Ayn Rand (2 tháng 2 năm 1905 – 6 tháng 3 năm 1982) là một nhà tiểu thuyết và lý luận quốc tịch Mỹ sinh tại Nga. Bà nổi tiếng vì đã phát triển học thuyết Chủ nghĩa khách quan và vì đã viết một số tác phẩm như We the Living (Chúng ta thực thể sống), The Fountainhead (Suối nguồn), Atlas Shrugged (Người khổng lồ nghiêng vai), For the new Intellectual (Vì giới tri thức mới) và tiểu thuyết ngắn Anthem. Là người gây ảnh hưởng rộng lớn tới nước Mỹ hậu chiến tranh thế giới thứ 2, các tác phẩm của Rand đã tạo nên sự mến mộ nhiệt thành cũng như phê phán nghiêm khắc.
Tác phẩm của Rand nhấn mạnh các quan niệm tư tưởng về hiện thực khách quan, lý trí, chủ nghĩa vị kỷ, và chủ nghĩa tư bản tự do, trong khi tấn công những gì mà bà coi là không hợp lý và phi đạo đức của lòng vị tha, chủ nghĩa tập thể (collectivism) và chủ nghĩa cộng sản (communism). Bà tin rằng con người phải chọn cho mình các giá trị và hành động theo lý trí; và rằng cá nhân có quyền để tồn tại vì lợi ích của chính bản thân mình, không hy sinh bản thân cho người khác hoặc người khác vì mình; và rằng không ai có quyền chiếm đoạt những gì thuộc về người khác bằng bạo lực hay lừa dối, hoặc áp đặt tiêu chuẩn đạo đức của mình lên người khác bằng bạo lực. Tính chất lý luận của Rand được mô tả là chủ nghĩa tiểu chính phủ (minarchism) và theo chủ nghĩa tự do (liberianism), mặc dù bà không bao giờ sử dụng thuật ngữ minarchism và ghê tởm chủ nghĩa tự do.
Mục tiêu rõ rệt của tiểu thuyết của Rand là miêu tả anh hùng của mình được lý tưởng hoá, một người có những khả năng và sự độc lập mâu thuẫn với xã hội, nhưng luôn bền gan quyết chí đạt được mục đích của mình.
SUỐI NGUỒN (The Fountainhead)
* Đã bán được hơn 6 triệu bản trong hơn 60 năm qua kể từ khi xuất bản lần đầu (1943).
Cuốn tiểu thuyết của bà có thể làm cho những ai quen bị cuốn đi trong tâm lý bầy đàn phải giật mình, buộc phải tự hỏi về chính kiến của mình, giá trị riêng có và sự tự tin tối thiểu của mình.
Như một bản vẽ tuyệt vời cho một công trình đáng tôn vinh nhất, Suối nguồn là một thiết kế tinh tế, mạnh mẽ về con người - những kẻ thứ sinh, ăn bám từ nhận thức đến cách sống, và những cá thể vĩ đại biết tư duy với một trí não độc lập, một niềm say mê chân chính của riêng mình. Con người - với các dòng chảy tư tưởng - hiện lên sống động qua một ngôn ngữ rành mạch, khúc chiết mà đầy lôi cuốn.
Việc xổ toẹt vào một xã hội nô dịch, đề cao chủ nghĩa cá nhân, lý tưởng giải phóng cá - thể - người khỏi mọi - người… của Ayn Rand trong Suối nguồn có thể gây ra nhiều cuộc tranh cãi giữa các luồng tư tưởng; nhưng trên hết, nó mang đến sự thú vị cho bất kỳ người đọc nào muốn tìm thấy ở đây một nhân sinh quan khá độc đáo về con người, cụ thể là con người - sáng - tạo. Với kiến trúc sư Howard Roak - nhân vật chính của tác phẩm, sáng tạo là nhu cầu tự nhiên nhất, là mục đích cao cả nhất. Anh chỉ có một niềm tin - tin vào chân lý của chính mình, không chấp nhận mọi sự phục tùng, phụ thuộc, không tồn tại thông qua bất kỳ ai khác.
“Các quy tắc ư?” Roark nói. “Quy tắc của em là thế này: những cái có thể làm với chất liệu này thì không được làm với chất liệu khác. Không có hai chất liệu nào giống hệt nhau. Không có hai địa điểm nào trên trái đất này giống hệt nhau. Không có hai tòa nhà nào có cùng mục đích như nhau. Mà mục đích, địa điểm, nguyên liệu lại quyết định hình khối. Một tòa nhà không thể hợp lý hoặc đẹp đẽ trừ khi nó được thiết kế từ một ý tưởng xuyên suốt; và ý tưởng đó sẽ chi phối mọi chi tiết. Một tòa nhà là một thực thể sống, giống như một con người. Đức hạnh của một tòa nhà là phải tuân thủ những nguyên lý của chính nó, tuân thủ triết lý xuyên suốt của nó, và phải phục vụ mục đích của chính nó. Một con người không vay mượn các bộ phận cơ thể anh ta. Một tòa nhà không vay mượn những mảng miếng linh hồn của nó. Người xây ngôi nhà phải cho nó một linh hồn và phải cho làm mọi bức tường, cửa sổ và cầu thang thể hiện được cái linh hồn ấy.”
“Thể hiện – nhưng thể hiện cái gì? Đền Parthenon không có cùng mục đích sử dụng như những tổ tiên bằng gỗ của nó. Một sân bay không cùng mục đích với đền Parthenon. Mọi cấu trúc đều có mục đích riêng của nó. Mỗi con người tự tạo ý nghĩa, phong cách và mục đích cuộc sống của anh ta. Tại sao lại quan trọng hóa những cái mà người khác đã làm? Tại sao một thứ lại trở nên thiêng liêng chỉ bởi vì nó không phải do ta nghĩ ra? Tại sao bất kỳ người nào và tất cả mọi người đều đúng – miễn nó không phải là ý tưởng của bản thân ta? Tại sao số lượng người lại có thể thay thế cho nội dung của chân lý? Tại sao chân lý được xác định chỉ hoàn toàn bằng các phép tính số học – và chỉ bằng cách bổ sung thêm vào nó? Tại sao mọi thứ bị bóp nặn để phù hợp với những thứ khác? Phải có lý do nào đó chứ? Em không biết. Em chưa bao giờ biết. Em muốn hiểu rõ điều này.
“Vì tôi yêu quý mặt đất này. Đấy là tất cả những gì tôi yêu quý. Tôi không thích hình dạng của những thứ trên trái đất này. Tôi muốn thay đổi chúng.”
Nếu như tôi tìm thấy một công việc, một kế hoạch, một ý tưởng hay một người mà tôi muốn – tôi có thể phải phụ thuộc vào nó hoàn toàn. Mọi thứ đều có những mối dây dẫn đến những thứ khác. Tất cả chúng ta đã quá ràng buộc lẫn nhau. Chúng ta đều đang trong một cái lưới, cái lưới đó đang chờ, và chúng ta bị mắc vào đó chỉ bởi một ham muốn duy nhất. Anh mong muốn một thứ gì đó và nó trở thành quý giá đối với anh. Anh có biết có ai đang đứng kia, sẵn sàng cướp nó khỏi tay anh không? Anh không thể biết, nó có thể ở rất sâu và rất xa, nhưng có ai đó đã sẵn sàng và anh sẽ sợ tất cả bọn họ. Và anh sẽ luồn cúi, anh sẽ bò, anh sẽ van xin và anh sẽ chấp nhận họ – chỉ để họ cho anh có cái anh muốn. Và hãy nhìn xem, anh đã chấp nhận ai.
Anh biết không, tôi không bao giờ mở lại bất kỳ một quyển sách tuyệt hay nào mà tôi đã từng đọc và say mê. Đọc lại những cuốn sách này làm cho tôi đau khổ khi phải nghĩ đến những cặp mắt khác cũng đã đọc nó và rồi phải nghĩ những cặp mắt đó thuộc về ai. Những điều như vậy không thể bị chia sẻ. Không phải với những người như thế.
Anh muốn em biết. Điều mà em đang nghĩ tồi tệ hơn sự thật rất nhiều. Việc họ đang phá huỷ nó không quan trọng với anh. Cũng có thể nó đau đớn đến nỗi anh thậm chí không biết là mình bị đau. Nhưng anh không nghĩ vậy. Nếu em muốn đau khổ thay cho anh, thì đừng đau khổ nhiều hơn anh. Anh không có khả năng đau khổ một cách hoàn toàn. Anh chưa bao giờ có khả năng đó. Nỗi đau chỉ xuống đến một điểm nào đó, rồi nó dừng lại. Miễn là còn có cái điểm không thể chạm tới đó, nó không thực sự là nỗi đau. Em đừng như thế.”
“Điều đó không quan trọng. Kể cả nếu như họ sẽ phá huỷ nó. Điều quan trọng là nó đã từng tồn tại.”
“Anh có thấy em cứu anh khỏi cái gì khi em lấy các hợp đồng khỏi tay anh không? … Để không cho họ có quyền làm chuyện này với anh… Không có quyền sống trong một công trình mà anh xây nên … Không có quyền động vào anh… bằng bất kỳ cách nào…”
“Howard Roark đã xây dựng một đền thờ linh hồn của con người. Anh ấy coi con người như những cá thể mạnh mẽ, tự tôn, trong sạch, khôn ngoan, dũng cảm. Anh ấy nhìn nhận con người như một thực thể anh hùng. Và anh ấy xây dựng một ngôi đền để tôn vinh điều đó. Ngôi đền là nơi mà con người trải nghiệm sự thăng hoa. Anh ấy cho rằng sự thăng hoa bắt nguồn từ nhận thức về sự vô tội, từ việc nhìn ra sự thật và đạt được sự thật đó, từ việc sống hết khả năng của mình, từ việc từ chối sự nhục nhã và không bao giờ làm gì để phải nhục nhã, từ việc có thể đứng khoả thân dưới ánh sáng mặt trời. Anh ấy nghĩ rằng sự thăng hoa hàm chứa niềm vui và niềm vui là quyền của con người ngay từ khi được sinh ra. Anh ấy nghĩ rằng một nơi được xây dựng để tôn vinh con người là một nơi linh thiêng. Đó là điều mà Howard Roark nghĩ về con người và sự thăng hoa. Nhưng Ellsworth Toohey nói rằng ngôi đền này là tượng đài cho sự căm ghét ghê gớm của loài người. Ellsworth Toohey nói rằng gốc rễ của sự thăng hoa phải bị triệt tiêu, phải bị dúi xuống đất và bị chôn vùi. Ellsworth Toohey nói rằng hành động cao cả nhất của con người là nhận ra sự nhỏ mọn của mình và cầu xin sự tha thứ. Ellsworth Toohey nói rằng thật sa đoạn khi không nghiễm nhiên chấp nhận rằng con người cần sự tha thứ. Ellsworth Toohey thấy rằng công trình này thuộc về con người và thuộc về trái đất – và Ellsworth Toohey nói rằng công trình này ngập bụng trong bùn. Ellsworth Toohey nói rằng tôn vinh con người tức là tôn vinh khoái cảm xác thịt thấp hèn, bởi vì lãnh địa tinh thần là cái nằm ngoài khả năng hiểu biết của con người. Để vào được lãnh địa tinh thần, Ellsworth Toohey nói rằng con người phải đến như một kẻ ăn xin quỳ trên hai đầu gối của mình. Ellsworth Toohey là người yêu đồng loại.”
Đền Stoddard phải bị phá huỷ. Không phải để cứu rỗi con người khỏi nó, mà để cứu nó khỏi con người.
Chẳng có gì mà các người làm với tôi – hoặc với anh ấy – sẽ tồi tệ hơn cái mà tôi sẽ tự làm với bản thân mình.
Nhưng… đôi khi cháu nghĩ thật là vô lý khi một người hoàn toàn thành tâm muốn làm điều tốt nhưng cái tốt lại là cái không dành cho anh ta. Cháu không thể nào tội lỗi đến mức ấy. Nhưng… nhưng cháu đã bỏ tất cả, cháu không có một ham muốn cá nhân nào nữa, cháu không còn gì của riêng cháu cả… và cháu thật khổ sở. Và những người giống như cháu đều thế cả. Cháu không biết một người không ích kỷ nào mà lại hạnh phúc cả – trừ chú.
Roark, trước khi em gặp anh, em đã luôn sợ sẽ gặp phải một ai đó như anh, bởi vì em biết là em sẽ phải nhìn thấy những gì em đã thấy ở bục nhân chứng và em sẽ phải làm những gì em đã làm ở phòng xử án. Em đã căm ghét việc đó bởi vì việc bào chữa cho anh sẽ là một sự lăng mạ đối với anh – và đó là một sự lăng mạ đối với em khi người như anh lại cần bào chữa.
‘Anh yêu em’ thì người ta phải nói từ ‘Anh’ trước đã.
Em phải học cách không sợ hãi thế giới này. Không để nó nắm giữ em như bây giờ nó đang nắm giữ em. Không để nó làm em tổn thương như nó đã làm em tổn thương ở phiên tòa. Anh phải để em tự học lấy điều đó. Anh không thể giúp em. Em phải tự tìm lấy cách của mình. Khi em đã tìm được cách, em sẽ quay lại với anh. Họ sẽ không hủy diệt được anh, Dominique. Và họ sẽ không hủy diệt được em. Em sẽ thắng, bởi vì em đã chọn con đường khó nhất để chiến đấu cho tự do của em trước thế giới này.
Em đã cho anh cái mà anh muốn. Em trở thành người như anh, như bạn bè anh, như hầu hết loài người đang cố gắng trở thành - nhưng em không thèm rườm rà trang điểm. Em không mất công đọc hết các bài điểm sách để che giấu sự thiếu khả năng xét đoán của bản thân - em nói thẳng là em không có khả năng xét đoán. Em không vay mượn các thiết kế để che giấu sự bất lực trong sáng tạo - em chẳng sáng tạo gì cả. Em không nói rằng bình đẳng là một khái niệm cao cả và đoàn kết là mục đích chính của loài người - em cứ thế đồng ý với tất cả mọi người. Anh gọi đó là cái chết ư, Peter? Cái chết đó - em đã phủ nó lên anh và tất cả những người xung quanh chúng ta. Nhưng còn anh - anh không làm điều đó. Mọi người đều thoải mái khi ở bên cạnh anh, họ thích anh, họ thích sự có mặt của anh. Anh không phủ lên họ cái chết trống rỗng. Bởi vì anh đã phủ nó lên chính bản thân anh.
"Người ta vẫn nói điều tồi tệ nhất mà ta có thể làm với một người là giết chết lòng tự trọng của anh ta. Nhưng điều đó không đúng. Lòng tự trọng là cái không thể bị giết chết. Điều tồi tệ nhất phải là giết chết khả năng giả vờ có lòng tự trọng."
Chạy theo người khác thì quá dễ. Còn đứng độc lập một mình lại không dễ chút nào. Anh có thể đóng vai đạo đức giả trước một đám khán giả. Nhưng anh không thể tự lừa dối mình được. Cái tôi của anh chính là viên thẩm phán nghiêm khắc nhất. Nhưng họ thì chạy trốn khỏi cái tôi. Họ sống cả một đời lúc nào cũng chạy trốn. Họ đóng góp vài nghìn cho quỹ từ thiện và do vậy nghĩ mình cũng cao quý - thực ra việc đó quá dễ so với việc đánh giá lòng tự trọng dựa trên những tiêu chuẩn riêng về những thành tựu của cá nhân mình. Người ta có thể đi tìm những vật thế chỗ cho năng lực làm việc - toàn những vật thế chỗ dễ dãi: nào là tình yêu, sự quyến rũ, lòng tốt và công việc từ thiện. Nhưng không có cái gì có thể thực sự thay thế được cho năng lực.
"Đó chính là điểm nguy hiểm nhất ở những kẻ sống thứ sinh. Họ không quan tâm đến các sự kiện, ý tưởng và công việc. Họ chỉ để ý đến mọi người. Họ không hỏi: 'Cái này có đúng không?' Mà họ hỏi: 'Cái này có phải là cái mà mọi người cho là đúng?' Họ không phán xét, mà chỉ lặp lại. Không lao động, mà chỉ ra vẻ lao động. Không sáng tạo, mà chỉ khoe khoang. Không có khả năng, mà chỉ có quan hệ. Không có phẩm chất, mà chỉ có thế lực. Thế giới sẽ ra sao nếu thiếu những người có thể làm việc, nghĩ, lao động và sản xuất ra của cải vật chất? Họ chính là những người sống vì bản thân. Anh không nghĩ bằng bộ óc của người khác, và anh không lao động bằng đôi tay của kẻ hác. Khi anh ngừng khả năng phán xét độc lập, cũng là lúc anh ngừng nhận thức. Ngừng nhận thức cũng có nghĩa là ngừng sống. Những kẻ sống thứ sinh thì không biết thế nào là thực tại. Thực tại không ở bên trong con người họ, mà ở đâu đó trong cái khoảng không ngăn cách cơ thể người này với cơ thể khác. Thực tại không phải là một thực thể, mà là một quan hệ - và không được neo chắc vào bất cứ cái gì. Đó chính là sự trống rỗng mà tôi không thể hiểu nổi. Đó cũng là cái đã khiến cho tôi dừng lại mỗi khi tôi phải đối mặt với một hội đồng. Toàn những người không có cái tôi. Những ý kiến được phát biểu mà không trải qua quá trình suy nghĩ. Những chuyển động không có phanh hoặc không có động cơ. Những quyền lực không đi đôi với trách nhiệm. Những kẻ sống thứ sinh đó cũng hành động, nhưng động cơ của những hành động đó thì nằm rải rác ở tất cả mọi người. Nó có ở tất cả mọi nơi và không ở nơi nào cả, và anh không thể nào nói chuyện lý lẽ với những kẻ đó. Họ không chấp nhận lý lẽ. Anh không thể tranh luận với họ, và họ không thể nghe thấy gì cả. Anh bị đấu tố bởi một bồi thẩm đoàn vô hình. Một đám đông mù quáng đang chạy như điên và nghiến nát anh mà không có lý do hay mục đích gì. Steve Mallory đã không thể định nghĩa được con quái vật này, nhưng anh ấy biết. Đấy chính là con quái vật râu xanh mà anh ấy sợ. Những kẻ sống thứ sinh."
"Tôi nghĩ những người thứ sinh theo định nghĩa của anh biết điều này, mặc dù bọn họ cố gắng không thừa nhận với bản thân. Thử để ý việc họ có thể chấp nhận mọi thứ trừ một người dám đứng độc lập. Họ sẽ ngay lập tức nhận ra anh ta. Nhờ bản năng. Họ có một lòng căm ghét đặc biệt, âm thầm đối với người đó. Họ có thể tha thứ cho bọn tội phạm. Họ ngưỡng mộ những kẻ độc tài. Tội phạm và bạo lực luôn đi đôi với nhau. Một dạng phụ thuộc lẫn nhau. Họ cần có những ràng buộc kiểu như thế. Họ cần phải áp đặt cái tính cách ti tiện nhỏ nhen của bản thân lên tất cả những người mà họ gặp. Trong khi đó, con người độc lập kia sẽ hủy diệt họ - bởi vì họ không tồn tại ở bên trong anh ta; mà tồn tại trong người khác lại là cách tồn tại duy nhất mà họ biết. Hãy để ý tới sự phẫn nộ đầy ác ý của họ nhằm chống lại bất cứ ý tưởng độc lập nào. Hãy để ý tới những đối xử ác độc của họ nhằm vào một người sống độc lập. Hãy nhìn lại cuộc đời anh xem, Howard, và nhìn vào những người mà anh đã gặp. Họ biết đấy. Họ sợ hãi. Anh là nỗi nhục của họ."
"Đó là bởi vì bên trong họ vẫn còn một chút phẩm giá. Họ vẫn là người. Nhưng họ được dạy cách đi tìm bản thân họ trong những người khác. Nhưng không ai có thể đạt tới sự khiêm tốn tuyệt đối mà lại không trải qua sự tự tin. Bởi vì nếu như thế thì nhưng đó không thể tồn tại được. Do vậy, sau hàng thế kỷ bị nhồi nhét với cái lý thuyết coi việc sống vì người khác là thứ lý tưởng tối cao, loài người đã chấp nhận nó theo một cách duy nhất có thể. Đó là bằng cách tìm kiếm lòng tự trọng qua người khác. Bằng cách sống cuộc đời thứ sinh. Và điều đó đã mở đường cho đủ thứ rùng rợn khác. Nó đã trở thành một biến dạng khủng khiếp nhất của tính ích kỷ mà ngay cả một người thực sự ích kỷ cũng không thể hiểu nổi. Và giờ đây, để cứu rỗi một thế giới đang bị diệt vong vì cái chủ nghĩa sống vì người khác, người ta lại đòi hỏi chúng ta bỏ đi cái tôi của mình. Hãy nghe về những điều luôn được rao giảng ngày nay. Hãy nhìn vào tất cả mọi người ở xung quanh chúng ta. Anh sẽ tự hỏi tại sao họ phải khổ đau như vậy, tại sao họ cứ đi tìm hạnh phúc và không bao giờ tìm thấy nó. Nếu ai cũng dừng lại và tự hỏi bản thân rằng liệu anh ta đã từng có một khát vọng nào thực sự là của riêng mình thì người đó sẽ tìm được câu trả lời. Anh ta sẽ thấy rằng tất cả những mong ước, những nỗ lực, những giấc mơ và tham vọng của anh ta đều do những người khác tạo nên. Anh ta thậm chí không hề vật lộn để có được sự giàu có vật chất, mà anh ta vật lộn vì một thứ ảo ảnh của kẻ sống thứ sinh - đó là danh vọng. Anh ta vật lộn để có con dấu chấp thuận của người khác, chứ không phải của chính anh ta. Anh ta không thể tìm được niềm vui trong sự vật lộn đó, và cũng không có niềm vui khi anh ta thành công. Anh ta không thể nói như thế này về bất cứ điều gì: 'Đây là cái tôi muốn bởi vì Tôi muốn nó, chứ không phải là vì nó khiến cho những người xung quanh há hốc miệng nhìn tôi.' Thế mà anh ta vẫn băn khoăn tại sao anh ta không hạnh phúc. Mọi dạng thức của hạnh phúc đều có tính cá nhân. Những khoảnh khắc lớn nhất của mỗi chúng ta đều là khoảnh khắc riêng tư, đều là tự giác, và không thể để kẻ khác chạm vào. Những gì quý giá và thiêng liêng chính là những thứ mà chúng ta không muốn chung chạ với ai. Nhưng bây giờ chúng ta lại được dạy phải ném tất cả những gì ta có ra chỗ công khai cho mọi người mổ xẻ. Chúng ta được dạy phải đi tìm niềm vui ở những tiền sảnh đông người. Ý tôi là chúng ta không có dù chỉ là một từ để đặt tên cho trạng thái tự-thấy-tràn-đầy, tự-thỏa-mãn trong đời sống tinh thần của con người. Khó có thể gọi nó là sự ích kỷ hay sự vị kỷ - những từ này đã bị bóp méo rồi, chúng được dùng để miêu tả Peter Keating. Gail, tôi nghĩ rằng điều xấu xa lớn nhất trên quả đất này chính là việc đặt mối quan tâm cơ bản nhất của mình vào người khác. Tôi đã luôn luôn đòi hỏi những người tôi thích phải có một phẩm chất nhất định. Tôi đã luôn nhận ra nó ngay lập tức - và đó là phẩm chất duy nhất mà tôi trân trọng ở con người. Tôi chọn bạn bè theo cách đó. Và bây giờ tôi đã biết đó là gì. Một cái tôi tự thỏa mãn. Tất cả những thứ khác đều không quan trọng."
Nếu một người không thể tôn trọng bản thân mình thì người đó không thể yêu hay tôn trọng người khác được.
Ta còn chưa nói với ông ấy biết về loại người sống thứ sinh tồi tệ nhất trên đời - đó là những kẻ chạy theo quyền lực.
Quyền đầu tiên của con người trên trái đất này là quyền có cái tôi. Bổn phận đầu tiên của một con người là bổn phận với chính mình. Nguyên tắc đạo đức của anh ta là không bao giờ để người khác quyết định mục đích sống của anh ta. Bổn phận đạo đức của anh ta là phải làm những gì anh ta khao khát, miễn là khao khát đó không do người khác quyết định. Bổn phận đạo đức này phải chi phối sự sáng tạo, tư duy và lao động của anh ta. Những kẻ ăn cướp, những kẻ theo chủ nghĩa vị nhân sinh, hay những kẻ độc tài dĩ nhiên không sống theo bổn phận này.