Trận cầu lịch sử đoàn tụ bóng đá hai miền Nam – Bắc Việt Nam
Đầu năm 1976, một thời gian ngắn sau khi cuộc chiến tranh thống nhất Việt Nam kết thúc, ông Lê Bửu - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục...
Đầu năm 1976, một thời gian ngắn sau khi cuộc chiến tranh thống nhất Việt Nam kết thúc, ông Lê Bửu - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao - được giao nhiệm vụ tổ chức một trận bóng đá giao hữu giữa hai đội tuyển, một từ miền Bắc, một từ miền Nam. Đây được xem như một động thái tuyên truyền cho sự thống nhất, đặt thể thao lên trên chính trị, và về mặt nào đó, một cuộc biểu dương sức mạnh của bóng đá miền Bắc trước đội tuyển miền Nam được xem là mỏng manh và thiếu tổ chức.Đây không chỉ là một trận giao hữu thông thường; chuyến hành trình vào nam của đội tuyển miền Bắc mang theo nhiều ý nghĩa to lớn về chính trị và xã hội, nhằm truyền tải một thông điệp hòa bình và hòa hợp dân tộc trong những năm đầu giải phóng và thống nhất đất nước.
Giữa năm 1976, Câu lạc bộ Tổng Cục Đường Sắt (CLB TCĐS) được lựa chọn làm đội bóng đại diện cho miền Bắc. TCĐS lúc này đang là đương kim vô địch Giải bóng đá vô địch miền Bắc, được xem như một lựa chọn hoàn hảo đảm bảo cho chiến thắng của miền Bắc, bên cạnh đội bóng hùng mạnh giàu truyền thống Thể Công.
Sự lựa chọn TCĐS làm đại diện cho bóng đá miền Bắc còn bao hàm trong đó một vài động cơ chính trị, như lời ông Lê Bửu thừa nhận: “Chúng tôi lựa chọn TCĐS vì nhiều lý do: đất nước đang tiến hành khởi công xây dựng tuyến đường sắt bắc nam, điều này thúc đẩy cho một ý thức về sự thống nhất đất nước đang dần được manh nha, bên cạnh đó, những cầu thủ của TCĐS cũng thường được xem như đại diện cho giai cấp công nhân (giai cấp tiên phong lãnh đạo của CNXH - ND). Đó thực sự là một động thái tuyên truyền hữu ích.”
Mặc dù được dự đoán sẽ không gặp nhiều khó khăn trước “đối thủ” miền Nam, công tác chuẩn bị cho trận đấu vẫn được chỉ đạo thực hiện cực kỳ nghiêm túc. Một chuyến tập huấn Trung Quốc được tổ chức từ đầu năm, thậm chí vào giai đoạn giữa của chuyến du đấu, cả đội nhận được một chỉ thị từ chính phủ để sẵn sàng cho một “nhiệm vụ quan trọng”, tập luyện chăm chỉ, chuẩn bị kỹ càng và sau đó di chuyển vào Sài Gòn.
Một trong những cầu thủ trẻ của CLB TCĐS khi đó là Mai Đức Chung, sau này trở thành một huấn luyện viên nổi tiếng tại Việt Nam khi dẫn dắt nhiều câu lạc bộ tại V.League, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam và trở thành HLV tạm quyền của đội tuyển quốc gia Việt Nam năm 2017. Mai Đức Chung thuật lại sự phấn khích khi hay tin toàn đội sẽ di chuyển vào Sài Gòn cho trận đấu: “Trước chuyến đi chúng tôi đều rất háo hức được nhìn thấy Sài Gòn, cũng như khám phá trình độ bóng đá nơi đây. Chúng tôi rất phấn khích, hầu hết đều chưa từng tới Sài Gòn, và đã nghe quá nhiều những lời đồn đại về nơi được mệnh danh là Paris của phương Đông”.
Tuy vậy, khi ngày rời Trung Quốc càng tới gần, bắt đầu rộ lên những lo lắng trong nội bộ các cầu thủ TCĐS. “Nỗi sợ hãi lần đầu đi máy bay thậm chí bị che lấp bởi những cảnh báo của lãnh đạo về tình hình ở Sài Gòn: ‘Tình trạng ở Sài Gòn hiện vẫn chưa thật ổn định, vẫn còn nguy hiểm và rõ ràng là không ai nên ra ngoài một mình’. Hầu hết các cầu thủ chúng tôi đều không thể ngừng suy nghĩ về những lời nói đó.” – Mai Đức Chung nhớ lại.
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh khi đó, ông Võ Văn Kiệt - sau này là Thủ tướng Việt Nam -, hỏi ý kiến Lê Bửu về việc lựa chọn đội bóng đại diện cho nền bóng đá phía nam vĩ tuyến 17. “Lựa chọn của tôi là Câu lạc bộ Cảng Sài Gòn (CLB CSG), đây là đội bóng đại diện cho tầng lớp lao động miền Nam, hơn nữa đây là đội bóng lớn nhất và mạnh nhất miền Nam thời điểm đó.”
Trận đấu đã được ấn định. Cảng Sài Gòn sẽ gặp Tổng cục Đường Sắt tại sân vận động Thống Nhất nằm ở trung tâm Sài Gòn vào đầu tháng Mười một, khi mùa mưa chuẩn bị kết thúc nhường chỗ cho mùa khô.
Chuyến bay quân sự IL12 hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất vào đầu giờ chiều ngày 4 tháng Mười một, chào đón các cầu thủ và quan chức CLB TCĐS là hai đại diện từ hai câu lạc bộ lớn nhất Sài Gòn: Phạm Huỳnh Tam Lang, đội trưởng CLB CSG, và Phạm Văn Lắm, đội trưởng CLB Hải Quan. Sau 21 năm chia tách, những cầu thủ - những người đàn ông – hai miền nam bắc cuối cùng đã được đoàn tụ cùng nhau. Thật trớ trêu, mới chỉ hơn một năm trước đó thôi, quân đội Bắc Việt Nam còn đang sử dụng những chiếc máy bay cường kích A-37 thu giữ từ Nam Việt Nam để ném bom phá hủy chính đoạn đường băng mà lúc này đây các cầu thủ đang bắt tay và trao nhau những cái ôm thật chặt.
Ngày 7 tháng Mười một, sau khi ánh bình minh ló dạng, Sài Gòn dần sáng rõ trong một buổi sáng mùa thu điển hình, trước khi chầm chậm tiến vào giữa trưa với những đám mây xám nhẹ dần che khuất ánh mặt trời. Một trận mưa chia tay 6 tháng mùa mưa dường như đe dọa sẽ tới vào buổi chiều, gây ảnh hưởng tới trận đấu. Nhưng nó đã không tới.
Tọa lạc tại quận 10 Sài Gòn, sân vận động Thống Nhất là một công trình xây dựng bằng bê tông cốt thép điển hình, một trong 10 sân vận động gần như giống hệt nhau về kết cấu trên toàn Việt Nam, cũng như tại những nước Xã hội chủ nghĩa khác trên thế giới. Sân vận động có một mái che lớn bằng bê tông, không có ghế ngồi ngoại trừ một khu vực nhỏ được lắp ghế nhựa dành phục vụ riêng cho các nhân vật cấp cao trong thời kỳ đó, như các chính trị gia hay tướng lĩnh quân sự.
Sự xuất hiện của đội bóng từ miền Bắc đi kèm với hàng trăm những lời đồn đoán, những câu chuyện truyền miệng và những lời rỉ tai nhanh chóng lan rộng khắp Sài Gòn, cùng với những tác động nhẹ từ chính quyền tạo nên một bầu không khí râm ran và náo nức trước trận đấu. Đám đông dần tụ tập đông đảo bên ngoài sân, ước tính khoảng hơn 10.000 người sẽ dự khán trận đấu. Giống như Mai Đức Chung đã rất tò mò về bóng đá miền Nam, những người hâm mộ bóng đá Sài Gòn cũng rất háo hức được chứng kiến đại diện bóng đá miền Bắc thi đấu.
Gần như không ai biết gì về những cầu thủ tới từ phía Bắc; rất nhiều người dưới 30 tuổi chưa từng được xem một đội bóng miền Bắc thi đấu trong đời, có một cảm giác pha trộn giữa sự tò mò và nỗi sợ hãi. Liệu những người miền Nam có bị “làm nhục”? Liệu những người miền Bắc có nhỏ bé, mỏng manh và yếu ớt như những gì chính quyền Sài Gòn và Mỹ không ngừng tuyên truyền trên sóng phát thanh chỉ hơn một năm trước?
Tới 14h, có thể khẳng định sức chứa 25.000 chỗ của sân vận động Thống Nhất đơn giản là không đủ đáp ứng nhu cầu của khoảng 40.000 người đang ùa vào sân, phủ kín các khán đài và đường chạy điền kinh bao quanh sân bóng. Cựu cầu thủ Hoàng Gia, người đã ra sân dưới màu áo TCĐS hôm đó, hồi tưởng lại cảm xúc trước trận đấu: “Tôi chưa từng thi đấu dưới một bầu không khí như vậy, có cảm giác như khán giả chỉ chực ùa vào sân bóng.” Mặc dù trận đấu sẽ khởi tranh vào lúc 19h30, các nhà quản lý buộc phải đóng cửa sân vào lúc 15h. Những người hâm mộ chậm chân bắt đầu trèo tường để tìm cách theo dõi trận đấu, cảnh sát chốt chặt từng chiếc cửa xoay vào sân còn đường chạy điền kinh thì hoàn toàn biến mất trước biển người hâm mộ đang nêm chặt trên từng mét vuông đất.
Hoàng Gia kể lại: “Thậm chí ngay sau tiếng còi khai cuộc chúng tôi có thể nhận thấy nhiều người hâm mộ vẫn đang cố gắng trèo vào sân. Đất nước mới chỉ vừa được thống nhất không lâu, bốn con đường dẫn tới sân vận động thậm chí vẫn nêm chặt xe tăng bảo vệ, và có rất nhiều cảnh sát đang làm nhiệm vụ trong cũng như ngoài sân bóng.” Khi hai đội bước vào sân, một tiếng súng vang lên như nhắc nhở những cầu thủ về tầm quan trọng của trận đấu và ý nghĩa của nó với những người tham gia.
Trên sân, trận đấu là một cuộc đối đầu thú vị giữa hai trường phái bóng đá khác biệt, điều có thể được dự đoán phần nào qua tình hình chính trị trên thế giới trong khoảng thời gian 30 năm trước đó. CSG ưa sử dụng đội hình 4-2-4 với lối đá chuyền nhanh, nhuần nhuyễn, luân chuyển bóng liên tục, dựa trên tư tưởng của Huấn luyện viên đội tuyển Brazil Flávio Costa trong những năm 1950. Đây là một phong cách bóng đá thiên về sự sáng tạo, phô diễn kỹ thuật và đề cao vai trò của cá nhân trên tập thể.
Trong đội hình Cảng Sài Gòn khi đó có sự góp mặt của những ngôi sao sáng giá trong nền bóng đá miền Nam đương thời: thủ thành Lưu Kim Hoàng, trung vệ đội trưởng Tam Lang, chuyên gia chạy cánh Nguyễn Tấn Trung với biệt danh “Trung Sói”. Bên cạnh đó là cặp tiền vệ trung tâm Dương Văn Thà, Nguyễn Văn Mười đảm nhiệm việc cung cấp bóng cho bộ ba tấn công Lê Văn Tư, Nguyễn Văn Ngôn, Trần Văn Xinh.
Bên phần sân đối diện, huấn luyện viên trưởng Trần Duy Long của TCĐS từng tu nghiệp tại Học viện Thể dục thể thao Kiev những năm 1940, triết lý bóng đá của ông do đó mang đậm phong cách Đông Âu: lối chơi bóng dài, chồng cánh nhiều và tận dụng mọi cơ hội để dứt điểm trong khoảng 20 mét trước khung thành đối phương. Phong cách này đôi lúc bị chỉ trích là tiêu cực, nhưng trên tất cả, nó đã chứng minh sự hiệu quả, đặc biệt dưới thời tiết khô nóng, khi việc ít di chuyển và đuổi theo bóng giúp các cầu thủ bảo toàn được thể lực trong suốt thời gian thi đấu.
TCĐS thi đấu với đội hình 4-3-3 tương đối khô cứng nhưng rất hiệu quả trong đợt tập huấn trước đó tại Trung Quốc. Lối chơi của TCĐS dựa nhiều vào kinh nghiệm của các cầu thủ. Trong khung gỗ là thủ thành Nguyễn Trường Sinh, hàng phòng ngự được chỉ huy bởi trung vệ trẻ Lê Khắc Chính và hậu vệ cánh Nguyễn Minh Phương. Bộ ba tiền vệ Lê Thụy Hải, Hoàng Gia và Phạm Kỳ Thụy, còn hàng công bao gồm Mai Đức Chung, Nguyễn Văn Lộc và Nguyễn Minh Điểm.
Những lời phỏng đoán hay đồn đại trước trận đấu, như việc các cầu thủ miền Bắc bị suy dinh dưỡng còn cầu thủ miền Nam mỏng manh và yếu ớt đều nhanh chóng trở thành thất thiệt. Các cầu thủ hai đội đều tương đồng về tầm vóc và thể hình, dù trung vệ Lê Khắc Chính bổ sung thêm: “Thời điểm đó thể hình chúng tôi rất tương đồng và đều cao trên 1m70, các cầu thủ Sài Gòn thì có vẻ nhỏ con hơn chút.” Tuy vậy, thật khó để chỉ ra sự khác biệt hình thể giữa những cầu thủ hai miền Nam – Bắc.
TCĐS dẫn 2-0 khi trận đấu bước vào hiệp 2, và bầu không khí trên sân Thống Nhất bắt đầu sôi sục. Tiền đạo Nguyễn Minh Điểm nhớ lại cảm giác của mình thời điểm đó “Dù ở trong sân bạn vẫn nghe thấy một vài tiếng nổ vang lên từ bên ngoài sân bóng, tôi cảm thấy rất lo lắng”. Những cầu thủ trên sân bắt đầu trông lo âu, e ngại và sợ sệt hơn.
Cuộc chiến tranh Việt Nam vẫn còn hiện diện trong tâm thức của mọi người tại thời điểm đó, một mảng ký ức đau thương vẫn còn lơ lửng trên đầu tất cả, và len lỏi trong mọi con phố ở Sài Gòn. Mới chỉ 18 tháng trôi qua từ thời điểm tướng Văn Tiến Dũng hạ lệnh cho những đoàn quân Bắc Việt Nam tiến vào Sài Gòn, dần kiểm soát những phần quan trọng của thành phố cho tới đỉnh cao là ngày 30 tháng 4 khi chiếc xe tăng số hiệu 390 húc đổ cổng Dinh Tổng thống (Dinh Độc Lập ngày nay – ND), không lâu sau đó Đại tá Bùi Tín tiếp nhận sự đầu hàng không điều kiện của Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Dương Văn Minh. Dù cuộc chiến đã kết thúc, những trận đánh khủng khiếp trước đó đã chia tách hàng vạn gia đình và tước đi sinh mạng khoảng 2 triệu người dân Việt Nam.
Tốc độ trận đấu chậm dần về những phút cuối, và khoảng 20 phút cuối cùng trôi qua với một bầu không khí khá thân thiện - có lẽ cầu thủ hai đội đều nhận thức được tình hình trên sân –, trận đấu kết thúc với tỉ số 2-0 nghiêng về TCĐS, và không có sự cố nào xảy ra. Đội trưởng TCĐS Nguyễn Văn Lộc thuật lại cảm xúc khi tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên: “Với tôi, thành công lớn nhất của trận đấu là sau khi trọng tài chính Hồ Thiệu Quang thổi còi kết thúc trận đấu, các khán giả đều đứng dậy và dành những tràng pháo tay động viên cho cả hai đội.”
Phóng viên Trương Nguyên Việt bổ sung thêm: “Những cầu thủ hai đội đã để lại cho khán giả Sài Gòn những hồi ức tươi đẹp. Sự đoàn kết giữa hai miền, những cái nắm tay khi hai đội tiến vào sân, đó là một ngày thật tuyệt vời. Khi trận đấu kết thúc, không có người thua cuộc, tất cả đều chiến thắng. Đây là một thắng lợi của sự nghiệp thống nhất hai miền nam bắc.”
Trận đấu sẽ mãi được ghi nhớ trong cộng đồng bóng đá Việt Nam, cũng như trong xã hội Việt Nam nói chung. Rất nhiều những cầu thủ tham gia trận đấu đó sau này đã trở thành những huấn luyện viên và nhà quản lý nổi tiếng, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng nền móng ban đầu cho bóng đá Việt Nam những năm 1980 và 1990.
Lê Khắc Chính chia sẻ: “Thế hệ chúng tôi xem trận đấu đó như một phần không thể quên trong lịch sử. Thời điểm đó, bóng đá hai miền hoàn toàn không có ý thức gì về nhau. Mặc dù 40 năm đã trôi qua, mỗi khi nhớ lại trận đấu đó, những ký ức vẫn không hề phai nhạt, nó đã thực sự góp phần kết nối hai miền đất nước.”
Tháng Tư năm 2015, những thành viên còn sống của hai đội đã cùng tập hợp và thi đấu một trận giao hữu khác, cũng trên sân Thống Nhất. Sau 40 năm, mọi thứ dường như chưa hề thay đổi. Rất nhiều câu chuyện và ký ức đã được kể lại và chia sẻ. Nhưng những khác biệt chính trị từ quá khứ, đã hoàn toàn được quên lãng.
Dịch từ bài viết "The reunification game that brought North and South Vietnma together" của tác giả Scott Sommerville, website thesefootballtimes.co
Thể thao
/the-thao
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất