Mình trong trạng thái khá mất bình tĩnh khi viết bài này khi bị đám nhóc hàng xóm phá giờ nghỉ trưa. Có lẽ các bạn đã đọc rất rất nhiều bài viết về vấn đề này và đây cũng là một bài viết ... như thế.
Bắt đầu với vấn đề nghỉ dịch, tất cả học sinh, sinh viên đều phải học online tại nhà, đương nhiên mình cũng vậy. Hình ảnh một đứa con gái tóc rối mặc vội áo khoác đi ra van nài, dỗ dành rồi nạt to mấy đứa trẻ con vào buổi trưa đã trở nên quá quen thuộc. Đến nỗi hiện giờ chẳng đứa trẻ nào thèm quan tâm và cứ tiếp tục chuỗi các hoạt động thể dục thể thao từ đạp xe, đuổi nhau tới đá bóng quanh nhà mình.
Và cũng hiển nhiên mình có đề cập vấn đề này với người lớn xung quanh một cách không quá thiện chí (vì mình không giữ nổi bình tĩnh). Điều các bạn nghĩ tới sau khi mình nhắc nhở là gì? - Đúng rồi! Làm gì có chuyện ngừng lại. Bởi vì thế mình đâu có mở máy và bắt đầu gõ những dòng này.
Trở lại với vấn đề chính như tiêu đề "Trẻ con có biết gì đâu - Vậy còn người lớn thì sao?" Cách ứng xử của người lớn trong câu chuyện của mình kể trên là không quan tâm. Trong khi mình nói và giải thích thì bố của đứa trẻ vẫn bảo đá tiếp đi, và còn gia hạn thời gian cho đám trẻ thêm 1 tiếng nữa. Mình bất lực đi vào nhà. Nghĩ tới giấc ngủ trưa và những giờ học của mình từ lúc trở về nhà học online thì thực sự phiền não. Theo cách nói quá thì là "Không có một giấc ngủ trưa nào của mình thẳng tắp từ lúc 12 giờ tới 14 giờ!".
Mình nghĩ "Trẻ con không biết gì" có đúng hay không hay đó chỉ là lời ngụy biện của người lớn chỉ để cố bảo vệ lý lẽ của mình. Thực tế mà nói, "trẻ con ngày nay" đã lớn hơn "trẻ con ngày xưa" rất nhiều. Mình nhận định vậy khi so sánh trẻ con hiện nay với chính mình hồi trước. Với sự phát triển nhanh chóng, đám nhóc được sinh ra vào những năm đầu 2000 với đám nhóc chào đời vào những năm 2014, 2015 đã có khoảng cách rất lớn. Cách dạy dỗ con trẻ hiện giờ cũng thoáng hơn so với trước đây, thay vì đòn roi và ép buộc thì đã nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Mình cũng đồng ý với cách nuôi dạy theo hướng lắng nghe hơn.
Tuy nhiên, mâu thuẫn cũng xảy ra trong đầu mình khi nghĩ rằng "Phương pháp này có dẫn đến cho trẻ thói quen người khác phải nghe theo suy nghĩ của mình hay không." Với ví dụ điển hình là khi trẻ con khóc. Đa số các mẹ, các bà tại Việt Nam đều dỗ ngay lập tức và "đánh đòn" tất cả những người, hoặc những vật "vô tri vô giác" ngay bên cạnh. Một số câu nói ắt hẳn bạn thấy rất quen thuộc như "Đánh đòn cái bàn này, đánh đòn cái ghế này" hay "Bà xin, mẹ xin, cái bàn/ cái ghế hư này". Dần dần, trẻ con nghĩ tất cả lỗi đều thuộc về người khác, kể cả cái bàn và cái ghế dù chúng có đứng im muôn đời.
Trẻ con ngày nay học rất nhanh, đặc biệt là những hình ảnh chúng không phân biệt được là tốt hay xấu. Về một trường hợp mình biết, bố đứa trẻ hay quát và cũng mắng bà nội vì không làm theo ý mình. Dần dà đứa nhóc sẽ thấy điều đó chẳng hề gì và sẽ làm theo. Hôm nọ, đứa trẻ ấy đã hét lên "Bà gọi nhiều thế, điếc à?" chỉ vì bà không nghe thấy tiếng đáp lại khi gọi nó. Liệu sau này đứa trẻ ấy có như thế với chính bố mẹ nó không nhỉ? Mình nghĩ là trẻ con ngày nay không hề giống như câu cửa miệng của người lớn là "không biết gì".
Có lẽ tất cả những lời "Trẻ con có biết gì đâu" đều xuất phát từ chính những người lớn trong mắt đứa trẻ, chỉ để trốn tránh trách nhiệm. Có khi mục đích của họ nói câu ấy chỉ để né giải quyết những vấn đề rắc rối với người khác mà chẳng hề nghĩ gì với câu "Em nó còn bé biết gì, mày lại chấp cả đứa trẻ con cơ à?" hay "Có thế mà cũng cáu lên!".
Một số phụ huynh có vẻ ổn hơn khi bé nhà làm hỏng đồ người khác "Hết bao nhiêu cô đền!" nhưng khi bảo đền thật thì tỏ thái độ "Có đứa trẻ con mà cũng... " hay "Sau này đừng động vào đồ của chị ấy nữa không nhức đầu".
Vấn đề trẻ con làm hỏng đồ của người khác có thể sẽ không to đối với các phụ huynh, và có thể người bị làm phiền nếu món đồ chỉ là bình thường và có giá trị sử dụng thấp. Tuy nhiên, với món đồ giá trị cao hoặc có kỷ niệm thì nó lại đẩy vấn đề sang hướng khác.
Trở lại với vấn đề làm ồn của đám nhóc quanh nhà mình cũng tương tự. Thời gian gần đây mình thực sự rất căng thẳng với tiếng ồn khi đang học và làm việc mà bị quấy rầy. Đó cũng là lý do vì sao dịch Hà Nội giảm, mình vẫn muốn bỏ tiền thuê trọ ở thay vì ở nhà mặc dù khoảng cách chỉ hơn 1 tiếng đi bus.
Một trong các quan điểm khiến mình vẫn giữ suy nghĩ không muốn kết hôn và sinh con khi chớm 20 như bây giờ chính là không thể dạy con tốt và trở thành kiểu người lớn như trên.