Triết học thực hành: Học triết để làm gì?
The Good Place kể về một nhóm người cố gắng trở thành người tốt hơn để lên thiên đàng, bằng cách học và nghiên cứu triết học đạo đức. Nhưng liệu việc học triết học đạo đức có giúp con người trở nên đạo đức hơn trong cuộc sống thường ngày?
(Không chứa spoiler The Good Place)
Mới đây, tôi xem một bộ phim truyền hình tiếp cận triết học một cách khá đại chúng mang tên The Good Place. Câu chuyện kể về một nhóm người cố gắng trở thành người tốt hơn để lên “thiên đàng” (the good place), bằng cách học và nghiên cứu triết học đạo đức. Nghe thật hợp lý, muốn nấu cơm thì phải học vo gạo, bỏ gạo vào nồi, cắm điện. Muốn trở thành người tốt thì phải học triết học đạo đức!
Tuy vậy, chẳng triết học nào được đề cập trong phim đưa ra bước 1, 2, 3, chỉ cần làm theo để thành người tốt. Thay vào đó, tôi xem xong mà câu hỏi thì nhiều hơn câu trả lời: Thế nào là người tốt? Liệu có tồn tại một tiêu chuẩn đạo đức khách quan? Con người có thể trở thành người tốt không? Và quan trọng nhất, liệu việc học triết học đạo đức có giúp con người trở nên đạo đức hơn trong cuộc sống thường ngày?
Nếu triết học chỉ đặt ra thêm câu hỏi thay vì câu trả lời, thì học triết học để làm gì?
Các khái niệm triết học ngày nay đa phần xuất phát từ phương Tây và được thống trị bởi cách hiểu, ngôn ngữ của phương Tây. Aristotle đã phân nhánh triết học thành triết học tự nhiên và triết học thực hành. Triết học tự nhiên nghiên cứu các vấn đề, hiện tượng trong tự nhiên; triết học thực hành nghiên cứu đạo đức, thẩm mỹ, chính trị… Từ xuất phát điểm đó, ngày nay, triết học chia làm hai nhánh tương ứng là triết học lý thuyết và triết học thực hành. Vào thời hiện đại, có lẽ triết học thực hành là câu trả lời sát sườn nhất cho câu hỏi: triết học giúp gì cho tôi?
Tuy nhiên, tôi không cho rằng chỉ triết học thực hành mới có thể giúp chúng ta. Có lẽ ai đọc về lịch sử triết học đều biết rằng tất cả những môn học, ngành học ngày nay đều xuất phát từ một cái gốc là triết học. Nói cách khác, trước khi phân mảnh thành nhiều môn như bây giờ, triết học chỉ việc học hành, suy ngẫm, nghiên cứu bất kể cái gì. Từ PhD (tiến sĩ trong tiếng Anh) cũng xuất phát từ đó.
PhD (Doctor of Philosophy) bao gồm từ Doctor (tiến sĩ) và từ Philosophy (khi đó có nghĩa là "tình yêu tri thức").
Ngày nay, triết học lùi lại phía sau để nhường bước cho các môn khoa học khác – những nhánh nhỏ từ gốc của mình. Tuy nhiên, có một điều mà chỉ triết học mới nghiên cứu được, đó chính là nền tảng của tất cả các môn khoa học còn lại, “phương pháp luận”. Muốn có nền nghiên cứu khoa học tự nhiên lấy thực chứng (thí nghiệm, thực nghiệm) làm tiêu chuẩn như hiện nay, triết học đã phải đi một chặng đường dài trên quan điểm chủ nghĩa kinh nghiệm (empiricism). Muốn có nền nghiên cứu khoa học xã hội như hiện nay, phải có sự góp sức của quan điểm chủ nghĩa tự nhiên (naturalism) hay chủ nghĩa rút gọn (reductionism).
Nhìn nhận ở góc độ cá nhân, “phương pháp luận” của bạn - cách bạn nhận thức, phân tích thế giới - xuất phát từ các quan điểm triết học khác nhau thể hiện qua nền tảng đạo đức, khế ước xã hội, ngôn ngữ, tôn giáo, tín ngưỡng… Có bao giờ bạn tự hỏi, những điều mình tin tưởng có nguồn gốc từ đâu? Một ví dụ đơn giản, nếu bạn tin rằng mỗi người sinh ra đều là một tờ giấy trắng, sau đó sự nuôi dưỡng và giáo dục hình thành nên tính cách, quan điểm của họ, vậy là bạn đã tin vào quan điểm của chủ nghĩa kinh nghiệm (empiricism) – cho rằng mọi điều con người có thể nhận thức đều đến từ các giác quan. Còn nếu bạn cho rằng “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”, bạn đã tin vào innatism (tạm dịch: chủ nghĩa bẩm sinh) – cho rằng con người khi sinh ra đã có những ý tưởng, kiến thức, và việc họ cần làm là tìm cách đánh thức những ý tưởng, kiến thức đó.
Vậy, rốt cuộc, tính thực hành của triết học nằm ở đâu? Quay trở lại câu hỏi thí điểm ở đầu bài, triết học đạo đức không hề giải quyết câu hỏi bạn cần làm gì để thành người tốt, để bạn chỉ việc làm đúng theo các bước 1, 2, 3, vậy là thành công. Triết học cho bạn câu hỏi, và cũng cho bạn các công cụ để trả lời câu hỏi ấy. Đồng ý với những câu trả lời sẵn có hay tự suy ngẫm ra câu trả lời cho mình là việc của bạn. Triết học gõ cửa vào những sự tiền giả định sâu thẳm nhất của bạn, đưa cho bạn công cụ để lật lại, phân tích, phản biện, và tái xây dựng chúng. Đối với tôi, học triết học chính là học cách suy nghĩ. Suy nghĩ là động lực của mỗi hành động, và cũng tương tự như vậy triết học là động lực của mỗi bước đi của nhân loại trên Trái đất này.
Tôi suy nghĩ, nên tôi tồn tại. (Cogito, ergo sum) - René Descartes
A.
Ps. Sự phân chia thành triết học lý thuyết và triết học thực hành dường như chỉ có ở triết học phương Tây. Ngôn ngữ và các khái niệm triết học hiện hành cũng đậm chất phương Tây. Cá nhân tôi cho rằng triết học phương Đông tập trung vào con người hơn – suy nghĩ về bản thân con người trong mối quan hệ với vũ trụ. Vì vậy, tôi cho rằng bàn luận về triết học trên các khái niệm phương Tây có phần phiến diện – chính sự phân chia Đông – Tây cũng đã là một sự phiến diện. Nếu có thời gian, các bạn hãy tìm hiểu thêm các trường phái triết học ở các nền văn minh châu Á và Trung Đông nữa nhé!
Sự kiện Spiderum
/su-kien-spiderum
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất