Là một người chơi thể thao ở mức cạnh tranh, có một điều mình nhận ra đó là: chúng ta luôn có xu hướng quay trở về với "trạng thái gốc" (các thói quen nguyên thủy) của bản thân khi mọi thứ trở nên khó khăn. Tại sao các học viện thể thao hay "lò" đều tuyển các vận động viên khi họ còn rất nhỏ (7-10 tuổi)? Vì ở độ tuổi đó, mấy đứa nhóc sẽ không có sẵn trong nó những chuyển động hay tư duy nền từ trước, thứ mà có thể "chồng" lên trên những kĩ năng được huấn luyện. Vì mình chưa bao giờ đạt đến đẳng cấp của thể thao chuyên nghiệp nên hiểu biết của mình về sự "trở về với các thói quen xấu" thường tốt hơn các vận động viên – hay các đứa trẻ sớm vào lò.
Khi mình kiệt sức về thể chất và tâm lý lúc thi đấu, những kĩ năng bóng đá của mình bỗng trở thành việc loay hoay trên đôi chân mà không biết làm gì, hoặc chuyền đại cho ai đó kế bên cho xong việc. Trong Muay Thai, mình sẽ thường hạ bộ thủ xuống, hoặc có đá thì cũng không có "thế".
Điều này dường như vận hành một cách tương đồng với nhiều thứ khác trong cuộc sống. Não chúng ta tạo ra những kết nối khi chúng ta còn rất trẻ – lúc đó các cá tính bị đè nén hoặc tính cách nổi thường được hình thành. Những tính cách chìm/nổi đó hình thành với tác động từ gia đình, trường lớp, hoặc một thứ lớn hơn được gọi là sự "vô thức tập thể" (mà mình hay gọi là "hình mẫu xã hội", xem thêm từ Carl Jung). Phần lớn sẽ ảnh hưởng đến "trạng thái gốc" của chúng ta khi lớn lên, nhất là khi mọi thứ bất ổn.
Mình thường nghĩ về khía cạnh này của cuộc sống như một cái "học viện đời" hay "lò đời", nơi mà sẽ đưa các bạn trẻ vào, huấn luyện và cho chúng tốt nghiệp ở tuổi 21. Và cũng giống như một cái "lò" thể thao, những người giỏi nhất thường được coi là gần với sự xuất sắc nhất. Tuy nhiên, mình không bận tâm lắm về sự xuất sắc trong kỹ năng hay trình độ – mà là cách mà họ đối diện với sự hỗn loạn và bất ổn. Họ sẽ làm gì? Trạng thái gốc nào họ sẽ trở về khi mọi thứ xấu đi, khi hết hơi, chân run lẩy bẩy?
Bạn đã từng xem một trận đánh Muay Thai hay MMA chưa? Bạn có thể chọn đại một trận nào đó, tua đến hiệp 4 hay 5, bạn sẽ thấy những gì mình nói bên trên. Trong một trận cân bằng, người chiến thắng thường là người sẽ trở về với "những thói quen xấu" ít nhất, nói cách khác, là trạng thái gốc của họ nằm ở chuẩn cao hơn. Có một sự thật như Thánh điều trong võ là bạn không bao giờ được hạ tay trái xuống khi đá chân phải, vì đó là cách dễ nhất để bị phản đòn nốc ao. Ai học võ cũng biết điều này, nhưng trong cái lúc mà sự mệt mỏi bao trùm từng búi cơ trên thân thể, chẳng ai thèm nhớ cả.
Không cần nhìn đâu xa quá. Cứ nhìn vào Vòng loại World Cup thứ 3 mà đội tuyển Việt Nam đang thi đấu – đây là lần đầu chúng ta đi xa tới vậy. Dĩ nhiên ở mức độ Đông Nam Á thì chúng ta vẫn đang gần như bất khả chiến bại, nhưng chuỗi thua 7 trận liền ở tầm Châu Á này có gì đó đáng phải suy nghĩ: dưới một áp lực khủng khiếp, những phần xấu nhất của đội chúng ta liên tục bị phơi bày. Chúng ta đã phạm phải đến 6-7 pha phạt đền gì đó, mà nhiều người sẽ nói là không may mắn. Còn với mình, đó chỉ là sự thật mà chúng ta nên hiểu: các cầu thủ Việt Nam đã phải đối mặt với thói quen xấu của họ theo một tần suất không tưởng khi chơi với những đội vượt trình quá xa, cả về thể chất và tinh thần.
Đối chiếu những quan sát trong thể thao của mình tới kinh doanh, và vì mình có 1 startup ở Việt Nam nên mình thấy nó khá rõ. Thường thì những vấn đề con người với mình nó "nhức óc" hơn vấn đề về kinh doanh. Nếu 9 trên 10 thành viên trong đội ngũ mà cùng trở về với một "trạng thái gốc" giống nhau khi sự bất ổn xảy ra, chỉ vì họ cùng 1 lò luyện mà ra, hoặc nói cách khác, chia sẻ cùng một sự tác động của những "hình mẫu xã hội" khi lớn lên, và nếu cái hình mẫu đó không được tốt, thì mọi thứ còn tệ hơn rất nhiều.
Mình có một cơ duyên được làm việc với nhà đồng sáng lập hiện giờ là Lê Duy Hoàng, người mà đã sinh ra và lớn lên ở Đức. Điều mà mình thường để ý thấy từ Hoàng đó là cách bạn tiếp cận vấn đề (từ lúc tiếp nhận đến lúc thẩm thấu) hoàn toàn khác mình. Để nói rõ hơn, không chỉ là cách bạn chọn để giải quyết vấn đề khi nó xảy ra mà làm hai đứa khác nhau đến vậy, mà còn là cái cách "nhận thức" của bạn phản ứng tự nhiên với những tiểu tiết của vấn đề khi nó hiện diện trước mắt. Rất khác biệt.
Mình thấy nó thú vị cực kì – mình nghĩ có thể là cách bạn được "huấn luyện" trong "lò" nơi bạn sinh ra. Cái trạng thái gốc của mình và bạn rất khác nhau, khác hơn là mình so với những người lớn lên cùng "lò" với mình. Mình không chắc nữa. Có lẽ mấy người Đức luôn có cách riêng mà họ nhìn nhận mọi thứ, cũng không sai trong trường hợp của mình.
Thường thì bạn sẽ thấy rõ sự khác biệt hiện ra ở những khoảnh khắc điên rồ. Mình đã từng thấy (hay làm việc cùng) những con người mà chỉ giỏi bằng với những điều tích cực quanh họ. Trạng thái gốc của một đội khi đối diện với khủng hoảng cũng nên được xem như một "chất lượng nhóm", không chỉ là tài năng của từng cá nhân.
Mà nói thiệt, mình cũng không rõ vì sao mình viết cái mớ này lúc 1 giờ sáng tối Chủ Nhật nữa, trong khi mai phải dậy làm việc cho tuần mới. Chắc là vì 2 shots Jack Daniels uống chay sau bữa tối mà ra. Nếu có gì, mình thường đổ lỗi cho whisky, haha.