Triangle of Sadness (2022) của đạo diễn Ruben Ostlund là một bộ phim khiến khán giả thích thú với những triết lý sâu sắc của cuộc sống dưới một góc nhìn hóm hỉnh nhưng không kém phần khắc nghiệt. Nếu trong tác phẩm The Square (2017) trước đó của mình, ông đã châm biếm và khiêu khích về ranh giới của nghệ thuật, sự tự do ngôn luận và chính trị thì nay, giới siêu giàu thuộc nhóm 1% dân số thế giới lại là chủ đề được ông đưa ra bàn luận.
Tác phẩm theo chân cặp đôi người mẫu nam Carl và cô bạn gái Yaya, một người mẫu và có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội. Cả hai được mời tham gia một chuyến du lịch trên một con tàu sang trọng, nơi tập hợp những người giàu có và đầy quyền lực trên khắp thế giới. Tuy nhiên một cơn bão ập tới đã khiến cho mọi việc hoàn toàn bị thay đổi. Con tàu bị cướp và đánh chìm, những người sống sót trôi dạt vào một hòn đảo mà ở đây người duy nhất có khả năng sinh tồn là một phụ nữ dọn vệ sinh trên tàu tên Aigail. Từ một người luôn bị coi thường trong mắt những người giàu, giờ đây Aigail trở thành trưởng nhóm và những góc tối trong từng con người dần được bóc tách.
Triangle of Sadness (2022) của đạo diễn Ruben Ostlund được chia ra làm ba hồi khác nhau, song mỗi hồi của tác phẩm lại có thể tự mình tách riêng để trở thành một tác phẩm riêng biệt dưới góc nhìn về sự bình đẳng trong mỗi hoàn cảnh. Đạo diễn Ostlund đã đặt ra câu hỏi về những vấn đề trong xã hội và dần dần bóc tách nó dưới một góc nhìn hài hước và châm biếm sâu cay. Ở hồi một đó là sự bình đẳng về giới tính và cách xã hội nhìn nhận về nó. Tới hồi hai đó là sự bình đẳng giữa người với người và cách họ nhìn nhận về những hình thái xã hội. Cuối cùng hồi ba là sự bình đẳng khi những tầng lớp xã hội và nền văn minh nhân loại biến mất, buộc họ phải dựa vào bản thân để sinh tồn.
Trong Triangle of Sadness (2022), ta sẽ bắt gặp những điều hài hước đen tối đến nghiệt ngã khi bộ phim dần trôi về cuối. Đó là một cặp vợ chồng người Anh lịch thiệp nhưng sản xuất vũ khí, để rồi cuối cùng bị chết bởi chính loại lựu đạn mà họ sản xuất. Một người đàn ông người Nga độc thân tự nhận mình là người giàu có và hào hoa, thì nay phải nghe theo từng lời chỉ đạo của một người dọn vệ sinh để có miếng ăn. Một cô gái trẻ có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội với mục tiêu là lấy được một người chồng giàu có, giờ cũng chẳng là gì giữa thiên nhiên khắc nghiệt. Hay một nam người mẫu với thân hình nóng bỏng chỉ giao lưu với những ngôi sao, giờ lại phải ngủ với người lao công Aigail già nua để đổi lấy từng miếng bánh quy – thứ được coi là tiền tệ trên hoang đảo. Sự phi lý và đối lập ấy đã cho ta thấy một sự giễu nhại, châm biếm sâu cay về chủ nghĩa vật chất, mà quên đi mất giá trị của đời thực. Chỉ khi lạc tới một nơi mà giá trị về nhan sắc hay tiền bạc trở nên phù phiếm, tất cả mới chợt nhận ra rằng họ sẽ chẳng là gì nếu không có kỹ năng sinh tồn kiếm miếng ăn hàng ngày.
Châm ngôn “tất cả đều bình đẳng” được những người giàu có nói ra nhưng thực tế chẳng phải vậy. Đó là lúc Carl phải ngồi xem buổi biểu diễn của bạn gái tại dãy ghế cuối trong khi anh đến buổi biểu diễn sớm và bị buộc phải nhường ghế cho người khác. Là việc bà Vera muốn tất cả nhân viên trên tàu được vui chơi thỏa thích nhưng thực chất cũng chỉ là sự ép buộc những người dưới quyền tham gia để thỏa mãn chính mình. Hay một thuyền trưởng luôn say xỉn trở thành bạn thân của một triệu phú phân bón, và cả hai đã giễu nhại chính hình thái xã hội mà họ đang sống. Để rồi khi cơn bão tới, 15 phút của buổi tiệc đã trở thành một sự tra tấn ám ảnh đối với khán giả khi phải chứng kiến những nhân vật giàu có và nổi tiếng thi nhau nôn ọe và trượt ngã trong nước bẩn tràn ra từ nhà vệ sinh. Một ẩn ý sâu cay của đạo diễn Ruben Ostlund về sự bình đẳng hiện lên rằng, chúng ta không thực sự bình đẳng và điều duy nhất bình đẳng giữa người với người chỉ là nhu cầu sinh lý.
Tại Liên hoan phim Quốc tế Cannes 2022, tác phẩm hài kịch đen của đạo diễn Thụy Điển – Ruben Ostlund đã thắng giải Cành Cọ Vàng cao quý. Đây cũng là lần thứ hai vị đạo diễn này nhận giải Cành Cọ Vàng sau tác phẩm The Square (2017). Bộ phim đã nhận được tràng pháo tay kéo dài 8 phút của khán giả và được xem là một trong những tác phẩm gây ấn tượng nhất của Liên hoan phim. Tuy nhiên với những phân cảnh gây sốc đến trần trụi khi châm biếm giới siêu giàu, không ít khán giả đã phải bỏ về giữa chừng. Tác phẩm đã thể hiện những mặt tối của giới thượng lưu, một nền văn hóa thời trang sáo rỗng, một sự nhạt nhẽo vô vị của những người có tầm ảnh hưởng. Trang Variety đã bình luận về “đứa con” của vị đạo diễn người Thuy Điển, rằng ông đã bắt chúng ta phải nhìn nhận thế giới theo những cách khác nhau, để từ đó họ có thể suy nghĩ về chính mình.