Trận Chiến Đã Gõ Cửa Nhà
1. Đường phố Hải Phòng vắng vẻ, quán cà phê trà sữa chỉ cho take away, không ngồi lại. Thiếu đi ánh sáng của những quán đồ uống, thành...
1.
Đường phố Hải Phòng vắng vẻ, quán cà phê trà sữa chỉ cho take away, không ngồi lại. Thiếu đi ánh sáng của những quán đồ uống, thành phố tối tăm đến run rẩy cả sống lưng.
Bỏ qua tất cả nỗi sợ về dịch bệnh, về cái chết đang len lỏi vào cuộc sống của chúng ta gần hơn bao giờ hết, thì trong khoảnh khắc lượn trên những con đường hoang hoải thưa thớt ấy, cái mình sợ hơn cả là cụm từ được nhắc đi nhắc lại nhiều ngày nay trên tất cả các mặt báo: "social
distancing" - cách li xã hội - nay đã sờ sờ trước mặt mình.
Mình biết đó là điều cần thiết, và có lẽ mình nên cảm thấy may mắn bởi lệnh cách li được ban ra kịp thời, và quyết liệt như thế nào trước kẻ thù chết chóc này. Chúng ta đều theo dõi trận chiến này đang diễn ra từng giây trên khắp thế giới. Chúng ta đều thấy con người nhỏ bé thế nào trước quyền năng của thiên nhiên. Chúng ta đều thấy ngay cả nền dân chủ và kinh tế hùng cường nhất, dưới sức mạnh của tạo hóa, đều oằn mình chống chọi.
Hải Phòng đến nay chưa có ca nào dương tính, bọn mình vẫn đi học, vẫn trêu đùa nhau rằng HP bất tử, dù lòng có lo sợ, nhưng dường như âm thanh ấy vẫn còn xa lắm, cách cả một màn hình điện thoại, và cách cả nhiều cây số cơ mà.
Cho đến ngày ngõ đằng sau nhà một đêm bị cách li cả khu phố, cho đến ngày cả một khoa của bệnh viện phải cách li, sinh viên cho về đột ngột, ban lệnh tạm dừng học lâm sàng, và cho đến ngày đi vào cổng viện phải đo thân nhiệt.
Cho đến ngày, đèn phố tối thui.
2.
Từ khi phát minh ra Internet, con người được kết nối hơn bao giờ hết, nhưng đáng buồn thay, lại cô lập bản thân hơn bao giờ hết. Chúng ta phóng tầm mắt ra thế giới rộng lớn, mà quên mất phải tìm về với con người mình. Chúng ta cười nói qua màn hình điện tử, nhưng lại quên phải nắm lấy tay nhau trao lấy hơi ấm đong đầy. Chúng ta cần được kết nối, loài người cần được kết nối giữa con người với con người, chứ không phải con người - máy móc - con người. Và chúng ta, ngay cả khi không có dịch bệnh, cũng đang tiệm cận gần với con đường cô lập bản thân như vậy rồi.
Dường như chuyện còn chưa đủ tệ, năm đầu tiên của thập kỷ mới được đánh dấu bằng trận đại dịch toàn cầu lớn nhất từ trước tới nay. Lần đầu tiên trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hóa hiện đại, các nước ban hành lệnh cấm vận, các ngành dịch vụ đồng loạt đóng cửa, không phải vì nhà nước ban bố lệnh cấm, thì cũng là phá sản do thiếu nguồn cung ứng và duy trì mặt bằng. Lần đầu tiên học sinh, sinh viên có kỳ nghỉ lễ kéo dài 2 tháng có lẻ. Lần đầu tiên khắp hang cùng ngõ hẻm, chính phủ, các công ty giải trí đồng lòng ban hành chính sách và ưu đãi để khuyến khích người dân ở nhà, duy trì cách ly xã hội.
Lần đầu tiên, ngành y tế toàn thế giới chưa từng khẩn thiết yêu cầu mọi người ở nhà đến thế:
"we stay at work for you, you stay at home for us."
Trận chiến sẽ kéo dài, ban đầu là 14 ngày, sau này có thể là 1 tháng, và nếu tất cả chúng ta không làm tốt, thì có lẽ là vài tháng, và vài năm. Hôm nay có thể là một người bạn không quen ở tít bên kia bán cầu bị rút máy thở, ngày mai có thể là ai đó ở thủ đô xa xôi, nhưng tháng sau có thể là hàng xóm mà ta thân thuộc, cho đến cuối cùng, người đó có thể là ta.
3.
Loài người là động vật bầy đàn, bộ gene của chúng ta không hề được thiết kế để sống cô lập như vậy. Những vấn đề tâm lý sinh sôi, tăng lên chưa từng có trong vòng thập kỷ đổ lại đây: trầm cảm, rối loạn nhân cách, chống đối xã hội,... Những con người lành lặn về thể chất nhưng tổn thương về tâm lý nhiều không đếm xuể. Internet mất 70 năm, từ những năm 50 phát minh ra nó, thuyết phục con người ngồi im trong nhà nhiều ngày nhìn chòng chọc vào màn hình thay vì giao tiếp xã hội. Nay COVID-19 mất chưa đầy vỏn vẹn 3 tháng, để khiến con người cô lập bản thân ở mức độ tuyệt đối - toàn xã hội, và toàn thời gian.
Thông điệp gửi đi là rất rõ ràng, nếu bạn không muốn chết, thì ở yên nhà đi.
Chúng ta rồi sẽ sống sót, mình nghĩ vậy, nhưng là theo cách nào thôi, và cái giá là gì.
Nhưng chúng ta không được bỏ cuộc trước nhân loại, trước chính chúng ta. Không được, mà cũng không thể bỏ. Chúng ta là sinh vật mạnh mẽ nhất hành tinh này, không phải vì chúng ta to lớn, hay thông minh, hay xây nhiều nhà cao tầng hay bay lên tận mặt trăng. Chúng ta mạnh mẽ bởi điều cốt lõi không nằm ở cá thể, mà là nhân loại nói chung. Con người sẽ sống sót không bởi ta có những cá nhân xuất sắc, mà bởi vì toàn bộ nhân loại đều có năng lực liên kết diệu kỳ. Từ khoảnh khắc sơ khai chiếc xương đùi lành lại*, đến tận hiện tại khi ta chia nhau chiếc khẩu trang qua ngày. Chúng ta mạnh mẽ bởi chúng ta có nhau, và đó là thứ sẽ khiến chúng ta sống sót toàn vẹn nhất có thể.
4.
Vậy nên, mình chờ tin chiến thắng, chờ những ngày hè hoa phượng nở, chờ một mai nắng sớm phủ khắp nhân gian, và chờ một mai có thể ôm lấy nhau lần nữa.
25 tháng 3 năm 2020
(*) giả thuyết cho rằng dấu hiệu của nền văn minh nhân loại bắt đầu sớm nhất từ việc tìm thấy chiếc xương đùi lành lại của tổ tiên ta từ cách đây triệu năm. Thời tiền sử, những động vật bị thương thường tụt hậu so với đàn, bị bỏ đói hoặc bị kẻ thù giết chết. Chiếc xương đùi đã gãy được lành lại cho thấy dấu hiệu tổ tiên chúng ta đã được đưa về, chăm sóc, cho ăn đến khi chiếc xương lành lại.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất