Thế nào là Trí Tuệ Cảm Xúc?! Trí tuệ là trí tuệ, cảm xúc là cảm xúc, hai cái đó khác nhau! Vậy sao lại là Trí Tuệ Cảm Xúc.
Theo định nghĩa thì Trí Tuệ Cảm Xúc là một môn/ngành khoa học tìm hiểu về cảm xúc của con người, nó là một nhánh lớn của tâm lý học: tìm hiểu về bản chất cảm xúc, nguồn gốc, mối quan hệ và sự phát triển của cảm xúc để từ đó có cơ sở, có kiến thức nhận biết tác hại và lợi ích mà cảm xúc mang lại, rồi "làm việc" và điều chỉnh cảm xúc cho phù hợp với lợi ích của con người.
Bản Chất của Cảm Xúc
Vậy chứ cảm xúc là gì? Cảm xúc là cảm giác của chúng ta trước sự vật, hiện tượng, thông tin nào đó. Đúng hem? Hông! Nói cảm xúc là cảm giác thì giống nêu lên một định nghĩa bằng một định nghĩa khác.
Cảm xúc là phản ứng của cơ thể (trước sự vật, thông tin....) bằng cách sinh ra chất hoá học nào đó, xung điện nào đó khiến cho ta cảm thấy phấn khích, tim đập nhanh, ngất ngây, vui vẻ, giận dữ, run rẩy, khóc lóc... hay phức tạp hơn là thấy khó chịu mà không biết gọi đó là gì và tại sao lại như thế.
Nhận diện cảm xúc là việc làm đầu tiên mà cũng không hề dễ dàng. Nhiều lúc cảm thấy khó chịu, bứt rứt mà không rõ đó là cảm xúc gì và tại sao lại bị như vậy.
Người xưa có câu: Cha mẹ sinh con, trời sinh tính. Tại sao có người hiền lành, tại sao có người hung dữ? Cảm xúc là thứ vốn có do ông trời ban cho hay do chúng ta tự lựa chọn?
Nguồn Gốc của Cảm Xúc
Thông thường thì cơ thể chúng ta đã tự động "lập trình" sẵn các trạng thái cảm xúc: sợ hãi thì run rẩy, co rúm người lại, thậm chí ngất xỉu, giận dữ thì máu sôi lên, cơ căng ra sẵn sàng chiến đấu. Vui vẻ thì năng nổ, vị tha(dễ tha thứ, dễ bỏ qua). Giận dỗi thì dễ cáu gắt, không tập trung, thiếu kiên nhẫn....
Nhưng các trạng thái cảm xúc này không tự nhiên mà bộc lộ. Nó bộc lộ như thế nào là do ý thức lựa chọn. Vấn đề là ý thức này có được dạy dỗ và tự nhận thức được cảm xúc hay không mà thôi.
Một đứa bé muốn một cái đồ chơi mà không được thì nó có thể buồn, khóc, giận dỗi, la hét, ăn vạ. Đó là bản năng tự nhiên và ngẫu nhiên của nó. Tùy theo sự dạy dỗ mà nó nhận được, nó có thể phản ứng tiêu cực hơn hay tích cực hơn. Là một đứa trẻ với nhận thức rất hạn chế nhưng bản năng động vật của nó sẽ được điều chỉnh tùy theo sự dạy dỗ mà nó nhận được.
Khi đứa trẻ lớn lên, nó đã ý thức được việc nó làm thì chính sự lựa chọn của nó sẽ tạo nên tính cách và cảm xúc của riêng nó. Chẳng hạn như nó cảm thấy không vui thì nó sẽ làm những gì nó muốn bất kể có cãi lời, hỗn hào với người lớn hay không. Hoặc là nó ngoan hiền hơn, dù có thể không vui nhưng không hề cảm thấy khó chịu, trách móc, giận dữ với người khác. Có cảm giác ở đây là "trời sinh tính" nhưng thật ra là do chính nhận thức, tính cách của chúng ta lựa chọn.
Các em tuổi mới lớn thường hay than phiền là buồn quá. Tại sao buồn? Là vì không có gì vui. Không đúng, không vui chưa hẳn là buồn, không vui có khi là vì chán nản, ganh ghét, bất mãn....Cần phải tự nhận thức, gọi tên cho đúng thì mới phát hiện đúng bản chất cũng như nguồn gốc của cảm xúc.
Thường gặp tình huống là ai đó sẽ nói với bạn: bạn chưa yêu thì chưa hiểu được đâu, hoặc, bạn không phải là tôi thì bạn không hiểu cảm xúc của tôi được đâu! Bạn không phải trong hoàn cảnh của tôi thì sao hiểu được.... Có đúng vậy không? Có thể đúng, nhưng không hoàn toàn. Cảm xúc của người nào thì chỉ có chính người đó mới biết, nhưng chúng ta đều biết thế nào là yêu, ghét, thất tình...v..v.. Vì thế không nên nói người khác không hiểu được cảm xúc của bạn, họ biết cảm xúc đó là gì, xuất phát từ đâu và sẽ phát triển thế nào là được rồi. À...mà nếu chưa từng thất tình thì khó mà hiểu được cảm xúc này thật, cho dù có đọc bao nhiêu sách đi nữa.
Mối Quan Hệ giữa các Cảm Xúc
Khi mình vui vẻ thì sẽ rộng rãi, dễ gần gũi và vị tha hơn, dễ có cảm tình hơn. Khi mình buồn bực thì ít kiên nhẫn, dễ cáu gắt, thậm chí là coi thường, thiếu tôn trọng với người xung quanh. Khi mình sợ hãi thì diễn biến tâm lý phức tạp hơn nhiều, có thể ngất xỉu hoặc dữ dội, tàn bạo để bảo vệ mạng sống của mình....
Một người hay nóng nảy thì rất có thể hay ganh ghét, bất mãn, thù hằn, thiếu tôn trọng người khác... Một người hiền lành thì có thể dễ thấy hài lòng, vui vẻ, dễ yêu thương, dễ hòa đồng.
Có một ông sếp cơ bản là người tốt, nhưng đứng trước áp lực, hay gặp chuyện không hài lòng thì phản ứng rất tiêu cực, dữ dội, la hét, đập bàn ghế, chửi rủa, xỉ vả mà không giải thích nguyên do hay tìm biện pháp giải quyết. Ông ta đã không ý thức được cảm xúc, nói cách khác là không có Trí Tuệ Cảm Xúc. Ông ta đã tạo ra một cảm xúc tiêu cực, xâm lấn tất cả nhân viên của ông ta, làm cho những nhân viên này cũng chịu một áp lực, một cảm xúc tiêu cực. Có nhân viên trở nên dễ mất bình tĩnh hơn, có nhân viên mất đi hăng hái, nhiệt huyết, có nhân viên buồn nản....v...v.
Cảm xúc có thể "lây lan", lan truyền trong cộng đồng và có tác động khác nhau lên từng tính cách, con người khác nhau, mang đến những cảm xúc khác nhau cho mỗi cá nhân.
Sự Phát Triển của Cảm Xúc
Đối với các cô gái: nếu cảm thấy vui sau khi gặp người đàn ông nhiều lần thì có khả năng sẽ yêu người đàn ông đó rất cao.
Nếu bạn không ưa một ai đó thì dự đoán là bạn sẽ ngày càng ghét hơn. Đến một lúc nào đó thì thấy người ta...thở...bạn cũng ghét.
Cảm giác ban đầu với một người là tốt thì dễ gần gũi, thân thiện, yêu thương. Cảm giác ban đầu là xấu thì dễ gây nên thành kiến, xa cách, hiểu lầm...
Hoặc có những người do bất mãn, thành kiến thái quá lâu ngày càng sinh ra thù ghét xã hội, trở thành phần tử nguy hiểm, cực đoan.
Trí Tuệ Cảm Xúc
Đến đây chúng ta cần quay lại để nhận biết và phân loại cảm xúc. Điều này không dễ và không phải ai cũng muốn làm. Rất nhiều người cho rằng cảm xúc tự nhiên của họ là một quyền bất khả xâm phạm. Họ chỉ thừa hưởng cảm xúc chứ không muốn tìm hiểu, phân tích cảm xúc đó.
Nhưng cảm xúc thì cũng có ưu nhược điểm, có tốt có xấu để có thể can thiệp và khắc phục kịp thời.
Mắc cỡ, rụt rè trước đám đông là cảm xúc thường thấy ở nhiều người. Khi công việc yêu cầu phải tự tin nói chuyện trước công chúng thì chúng ta cần tìm cách loại bỏ cảm xúc đó đi. Bằng cách luyện tập, hiểu biết thật sâu về những gì mình cần giao tiếp và xem khán giả như những người bạn hay thậm chí là học trò bé nhỏ của mình, cho dù trong số khán giả đó có những giáo sư đầu ngành đang chấm điểm cho mình đi nữa.
Khi bạn thất tình, buồn là chuyện đương nhiên, nhưng đã có trí tuệ cảm xúc thì bạn sẽ không ngừng dùng lý trí để "tấn công" vào nỗi buồn đó, bạn sẽ nghĩ ra trăm ngàn lý do để buông bỏ "cái mình không thể có được" và sớm quay lại cuộc sống bình thường.
Có không ít người chỉ hơi lớn tuổi một chút là đã ngán học, nói tới việc học là họ cứ từ chối đây đẩy, nói học không vô! Đó cũng là một loại cảm xúc tiêu cực. Đó chẳng qua là họ chưa ý thức được sự cần thiết của việc học, không thích môn học hoặc do trước đó sử dụng cách học không phù hợp, không hiệu quả dẫn đến chán nản và cảm thấy khó khăn trước việc học, thậm chí là có thành kiến với việc học, cho việc học là khó khăn, nặng nề, vô ích. Nếu thuyết phục được bằng lý do chính đáng, lợi ích của việc học, tạo ra một động lực học, tìm ra cách học phù hợp, hiệu quả thì việc học sẽ nhẹ nhàng và họ sẽ lại hăng hái đi học.
Thực Hành
Bạn có bao giờ tự nhận xét bản thân hay nhận xét tính cách, cảm xúc của người khác chưa. Một ông bố nóng tính, hay chửi mắng đánh đập thì ông ta sẽ càng ngày càng nặng hơn, tác động xấu đến con cái, đặc biệt có thể kích động tính bạo lực, nóng nảy của con trai ông ta.
Vậy nếu bạn cảm thấy mình đã nóng tính không cần thiết thì bạn có nghiêm túc tự kiểm điểm hay không?!
Bất kỳ khi nào có một cảm xúc nảy sinh, hãy tự hỏi đó là cảm xúc gì, xuất phát từ đâu, là tốt hay xấu, mình có thể làm được gì để hạn chế tiêu cực, gia tăng tích cực.
Trên thực tế, bạn có thể từng nghe về Thiền, về Sức mạnh Nội Tâm (Innerspace), về Lập trình Ngôn ngữ Tư duy (NLP -Neuro Linguistic Programming). Những môn này được dạy ở nhiều nơi khác nhau, với mục đích khác nhau (có thể là tốt hoặc xấu) nhưng chúng đều là quá trình thực hành luyện tập Trí tuệ cảm xúc.
- Thiền
Thiền là sự tĩnh tâm, tức quá trình loại bỏ các suy nghĩ, các cảm xúc (hay ít ra là giảm thiểu tối đa chúng, không có chúng xuất hiện trong tâm trí trong lúc thiền). Giữ cho tâm trí "trống trải" trong một khoảng thời gian tức là dần tập cho chúng ta trở nên "khách quan" với chính cảm xúc và ý nghĩ của chính chúng ta. Từ đó, có thể "quan sát" những cảm xúc, suy nghĩ này, nhận xét chúng và "cải biến" chúng.
Phần nào đó, thiền giống như "tự thôi miên chính mình". Bạn nào từng xem phim về thôi miên sẽ thấy, khi ta ở gần trạng thái vô thức thì sẽ nghe theo lời nói của người "bên ngoài", từ đó có cách ứng xử khác với cảm xúc gốc của chúng ta. Ví dụ như một người vốn rất sợ rắn, sau khi thôi miên được bảo là rắn rất "dễ thương" thế là khi tỉnh lại không có cảm giác sợ rắn nữa, thậm chí chơi với rắn như chơi với...cún!
- Sức mạnh nội tâm
Cũng gần giống như thiền, sử dụng nhiều phương pháp Thiền. Nhưng ở đây nhấn mạnh đến những phẩm chất, tính cách tốt đẹp. Kiểu bình tĩnh, tĩnh tâm, hiền lành, không phản ứng tiêu cực với cảm xúc, nhận biết và chế ngự cảm xúc. Túm lại là người ta sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để rèn luyện, tập cho chúng ta có sự "bình an" trong tâm hồn, từ đó suy nghĩ khôn ngoan hơn, phản ứng đúng đắn hơn(Cho dù tự nhiên ai đó chạy ra chửi bạn là ...thằng ngu thì bạn cũng không quá bức xúc! Thậm chí ở đẳng cấp cao hơn là cảm thấy hiếu kỳ: vì sao người này lại có cảm giác "thú vị" về mình như thế :P ).
- Lập trình ngôn ngữ tư duy (NLP) 
Đây là phương pháp "chỉnh sửa" thái độ, cảm xúc một cách chủ động, theo ý muốn của chúng ta. Ví dụ bạn muốn trở thành một người tự tin, bất kể là bạn học rất dốt và thường nói những điều vô nghĩa thì vẫn có thể sử dụng phương pháp này để trở nên cực kỳ tự tin. Đây gần giống như kiểu "tự kỷ ám thị", tự khuếch đại "tiếng nói" bên trong mình, lấn át mọi tiếng nói bên ngoài.
Thành ra, có khi là bạn đang thất nghiệp, nhưng sau khi ...NLP xong thì có thể tự tin ra trước quảng trường, phố đi bộ mà hét to rằng: "Tôi sẽ kiếm...3 tỷ trong năm nay!!!"

Nói như trên không phải tôi phê phán gì NLP nhé. Chẳng qua là cách áp dụng "chưa phù hợp" thôi. Chứ NLP vẫn rất hữu ích. Kiểu như một vận động viên không vượt qua chính mình vì áp lực tâm lý thì có thể dùng NLP để điều chỉnh. Hoặc một người chán học hay mất niềm tin vào bản thân (đến mức muốn tự sát) thì cũng có thể áp dụng phương pháp này.
Điều quan trọng để được gọi là Trí Tuệ Cảm Xúc là biết đặt lý trí bên cạnh cảm xúc và các giá trị xã hội để cùng "hợp tác" vì lợi ích của bản thân và cộng đồng.