Trong phiên họp tại hội trường chiều ngày 12/6/2019, các Đại biểu Quốc hội đã có một cuộc tranh luận sôi nổi về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Đây là một bộ luật giữ vị trí rất quan trọng, điều chỉnh lĩnh vực khá rộng với các quan hệ lao động có tính kinh tế - xã hội sâu rộng, tác động tới tất cả các thành thành phần kinh tế, mọi hoạt động của doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ và người lao động. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Nguyễn Thúy Anh, việc sửa đổi Bộ Luật Lao động nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn áp dụng, bảo đảm thể chế hóa quy định của Hiến pháp 2013, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và đáp ứng hội nhập quốc tế.[1] Trong đó, dự thảo Luật có nhiều nội dung lớn được đề cập và chưa từng có tiền lệ, nhận được sự quan tâm từ dư luận như:
* Mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm
* Tăng tuổi nghỉ hưu
* Thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể và giải quyết tranh chấp lao động
* Vấn đề tổ chức đại diện người lao động
Đáng lưu ý, có một vấn đề đưa ra đã chiếm tâm điểm thảo luận trong nửa ngày thảo luận về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi): Với 26 lượt ý kiến phát biểu trên tổng số 78 đại biểu đăng ký trong suốt cả hội nghị thì có đến 16 lượt phát biểu và tranh luận liên quan đến đề xuất bổ sung ngày nghỉ lễ 27/7 để tri ân người có công “vì ngày này hàng năm đã trở thành biểu tượng văn hóa dân tộc, biểu thị lòng tri ân và thể hiện truyền thống cao đẹp của dân tộc”[2].

Tuy nhiên, hầu hết các ý kiến đưa ra đều phản đối đề xuất này. Lý do mà các đại biểu đưa ra cũng rất khác nhau: Đại biểu Cao Đình Thưởng quan ngại việc tri ân người có công với cách mạng có thể ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết dân tộc vì trong ngày này có thể là tình cảm, niềm tin của người này nhưng lại là bất an của người khác, sẽ động chạm đến cảm xúc và lòng trắc ẩn của rất nhiều người. Cũng nằm trong luồng ý kiến phản đối, bởi lẽ hoạt động tri ân người có công với cách mạng là hoạt động phải làm thường xuyên trong cả năm, chứ không phải trong mỗi một ngày – đại biểu Nguyễn Thị Phúc bổ sung thêm. Trong khi đại biểu Vũ Trọng Kim cho rằng, đây là ngày rất thiêng liêng uống nước nhớ nguồn đền ơn đáp nghĩa. Chúng ta thường nhắc nhau rằng “biến đau thương thành hành động có ý nghĩa” vậy tại sao lại nghỉ, vui chơi, nô đùa thậm chí là sung sướng? Còn đại biểu Nguyễn Anh Trí thì đặt lại vấn đề là liệu nó có nên được gọi là “ngày tri ân” hay không.
 
Thảo luận sa đà và thiếu thời gian hơn cho những bộ luật quan trọng
Theo bản tổng hợp thảo luận tại hội trường, các ý kiến về ngày nghỉ lễ kéo dài đến quá nửa đầu của phiên thảo luận về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), đến độ mà trước giờ nghỉ giải lao, Phó Chủ tịch Quốc hội - Tòng Thị Phóng đã nhấn mạnh “có những nội dung rất lớn, tư tưởng rất lớn khi chúng ta sửa bộ luật này” và đề nghị các đại biểu cân nhắc trong quá trình thảo luận để không sa vào những việc cụ thể quá và bị sao nhãng những vấn đề lớn[3]. Sau khi lắng nghe ý kiến của các đại biểu, vào cuối phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội - Đào Ngọc Dung đã xin Quốc hội chính thức rút nội dung chọn ngày 27/7 là ngày nghỉ lễ ra khỏi dự thảo.


Cũng vì sự chênh lệch trong thời gian thảo luận như vậy mà sau khi kết thúc phiên họp, một số đại biểu bày tỏ mong muốn có thêm thời gian cho việc thảo luận. Đại biểu Nguyễn Hữu Quang cho rằng cần bố trí thời gian cho các đại biểu tham luận nhiều hơn, bởi vì có nhiều luật quan trọng như Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), nhiều đại biểu muốn phát biểu đóng góp ý kiến nhưng không còn đủ thời gian. Do đó, đối với những vấn đề trọng yếu, dự đoán sẽ có nhiều ý kiến tranh luận, Quốc hội nên dành thêm thời gian sẽ hợp lý hơn[4]. Con số 26/78 ý kiến được phát biểu tại Quốc hội tương đương với hơn 30% số lượng đại biểu đăng ký, đó là còn chưa tính đến các đại biểu xin tranh luận nhưng không có cơ hội, đã cho thấy rằng không gian tranh luận và bày tỏ ý kiến của các đại biểu hiện nay là khá eo hẹp. Việc tranh luận tại Quốc hội không chỉ có ý nghĩa đóng góp về mặt nội dung dự luật, mà qua đó còn là nền tảng để các đại biểu chia sẻ và giao thoa ý tưởng, đánh giá hiệu quả tình hình chính trị xã hội và hiểu rõ hơn các vấn đề mà cử tri quan tâm.
 
Các vấn đề đặt ra
Mặc dù việc tranh luận tại nghị trường ngày càng mang đến nhiều dấu hiệu tích cực trong việc bàn luận các vấn đề trọng yếu của đất nước, việc phân tích case-study của một phiên tranh luận ở trên đã đặt ra cho chúng ta một số vấn đề về quy trình, thủ tục cho các phiên tranh luận tại Quốc hội như sau:
Theo điều 16, Nghị quyết số: 102/2015/QH13 Ban hành Nội quy kỳ họp quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến các vấn đề đưa ra thảo luận tại phiên họp toàn thể và gửi đến các đại biểu Quốc hội. Vậy, nên phân phối thời gian và thứ tự ưu tiên cho các vấn đề như thế nào trong các phiên tranh luận tại nghị trường?Vấn đề thảo luận sa đà vào các nội dung kém trọng yếu cũng đã được các vị đại biểu phản ánh và than phiền ít nhất là từ gần 20 năm trước[5], thiết nghĩ, đây cũng chỉ là hiện tượng bề mặt. Nằm ẩn sâu dưới đó là các vấn đề liên quan đến cấu trúc hoạt động của Quốc hội và cả một hệ thống thủ tục được thiết kế cho việc tranh luận tại nghị trường. Một trong những nguyên nhân là Quốc hội chưa đánh giá đúng vai trò, nhiệm vụ của các uỷ ban và do đó thiếu những quy định, thủ tục cần thiết cho các uỷ ban đó. Chẳng hạn: thiếu các thủ tục trong quy trình lập pháp để uỷ ban “gánh” những việc không cần thiết phải đưa ra trước toàn thể Quốc hội[6].Đưa ra quyết định tại nghị trường: Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, với vai trò và trách nhiệm là Trưởng ban soạn thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) đã đủ tính đại diện cho Chính phủ để xin rút bỏ một nội dung trong dự thảo luật hay chưa? Việc rút bỏ nội dung dựa trên cơ sở nào? Với 78 đại biểu đăng ký thì vẫn còn 62 người chưa được phát biểu, vậy con số 16 kia đã đủ tính đại diện cho người dân hay chưa?
Theo khoản 3, điều 54, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, thì: 
Trưởng Ban soạn thảo có các nhiệm vụ sau đây:a) Thành lập Tổ biên tập giúp việc cho Ban soạn thảo và chỉ đạo Tổ biên tập biên soạn và chỉnh lý dự thảo văn bản;
b) Tổ chức các cuộc họp và các hoạt động khác của Ban soạn thảo;
c) Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban soạn thảo.

Như vậy có thể nói rằng Trưởng ban soạn thảo đã không làm đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình trong trường hợp này. Vậy trong trường hợp một nội dung trong dự án luật vẫn còn nhiều tranh cãi, chưa thống nhất được ý kiến thì Quốc hội cần làm gì? Với Quốc hội ở nhiều nước trên thế giới, đại biểu có thể đề xuất biểu quyết phương án ngay tại nghị trường với ít nhất một người tán thành, nhằm đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giữa các đại biểu. Ở Quốc hội ta hiện nay, việc biểu quyết được tiến hành theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội (Khoản 5, điều 74, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015), thiết nghĩ, đang hạn chế tính chủ động, linh hoạt, dẫn đến thiếu hiệu quả trong việc đưa ra quyết định của các đại biểu. Điều này được minh chứng ngay tại kỳ họp tiếp theo (kỳ họp thứ 8), chính phủ lại tiếp tục đề xuất thêm một ngày nghỉ mới là 28/6 và Quốc hội lại tiếp tục thảo luận và cho ý kiến[7], khiến cho thời gian và nguồn lực mà các đại biểu giành cho việc quyết định các vấn đề quan trọng khác lại càng eo hẹp hơn.
 
Việc tranh luận tại nghị trường là một hoạt động then chốt trong nhiệm vụ lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của Quốc hội. Tuy nhiên, điều cử tri cả nước cần theo dõi không chỉ là nội dung của những thảo luận đó, mà còn là cách mà những thảo luận, tranh luận đó được hình thành và tồn tại. Hiện nay, quy chế, thủ tục tranh luận của các cuộc họp Quốc hội vẫn còn khá sơ khai, đặc biệt là các quy chế ra quyết định tập thể. Một quyết định tập thể (bao gồm việc đề xuất, thảo luận và đưa ra lựa chọn) hiệu quả là trong đó tất cả tiếng nói đều được thể hiện, lắng nghe và cân nhắc, bên cạnh sự tham gia một cách bình đẳng và chủ động của tất cả mọi người. Thiết nghĩ, để đảm bảo được hệ thống ngày càng hoàn thiện, Quốc hội ta cần cân nhắc bổ sung thêm “quy chế cho việc xây dựng quy chế đưa ra quyết định”, như là một cách để các Đại biểu có thể tham gia một cách bình đẳng và chủ động trong việc kiến tạo không gian thảo luận của chính họ. Tức là một quy chế tổng quan hỗ trợ cho Đại biểu, khi họ có nhu xây dựng hoặc thay đổi cách thức thảo luận và đưa ra quyết định tập thể thì họ có thể kiến nghị và đề xuất biểu quyết bất cứ lúc nào, và quy chế sẽ có hiệu lực kể từ sau thời điểm biểu quyết, thay vì như hiện nay, các văn bản điều chỉnh cách thức tổ chức các phiên họp tại nghị trường như Luật tổ chức Quốc hội, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hay Nghị quyết Ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội vốn đang hình thành một cơ chế khá thụ động và thiếu linh hoạt. Điều này không chỉ dẫn đến quy trình làm luật của Quốc hội kém hiệu quả, mà còn khiến cho việc hoàn thiện quy trình thảo luận và đưa ra quyết định tập thể mất nhiều thời gian hơn và phải phụ thuộc vào chương trình của các kỳ họp hằng năm.

Nguồn trích dẫn
[1] Bộ lao động – Thương binh và Xã Hội (2019), Sửa đổi Bộ luật Lao động: Chính phủ tiếp tục lắng nghe với tinh thần cầu thị, Truy cập tại http://www.molisa.gov.vn/Pages/tintuc/chitiet.aspx?tintucID=29409 (20-10-2019)
[2] Báo điện tử Vnexpress, Dự thảo Bộ luật Lao động đề xuất thêm ngày nghỉ lễ 27/7, Truy cập tại https://vnexpress.net/thoi-su/du-thao-bo-luat-lao-dong-de-xuat-them-ngay-nghi-le-27-7-3916489.html (20-10-2019)
[3] Văn phòng Quốc hội (2019), Bản tổng hợp thảo luậ tại hội trường buổi chiều ngày 12/06/2019
[4] Thời báo Tài chính Việt Nam . Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: Đại biểu Quốc hội tăng tranh luận, chủ tọa điều hành linh hoạt. Truy cập tại http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/thoi-su/2019-06-15/dai-bieu-quoc-hoi-tang-tranh-luan-chu-toa-dieu-hanh-linh-hoat-72714.aspx (ngày 20-10-2019)
[5] Xem thêm các bài tổng thuật các kỳ họp thứ 9, 10, 11 Quốc hội khoá X  trên Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp các số năm 2001 và 2002.
[6] Nguyễn Đức Lam (2002). Thủ tục làm việc của Quốc hội - những yêu cầu và nguyên tắc chung. Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 7/2002
[7] Báo Thanh Tra. Đề xuất thêm 1 ngày nghỉ lễ là Ngày Gia đình Việt Nam 28/6. Truy cập tại http://thanhtra.com.vn/chinh-tri/doi-noi/de-xuat-them-1-ngay-nghi-le-la-ngay-gia-dinh-viet-nam-286_t114c67n155645 (28-10-2019)