Trong tình hình cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang nóng lên theo từng động thái của các bên, VN cũng không thể nằm ngoài cuộc ảnh hưởng của cuộc chiến tranh kiểu mới này. Chúng ta được gì và có thể tận dụng những gì? Hãy cùng thảo luận và phân tích.
Kết quả hình ảnh cho chiến tranh thương mại và việt nam


Những tác động của chiến tranh thương mại đến VN trong thời gian gần đây về vấn đề nguồn vốn
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5-2019 của Tổng cục thống kê cho thấy, trong số 59 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 5 tháng, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 1.561,4 triệu USD, chiếm 24,2% tổng vốn đăng ký cấp mới, vượt các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore…
Có thể nói đó là hệ quả trực tiếp của cuộc chiến tranh thương mại. Các nhà dự đoán đã đoán đúng một điều: dòng vốn của các công ty nước ngoài đã bắt đầu triệt thoái khỏi Trung Quốc, cũng như đang tìm cách tiếp cận các nước khác để bù đắp cho thâm hụt thương mại. Tuy nhiên, trong sự phân luồng đó, ta nên chú ý rằng xu hướng của các nhà đầu tư từ các quốc gia phát triển cao như Nhật, Mỹ là ưa về đầu tư dài hạn. Tất nhiên, họ sẽ rất cân nhắc việc nên đầu tư vào đâu.
VN có điểm yếu về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao, và nguồn lao động thành thạo ngoại ngữ. Vậy nên, trong việc dịch chuyển vốn lần này, VN vẫn chưa phải là điểm đến ưa thích mà vẫn chỉ dừng ở mức tiềm năng. Thực tế đã cho thấy hiện nay các công ty triệt thoái khỏi Trung Quốc đang có xu hướng tiến đến Thái Lan, Ấn Độ, Malay, Indo.
Đáng chú ý hơn cả là dòng vốn từ Trung Quốc lại tăng vọt. Và chúng ta cũng nên cảnh giác việc dòng vốn đó được dùng để "lách luật" với Mỹ.
Lịch sử cũng ghi nhận sự giàu lên của khu vực ĐNA trong những năm 80-90 ngay sau khi có sự khủng hoảng của thương mại Mỹ-Nhật. Đã từng có một cuộc di tản về đầu tư như thế về khu vực ĐNA tạo nên sự thịnh vượng của khu vực này.
Tôi dự báo thương chiến Mỹ - Trung hiện nay cũng sẽ như vậy. Nhưng tôi e rằng Việt Nam sẽ không lạc quan lắm với làn sóng đầu tư.
VN có hưởng lợi gì về mặt thương mại trong cuộc chiến này
Trong bối cảnh tình hình thế giới đang có nhiều xáo trộn như hiện nay, Việt Nam sẽ hưởng lợi về đầu tư trung và dài hạn.Tuy nhiên, về thương mại, tác động của thương chiến Mỹ - Trung sẽ khiến thương mại của Việt Nam khó dự báo về hiệu quả.
Ngắn hạn, việc xuất khẩu của VN sang Mỹ sẽ tăng nhanh vì Mỹ cũng đang cần nguyên liệu cũng như thị trường thay thế cho Trung Quốc. VN cũng có lợi thế trong xuất khẩu về mặt giá cả.
Còn về giao thương giữa VN và Trung Quốc thì sao? Chắc chắn để bù đắp thiệt hại về ngoại thương, Trung Quốc sẽ tập trung vào thị trường nội địa, điều đó dẫn đến việc VN xuất khẩu sang Trung Quốc có thể bị đình trệ. Nên nhớ năm 2018, VN đang xuất siêu sang Trung Quốc khoảng 7 tỷ USD.
Hơn nữa, điều đó đang dần trở thành hiện thực. Số liệu xuất khẩu sang Trung Quốc bị giảm mạnh, bắt đầu tư quý 3-2018 đến nay. Sự suy giảm này còn lớn hơn về quy mô, số lượng so với lượng tăng lên ở Mỹ. Cho nên, có lúc ta thấy xuất khẩu của Việt Nam giảm tuyệt đối mặc dù xuất khẩu sang Mỹ của ta tăng.
Tình hình thương mại của VN sẽ còn phụ thuộc vào cuộc chiến này kéo dài bao lâu. Nếu nó đủ lâu, xuất khẩu VN sang Mỹ có lẽ sẽ đủ để bù đắp cho thiếu hụt xuất khẩu sang Trung Quốc. Tình hình hiện nay đang có vấn đề pha trộn và rất khó dự đoán.
Chúng ta nên làm gì?
Chúng ta đã tính tới kịch bản cả Mỹ và Trung Quốc cùng tăng thuế. Tất nhiên, với nền kinh tế mở, phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, đây là 2 đối tác thương mại lớn của VN nên chúng ta không mong muốn có kịch bản này.
Dù vậy, chúng ta đã chuẩn bị những bước đi ứng phó với cuộc chiến thương mại tiếp tục leo thang như chuẩn bị dư địa về chính sách tiền tệ, dư địa tài khóa. Ở vị thế VN chỉ có thể chuẩn bị trước, không thể hành động sớm. Bởi chúng ta là nền kinh tế nhỏ và cũng chưa đoán định chính xác diễn biến thị trường, kinh tế thế giới sẽ thế nào khi 2 nền kinh tế lớn chính thức trả đũa lẫn nhau.  
VN cần chuẩn bị 3 giải pháp. Đầu tiên là xây dựng, cập nhật kịch bản về cuộc chiến thương mại và tương tác giữa 2 nền kinh tế này với các nền kinh tế khác. Bởi Nhật Bản, EU sẽ có giải pháp ứng phó với cuộc chiến thương mại và sẽ tác động đến VN. Vì vậy, kịch bản ứng phó phải rất chi tiết và đa dạng.
Tiếp đó, cần chuẩn bị về truyền thông, rõ ràng tâm lý thị trường ảnh hưởng rất lớn, nhất là với thị trường tài chính. Khi nhà đầu tư phản ứng quá nhanh với diễn biến cuộc chiến, Chính phủ cần có định hướng điều hành để bình ổn tâm lý và niềm tin thị trường.
Cuối cùng, rà soát lại những công cụ  đang có như dự trữ ngoại hối, tỷ giá, năng lực điều hành, khả năng phối hợp các chính sách khác, như điều hành chi ngân sách, để hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương trước các bất lợi thị trường. 
Không mong muốn chiến tranh thương mại xảy ra, nhưng VN nên coi đây như cơ hội tư duy lại định hướng phát triển gắn với đầu tư nước ngoài, qua đó thu hút những nhà đầu tư phù hợp nhất. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ hơn chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu.
Vấn đề là có tận dụng được cơ hội này để đưa doanh nghiệp Việt nhanh chóng thay thế doanh nghiệp Trung Quốc ở một số công đoạn, mở đường cho nhà đầu tư nước ngoài coi nhà cung ứng VN là đối tác tin cậy, cạnh tranh hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.