ĐI CHỢ, NẤU CƠM

Những ngày bùng dịch đầu tiên vào tháng Tư năm trước, tôi đã chớm nghĩ về việc tập tành bếp núc và những thứ tao nhã liên quan khác trong suốt những ngày dài nhàn rỗi. Tôi nhớ có lần ngay bữa sinh nhật của mình, tôi đã lần đầu tiên đi siêu thị để mua thực phẩm tươi sống và chở về nhà ba bốn cái túi lỉnh kỉnh thậm chí gây cho mẹ tôi chút bất ngờ. Tôi cũng đồng thời đọc rất kỹ những hướng dẫn về cá hồi áp chảo hay beefsteak, và không thấy có nghi vấn nào. Chúng nó không phải là cấu tạo hạt nhân, thuyết tiến hóa hay vạn vật hấp dẫn. Rõ là vậy, đó không phải là dạng công thức hàn lâm khó tiếp thu, cho tới khi tôi động tay vào. Món đầu tiên mà tôi làm ra, cá hồi áp chảo, đã nhận được một ý kiến đóng góp không hề mang tính xây dựng từ mẹ tôi mà không biết nên cười hay mếu : "mày muốn giết tao để hưởng di chúc phải không?"
Đúng vậy, mẹ tôi là người của 50% hài hước và 50% bi quan, thể hiện toàn bộ qua câu nói đó. Trong một số tình huống tệ hại nhất, mẹ tôi luôn khiến tôi phải bật cười. Điển hình là lần đầu tiên tôi gửi đồ chợ về nhà trong đợt giãn cách này, bên kia đầu dây điện thoại là tiếng chửi quen thuộc : "đợt này cục c*t của tao sẽ có hình tròn". Phải rồi, trong gần mười kí lô thực phẩm tôi gửi về, có đến hơn ba kí là sủi cảo và há cảo các loại. Tôi khi đó vẫn tương đối mù mờ về việc đi chợ, và chưa thật sự biết cơ bản nhất một cái bếp cần được vận hành với những gì. Tôi bắt đầu tin rằng thứ tôi đã đọc vào đợt dịch năm trước đích thị là những công thức tạo ra tên lửa. Việc nấu ăn hiện ra trong đầu tôi, giống như xiêng vài cây que qua một tảng thịt, nhóm một đống lửa và để tảng thịt gần đó cho đến khi ngửi thấy mùi thơm. 
Một lần cách đây vài tháng khi tôi lần đầu áp chảo lại miếng phile cá hồi và ăn cùng Thư, tôi đã tương đối mạnh miệng về một tương lai bếp núc và dinh dưỡng. Những câu chuyện đã qua cùng hệ lụy do phim ảnh khiến tôi cảm thấy việc một người đàn ông giỏi nấu nướng thật sự là hoàn hảo khi nghĩ về, và quả thật quá trình tạo ra miếng phile đó dù nhìn chung là chông gai, nhưng vẫn thật sự thư giãn và hạnh phúc. 
Tất nhiên không ai có thể ăn mãi cá hồi hay những thứ áp chảo trong một thời gian dài, và một cái bếp được tạo nên bởi một con người không biết gì về bếp trước đó như tôi, chẳng khác gì việc bảo Lionel Messi đi chơi bóng rổ. Trên kệ bếp của tôi chỉ có một vài loại chảo đặc trưng cho thịt bò, và một cái nồi nhỏ theo kiểu nồi hầm thuốc bắc hơn là nấu canh. Sau ngày 9.7 này, chẳng ai có thể giúp chúng ta nữa, tất cả quán ăn, nhà hàng đều đã đóng cửa và các loại đồ ăn nhanh thì đắt đỏ và chán chường. Việc phải tự tạo ra những bữa ăn cho bản thân trở thành điều không thể tránh khỏi.
Lại một điều đáng lo ngại khác trong những ngày đầu là thái độ của những người đồng hành với tôi ở Mega Market. Họ bận rộn, nháo nhào, bất bình và cuồng nộ. Họ thu gom gần như mọi thứ trên kệ, kể cả mì goreng và mì trẻ em. Điều đáng phải kể nhất đến từ những thứ họ gom sạch sẽ mà mình lại chưa hiểu ra vì sao họ lại cần đến. Tôi đã không xem bất cứ một "tài liệu tên lửa" nào trước hoặc trong khi đi mua những thứ nguyên liệu liên quan, vì nghĩ rằng cái khó vẫn là làm chủ nhiệt độ và thời gian - thứ đã làm tôi thất bại trước đó - thay cho các loại phụ gia nhập nhằng mà những người trong siêu thị đã nháo nhào tranh nhau trong khi tôi vẫn hết sức ngây ngô.
Đến đây thì những sai lầm mới bắt đầu lộ diện, vì bất cứ phụ liệu nào cần có cho những món ăn tôi tìm được hướng dẫn đều không có. Tôi cũng tự lừa mình - rõ ràng là muốn mua, nhưng không thể - và hiểu ra họ có cơ sở để trở nên hối hả hơn khi không mua được những thứ đó. Dĩ nhiên tôi vẫn rút ra những bài học chua cay, những kinh nghiệm quý giá, vừa đủ để không cảm thấy thiếu thốn khi vào bếp những lần sau đó. Nhưng tôi không thể mãi lừa dối bản thân rằng mình cũng là một người có năng khiếu nấu ăn.
Vào những ngày giữa tháng Tám, việc đi chợ đã được tăng thêm độ khó, thay hẳn việc dùng tem phiếu - thứ mà tôi chỉ có cơ hội được cầm một lần - bằng chính sách đi chợ hộ mà theo truyền thông, sẽ được thực hiện bởi bộ đội và quân nhân, những con người chưa từng có nghiệp vụ giao hàng trước đây, và vì thế tôi cảm thấy mình nên chủ động thì hơn. Tôi không có ý cổ súy hay phê phán cho bất cứ chính sách nào trong bài viết này, phần vì những gì mọi người chịu đựng hay ca thán về nó suốt những ngày này đã quá đủ. Thực đơn của tôi cũng đã bắt đầu thay đổi từ thời điểm đó trở đi, với việc chấp nhận mua mọi thứ mà mình nghĩ rằng có thể biến nó thành món ăn được với khả năng và thiết bị bếp núc hạn chế như tôi đã kể. 
Những ngày cuối cùng mà những anh hùng shipper còn được phép hoạt động thì thật sự nhớ đời, đâu đó vào nửa cuối tháng Tám. Tôi đặt rất nhiều món từ sáng hôm đó thức dậy, và dùng hết khả năng cũng như sự kiên nhẫn của mình để đảm bảo các đơn hàng phải được giao trước 16 giờ cùng ngày. Tôi dành gần như cả buổi hôm đó để ngồi trước laptop và màn hình điện thoại luôn sáng, thỉnh thoảng tự so mình với hình ảnh của Iron man Tony Stark khi hắn dùng 2 tay nhịp nhàng trên máy tính để tạo ra bộ giáp Mark V, hoặc là một broker nào đó xuất hiện ở khung cảnh ồn ào của những phiên giao dịch trong The Wolf of Wall Street. Đối với tôi khi đó, âm thanh tài xế chốt đơn có giá trị ngang ngửa tiếng "ting ting" mỗi cuối tháng mà mọi người vẫn hay nhắc tới. 
Nhưng đó chỉ mới là phân nửa của câu chuyện kịch tính thôi. Có rất nhiều chốt chặn xung quanh khu tôi đang sống và tôi phải theo dõi trên bản đồ của nhiều app khác nhau cùng lúc để xác định được vị trí của những shipper tinh nhuệ - cứu tinh của mình đang đứng ở đâu. Những dãy phố hoang tàn, nhà đóng kín cửa san sát nhau, hàng rào kẽm gai giăng đầy những con hẻm và mọi người hối hả tìm đủ mọi cách để lấp đầy kho lương nhà mình. Tôi như thoáng qua đầu giai điệu bài "Người già em bé" của Trịnh Công Sơn, hòa với bầu trời chiều khiến mọi thứ trở nên thêm phần u ám. Tôi với tay qua những hàng rào kẽm gai, nhận lấy vài túi hàng và đem nó về nhà cùng những cái thở phào nhẹ nhõm, sau đó vẫn cẩn thận kiểm tra lại tổng số lượng khẩu phần mà những gì tôi mới đem về có thể tạo ra, dù biết là lỡ có thiếu thì cũng đã quá muộn để thay đổi tình hình. Tôi nhớ không lầm thì mình đã chuẩn bị được khoảng ba mươi mốt bữa gì đó hoặc hơn, đủ để tồn tại trong khoảng mười bốn ngày tiếp theo và chờ nhà cầm quyền đổi ý. 
Tính đến lúc này, tôi hầu hết là nấu những món nước như hủ tiếu hay đại loại một thứ gì đó giống như vậy, vì rõ ràng là nó đơn giản và việc ăn kèm với nước lèo sẽ giúp tôi tiết kiệm được nhiều nguyên liệu hơn. Mặt khác, khi tôi không thể nghĩ ra thêm phương án nào để dung hòa các loại nguyên liệu mình có trở thành một món ăn hoàn chỉnh, tôi cùng lắm chỉ cần một nồi nước sôi, thái mỏng mọi thứ và cho hết vào đấy. Có khi phương án này làm món ăn nó thật lênh láng và nhạt nhẽo, nhưng ít nhất tôi sẽ không thể làm khét cái nồi duy nhất mình có bằng cách này, và những thứ quá mặn đều có thể trở nên nhạt đi. Tôi sẽ học làm bếp một cách bài bản hơn - cho dù đại dịch có quay lại hay không - như một lời cam kết và, chắc rồi, hình mẫu một người đàn ông nấu ăn cho người thương đã được tôi nhắm đến. Nhưng ngay tại thời điểm này, tôi không muốn vì bất cứ rủi ro nào mà phải đổ bỏ một lượng đồ ăn đã được tính toán kỹ lưỡng, chỉ vì nó không thể nào ăn được. Sự hoang phí do những thử nghiệm sẽ khiến tôi không thể duy trì đúng số bữa ăn mà mình vừa trang bị. Tóm lại, khi bạn không biết phải chế biến như thế nào, hãy đem luộc cả bọn là xong.