Nhân dịp trước khi vào Sài Gòn vì công việc trong khoảng thời gian tới, mình sẽ điểm qua về những rạp chiếu phim tư nhân tại Hà Nội đã để lại dấu ấn sâu đậm trong bản thân: từ Hanoi Cinematheque, Fansland cho đến DocLab.
Cái tên tiêu biểu nhất trong đó, Hanoi Cinematheque, đã gắn bó suốt khoảng thời gian đi học cấp hai của mình. Có lẽ là địa điểm chiếu phim lớn nhất về quy mô từ trước đến nay tại Hà Nội, Hanoi Cinematheque không chỉ là một nơi đơn thuần để đến xem phim, nó còn đại diện, và nói cách khác chính là một trong những địa điểm văn hóa nghệ thuật quan trọng nhất của Thủ đô. Tọa lạc ngay trung tâm, trong con hẻm ngay kế bên Tràng Tiền Plaza, bên trong của HC là một rạp sâu khoảng chừng 40m, màn chiếu khoảng chừng 200 inch. Bên ngoài của Hanoi Cinematheque là những chiếc bàn ghế được xếp theo phong cách Pháp. Sau khi xem xong, mọi người cùng ra ngoài để thảo luận về bộ phim hoặc đơn giản là để giao lưu, trò chuyện trước ra về hoặc ghé sang tiệm kem tràng tiền gần đó.
Lợi nhuận thu về của Hanoi Cinematheque hầu như là con số 0 tròn trĩnh. Từ những ngày đầu, HC đã xác định là thu vé hoàn toàn “tùy tâm” (theo nguồn của những topic thảo luận về HC giữa những năm 2000 trên diễn đàn TTVNOL), về sau giá vé của HC cũng chỉ giữ ổn định ở mức 50.000.
Tiếc thay, những gì còn sót lại sau 12 năm hoạt động của Cinematheque chỉ là những di sản và những câu chuyện được truyền miệng lại bởi các tín đồ yêu thích điện ảnh từ người Việt Nam đến nước ngoài, hay nói đúng hơn là yêu thích việc trải nghiệm đến xem phim cùng với mọi người và được kết nối, giao lưu với những người khác cùng “tần số” với mình, được xem phản ứng cùng lúc (collective) của mọi người khi một khoảnh khắc xuất hiện trên màn hình.Bởi lẽ, ta lại quay về câu chuyện muôn thuở, nếu không có tiền thì duy trì kiểu gì? Dĩ nhiên, các tác phẩm kinh điển được trình chiếu tại HC hoàn toàn có thể được xem tại nhà trong điều kiện thoải mái hơn nhiều (trên giường trong phòng tối chẳng hạn).
Nhưng nếu nói như vậy, ta đi concert để làm gì khi mà đã có Spotify hoặc CD tại nhà? Tương tự, văn hóa “xem phim”, khi ta làm nó đúng cách, là để kết nối chứ không phải để chia rẽ - nên lập luận ta-có-thể-xem-mọi-thứ-ở-nhà tiêu diệt hoàn toàn yếu tố xã hội của điện ảnh, vốn đã xuất hiện từ thời The Great Train Robbery.
HC là một cộng đồng đúng nghĩa trong một thời gian dài, và về sau có rất nhiều rạp chiếu phim tư nhân, các quán cafe học theo mô hình của Hanoi Cinematheque nhưng không lớn về quy mộ.
Bản thân HC cũng không phải là duy nhất trong suốt 12 năm hoạt động, và văn hóa đến thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật cùng nhau từ trước đến giờ không chỉ bó buộc trong mỗi phim. Ví như, bác Dũng Fansland (người mở phòng chiếu đầu tiên tại Việt Nam Fansland Cinema vào năm 1994) đã có những buổi nghe đĩa than tại VUI Studio để giới thiệu những album cũ cho các bạn thế hệ bây giờ và sau đó mọi người có cơ hội được nêu cảm nhận, thế giới quan của thế hệ mới với các tác phẩm của thế hệ cũ.Hoặc, tại trung tâm Hanoi DocLab, đã có nhiều phim thử nghiệm, phim chỉ có bản physical, hoặc các phim mà khi chiếu tại các địa điểm nào đó khác sẽ không thu hút được sự quan tâm cho lắm (Đây là nơi đầu tiên tại Việt Nam “dám” chiếu Jeanne Dielmann) được host bởi chị giảng viên Ngô Thanh mà mình đã có cơ hội được tiếp xúc vỏn vẹn 2 lần vào năm 2017 và 2022, được nghe những góc nhìn hay ho về điện ảnh từ một giảng viên filmmaking cũng như về scene điện ảnh tại Việt Nam - rất nhiều học viên của chị sau đã du học và có cơ hội làm phim tại nước ngoài. Song, Hanoi DocLab cũng chỉ tồn tại được một thời gian ngắn rồi cũng lại “sập” do, tất nhiên, không đủ kinh phí.Tổ Chim Xanh cũng là một địa điểm khác đáng chú ý với nhiều các buổi chiếu phim miễn phí được tổ chức (chỉ cần gọi nước).
Trung tâm TPD tuy hiện tại chịu nhiều tai tiếng nhưng ta cũng không thể phủ nhận đã có 1 thời gian TPD tổ chức rất nhiều buổi chiếu phim cho các bạn học viên và ngay cả người ngoài. Chính những trải nghiệm xem phim này đã tạo cảm hứng để mình lập nên VIBE Studio (CGVibe), tuy không có nhiều thành công nhưng trong một khoảng thời gian rất ngắn ngắn từ tháng 11/2021 cho đến tháng 3/2022 đã có nhiều buổi chiếu phim và được nghe nhiều câu chuyện của các khán giả đến xem. Bẵng đi gần 1 năm thì mình được thư viện CA’ Library tiếp cận để tổ chức chiếu phim và trong khoảng 3-4 tháng đã có những khoảng thời gian tuyệt vời khi được chiếu những tác phẩm kinh điển và được chứng kiến mọi người dán mắt vào màn hình thay vì điện thoại tuy chỉ trong khoảng chừng là 2 tiếng rồi sau đó nghe ý kiến về những gì mà họ vừa xem.
CA’ Library đã tạm ngừng hoạt động được một thời gian, và di sản đã được truyền lại cho người em của mình là Phạm Nguyên tại Nirvana Space. Tuy không phải là địa điểm thu hút quá nhiều khách đến xem ra vào, nhưng chí ít ngọn lửa đam mê điện ảnh vẫn còn ở đó và một khi vẫn còn những người đam mê điện ảnh thì vẫn còn những tụ điểm như những nơi chốn được nhắc đến trong bài mọc lên và để lại kỷ niệm cho mọi người.Cũng mong văn hóa xem phim tại Thủ Đô sẽ vẫn tiếp tục được duy trì qua năm này đến năm khác, đến khi nào chán thì thôi.Tạm biệt Hà Nội.
Có buổi chiếu phim nào hay hay ở Sài Gòn mọi người giới thiệu nhé.

Tule