Lâu không viết gì người ta sẽ nghĩ mình chết. 2 hôm nay thực sự suy nghĩ rất nhiều về tấm ảnh này. Có một sự đau xót cho nghề giáo. Bức tranh mô tả một lớp học nơi cả giáo viên và học sinh đều mang mặt nạ dưới ánh mắt soi mói của những người đến dự giờ. Tác giả LEO có lẽ muốn phóng túng trong nét cọ nên đã dùng biện pháp thậm xưng để làm căng thẳng hóa không khí, ánh mắt của những người tham dự lớp học nhằm gây cười. Nhưng đối với những nhà giáo, những người mà ngày 20/11 tới đây sẽ là ngày tôn vinh họ. Điều đó có cười nổi không?

Liệu tiết dự giờ có xấu xa đến nỗi các anh các chị phải bôi bác nó trên trang bìa của một tờ báo lớn trong những ngày này? Mục đích của một tiết dự giờ là để nghiên cứu về phương pháp dạy và học. Có thể nó có những điểm còn chưa hợp lý nhưng tuyệt đối đó không phải là điều xấu. Nếu cả giáo viên lẫn học sinh tiết nào cũng nghiêm túc 100%, chuẩn bị bài vở đàng hoàng như tiết dự giờ tôi dám đảm bảo không thành con ngoan cũng là trò giỏi. Vậy điều đó có gì sai?

Tiếng Nhật mô tả việc học bằng hai từ 勉強 viết tiếng Hán bằng 2 chữ miễn cưỡng. Đa số học sinh muốn giỏi đều phải ép mình đi học. Việc học là bắt buộc không phải là thích hay không. Bản chất của việc học luôn là sự cố gắng sống khác với mong muốn ăn chơi, bay nhảy, đua xe, game... của bản thân mà tập trung vào một việc khó nuốt hơn. Như vậy, từ khi bước chân vào trường học, mỗi học sinh đều có ít nhiều sự lo ra. Trường học có nội qui để ép các em vào khuôn khổ. Không chỉ giờ dự giờ mà các giờ học khác nữa, các em ở nhà dù có là công chúa nhỏ, hoàng tử bé hay ông trời con cũng phải trở thành học sinh. Trường học có nội qui càng nghiêm thì việc học càng đảm bảo. Nếu coi là diễn thì đó thực sự là diễn tập những kỹ năng hữu ích. Nó cũng từ mục đích giáo dục mà ra, đáp ứng mục đích giáo dục phần nào. Có gì phải bôi bác điều đó?

Các anh chị có diễn không? Nếu không thì chắc chắn các anh chị đang ba xạo. Con người luôn trong các mối quan hệ xã hội và luôn phải diễn. Các anh chị ghét ông tổng biên tập như gì nhưng vẫn phải anh anh em em. Các anh chị ngồi trước mặt nhạc phụ nhạc mẫu vẫn phải cố bắt mình sống khác với bản chất. Người ta diễn với nhau nhưng không có hại gì, được lòng nhau thì họ vẫn cứ làm. Diễn có ích thì chẳng ai phiền hà gì cả. Chỉ khi nào các anh chị quên mất mình đang diễn, lấy cái đạo đức giả của mình cho nó là thật để giả vờ thanh cao, dựa vào vị trí không-thể-bị-dư-luận-nhòm-ngó để thỏa sức bôi bác các ngành nghề khác. Điều đó ngàn vạn lần không nên. Các thầy cô giáo chẳng cần các anh chị tặng quà đâu. Nhưng họ cũng không vui khi thấy ngành mình bị đả kích đúng vào ngày này trên hàng triệu ấn phẩm. Thế đấy, đôi lúc chỉ cần im lặng thôi đã là tử tế lắm rồi.

Đối với tôi Nghề giáo cũng như Nghề y, là những nghề đáng quí được xã hội tôn vinh. Có thể có những cá nhân thầy cô, y bác sĩ thiếu đạo đức hoặc có những vi phạm nhưng anh chị không thể lấy đó để bôi bác cả một ngành nghề như vậy được. Dân tộc ta có truyền thống tôn sư trọng đạo, một chữ cũng là thầy mà nửa chữ cũng là thầy. Các anh chị chỉ trích chung nghề giáo tức là đi ngược lại truyền thống của dân tộc. Báo chí là bộ mặt của dân trí, của xã hội. Cả một thế hệ, cả một xã hội vào hùa theo, không còn truyền thống, không tôn trọng thầy cô giáo thì xã hội đó khốn nạn đến chừng nào hả các anh chị.

Còn riêng đối với tờ báo tuổi trẻ. Nó đã bị tha hóa, đã bị biến chất từ lâu rồi. Bạn nào bảo lâu lâu nó cũng nói đúng thì xin xem xét lại. Một hai câu tử tế cùng cái vẻ ngoài đẹp mã không cứu vớt được cái nhân cách bênh hoạn bên trong. Cục phân bọc đường thì nó vẫn thối. Đừng bao giờ quên điều đó.