Maradona và số 10 huyền thoại tại Napoli
Maradona và số 10 huyền thoại tại Napoli
Lorenzo Insigne sinh ra ở Napoli, kí hợp đồng với câu lạc bộ quê hương khi mới 15 tuổi. Thảm cỏ San Paolo (nay là Diego Armando Maradona) in dấu chân anh từ thuở thiếu thời đến lúc anh đã là một quý ông tuổi 30. Chiếc áo số 24 từ lâu đã trở nên chật chội với những đóng góp bền bỉ anh dành cho đội bóng. Vài người nghĩ đến chiếc áo số 10 đã bỏ trống của Maradona, sau hai chức vô địch lịch sử 1987 và 1990. Nếu ai đó xứng đáng có được vinh dự đó, hẳn phải là cậu bé địa phương Insigne? Khi được đặt vấn đề, các cổ động viên Napoli trả lời bằng một câu ”Không” dứt khoát, chẳng chút đắn đo. Không phải họ không yêu quý, không công nhận tài năng của Insigne, mà đơn giản là không ai có thể thay thế vị trí của Maradona cùng chiếc áo số 10 huyền thoại...
Toronto Maple Leafs là câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp đầu tiên treo số áo cầu thủ. Trong một trận đấu với Boston Bruins vào năm 1933, ngôi sao của Maple Leafs, Ace Bailey không may gặp chấn thương kinh hoàng khiến anh vỡ hộp sọ. Anh cuối cùng vẫn vượt qua và dần hồi phục, nhưng đồng thời phải nói lời tạm biệt với khúc côn cầu khi anh đang trên đỉnh cao sự nghiệp. Từ đó, The Leafs quyết định treo vĩnh viễn chiếc áo số 6 của Bailey.
The Leafs treo vĩnh viễn áo số 6 của Irvine "Ace" Bailey
The Leafs treo vĩnh viễn áo số 6 của Irvine "Ace" Bailey
Treo số áo nhanh chóng trở nên phổ biến trên khắp Hoa Kì. New York Yankees hiện treo tất cả số áo từ 1 đến 10, và thậm chí số 8 của Yankees còn được treo để tri ân cùng lúc hai huyền thoại, Yogi Berra và Bill Dickey.
Bóng đá là môn thể thao hiếm hoi không chạy theo xu hướng này. Trong một thời gian dài, cầu thủ bóng đá không có số áo cố định – họ mặc số áo từ 1 đến 11, tùy theo người được chọn. Nói cách khác, số áo chọn người thi đấu, không phải ngược lại. Mãi cho đến đầu những năm 1990, áo đấu bắt đầu được in tên kèm theo số áo của cầu thủ, người ta mới nghĩ đến việc sử dụng một số áo cố định. Chuyện treo số áo trong bóng đá cũng từ đó mà ra, như một điều tất yếu. Mỗi số áo được treo lên là một góc nhìn sâu sắc, một câu chuyện thú vị về đời cầu thủ, về bản sắc đội bóng và văn hóa của cổ động viên.
Số áo 12 hiển nhiên là số áo được treo phổ biến nhất, các đội bóng dùng số áo này để vinh danh người hâm mộ, “cầu thủ thứ 12” của mình. Bayern Munich, Lazio, PSV Eindhoven hay Hà Nội là một số đội bóng quen thuộc giữ truyền thống này. Tại J.League, gần như tất cả đội bóng treo số 12, trừ Urawa Red Diamonds và Sagan Tosu (Sagan dùng số áo 17). Việc treo số áo 12 là lời khẳng định chắc nịch về vị trí, sự quan trọng của người hâm mộ đối với đội bóng, một chiến thuật PR không tốn kém, dễ áp dụng và vẫn còn nguyên sự hiệu quả theo thời gian.
Bayern Munich treo áo số 12
Bayern Munich treo áo số 12
Nhiều số áo được treo vĩnh viễn nhằm tưởng niệm những cầu thủ đã khuất, để lại sự nghiệp dang dở và chiếc áo phai màu. Thương tâm nhất phải kể đến Piermario Morisini, chàng trai xấu số qua đời ngay trong lúc đang thi đấu vì một cơn trụy tim đột ngột. Số áo 25 anh bỏ trống sau đó được treo lên mãi mãi tại Livorno và Vicenza.
Ngoài hai trường hợp trên, treo số áo là hành động mà các đội bóng thường làm để tri ân những đóng góp to lớn của cầu thủ. Bobby Moore với số 6 tại West Ham hay Javier Zanetti cùng số 4 vĩnh cửu tại Internazionale là những ví dụ kinh điển. Họ đơn giản là những người hùng, những huyền thoại của câu lạc bộ, tên tuổi và số áo của họ từ lâu đã trở thành một phần lịch sử đội bóng.
Bobby Moore và số 6 tại West Ham
Bobby Moore và số 6 tại West Ham
Thành Milan còn nổi tiếng với một câu chuyện khác, bên cạnh số 4 của Zanetti là số 3 của Paolo Maldini. Khi Maldini treo giày vào năm 2009, chiếc áo số 3 của anh được giữ lại và để trống cho đến khi một trong những người con trai nhà Maldini trưởng thành và đủ sức kế vị cha. Đó là một lời hứa lãng mạn của Nửa Đỏ thành Milan, một câu chuyện cổ tích đời thực, nhất là khi cha của Paolo – Cesare, cũng từng là đội trưởng tại Milan. Chờ đợi là thế nhưng phải thừa nhận rằng, ngày truyền nhân nhà Maldini mang chiếc áo số 3 trở lại trong màu áo Rossoneri hãy còn xa. Christian Maldini đã 24 tuổi và đang phiêu dạt tại Serie C, còn cậu con trai út Daniel Maldini được gửi gắm nhiều hy vọng nhất thì vẫn loay hoay tìm chỗ đứng ở đội hình 1 Milan.
Maldini và số 3 tại AC Milan
Maldini và số 3 tại AC Milan
Không phải ai cũng coi câu chuyện về cầu thủ nào đó được treo số áo là bản hùng ca lịch sử. Nhiều người không hề ủng hộ và cho rằng treo số áo là đi ngược với tinh thần thể thao. Thể thao hay bóng đá hấp dẫn vì không ngừng thay đổi. Mùa này bạn lên ngôi vô địch, mùa sau bạn vẫn phải tiếp tục chiến đấu để bảo vệ danh hiệu vì mọi thứ sẽ lại quay trở về con số 0. “Dừng lại” là một khái niệm không tồn tại trong bóng đá. Tương tự, cổ động viên vẫn sống với bóng đá, vẫn giữ lửa đam mê là do họ luôn luôn hy vọng, chờ đợi sự khởi đầu mới và một kết quả tốt hơn từ đội bóng – đâu ai mãi ngóng trông về những giá trị chẳng hề thay đổi.
Với cách nghĩ như vậy, không ngạc nhiên khi hầu hết các câu lạc bộ hàng đầu tỏ ra thờ ơ với việc treo số áo. Manchester United chắc chắn sẽ không bỏ trống chiếc áo số 7 biểu tượng của họ, đó cũng là điều Juventus làm với chiếc áo số 10. Cả hai đội bóng đều tự hào với danh sách dài những siêu sao từng khoác lên những chiếc áo kia, nhưng rồi họ sẽ lại tìm kiếm những siêu sao khác đến và kế thừa chúng. Real Madrid đã không treo áo số 7 khi Cristiano Ronaldo ra đi, và Barcelona cũng đã giao chiếc áo số 10 cho Fati sau khi Messi đến PSG.
"Người thừa kế" Ansu Fati
"Người thừa kế" Ansu Fati
Quay lại với vấn đề đầu bài viết, Maradona với Napoli là một điều gì đó rất khác. Ở thành phố này, người ta coi Maradona là một vị thánh, hình ảnh của ông xuất hiện trên khắp các bức tường quanh thành phố. Maradona là Một, là Riêng, là Thứ Nhất, là người mang đến phép màu cùng hai danh hiệu lịch sử của câu lạc bộ. Nhưng rồi, liệu gắn giai đoạn thành công của đội bóng với một người đàn ông có khiến người Napoli sợ hãi khi đối diện với những cơ hội khác trong tương lai, có khiến họ chùn chân khi viết tiếp những trang sử của riêng mình? Nên nhớ, trong bóng đá, thành công là nhiệm vụ tuyệt đối, không phải kì tích, càng không phải phép màu. Trên con đường tìm kiếm danh hiệu Scudetto thứ ba của mình, người Napoli có lẽ cần vượt qua những giới hạn vô hình do chính mình đặt ra và dũng cảm bước tiếp...
Từ bài viết "When should a football club retire a player's shirt number?" của Ricci Potts trên The Gentleman Ultra.
Chuyện Áo Đấu Facebook: Chuyện Áo Đấu Website: chuyenaodau.com