Triết học không giúp gì cho ta (và nó nên như vậy). Bài dự thi gửi Spiderum
Khi đọc đề bài cuộc thi của Spiderum, tôi nghĩ tới hai điều: Điều đầu tiên là bài dự thi chủ đề Đạo đức gửi Hội đồng Đan Mạch của Schopenhauer,...
Khi đọc đề bài cuộc thi của Spiderum, tôi nghĩ tới hai điều: Điều đầu tiên là bài dự thi chủ đề Đạo đức gửi Hội đồng Đan Mạch của Schopenhauer, trong đó ông cụ dành hai trang đầu chửi đề bài, ba trang sau chửi giám khảo, bốn mươi trang tới chửi Kant và Hegelian còn nửa đoạn cuối khen động vật. Điều thứ hai là giá sách “triết học” tại hiệu sách to nhất thành phố tôi từng ở tại Úc. Trên đó, ngoài những sách của Camus, Kierkegaard, Hobbes, Machievelli đã phổ thông, kín giá còn xuất hiện những cuốn tâm lý/tự giúp (self-help) của Jordan Peterson, khảo cổ/văn học lãng mạn của Harahi và… hai quyển sách cam xanh của Mark Manson, “The Subtle Art of Not Giving a F*ck” cùng “A Book About Hope”.
“Thực hành triết học” là một cụm từ nghịch hợp (oxymoron). Khi nói về thực hành triết học, người nói dường như đã tách phần “thực hành” ra khỏi phần triết học, tức là coi triết học là một cái gì đó thuần lý thuyết mà cần phải “áp dụng” ra ngoài cuộc sống, hay là thực hành. Điều này đi ngược hẳn lại đoạn trích của Seneca ngay bên trên: “Triết học cốt ở hành động, không ở lời nói…”. Ý của Seneca rõ ràng: Triết học và thực hành không thể tách rời nhau. Không có “thực hành triết học”, chỉ có triết học như một động từ, như một diễn trình.
“Thực hành triết học” được đại diện bởi Jordan P. Peterson (dù sao GS cũng nghiêng về tâm lý hơn), School of Life hay Sam Harris trên giá sách nghe rất thuận tai bởi vì trong xã hội chúng ta đã có “toán học thực hành”, “hóa học thực hành” hay “vật lý thực hành”, nơi (kết quả của) các môn khoa học này thường được đưa trực tiếp vào cuộc sống, từ chăn nuôi nông nghiệp tới chế tạo dụng cụ, tạo ra những kết quả thực chứng, kiểm nghiệm được. Triết học, trong đề bài, được “gửi gắm” một nghĩa vụ lớn hơn, đó là “giữ tâm bình an trước biến cố” hoặc “tự do khỏi lo âu”. Đó là những cụm từ mạnh, nhưng sẽ hơi buồn cười một chút nếu chúng ta vẫn áp từ “thực hành” vào những môn được coi là “xã hội”, ví dụ như “văn thực hành”, “thơ thực hành” hoặc “diễn kịch thực hành”. Khía cạnh thực hành vốn đã nằm trong chính những ngành đó.
Tại sao lại có sự khác nhau giữa triết học và toán học, sinh học như vậy? Đơn giản mà nói, toán học, sinh học, vật lý là những môn khoa học tự nhiên, nơi người nghiên cứu tự cho mình đứng rời khỏi chủ thể nghiên cứu, kết quả của những môn khoa học này sẽ có nghĩa bất kể thời gian, văn hóa, ngôn ngữ và do đó dễ dàng áp dụng vào cuộc sống thực tế như những kết quả nhỏ xinh. Triết học cũng đã giải quyết một phần những lầm tưởng này với lý thuyết chuyển dịch hệ hình (paradigm shift), nhưng đó lại là chuyện khác.
Quay trở về triết học. Cụm từ “philosophy” vốn nguyên gốc là “philo” và “sophia”, có nghĩa là tình yêu tri thức. “Tình yêu tri thức” có nghĩa là một cái gì đó đang tiếp diễn, một quá trình để tìm đến, để yêu. Hegel đã lỗi lạc nói: “Con cú của thần Minerva (vị thần thông thái Hy Lạp) bay vào ban đêm”. Ý của ông là chúng ta chỉ có thể khảo nghiệm, đúc kết một tri thức khi sự kiện thật sự đã xảy ra. Triết học là thực hành, nhưng đồng thời sự thực hành trong cuộc sống, sự thực hành tưởng chừng “không triết học” đã diễn ra trước khi chúng ta đúc kết nó thành sách vở. Thầy của ông, Fichte, nói rõ ràng hơn trong cuốn “Bản chất người học giả”: Chính sự tiếp nối liên tục của tri thức, chính sự không hoàn thiện của nó, việc chúng ta liên tục “đứng trên vai người khổng lồ” và làm bàn đạp cho những thế hệ tiếp theo mới khiến cuộc sống đáng sống. Giống trong truyện “Chín tỷ cái tên của Chúa”, toàn bộ vũ trụ sẽ biến mất ngay lập tức khi có một kiến thức tròn trịa, vẹn toàn, chỉ ra được con người nên sống thế nào. Quen thuộc hơn, hãy nhìn những thực hành của người Khắc kỷ: Cuốn sách Khắc kỷ nổi tiếng nhất nhì của quân vương Marcus Aurelius là một cuốn nhật ký, lặp đi lặp lại những điều tự răn mình khi ngày đã tàn.
Vậy để trả lời câu hỏi “triết học thực hành đã giúp bạn trong đời sống thế nào”, chúng ta phải trả lời câu hỏi “triết học là gì”, mà tự đáp án của nó đã không thể tách rời khỏi vế “thực hành”. Chính vì sự “thực hành” trong một không thời gian cụ thể mà triết học vì thế không có một định nghĩa hay mục tiêu rốt ráo. Một trò đùa của giới sinh viên triết là… liệt kê những đầu sách mang tên “Triết học là gì” vì 10 ông triết gia thì sẽ có 12 định nghĩa về triết học. Nếu với Deleuze, triết học là việc “tạo ra khái niệm” (concept-making), thì với Herbert Marcuse, triết học là hệ thống cần liên tục thay đổi để đánh giá, chỉ trích những biến đổi xã hội.
Với tôi, chính vì lý do đó, triết học không nên giúp đỡ cuộc sống. Triết học không nên tìm ra câu trả lời rốt ráo cho sự bình an trong tâm hồn. Triết học không nên làm tôi bớt lo toan trước đại dịch. Nếu triết học chỉ đơn giản và có một mục đích tận cùng như vậy, chúng ta sẽ chỉ cần đọc những đầu sách cụ thể theo một trình tự cụ thể và chúng ta sẽ sống một cuộc sống như ý (!). Điều này không bao giờ trở thành hiện thực. Ngược lại, những ngành triết học như triết học ngôn ngữ, Logic toán (formal logic), triết học triết học khoa học, triết học lịch sử triết học… tự nó không làm con người khá lên, nhưng sự thú vị hoặc ý nghĩa của nó thì không hề kém cạnh. Nhưng dường như chính vì lý do này nên để tìm được một cuốn sách triết học mà không có nghĩa vụ giúp con người cá nhân tốt lên ngay tức khắc ở một hiệu sách đại chúng thật khó khăn.
Và cũng thật kỳ lạ nếu chúng ta đặt ra câu hỏi “toán học giúp tôi sống tốt hơn thế nào” hoặc vật lý giúp tôi sống tốt hơn thế nào”. Rõ ràng những áp dụng của những ngành khoa học kia khiến cuộc sống ta dễ chịu hơn, nhưng sự học toán, học vật lý trong chính nó liệu có đem lại một câu trả lời “tốt/xấu” đạo đức cho con người không? Tôi e là không. Sự học khoa học, hay tìm hiểu khoa học cũng chỉ dừng lại trong chính nó ở việc thỏa mãn kiến thức cho chính mình, chứ không đặt ra được một con đường mang tính đạo đức hoặc cứu cánh nào.
Tương tự với văn học, triết học hay mọi môn học. Chúng sẽ cho ta cách nhìn mới, cách đặt câu hỏi mới, nhưng nếu có một loại triết học hay văn học nào tự nhận nó có thẻ tìm ra chân lý, cho ta một con đường thẳng đến triết lý, đó là một lời nói dối hoặc một lời nói kiêu ngạo quá đáng.
Thay vào đó, tôi đề nghị, hãy nhìn vào sự phức tạp, chuyển mình liên tục của thế giới, hãy nhìn thế giới “như một ẩn số” (enigma), mà nhiệm vụ của triết học là làm phức tạp thêm ẩn số đó. Không phải tìm ra câu trả lời, mà là làm phức tạp thêm. Triết học không trả lời ngay lập tức câu hỏi “làm thế nào để sống tốt”, mà nó đặt thêm câu hỏi “sống tốt là gì?” “sống tốt ở Việt Nam giữa đại dịch 2021 với thu nhập 5 triệu đồng một tháng có giống sống tốt ở Zimbabwe thế kỷ 19 không?” hay “Tại sao phải sống tốt?”. Đây là những khía cạnh thú vị hơn rất nhiều và đáng để tìm hiểu hơn rất nhiều.
Khoa học - Công nghệ
/khoa-hoc-cong-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất