Nhắc đến chiến tranh Anh - Zulu, hầu như người ta chỉ biết đến trận Isandwana (1879) - nơi 2 vạn quân Zulu đánh cận chiến đã tiêu diệt gọn đội quân 1500 người Anh, để làm dẫn chứng rằng các dân tộc lạc hậu vẫn có thể đánh bại được các đế quốc Thực Dân. Thực chất, đây là 1 sai lầm của người Anh khi đã đánh giá quá thấp đối thủ, và trong chiến tranh, 1 chút chủ quan khinh địch thôi cũng đủ để trả giá đắt. Sự chủ quan của người Anh không phải ngẫu nhiên mà có, tất cả đến từ lần đụng độ duy nhất của thực dân Châu Âu trước Vương Quốc Zulu bên dòng sông máu vào năm 1838. Tại đây, với chỉ vẻn vẹn vài trăm dân quân tự vệ, người Boer (Châu Âu) đã tàn sát hàng vạn quân Zulu theo đúng nghĩa đen mà không chết lấy 1 người! Nam Phi là 1 vùng đất bí hiểm ít người Châu Âu biết đến. Từ cuối thế kỷ 17, công ty Đông Ấn Hà Lan khai khẩn vùng này và lập ra thuộc địa Cape ở bên mũi Hảo Vọng (cực nam Châu Phi) và dần dần di dân đến đây. Tuy nhiên, sang thế kỷ 19, người Anh đã sáp nhập khu vực này khiến phần lớn dân Hà Lan bất mãn chạy sang phía Đông sinh sống. Những người này giờ được gọi là người Boer (trong số này có cả người Đức và Pháp). Họ di cư sâu hơn vào vùng Nam Phi. Tại đây đã xảy ra 1 loạt xung đột với các dân tộc bản địa đang trong giai đoạn thổ dân. Trong đó, người Boer phát hiện ra 1 xã hội tiên tiến hơn cả, đó là Vương Quốc Zulu. Đôi nét về vương quốc này, Vương Quốc Zulu được hình thành bởi 1 tên tù trưởng tên Shaka Zulu. Nhờ có tư duy quân sự vượt trội, ông đã nổi lên chinh phục được tất cả các vùng đất mà ông biết. Các cải cách quân sự của ông được coi là rất tiến bộ so với các dân tộc Châu Phi hạ Sahara thời bấy giờ.
Ông tổ chức lại quân đội theo cơ cấu đơn vị trung đoàn, thiết kế chiến thuật tác chiến tạt sườn đánh hiểm. Quân đội của ông ta, được trang bị và huấn luyện chu đáo, với sĩ khí ngút trời xanh, từng bước khuất phục các dân tộc xung quanh dễ dàng. Đi đôi với cải cách quân sự, ông ta tiến hành cải cách hành chính.
Khác với các xã hội có nền tảng văn minh, tổ chức đi vào nề nếp hàng nghìn năm như Trung Hoa, Ba Tư, Châu Âu. Các xã hội Châu Phi hạ Sahara rất sơ khai, nguyên thủy, dễ nổi loạn, bất tuân thượng lệnh.Vì vậy, để bắt nhiều sắc tộc, ngôn ngữ khác nhau thống nhất dưới 1 lá cờ. Ông đặt ra hệ thống luật pháp, niềm tin tín ngưỡng cùng các cơ quan công quyền chịu trách nhiệm cho việc xét xử, quản lý, thu tô thuế hiệu quả để người dân thống nhất với nhau dưới 1 hệ tư tưởng.
Dần dần chuyển các dân tộc Nam Phi từ giai đoạn thị tộc nguyên thủy sang 1 xã hội quân sự hóa theo mô hình quân chủ chuyên chế hùng mạnh!
Nhận ra đây là chìa khóa giải quyết xung đột. Lãnh đạo của người Boer - Piet Retief quyết định đến thăm Vương quốc Zulu láng giềng để đàm phán một hiệp ước hòa bình. Với 1 phái đoàn khoảng 100 người, ông gặp gỡ vua Dingane của Vương Quốc Zulu để soạn thảo hiệp ước và nhà vua đã ký, nhưng không chắc liệu Dingane có hiểu chính xác những gì thủ lĩnh của phía Boer muốn hay không.
Khi phái đoàn Boer chuẩn bị rời đi, Dingane đã vời những người đàn ông ở lại để thưởng thức yến tiệc. Trong bữa tiệc, Vua Dingane bất ngờ ra lệnh cho các chiến binh Zulu bắt giữ những người Boers và kéo họ đến một ngọn đồi gần đó. Tại đây, họ lần lượt bị sát hại bằng gậy gỗ, Retief là người cuối cùng bị hành quyết, sau con trai ông ta. Người Zulu sau đó huy động quân đội tàn sát một số khu định cư Boer gần đó, bắt và xiên cọc hàng trăm phụ nữ và trẻ em.
Phía Zulu đã bất tín tấn công người Boer mà không thèm tuyên chiến. Xác định món nợ máu này phải trả bằng được. Cuối năm đó, thủ lĩnh mới của người Boer - Andries Pretorius, đã tập hợp quân tình nguyện tấn công quân đội của Vua Zulu khiến chúng đuổi theo vào 1 tử địa được bố trí sẵn.
Tại đây, những người Boers đã tạo ra 1 pháo đài bằng những toa xe xếp thành vòng tròn dựa lưng vào sông Ncome. Bên trong những toa xe chất đầy súng hỏa mai, đạn dược và hai khẩu đại bác cùng 464 dân quân, 200 người phục vụ công tác hậu cần sẵn sàng nghênh chiến.
Khoảng 15.000-30.000 quân Zulu đến đây, chúng tiến hành bao vây pháo đài xe này.
Vào buổi sáng sớm mù sương ngày 16/12/1838, hàng vạn người Zulu hát vang bài thánh chiến nổi tiếng của họ rồi lao hết tốc lực vào pháo đài. Dân quân Boers tiến hành khai hỏa!
Trong 2 giờ đồng hồ, quân Boer liên tục xả đạn vào đám đông quân Zulu, bắn gục hết đợt tấn công này đến đợt tấn công khác của chúng. Trong khi đạn chì súng hỏa mai bắn ra dữ dội mà không có hiệu quả mấy, mỗi khẩu đại bác bắn đạn chùm nho (grapeshot) đốn ngã hàng trăm tên địch 1 lúc, góp phần ngăn kẻ địch áp sát thành công pháo đài.
Quân Zulu chết như ngả rạ, 1 số bị thương đã rơi xuống con sông gần đó khiến máu nhuộm đỏ cả dòng sông. Thấy không còn hy vọng nào để chiến thắng, quân Zulu bắt đầu bỏ chạy tán loạn. Thủ lĩnh Boer dẫn các dân quân lên ngựa và đuổi theo tàn sát quân Zulu trong ba giờ tiếp theo.
Kết thúc trận đánh, hàng ngàn chiến binh Zulu bỏ xác lại chiến trường (trong đó có 2 hoàng thân của vua Zulu), phía Boer chỉ có 3 người bị thương nhẹ.
Bốn ngày sau trận chiến, những người Boer đã tìm thấy hài cốt của Retief cùng phái đoàn và chôn cất họ tại 1 buổi lễ long trọng!
Năm 1838 là một năm khó khăn đối với những người Boer, cuộc đấu tranh của họ vẫn sẽ tiếp tục cho đến năm 1840. Trong thời gian này, họ liên minh với một thủ lĩnh Zulu khác là Hoàng tử Mpande, anh em cùng cha khác mẹ của Vua Dingane tàn bạo, nhưng đã trở thành kẻ thù trong cuộc chiến giành ngai vàng. Năm 1840, với sự trợ giúp của người Boers, Dingane bị đánh bại trên chiến trường và bị ám sát bởi những người Zulu bất mãn.
Mpande lên ngôi quốc vương của nước Zulu. Một hiệp ước giữa những người Boers và Vua Mpande đã ổn định quan hệ hòa hảo giữa 2 nước trong vài thập kỷ sau đó cho đến khi ông qua đời. Sau đó, căng thẳng gia tăng giữa người kế nhiệm Cetshwayo và Đế quốc Anh dẫn đến việc người Boers bị mắc kẹt ở giữa trong Chiến tranh Anh-Zulu năm 1879. Sau Chiến tranh Anh-Zulu, người Anh muốn thiết lập quyền bá chủ trên lãnh thổ này và đã xung đột với Cộng hòa Boer vào năm 1881.
Người Boer chiến thắng trong cuộc chiến này và còn bảo vệ nền độc lập của họ trong 18 năm, cho đến khi Anh xâm lược một lần nữa và khuất phục họ bằng một cuộc chiến tàn khốc trong khoảng 1899-1902, cuối cùng ép họ gia nhập Liên minh Nam Phi.