Tôi biết chủ đề văn hoá-lịch sử sẽ chả được mấy ai quan tâm. Nhưng nhân dịp vào thời điểm vấn đề chính trị,lịch sử đang được truyền thông đưa đẩy tích cực rồi lại lắng xuống nhanh chóng,tôi cũng mạn phép viết vài lời, còn có ai thèm đọc với tôi hay ko cũng chẳng quan trọng.
Nếu bạn từng học qua trường lớp ở Việt Nam chắc hẳn bạn đã được dạy hay nghe không ít thì nhiều những câu như : “ Dân tộc ta có một lòng nồng nàn yêu nước”, “Dân ta có truyền thống dựng nước và giữ nước”..v..v…Không biết cảm xúc của bạn khi nghe câu “Trên thế giới chỉ có 2 dân tộc mất nước cả ngàn năm vẫn ko mất đi bản sắc dân tôc là Việt Nam và Israel” thế nào nhưng với tôi đó là tự hào.Tôi chưa bao giờ ngừng tự hào mình là người Việt Nam. Nhưng, khi nhìn thấy nó thêm vài lần nữa trên các diễn đàn lịch sử,tôi lại phải tự hỏi: Tự hào rồi sao? Liệu trăm năm nữa, ko, có lẽ chỉ vài chục năm nữa thôi khi tháo bỏ lớp áo choàng tự hào chúng ta còn lại gì đây? Đến khi nào Quang Trung với Nguyễn Huệ chính thức được chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” mời làm khách mời đây?
Dân ta phải biết sử ta Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam
Phải,là “Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam” chứ không phải là không biết thì tra google đâu diễm ạ. Bác rất thích dùng thơ lục bát khi nói về dân tộc, liệu bao lâu nữa đây chúng ta sẽ quên mất luôn thể thơ lục bát là do chính dân tộc Việt Nam lưu truyền lại đây.
Bạn đã từng như tôi bối rối chẳng biết làm gì khi ngắm bà mình khấn bái lễ lạt và tự hỏi tại sao về những nghi thức được xem là “rườm rà và cổ hủ” này chưa? Câu trả lời cho cậu bé lúc đó là: “Lớn rồi con sẽ tự biết thôi”. Ồ, liệu có chắc khi lớn ta có thể tự biết chứ? Khi mà người ta còn ko hiểu “Tết” nghĩa là gì; khi mà người ta xua đuổi những thứ văn hoá xưa cũ,coi chúng như những thứ đồ cũ thấp kém thô kệch, lạc hậu cần vứt bỏ.
Thời nay, khi chúng ta dần coi Tết Nguyên Đán giống như 1 kỳ nghỉ lễ xả hơi ăn chơi tụ tập hơn là ý nghĩa sum họp vốn có của nó, trẻ con coi mừng tuổi giống như một khoản thu nhập qua lại, khi mà Trung Thu là tết thiếu nhi, cớ sao người lớn lại đi chơi nhiều, khi chúng ta coi những di tích văn hoá là một khung cảnh cổ kính để chụp ảnh,vội vã đăng lên trang cá nhân kèm vài lời caption sâu sắc như một sự minh chứng. Năm xưa Tôn Ngộ Không sau khi đề xong hàng chữ: “Tề Thiên Đại Thánh đáo thử nhất du” thì đã đái ngay tay Phật Tổ một bãi. Liệu phải chăng các biển“CAMDAIBAY” mọc lên ở khắp nơi là vì lẽ đó chăng?
-Giới trẻ bây giờ đến đây phần lớn là để chụp ảnh cháu ạ. Nhưng cũng tốt,còn hơn là chúng nó  không thèm đến đây! – Đây là câu tôi nghe được khi hỏi chuyện bác quản lý Văn Miếu-một nơi được coi là tinh hoa văn hoá của dân tộc.Sau khi nốc hết 2 cốc nước mía siêu to khổng lồ, ngồi ngáo ngơ ngắm dòng người qua lại, bị không ít ánh mắt kì thị, tôi không thể không vừa gật gù vừa buồn cười.Gật gù là vì câu nói của bác. Thế còn buồn cười,buồn mà ngoài cười thì cũng chả thể làm gì khác là vì gì nhỉ? Có lẽ là vì cốc nước mía mà 9 phần đá 1 phần nước mía chăng?
            Tôi biết có những con người đã,đang cố gắng để đưa những thứ xưa cũ này theo kịp guồng quay xã hội, gần hơn tới giới trẻ như biến tấu nhạc Trịnh,quan họ để hợp tai giới trẻ; thay đổi cách dẫn dắt để mọi người hứng thú với lịch sử hơn. Nhưng khi được chú ý nhiều hơn nó lại trở thành vật tế thần, trở thành cái mác bị đem ra như một từ theo trend,hời hợt nhưng rầm rộ, cũng khó tránh được mà nhỉ. Hoặc do tôi là một người cổ hủ không thích những phong trào xu hướng nhỉ ? Alphamen, nữ quyền, xét lại,truyền thống...Già rồi hệ hô hấp kém, những chốn đông người khó lấy dưỡng khí dễ tăng xông, đau đầu không tranh được với giới trẻ nữa rồi. “Truyền thống”- một từ thật đẹp biết bao vịn vào đó ta có thể bao biện cho những lạc hậu,cổ hủ,cho sự trì trệ không phát triển. Nhưng xét lại, cải cách lại chỉ tập trung bóp méo để đạt đc thứ mình muốn. Có lẽ con người là không hoàn hảo nên thế giới và quan điểm của loài người cũng vậy.
            Tôi xin lỗi những bạn cố đọc hết bài viết này để tìm được câu trả lời cho câu hỏi ở tiêu đề vì tôi chỉ có nhiều câu hỏi hơn cho bạn mà thôi ? Đừng hỏi tôi câu trả lời vì tôi cũng chả biết câu trả lời là gì, đây là vấn đề mà chính bạn trước sau có lẽ sẽ đến lúc phải tự hỏi bản thân thôi. Tôi cũng là một con người ích kỷ, tôi viết bài này cũng chả mục đích cao xa như đánh thức 1 dân tộc, khơi dậy tinh thần yêu nước hay thay đổi ai cả, đến bạn còn chẳng muốn thì tôi cần quái gì phải giục cho tốn calo chứ ? Cũng đừng hỏi hỏi tôi : “Mày làm được gì chưa mà nói người khác ? ” Vì tôi chả quan tâm đâu cũng như tôi bỏ ngoài tai câu chửi dở hơi khi gật gù khen chèo,cải lương,rối nước,tìm hiểu những thứ văn hoá còn sót lại,học thư pháp hay biết bài này để cất giữ cho riêng mình vậy. Tôi biết tôi phải làm gì khi nghe câu nói : “Chính người Việt Nam chúng mày mới là những người ngoại quốc trên đất nước của mình ấy”. Khi đọc xong bài viết này có lẽ bạn sẽ nhíu mày cười khẩy 1 cái ròi quên sạch, nhưng chỉ mong bạn lưu giữ được chút gì đó cho bản thân mình ; sau này có lẽ khi đọc lại tôi cũng sẽ cười về độ ấu trĩ này của mình. Văn hoá cũng vậy.
Văn hóa chính là cái còn lại khi người ta quên hết, chính là cái còn thiếu khi người ta đã học đủ cả
Edouard Herriot