảnh bởi hệ thống theo dõi của ứng dụng. "Nếu tôi bắt đầu chạy và nhận ra mình chưa bật ứng dụng lên theo dõi, tôi sẽ nghĩ xem mình đã bỏ lỡ bao nhiêu cây số và điều đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực như thế nào đến tổng chạy hàng tháng hoặc hàng tuần của tôi". Rankin chia sẻ. "Nó sẽ làm tôi rối trí và tôi sẽ mất động lực để tiếp tục chạy hay thậm chí là từ bỏ hoàn toàn vì không thúc đẩy được bản thân. Tôi sẽ nghĩ mọi thứ chẳng có nghĩa gì hết. Đôi khi bạn sẽ có cảm giác như mình đã bị lừa khỏi mục tiêu của mình, và thậm chí tệ hơn là do chính bạn."
Tiến sĩ Michael Daubs nói: "Game hóa có thể biến một sở thích thành một công việc hơn là giúp bạn tận hưởng sở thích đó."
Tiến sĩ Michael Daubs nói: "Game hóa có thể biến một sở thích thành một công việc hơn là giúp bạn tận hưởng sở thích đó."
Theo Daubs, dường như Rankin đã gặp phải cái được gọi là "Hiệu ứng Người quan sát" - trạng thái khi chúng ta ý thức được việc bản thân đang bị người khác quan sát, "Sự nhận thức này có khả năng ảnh hưởng đến cách chúng ta thực hiện nhiệm vụ," ông nói. "Trong trường hợp của Letterboxd, nó ảnh hưởng đến cách bạn xem phim, bởi vì bạn không xem phim vì hứng thú nữa. Bản thân bộ phim là một phương tiện giải trí thực sự, cho đến khi bạn ép mình viết một đánh giá hay suy nghĩ về những gì bạn sẽ viết và cách người khác sẽ phản hồi."
Daubs cho biết người dùng các ứng dụng phong cách sống được Game hóa cũng có thể gặp phải một hiện tượng được gọi là "Đích đến Sai lầm", đó là khi chúng ta vừa đạt được mục tiêu nhưng ngay sau đó lại nhận ra rằng có thêm một mục tiêu khác phải đạt được ngay bây giờ. Ông giải thích: "Điều đó thực sự có thể dẫn đến buồn chán và thất vọng, bởi vì chúng ta không có được cảm giác tích cực khi đạt được mục tiêu. Đó là lúc Game hóa biến sở thích của bạn thành một công việc, thay vì để bạn tận hưởng sở thích đó. Không có niềm vui. Chỉ có việc phải làm."
Một người dùng Goodreads tên Kayla Polamalu, làm việc trong lĩnh vực chính sách đã nói rằng ứng dụng giúp cô ấy có động lực để đọc sách thường xuyên và rộng rãi hơn, nhưng có vài mặt lại khiến cô ấy thất vọng. "Chẳng biết từ bao giờ văn học đã trở thành thước đo để đánh giá mức độ "có văn hóa" hay "có trí tuệ" của một người nào đó. Bởi bất cứ ai cũng có thể xem danh sách Goodreads của bạn, và chẳng ai ngăn cản họ đánh giá bạn cả." Cô ấy nói. "Không ai tránh được sự phán xét. Mọi người có xu hướng không liệt kê khoa học viễn tưởng hay những tác phẩm thuộc hàng "thú vui tội lỗi" của họ vào danh sách đọc bởi họ sợ bị coi là kém sang khi đọc những thể loại sách như vậy."
Khi các ứng dụng mời gọi chúng ta thiết lập các mục tiêu cá nhân, chúng ta có nguy cơ bị ám ảnh bởi mục tiêu hoặc đặt ra các mục tiêu không thể đạt được.
Khi các ứng dụng mời gọi chúng ta thiết lập các mục tiêu cá nhân, chúng ta có nguy cơ bị ám ảnh bởi mục tiêu hoặc đặt ra các mục tiêu không thể đạt được.
Daubs nói có một kiểu mẫu tồn tại trên tất cả các phương tiện truyền thông xã hội. "Người ta có xu hướng so sánh bản thân như một cá nhân với những gì tốt nhất của người khác và những gì họ sẵn sàng chia sẻ trên mạng xã hội. Chúng ta so sánh tổng thể sự tồn tại của bản thân với 10% sự tồn tại hàng đầu của người khác và điều đó khiến chúng ta tin rằng cuộc sống này thật chẳng dễ dàng", ông nói.
Mặc dù Daubs nói người dùng nên thận trọng với tác động của Game hóa, nhưng có nhiều cách mà các ứng dụng này có thể giúp chúng ta - chẳng hạn như cách chúng kết nối và thúc đẩy cộng đồng. Chuyên gia truyền thông Sophie Howard là một người sử dụng Letterboxd rất nhiệt tình. Cô ấy thích cách ứng dụng giúp việc phê bình phim và truyền hình trở nên dễ tiếp cận hơn. "Letterboxd đã tạo ra một nền tảng nơi các tiếng nói và ý kiến đa dạng có thể phát triển và được thể hiện bằng nhiều định dạng khác nhau."
Trên ứng dụng, chúng ta có thể đeo mặt nạ cho chính mình.
Trên ứng dụng, chúng ta có thể đeo mặt nạ cho chính mình.
Howard trích dẫn một bài đánh giá về loạt phim của New Zealand tên là Rūrangi, bộ phim theo chân một người đàn ông chuyển giới trở về quê hương của mình, trong đó một người xem chuyển giới đã viết về cảm giác của bản thân khi xem chương trình. "Rūrangi được tạo ra bởi những người chuyển giới dành cho những người chuyển giới, và do đó, việc khán giả có thể trực tiếp bày tỏ cảm xúc và suy nghĩ về bộ phim là điều đáng chú ý đối với tôi".
"Đó là một trong những yếu tố tích cực thường bị bỏ qua, bị mất đi trong những hoang mang về đạo đức mà các phương tiện truyền thông xã hội làm chúng ta chán nản hoặc phân cực," Daubs nói. "Trong các tình huống tốt nhất, các ứng dụng giúp thanh thiếu niên và người trưởng thành tìm thấy cộng đồng, đồng thời cũng tìm hiểu về bản thân theo những cách nhất định. Đúng vậy, chúng tôi có thể sử dụng mạng xã hội để tự định hình bản thân ở một mức độ nhất định và đồng thời cũng tìm ra chính xác bản thân mình là ai".
Nói rộng hơn, đó là lời giải thích cho câu hỏi vì sao các ứng dụng phong cách sống thu hút chúng ta đến mạnh mẽ đến vậy. "Không phải lúc nào cũng là tìm kiếm thành tích hay đạt được mục tiêu, không phải lúc nào cũng là cải thiện sức khỏe hay kiến thức về phim hoặc sách. Đó là cách chúng ta tự nhận thức về bản thân - một quá trình thoải mái và lành mạnh, là thứ chúng ta cần để định hình chính mình trong thế giới vô cùng phức tạp và lộn xộn này."
Bài viết gốc được đăng tải trên Blog Game hóa: