Link podcast (dành cho người ngại đọc):
“Tình yêu là thiên đường, nhưng nó có thể đau đớn như địa ngục.”
Kính chào quý độc giả, tình yêu xưa nay là một hiện tượng quá đỗi phổ biến, phân lớn trong chúng ta, ai cũng biết yêu và ai cũng từng được yêu. Tuy nhiên, liệu có ai đủ can đảm để trả lời những câu hỏi kiểu như: “Tình yêu là gì?” hay “Bản chất của tình yêu là như nào?”, thậm chí là “Làm thế nào để có một tình yêu đẹp?” Quả thực là rất khó, tình yêu là một hiện tượng kỳ lạ, không giống như những hiện tượng khác vốn có thể nắm bắt được nếu như chúng ta trải nghiệm đủ nhiều nhưng tình yêu lại không như vậy, nó rất linh động. Có những người loay hoay không biết bản chất thực sự của tình yêu để kiếm tìm 1 mối tình nhưng cũng có nhiều người trải qua hàng chục lần yêu mà chẳng thể phát ngôn rõ ràng ra tình yêu là gì? Mọi thứ lý luận hàn lâm về tình yêu dường như hơi vô nghĩa bởi tính khó xác thực của nó, chính vì lẽ đó mà chúng ta chỉ có thể nghe về tình yêu qua âm nhạc, văn học hay các loại hình nghệ thuật chứ không phải trên giảng đường của một môn khoa học nào đó về tình yêu. Nhưng ít nhất, 2000 năm qua con người cũng phải có một chút tri thức về tình yêu chứ? Triết học với tư cách là tri thức nghiên cứu về nền tảng của mọi thứ, vậy triết học có thể nói gì về tình yêu hay không? Câu trả lời là có, Platon, Schopenhauer, Kierkegaard,... từng có những tác phẩm riêng về tình yêu nhưng đa phần là nó hơi kỳ quặc hoặc là quá xa vời đời sống thực tiễn, đồng thời cũng ít triết gia hiện thực hóa cái lý luận về tình yêu ấy trên chính cuộc tình của mình nên rất khó dùng nó để khuyên răn người khác. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là chúng ta chẳng học được gì từ các triết gia về chủ đề tình yêu. Vẫn có một hệ tư tưởng mà cá nhân tác giả nghĩ rằng có thể đem tới cho độc giả đại chúng nhiều lời khuyên hữu ích trong chuyện yêu đương, đặc biệt là đối với phái yếu, đó là triết học về tình yêu của Simone de Beauvoir.
Simone de Beauvoir là một trong những triết gia hàng đầu về chuyện tình yêu
Simone de Beauvoir là một trong những triết gia hàng đầu về chuyện tình yêu
Giới thiệu sơ qua về de Beauvoir, mặc dù bà chưa bao giờ tự nhận mình là một triết gia, tuy nhiên, lịch sử đã đánh giá bà là một biểu tượng của triết học nữ quyền. Tác phẩm The Second Sex (tạm dịch là Giới tính hạng 2) của bà không chỉ là hệ thống triết học đầu tiên đòi hỏi sự bình đẳng cho phụ nữ mở ra những quyền mới cho người phụ nữ như quyền sinh sản mà còn là những áng văn trác tuyệt luận về tự do dưới ánh sáng của chủ nghĩa hiện sinh. Chủ đề tình yêu cũng được bà đề cập trong The Second Sex trong mối liên hệ với phạm trù tự do. Simone de Beauvoir là một triết gia rất đặc biệt, bên cạnh tầm ảnh hưởng và sự nổi tiếng theo hướng tích cực, bà còn là một người cực kỳ tai tiếng. Tác phẩm chủ đạo về nữ quyền của bà bị cấm bởi giáo hội công giáo, đồng thời cũng có nhiều triết gia kịch liệt phản đối và coi bà như là kẻ thù. Albert Camus từng nhận xét rằng đàn ông Pháp qua ngòi bút của de Beauvoir trông thật lố bịch. Thậm chí, nhà thơ đoạt giải Nobel văn học 1952 - François Mauriac còn buông ra những lời nhận xét có phần miệt thị nữ triết gia kiểu như tôi đã biết tất cả về â** đ** của de Beauvoir.
Mối tình từng nổi danh khắp nước Pháp
Mối tình từng nổi danh khắp nước Pháp
Sự tai tiếng của Beauvoir không chỉ xoay quanh lĩnh vực học thuật, hoạt động xã hội mà còn qua chuyện tình của bà với ông hoàng hiện sinh Jean Paul Sartre. Đôi uyên ương gặp nhau từ những năm tháng còn là sinh viên, cùng tham gia một cuộc thi triết học, chàng giải nhất còn nàng về nhì, những cuộc thảo luận chuyên môn diễn ra sau đó rồi dần dần cả 2 bước vào mối quan hệ tình yêu. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa 2 triết gia lại rất là bất thường. Họ chưa bao giờ kết hôn nhưng lại cùng ký vào một bản “khế ước tình yêu”. Sartre liên tục qua lại với nhiều người phụ nữ khác nhau, trong số đó thậm chí có cả học sinh của de Beauvoir và chính bà là người dắt mối cho Sartre. Dẫu vậy, Sartre với de Beauvoir vẫn tuyên bố họ chung thủy với nhau tới suốt cuộc đời. De Beauvoir chưa bao giờ phàn nàn về Sartre, bà cho phép ông qua lại với nhiều người khác miễn sao đừng quên kể và chia sẻ lại với bà về những mối quan hệ ấy. Từ cách nhìn giản đơn của một người bình thường, ai cũng có thể dễ dàng đánh giá rằng de Beauvoir và Sartre là những người có lối sống buông thả, thiếu trách nhiệm với đối phương, mối quan hệ của họ không phải là một mối quan hệ yêu đương,v…v…Và đúng là trên thực tế, có quá nhiều ánh nhìn dòm ngó và ngòi bút phán xét, châm chọc hay bêu rếu chuyện đời tư của cặp đôi triết gia. Tuy nhiên, với tư cách cá nhân của tác giả bài viết, tôi nghĩ rằng de Beauvoir cũng như Sartre xứng đáng nhận được nhiều sự tôn trọng hơn. Dù cách sống của họ theo góc nhìn người bình thường có hơi phản cảm, tôi không cổ súy lối sống kiểu đó nhưng trên bình diện học thuật, họ đã rất dũng cảm khi hiện thực hóa học thuyết của mình vào trong chính đời sống của mình một cách tuyệt đối, họ xứng đáng với danh xưng triết gia. Những sự trình bày dưới đây về triết học tình yêu của de Beauvoir sẽ lý giải tại sao cuộc tình giữa bà với Sartre lại kỳ lạ đến vậy. Và mong rằng, từ lý luận của de Beauvoir và chuyện tình của bà quý độc giả sẽ rút ra được bài học nào đó cho chính mình.

Một vài khái niệm dẫn đạo

Triết học về tình yêu của Simone de Beauvoir được xây dựng dựa trên nền móng của chủ nghĩa hiện sinh Sartre, do đó, sẽ thật là thiếu sót nếu như chúng ta đi thẳng vào tư tưởng chính mà bỏ qua những khái niệm cơ sở vốn đóng vai trò thế giới quan của Simone de Beauvoir.
Triết học hiện sinh của Jean Paul Sartre là một hệ thống đồ sộ, để bàn về nó có lẽ chúng ta sẽ cần tới một tiểu luận dài hơi hơn là một bài viết cho độc giả đại chúng. Ở đây, tác giả chỉ xin quý độc giả ghi nhớ một vài khái niệm quan trọng sau để hiểu được Simone de Beauvoir. 
Thứ nhất, mối quan tâm của triết học hiện sinh liên quan đến tồn tại và bản chất con người. Cái nào có trước cái nào? Và cái nào quyết định cái nào? Đây là một vấn đề không mới, truyền thống triết học phương tây bắt rễ từ Plato vốn gần gũi hơn với quan niệm con người được tiền định trước một bản chất trước khi sinh ra. Plato cho rằng linh hồn (cũng có thể hiểu là bản chất) của mỗi người được cấu thành từ 3 phần là lý tính, xúc cảm và dục vọng. Và phần linh hồn của riêng mỗi người đều đã được tiền định sẵn, cuộc sống của con người trên trần gian là hành trình nhận ra bản chất của mình. Sartre hoàn toàn không đồng ý với học thuyết về linh hồn của Plato. Ông giữ một niềm tin rằng “tồn tại có trước bản chất” chứ không phải ngược lại. Tức con người được sinh ra, tồn tại trong một bối cảnh nhất định và chính anh ta sẽ kiến tạo nên bản chất mình. Con người hoàn toàn được tự do chứ không bị điều khiển, định trước bởi bất kỳ một thế lực thần linh nào cả. Chính vì có sự tự do, nên con người hoàn toàn có thể kiến tạo nên bản chất của chính mình. Tự do là phạm trù trung tâm trong hệ thống triết học của Sartre, nhưng tự do ấy không phải là tự do tuyệt đối theo nghĩa muốn làm gì thì làm, bởi con người là hữu hạn, không có khả năng như Chúa trời để làm bất cứ thứ gì mình muốn. Tự do của Sartre được hiểu theo nghĩa mỗi người được sinh ra trong một bối cảnh gia đình, xã hội nhất định và phải đối mặt với những khó khăn, những vấn đề của sự tồn tại. Mỗi vấn đề đều mở ra rất nhiều những lựa chọn khác nhau để cho con người tự quyết định. Sự tự do của mỗi người ở đây được hiểu là tự do lựa chọn, bằng ý chí tự do của mình, con người tự quyết số phận và bản chất của mình dựa trên bối cảnh lịch sử mà mình bị ném vào khi lọt lòng. 
"Tồn tại có trước bản chất" - Tiên đề quan trọng nhất của Sartre
"Tồn tại có trước bản chất" - Tiên đề quan trọng nhất của Sartre
Thứ hai, mỗi cá nhân đều sống trong một thế giới của riêng mình, hay nói đúng hơn là thế giới của ý thức riêng mình. Những đồ vật vô tri vô giác vốn chẳng có ý nghĩa gì cho tới khi con người đặt ra ý nghĩa cho chúng. Những cây mía trong tự nhiên tồn tại một cách dửng dưng, thụ động, vô nghĩa cho tới khi con người phát hiện và sử dụng chúng cho nhiều mục đích khác nhau. Có người lấy mía làm đồ ăn, có người lấy mía ra xay nước uống nhưng cũng có những đứa trẻ ban phát một ý nghĩa khác cho cây mía như dụng cụ để chơi đánh trận giả. Ý nghĩa của mọi vật vô tri vô giác là do mỗi con người cụ thể tự đặt ra. Tất cả những vật vô tri vô giác đó đều là những đối tượng được ban phát ý nghĩa bởi chủ thể. 
Ý nghĩa vạn vật là do ý thức con người đặt ra
Ý nghĩa vạn vật là do ý thức con người đặt ra
Thứ ba, từ hai khái niệm bên trên, chúng ta đến với một một khái niệm quan trọng khác của chủ nghĩa hiện sinh Sartre là khái niệm tồn tại đích thực và tồn tại không đích thực. Như đã phân tích ở trên, con người có khả năng quyết định bản chất của mình bằng cách lựa chọn nhưng trên thực tế, bằng một vài lý do nào đó mà không phải ai cũng tự quyết định bản chất, tự vẽ nên dự án cuộc đời của chính mình. Điều này phụ thuộc vào ý chí tự do của mỗi người có đủ mạnh mẽ hay không. Tồn tại đích thực là tồn tại bằng sự tự do, cá nhân tự do đưa ra những quyết định cho cuộc đời mình và tự chịu trách nhiệm cho những quyết định ấy được gọi là tồn tại đích thực. Ngược lại, loại tồn tại mà không có sự tự quyết cuộc đời của mình, không sống như một chủ thể mà sống như một đối tượng để các chủ thể khác quyết định hộ số phận, bị áp đặt những bản chất do ý chí của chủ thể khác được gọi là tồn tại không đích thực.
Tự do lựa chọn và chịu trách nhiệm là bản chất của hiện sinh người
Tự do lựa chọn và chịu trách nhiệm là bản chất của hiện sinh người
Chủ nghĩa hiện sinh Sartre vẫn còn rất nhiều khái niệm quan trọng khác nhưng để bài viết trở nên nhẹ nhàng hơn thì có lẽ không cần phải múa chữ quá nhiều mà chỉ cần những khái niệm trên đây cũng đã đủ để chúng ta bước vào chủ đề chính của bài viết.

Triết học tình yêu của Simone de Beauvoir

Về bản chất của tình yêu, dẫu nó có phức tạp đến mấy thì chúng ta sẽ cảm nghiệm được một cảm giác gắn bó. Ngay sau khi hai người nói lời yêu, chấp nhận làm nửa kia của nhau thì giữa chúng ta và đối phương sẽ thiết lập một mối quan hệ ràng buộc chặt chẽ với nhau về nhiều khía cạnh của cuộc sống. Chính mối quan hệ ràng buộc này tạo nên bản chất của tình yêu và cũng từ đó đặt ra những vấn đề của việc yêu. Lý luận của Simone de Beauvoir về tình yêu gác lại những yếu tố lãng mạn, mùi mẫn như cách người thường vẫn mô tả về nó, bà dành mối quan tâm của mình tới khía cạnh đạo đức của việc yêu. Khía cạnh đạo đức chủ yếu ở đây là vấn đề “tự do” trong một mối quan hệ yêu đương ràng buộc. Simone de Beauvoir hiểu rằng tình yêu là một mối quan hệ ràng buộc và bà đặt ra vấn đề rằng liệu con người (đúng hơn là người phụ nữ theo mối quan tâm của bà) có còn giữ được tự do khi yêu hay không? Mà nếu có hoặc không thì hệ quả gì sẽ xảy ra? Liên hệ với thực tế thì có bao giờ bạn đã cảm thấy ngột ngạt, gò bó trong một mối quan hệ yêu đương hay chưa? Mình tin chắc ít nhiều là có và đây chính là vấn đề mà de Beauvoir muốn giải quyết. Như đã nói qua ở phần dẫn nhập, triết học tình yêu của Simone de Beauvoir được xây dựng trên nền tảng của chủ nghĩa hiện sinh, do đó, “tự do” luôn là giá trị căn cốt nhất mà mọi cá nhân cần phải bảo vệ tới cùng bất chấp tình yêu có thơ mộng, say đắm biết bao nhiêu. Tự do là thước đo để Simone de Beauvoir phân biệt hai loại tình yêu: đích thực và không đích thực.

Tình yêu đích thực và tình yêu không đích thực

Trong tác phẩm “Bàn về tính mơ hồ”, Simone de Beauvoir đã phân biệt rất rạch ròi 2 loại tình yêu, đó là tình yêu điên cuồng và tình yêu hào phóng. Tình yêu điên cuồng là tình yêu bị chế ngự bởi ham muốn sở hữu đối phương và cả mọi thứ của đối phương. Trong khi đó, tình yêu hào phóng là thứ tình yêu từ bỏ mọi ham muốn sở hữu bất kỳ thứ gì của người thương. Cho tới tác phẩm Giới tính hạng 2, bà nhắc lại khái niệm tình yêu hào phóng và nâng nó lên trở thành tình yêu đích thực và tương ứng như vậy, tình yêu điên cuồng là thứ tình yêu không đích thực.
Tình yêu đích thực là tình yêu dựa trên sự tự do
Tình yêu đích thực là tình yêu dựa trên sự tự do
Khái niệm tình yêu đích thực được de Beauvoir diễn đạt như sau: “Tình yêu đích thực phải được xây dựng trên sự công nhận lẫn nhau về chủ quyền tự do; khi đó mỗi người yêu nhau sẽ trải nghiệm mình như là chính mình và là người khác trong thế giới của nửa kia: không ai từ bỏ sự siêu việt của mình, họ sẽ không tự cắt xén chính mình; cùng nhau, cả hai sẽ tiết lộ các giá trị và mục đích của mỗi người trong thế giới. Đối với mỗi người trong số họ, tình yêu sẽ là sự bộc lộ bản thân thông qua việc trao tặng bản thân và làm phong phú vũ trụ của mỗi người.” [The Second Sex, 706]
Tình yêu trong mắt của de Beauvoir yêu cầu sự bao dung, khiêm nhường, bình đẳng và trên hết là sự tự do trao và nhận giữa hai người như là hai chủ thể chứ không phải giữa chủ thể với đối tượng hay giống như mối quan hệ chênh lệch giữa ông chủ và nô lệ. Có thể thấy dấu ấn của chủ nghĩa hiện sinh Sartre trong khái niệm về tình yêu của de Beauvoir. Đối với con người, tự do là trung tâm, mỗi cá nhân phải có ý thức thoát khỏi sự ràng buộc về xã hội, kinh tế và pháp lý để có thể tự do tạo ra các mối quan hệ thực sự có ý nghĩa. Ý tưởng này bắt nguồn trực tiếp từ tiên đề của Sartre về tồn tại người “tồn tại có trước bản chất”: chúng ta bị ném vào thế giới với nhiều thứ mà chúng ta không có quyền chọn lựa, chẳng hạn như cơ thể và hoàn cảnh của chúng ta; nhưng chúng ta có tự do ý chí, chúng ta nhận ra sự tự do của mình bằng cách chủ động đưa ra các lựa chọn tự quyết cuộc sống của mình, thúc đẩy bản thân thực hiện các mục đích riêng biệt và chịu trách nhiệm cho những lựa chọn ấy. Chúng ta tạo ra ý nghĩa cho cuộc sống của mình bằng cách “siêu việt hóa”  thế giới bên ngoài. Tình yêu cũng là một loại ràng buộc ở nhiều khía cạnh, giản đơn nhất là về mặt tình cảm, sâu hơn chút là về mặt kinh tế và thậm chí là cả ràng buộc về cả văn hóa và tôn giáo. Có nhiều người bước vào mối tình và bị nuốt chửng hoàn toàn ở trong đó. Vì tình yêu mà người ta hy sinh, vì tình yêu mà người ta quên mình, vì tình yêu mà người ta bỏ bản tính năng động mà sống như một đối tượng thụ động để người khác tiêu thụ, vì tình yêu mà người ta trở thành sở hữu của người khác thay vì tự mình sở hữu chính mình, hay nói theo ngôn ngữ của Sartre thì vì tình yêu mà người ta trở thành một tồn tại không đích thực. Nói một cách khái quát hóa, tình yêu đích thực là tình yêu vẫn giữ cho con người ta ở trạng thái tồn tại đích thực, trong khi đó, tình yêu không đích thực là một mối quan hệ tù ngục mà một trong hai hoặc cũng có thể là cả hai đánh mất cái bản ngã của mình và trở thành một tồn tại không đích thực.
Beauvoir và Sartre lập khế ước tình yêu để bảo toàn tự do cho mỗi bên
Beauvoir và Sartre lập khế ước tình yêu để bảo toàn tự do cho mỗi bên
Tư tưởng về tình yêu đích thực phần nào lý giải cho bản “khế ước tình yêu” thiết lập nên mối quan hệ giữa Simone de Beauvoir và Jean Paul Sartre. Khế ước là một văn bản tuyên bố quyền và nghĩa vụ giữa các bên tham gia. Bản khế ước tình yêu có thể được hiểu là bản cam kết tôn trọng chủ quyền tự do lẫn nhau giữa hai triết gia hiện sinh. Dẫu họ có thể có nhiều bạn tình bởi có lẽ cả hai đều sống “thoáng” nhưng giữa họ vẫn tồn tại một tình yêu đích thực bởi cả hai chưa bao giờ giấu giếm nhau điều gì. Cùng nhau, họ hoàn thành các dự định riêng của cuộc đời mỗi người trong sự sẻ chia và cổ vũ nhau về mặt tinh thần. 
Tình yêu không đích thực rất phổ biến trong đời sống thực tiễn
Tình yêu không đích thực rất phổ biến trong đời sống thực tiễn
Soi chiếu vào đời sống hiện thực, có lẽ sẽ không ít người cảm thấy ngột ngạt khi ở trong các mối quan hệ tình cảm. Nếu bạn đã từng kiểm soát người yêu hay bị người yêu kiểm soát, đó là dấu hiệu dễ thấy nhất của một tình yêu không đích thực theo Simone de Beauvoir. Theo nghĩa tiêu cực, tình yêu không đích thực khiến trải nghiệm về tình yêu đi từ khó chịu tới cảm giác bị giam cầm theo mức độ tăng dần. Theo nghĩa tích cực, tình yêu không đích thực là sự hình thành nên nghĩa vụ của mỗi người trong một mối quan hệ tình cảm, đối với de Beauvoir và Sartre, trong tình yêu không nên tồn tại bất kỳ nghĩa vụ nào cả mà chỉ có sự cảm thông và giúp đỡ nhau một cách vô tư không ràng buộc. Tư tưởng của Simone de Beauvoir mang đậm màu sắc của chủ nghĩa hiện sinh. Nhưng đối với chúng ta, có lẽ khó lòng nào có thể chấp nhận một kiểu tình yêu như vậy. Tuy nhiên, vẫn có những bài học có thể rút ra được từ triết học tình yêu của de Beauvoir. Đó là trong tình yêu, quả thực sự ràng buộc, đàn áp đối phương hay nói theo ngôn ngữ phương Đông là gia trưởng (hoặc ngược lại) là một điều cần phải lên án. Trong mối quan hệ tình cảm, cả hai người cần có được sự thông cảm, bình đẳng và tôn trọng tự do lẫn nhau. Thiết lập một mối quan hệ yêu đương với người nào đó không phải là hành vi bạn sở hữu một ai đó hoặc tất cả những gì thuộc về người yêu đều là sở hữu của bạn. Tình yêu thường hay thúc giục các cặp đôi hãy hòa làm một, hy sinh và dâng hiến cho nhau. Dù cảnh tượng đó quá đỗi thơ mộng nhưng thực tế luôn chứng minh rằng, trong tình yêu kiểu đó, ai yêu nhiều sẽ là người chịu khổ đau nhiều và ai hy sinh, dâng hiến nhiều hơn sẽ là người chịu thiệt thòi nhiều hơn. Do đó, lời khuyên của Simone de Beauvoir vẫn có những khía cạnh mà chúng ta nên học hỏi. Đó là yêu thì vẫn yêu nhưng đừng bao giờ vứt bỏ tự do, bản tính cá nhân của mình để chiều lòng đối phương và cũng không đặt số phận của mình để cho đối phương kiến tạo hay quyết định. Hãy tự đưa ra lựa chọn của riêng mình và chịu trách nhiệm cho những lựa chọn ấy. 

Hôn nhân 

Đích đến chân chính và bước chuyển tất yếu trong tình yêu mà ai cũng hướng đến chắc chắn là kết hôn và sống một đời sống hôn nhân. Đối với Simone de Beauvoir, có lẽ hôn nhân là một thủ tục không cần thiết. Người ta luôn nghĩ rằng hôn nhân là trái ngọt của tình yêu, phải phát xuất từ tình yêu thì mới dẫn tới một cuộc hôn nhân chân chính. Tuy nhiên, de Beauvoir hoàn toàn phản đối lối suy nghĩ truyền thống như vậy, đối với bà, hôn nhân và tình yêu không hề có mối liên hệ nào cả. Bởi bà tin rằng, nếu một cặp vợ chồng mà yêu nhau thì là do tình cảm của chính họ chứ không phải vì danh nghĩa vợ chồng. Bà cũng lập luận rằng, kể cả khi hôn nhân bắt đầu từ tình yêu thực sự thì đời sống vợ chồng sẽ sớm bóp chết tình yêu đó, kết hôn không phải là hình thức đúng đắn của tình yêu. Sau khi mối quan hệ vợ chồng được thiết lập, tình yêu sẽ dần lui về cánh gà để nhường chỗ cho những nghĩa vụ, khuôn khổ ép buộc người chồng cũng như người vợ thực hiện một cách thiếu ý chí tự do.
Hôn nhân ràng buộc tự do của mỗi người
Hôn nhân ràng buộc tự do của mỗi người
Theo nghĩa đó, kết hôn là một hình thức nô lệ hóa con người vào những khuôn khổ và nghĩa vụ mà điều nguy hiểm là ở chỗ nó lại hợp pháp và được xã hội thừa nhận. Để minh họa cho lập trường của mình, Simone de Beauvoir đã mô tả rằng ở thời đại của bà, người phụ nữ sau khi kết hôn phải bắt buộc thực hiện việc sinh đẻ, làm việc nhà, làm thú vui cho chồng để đổi lại kinh tế và sự chở che từ người chồng. Ở chiều ngược lại, tình trạng của người chồng cũng không hề tốt đẹp hơn, người chồng chẳng nhận được gì tương xứng khi anh ta có lẽ là người cho đi nhiều hơn. Simone de Beauvoir tin rằng dù đàn ông thường là chủ của cuộc hôn nhân nhưng khi anh ta nhận được những gì anh ta muốn, anh ta sẽ cảm thấy hài lòng, còn ở chiều ngược lại, nhu cầu của người vợ là vô độ. Một cảnh tượng rất khó hiểu thường xảy ra là người phụ nữ còn có quyền bắt chồng của mình vui vẻ nhận lấy những gánh nặng của cô ta. Để phân tích thêm, có thể thấy, người vợ hoàn toàn mất khả năng tự quyết đời sống của mình vì phải thực hiện những nghĩa vụ đối với người chồng và ở phía bên kia, người chồng cũng bị đối tượng hóa trong thế giới của người vợ, trở thành công cụ kiếm tiền và nuôi sống của người vợ. Trong thế giới của mỗi người, nửa kia chỉ là đối tượng để tiêu thụ chứ không phải là một chủ thể có nhân vị. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là mối quan hệ giữa vợ và chồng là mối quan hệ cùng thua, cùng thiệt mà de Beauvoir quả quyết rằng, người chồng luôn nắm đằng chuôi bởi vì anh ta sở hữu kinh tế. Như vậy, kết hôn là một hình thức khiến các cặp vợ chồng vô hình chung bị nô lệ hóa và phụ thuộc vào người còn lại. Tính nghĩa vụ của kết hôn đã biến tình yêu giữa vợ và chồng là một thứ tình yêu không đích thực. 
Một câu hỏi dễ dàng được đặt ra liệu có thể thực hiện một cuộc kết hôn đích thực hay không? Dĩ nhiên là có, cuộc hôn nhân lý tưởng với de Beauvoir là: “mỗi con người, hoàn toàn tự lập, được gắn bó với người khác bằng sự tôn trọng tự do trong tình yêu của họ mà thôi.” Tuy nhiên, sự tự do cá nhân có lẽ không phù hợp với hôn nhân bởi nếu hôn nhân mà mỗi người không bị ràng buộc bởi những nghĩa vụ thì đó không còn là hôn nhân. Còn tình yêu đích thực tôn trọng tự do lẫn nhau thì lại không cần đến một bản cam kết thành vợ thành chồng. Sự thù ghét của Simone de Beauvoir với cơ chế kết hôn đã lý giải cho câu hỏi: Tại sao bà chưa từng có một cuộc hôn nhân nào mặc dù quá đỗi yêu Sartre. Kết hôn là một cuộc trao đổi mà cả hai cùng thua nhưng người thiệt nhiều hơn là người phụ nữ bởi nó xiềng xích tự do người phụ nữ và ngầm khuyến khích phụ nữ từ bỏ tính siêu việt của họ và cam chịu sự nô lệ hóa vào người chồng, phụ nữ buộc phải trở thành các bà nội trợ phải chu toàn việc nhà, tẻ nhạt và tất bật trong việc dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng và nuôi dạy con cái. Trong khi đó, đàn ông dù cũng bị nô lệ hóa nhưng có thể thăng tiến nhờ công việc và các hoạt động đóng góp cho xã hội. Phụ nữ, sau đó, chỉ có thể tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống của họ thông qua con cái.
Sẽ có nhiều ý kiến cho rằng phụ nữ hiện đại giờ đã có một điều kiện sống tốt hơn so với thời của Simone de Beauvoir. Phụ nữ vẫn vừa có thể có một cuộc hôn nhân hạnh phúc mà vẫn có thể đi làm, tham gia vào các công việc xã hội một cách thoải mái chứ không chỉ loanh quanh những công việc gia đình, nên theo nghĩa nào đó, phụ nữ vẫn tự do sau khi kết hôn. Quả nhiên là như vậy, đúng thực là cuộc sống phụ nữ không còn gò bó như trước nữa nhưng về mặt bản chất, sau khi kết hôn, tự do theo cách hiểu của Simone de Beauvoir vẫn không thể đạt được. Tự do theo nghĩa hiện sinh là nằm bên ngoài các nghĩa vụ bắt buộc trong khi hôn nhân thiết lập những nghĩa vụ ấy, bản chất của chúng mâu thuẫn với nhau, quan điểm của Simone de Beauvoir về cơ bản là cực đoan. Vậy chúng ta có thể nhận được bài học gì từ quan niệm của Simone de Beauvoir về hôn nhân? Chả lẽ chúng ta sẽ không kết hôn hay sao? Câu trả lời là việc bạn kết hôn hay không tùy thuộc vào ý chí tự do lựa chọn của bạn. Nhưng hãy nhớ rằng, kết hôn là một sự kiện hệ trọng, nó làm thay đổi sự tự do hiện thời của mỗi cá nhân. Do đó, lời khuyên có thể rút ra từ tư tưởng hôn nhân của Simone de Beauvoir là hãy cân nhắc thật kỹ trước khi kết hôn. Liệu bạn đã thỏa mãn với những dự định cuộc đời mà mình đã dự phóng và hoàn thành nó hay chưa? Nếu chưa thì đừng nên tiến tới kết hôn, hãy chỉ kết hôn khi bạn đã thỏa mãn, trải nghiệm đủ sự tự do cá nhân muốn gác lại những dự định, giấc mơ cá nhân để gánh lấy những trách nhiệm, nghĩa vụ của cuộc sống hôn nhân. Lời khuyên trên sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn khi bước vào đời sống hôn nhân mà không cảm thấy phiền lòng vì sự gò bó của nghĩa vụ và trách nhiệm mà nó mang tới. 

Tình yêu của cha mẹ dành cho con cái

Vấn đề cuối cùng mà chúng ta bàn trong tiểu luận ngày hôm nay là Simone de Beauvoir nghĩ sao về tình yêu của cha mẹ dành con cái? Tại sao chúng ta lại phải quan tâm tới những đứa trẻ? Đơn giản là vì con cái được xem như là thành quả của tình yêu và cuộc hôn nhân giữa cha và mẹ. Nên ở một mức độ nào đó, con cái cũng được xem như là một phần của tình yêu giữa hai người nên cũng nên được bàn luận trong chủ đề này. 
Người mẹ có xu hướng đàn áp tự do của con cái
Người mẹ có xu hướng đàn áp tự do của con cái
Nói về con cái, Simone de Beauvoir có một cái nhìn không được thiện cảm lắm với quan hệ giữa người mẹ và con ruột của mình. Bà lập luận rằng, nếu như mối quan hệ giữa chồng và vợ là một mối quan hệ trong đó người chồng chiếm ưu thế hơn so với người vợ thì nhiều khả năng người vợ sẽ làm điều tương tự đối với đứa con của mình. Trong gia đình, cán cân quyền lực rơi vào tay người chồng, người vợ cảm thấy khao khát cảm giác quyền lực ấy nên đứa trẻ rất dễ trở thành đối tượng cho người mẹ giải tỏa ham muốn về quyền lực. Mối quan hệ mất cân bằng giữa mẹ và con sẽ khiến sự tự do của người con bị xâm hại. Sự tự do của người con bị xâm hại bằng nhiều cách, có thể kể đến như người mẹ muốn uốn nắn người con trở thành loại người mà mẹ ngưỡng mộ hoặc đơn giản chỉ là mẫu người mà người mẹ thích. Hoặc đơn giản hơn là phải nghe lời và làm theo yêu cầu của người mẹ mọi lúc mà không được quyền tự do lựa chọn. Người mẹ tìm được quyền lực thống trị người con mà nó không xuất hiện trong mối quan hệ người lớn. Và điều này làm tổn hại tới sự tự do của những đứa trẻ và Simone de Beauvoir kịch liệt phản đối mối quan hệ mẹ con kiểu này. Tương tự, người cha cũng có quyền làm như vậy với người con. Lý lẽ thường thấy biện minh cho quyền lực của cha mẹ đối với con đơn giản là vì họ sinh ra đứa bé. Nhưng như một câu nói rất nổi tiếng của chủ nghĩa hiện sinh, người con hoàn toàn có thể hỏi lại: “Sinh con ra sao không hỏi ý kiến con?” Câu hỏi ẩn dụ tưởng chừng ngớ ngẩn như trên nhắc lại cho chúng ta về mối quan hệ giữa con với cha và mẹ, đó là đứa con chưa bao giờ được chọn để sinh ra mà sự kiện đứa trẻ được sinh là lựa chọn của người cha và người mẹ. Những đứa trẻ được đem vào thế giới này bởi ý chí của cha mẹ và để rồi cuộc sống của chúng cũng bị điều khiển bởi cha mẹ, hoàn toàn không có tự do. Do đó, đối với Simone de Beauvoir mối quan hệ giữa cha mẹ với con mà người ta cứ nói là yêu thương thực ra là một tình yêu không đích thực. Simone de Beauvoir vẫn để ngỏ một khả năng mà cha mẹ có một tình yêu đích thực đối với con cái. Đó là khi người cha và mẹ không sử dụng con cái như một phương tiện cho mục đích của mình. Hãy chủ động để con được phát triển tự do, hãy đi kiếm tiền, nuôi dưỡng con và hạn chế đòi hỏi ở người con bất kỳ nghĩa vụ nào. Theo nghĩa như vậy, tình yêu đích thực của cha mẹ với con cái là tình yêu một chiều. Lựa chọn sinh ra đứa con là trách nhiệm của bậc cha mẹ và phải yêu thương con một cách vô điều kiện mà không áp đặt, mong mỏi người con phải phát triển theo ý chí của cha mẹ. 
Mọi đứa trẻ cần phải được tự do
Mọi đứa trẻ cần phải được tự do
Những phân tích của Simone de Beauvoir về mối quan hệ giữa cha-mẹ với con cái, đặc biệt là giữa mẹ-con để lại cho chúng ta nhiều suy ngẫm. Trong xã hội hiện đại ngày nay, có thể mối quan hệ trên không còn gay gắt như cách mà nữ triết gia đề cập bởi xã hội đã phát triển hơn rất nhiều so với xã hội của bà. Tuy nhiên, những đòi hỏi về tình yêu vô điều kiện từ người con với người cha vẫn là một chủ đề đáng được xem xét lại. Bài học rút ra ở đây chúng ta có thể nhìn từ hai chiều: Thứ nhất, nhìn từ góc độ làm cha, làm mẹ, hãy yêu con mình một cách vô điều kiện và đừng đòi hỏi, áp đặt ý chí của mình lên con, hãy tôn trọng sự tự do hiện sinh của mỗi người. Thứ hai, nhìn từ góc độ làm con thì tác giả không đồng tình với Simone de Beauvoir, chữ “Hiếu” trong văn hóa Khổng Giáo nói chung và Việt Nam nói riêng tồn tại hàng ngàn năm là do tính hợp lý nhất định của nó. Dù cho cha mẹ không đòi hỏi gì nhưng việc phụng dưỡng cha mẹ vẫn là một hành vi đạo đức căn bản của con người Á Đông, nó là một nét văn hóa tốt đẹp mà chúng ta không nên từ bỏ. Việc phụng dưỡng cha mẹ cũng có thể xuất phát từ tình yêu thương vô điều kiện của con dành cho bậc sinh thành, nó được thực hiện dựa trên lựa chọn cá nhân của người con, do đó, theo cách hiểu của Simone de Beauvoir, nó cũng là một loại tình yêu đích thực.

Kết luận

Tóm lại, tình yêu bên cạnh là một loại tình cảm đặc biệt giữa 2 con người với nhau nhưng về bản chất nó là một loại ràng buộc tự do của con người (lưu ý rằng, với de Beauvoir và Sartre thì không chỉ tình yêu là một loại ràng buộc mà bất kỳ mối quan hệ giữa người với người nào cũng là kiểu ràng buộc lẫn nhau về mặt siêu hình học). Sự ràng buộc này là rào cản gây khó cho mỗi chủ thể thực hiện sự tự do lựa chọn cá nhân của mình và điều này là không tốt. Do đó, Simone de Beauvoir muốn nhắn nhủ chúng ta rằng, một tình yêu đích thực phải được xây dựng trên cơ sở tôn trọng chủ quyền tự do lẫn nhau mà trong mối quan hệ đó, mỗi bên càng ít nghĩa vụ với người còn lại thì tình yêu càng đích thực. Tình yêu phải mang tính vô điều kiện, tự nguyện cho đi như một món quà (không mang tính hy sinh) mà không mưu cầu được đền đáp. Và hãy thận trọng khi tiến tới kết hôn bởi những “trái ngọt” của tình yêu sẽ đem tới rất nhiều nghĩa vụ trói buộc đôi chân tự do của mỗi người. Hãy chỉ nghĩ tới kết hôn khi đôi chân ấy đã mỏi mệt, đã thỏa mãn tự do tính của mình và tự mình mong muốn thực hiện những nghĩa vụ với gia đình, xã hội và thế hệ sau. Trên đây là 2 lời khuyên mà chúng ta có thể rút ra từ triết học tình yêu của Simone de Beauvoir. Bài viết cố gắng truyền tải triết học theo hướng đại chúng hóa nên đã lược bỏ nhiều khái niệm nguyên bản vốn không dễ đọc cũng như những ý tưởng xa vời hoặc không còn phù hợp với thực tiễn nên sẽ có sự “méo mó” nhất định, mong các bạn thông cảm, lượng thứ và góp ý thêm. Xin trân trọng cảm ơn quý độc giả!