Trần Anh Hùng
Đăng nhân vừa xem lại “Rừng Na Uy” Phim của Trần Anh Hùng tập trung khai thác những chuyển biến tinh tế của nội tâm nhưng cách kể...
Đăng nhân vừa xem lại “Rừng Na Uy”
Phim của Trần Anh Hùng tập trung khai thác những chuyển biến tinh tế của nội tâm nhưng cách kể chuyện của anh không bám vào khuôn sáo theo kiểu phát triển một vấn đề, đẩy lên cao trào để nhân vật giằng co khổ sở, rồi kết thúc theo hướng hạnh phúc hay bi kịch. Nhân vật của Trần Anh Hùng không đợi tới khi có sự kiện đặc biệt mới bộc lộ nội tâm. Mỗi con người là một bức chân dung bí ẩn, không cố tình giấu diếm nhưng khó đoán. Họ luôn có những tâm tư, tình cảm riêng mà sự kiện xảy ra chỉ như cơn gió nhẹ lật tung tấm màn che, khiến ta biết được thêm đôi nét về những tính cách còn ẩn giấu.
Nội tâm biểu hiện trong từng cử chỉ, nét mặt, câu nói, thói quen thường ngày. Con người thường xuất hiện trong những khuôn hình tưởng vô thưởng vô phạt – ngồi một mình ngắm mưa, đếm vệt loang trên tường, vươn vai buổi sáng. Họ không cố tỏ ra đăm chiêu hay tư lự, không thể hiện nỗi lòng trực tiếp qua nhật kí hay lời nói và thường khó đoán. Họ có thể thay đổi hành vi một cách đột ngột, không báo trước. Người chị trở thành gái điếm trong Xích lô, cô giúp việc thành cô chủ trong Mùi đu đủ xanh, cô em Liên bất chợt mang bầu, các ông anh rể ngoại tình trong Mùa hè chiều thẳng đứng. Những cú rẽ ngoặt ấy dường như không theo logic, thậm chí mâu thuẫn với vị trí xã hội và vẻ ngoài của nhân vật.
Trần Anh Hùng thường không đưa ra một sự kiện cụ thể nào lý giải những hành động đường đột ấy, nếu có một hoàn cảnh, thì hoàn cảnh ấy cũng rất mở, nhân vật vẫn có thể chọn nhiều cách hành động. Khán giả hồi hộp phỏng đoán, cảm thấy vừa bất ngờ vừa không bất ngờ trước lựa chọn của nhân vật. Trong Mùa hè chiều thẳng đứng, phân đoạn Sương gặp gỡ người tình thực ra có thể phần nào đoán được, dựa trên đoạn đối thoại ngắn về nhu cầu vợ chồng không được thỏa mãn giữa ba chị em va những lời nhận xét của cậu em nhà văn cho người anh đồng hao – nghiêm túc đến nhạt nhẽo. Khán giả lờ mờ nhận biết một khúc mắc tâm lý ẩn giấu của nhân vật, theo dõi khúc mắc ấy lớn dần như một mầm cây, qua những biểu hiện đời thường mà ngay cả nhân vật chưa chắc đã hoàn toàn ý thức được. Khi nhân vật thực sự hành động, mọi sự kiện chỉ là cái cớ cho quả bom lâu ngày sớm muộn cũng phải nổ.
Trần Anh Hùng đưa người xem vào một trạng thái vừa chủ quan vừa khách quan, vừa gần gũi vừa xa lạ. Anh để nhân vật biểu hiện mình qua những hoạt động rất đời thường, ít khi thể hiện suy nghĩ trực tiếp, nhưng người xem lại có những gợi ý rải rác để xâu chuỗi lý giải nhân vật. Có những hành động hồ đồ, những sự kiện bi kịch, nhưng người xem, sau khi đã biết được những tầng uẩn ức của nhân vật – lại có được sự đồng cảm lạ thường, có thể tạm xa những phán xét theo lối thông thường để cố gắng hiểu cuộc sống theo cách nhìn riêng của nhân vật, Cái hay ở trải nghiệm xem phim không phải là đoạn kết mà là chính quá trình khám phá nội tâm. Phim kết lại không phải bằng sự giải quyết vấn đề mà thường bằng một vĩ thanh dịu dàng – khi cuộc sống trở lại nhịp điệu vốn có, con người yên tâm thêm về bản ngã của mình và trân trọng hơn cuộc sống thường nhật. Vĩ thanh ấy thường có nét đối xứng với khung cảnh thanh bình mở đầu phim. Nhưng sau khi đã khám phá những quanh co trong tâm hồn nhân vật, khán giả không khỏi nghi ngờ sự thanh bình trên bề mặt. Vẫn còn đó những quả bom chưa nổ – những khúc mắc chưa được giải tỏa trong nội tâm mỗi người.
Trạng thái chênh vênh này chính là nét đẹp riêng trong phim của Trần Anh Hùng. Hạnh phúc viên mãn dường như chỉ tồn tại trong khoảnh khắc cơn bão táp vừa qua, là tấm khăn voan mềm dịu che đi biết bao đấu tranh nội tâm gay gắt. Cảnh ba chị em ôm nhau khóc rồi cười cuối Mùa hè chiều thẳng đứng thật đẹp. Nhưng chính cảnh tượng ấy cũng tạo nên cảm giác rất chênh vênh. Ba chị em thân nhau đến vậy, nhưng mỗi người vẫn có cuộc sống riêng, những khúc mắc nội tâm riêng không dễ gì chia sẻ. Người chị cả, Sương, khi em (Khanh) hỏi, vẫn giấu chuyện mình đang ngoại tình, dù thừa nhận mình từng xao xuyến. Ngay cả khán giả ở vị trí quan sát đắc địa, vừa chủ quan, vừa khách quan, nhưng cũng không dám hoàn toàn chắc mình thấu hiểu nội tâm nhân vật.
Xem phim của Trần Anh Hùng là đưa mình vào một cuộc khám phá tinh tế của tâm lý con người – những nhân vật rất đời thường nhưng được nhìn nhận qua một lăng kính khác. Hành trình khám phá ấy không có lời giải đáp. Bởi đạo diễn không để ai thổ lộ trực tiếp điều gì, mọi lý thuyết chỉ là suy đoán. Phim như một mê cung suy tưởng mà mỗi lần xem lại đều gợi nên những phán đoán khác nhau. Nhưng chính bởi sự mơ hồ ấy, mỗi bộ phim như một chuỗi những câu hỏi không lời đáp – những thắc mắc về nội tâm nhân vật nhưng cũng dễ là những câu hỏi của người xem về chính đời sống tâm lý của mình.
Phim
/phim
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất