Trăm ngày tĩnh lặng 2
Những ngày đầu tháng ba năm nay, tôi đã đứng ở một nơi tạm gọi là hạnh phúc nhất của cuộc đời. Tôi cùng vài người bạn dành chút của...
Từ những ngày bình thường cũ
Những ngày đầu tháng ba năm nay, tôi đã đứng ở một nơi tạm gọi là hạnh phúc nhất của cuộc đời. Tôi cùng vài người bạn dành chút của cải để mở ra Jolly, một quán nhỏ xinh trên sân thượng mà tôi hay gọi là "quán bia lỗi thời", và văn chương hơn từ vài người hâm mộ thì là "a place for classic souls". Nhờ vũ trụ sắp đặt và những may mắn le lói của tuổi trẻ, Jolly đã vận hành tương đối tuyệt vời trong suốt thời gian còn được hoạt động. Khách quen của Jolly sẽ không quá xa lạ khi đến đây, chứng kiến một anh chủ quán gầy gò mặc chiếc quần short đặc trưng và nghêu ngao theo những bài hát của Credence Clearwater Revival. Tiện thể nói về CCR, tôi đặc biệt hào hứng khi ca khúc 'Have you ever seen the rain' vang lên ở quán. Người ta cho rằng bài hát này là một dạng nhạc phản chiến để ẩn dụ về chiến tranh Việt Nam, nhưng chính John Forgety sau đó đã thừa nhận, trái với giai điệu hào hứng vui tươi, đó là những cảm xúc thực tế của ban nhạc sau khi chinh phục các cột mốc điên rồ vào những năm 70, với sự chán nản và không-hạnh-phúc.
"Have you ever seen the rain, coming down on a sunny day."
Tôi từng lớn lên trong sự hoài bão, kiên định và tham vọng. Đối với tôi, việc chinh phục một điều gì đó khó khăn mới mẻ là chỉ là một dạng thử thách để "lên level". Tôi bắt đầu Jolly trong thời kì khó khăn sau đợt bùng dịch thứ nhất, không mấy bi quan về thực tại và cũng chẳng trông mong vào bất cứ thành công rực rỡ nào. Tôi muốn vượt qua những thử thách để nhìn thấy thứ mình tạo ra được mọi người hưởng ứng. Chúng tôi bán qua gần trăm loại bia trên thế giới và hầu hết trong số đó đều đến từ những nhà bia chi 0 đồng cho việc phát triển thương hiệu. Tôi thật sự đã thích nghi với những cơn mưa không có mái che, với ly bia lạnh và những giai điệu rock'n'roll xưa cũ và cuồng nhiệt còn dư hương đến tận hôm nay. Đó là một cuộc sống mà tôi mong đợi, công việc đi đúng hướng, một quán bia vừa đủ náo nhiệt và các mối quan hệ đều rất êm đềm.
Cho đến giữa tháng Năm, khi báo đài bắt đầu rầm rộ về một đợt bùng dịch tồi tệ hơn sắp kéo đến, tôi vẫn chưa thật sự cân nhắc quá nhiều cho những bước đi tiếp theo và thỉnh thoảng có hơi chột dạ khi nhìn thấy mọi người xung quanh đang hối hả. Rõ ràng là khách đến Jolly đã giảm đi đáng kể, và cách mà tôi ngân nga theo những câu hát của CCR cũng đã bắt đầu pha trộn chút trầm tư. Tôi vẫn hay cố phải né tránh khi đối diện những câu hỏi kiểu như tôi sẽ tính sao cho những ngày sắp tới. Vâng! Chúng ta sẽ không thể biết được bài toán này có bao nhiêu ẩn số để mà giải. Thứ duy nhất tôi có thể nghĩ về lúc đó, rằng xét về nhân quả, mình vẫn ăn ở không đến nỗi nào.
Giãn cách xã hội sau đó đã trở thành thứ không thể tránh khỏi. Tôi phát lương cho nhân viên, gói kín hàng ghế hay kệ ly để tránh bám bụi và vết keo tạm bợ cho thấy một niềm tin tương đối mãnh liệt rằng nó đã đủ chặt trong vài tuần, vì tôi nghĩ giãn cách cũng chỉ bấy nhiêu thôi. Thời điểm đó, quãng đường đi làm của tôi là dọc theo con đường từ Bình Thạnh đến Cần Giờ, mà bất cứ chuyển biến nào của xã hội đều có thể cảm nhận được rất rõ trên cung đường này. Dãy phố dài ngoằn ngày một nhiều những cánh cửa khép kín, thỉnh thoảng là vài sợi ruy băng trắng đỏ căng ngang và xe cộ thì thưa thớt dần. Chúng ta dễ thấy mình trải qua những điều tồi tệ nhất, cho tới khi chứng kiến những điều tồi tệ hơn. Tính kỹ ra thì, tôi vẫn tung tăng đi và về sau đó hơn một tháng và bắt đầu cảm nhận rõ sự thay đổi của điều kiện sống xung quanh.
Từ một ngày nào đó vào đầu tháng Bảy, việc lái một chiếc xe ngoài đường theo lẽ thường là hiển nhiên thì lại trở nên nhiêu khê chưa từng có tiền lệ. Mọi người chất mỗi lúc một nhiều lương thực thực phẩm lên xe của mình hơn trong khi tôi vẫn bình lặng như chưa có gì diễn ra. Có lẽ tôi còn quá mơ hồ về những khái niệm về chết đói, tù túng, hay thậm chí là bao cấp. Những ngày này, tôi thường treo trên xe một túi ni lông đựng đồ hộp và mấy gói mì để đi lại giữa nhà và Jolly. Sở dĩ tôi phải đi lại thường xuyên là vì không muốn cây cối trên đó bị chết vì khô héo, dĩ nhiên tôi cũng không quá lo sợ khi bị bắt buộc phải sống một mình. Khái niệm giữa lạc quan và chủ quan lúc này vẫn còn quá mông lung. Tôi không vội vã và cũng không muốn mình tỏ ra vội vã, vì một mức chuẩn bị cơ bản đã luôn được tôi sẵn sàng trong nhiều ngày tính từ thời điểm mọi thứ chuyển biến xấu đi. Nhưng vâng, đó chỉ là những chuẩn bị cơ bản mà thôi.
Đường sá từ sau những ngày đó vắng vẻ lạ thường, tôi không còn được nghe nhiều những âm thanh quen thuộc của còi xe hay động cơ đào xúc. Mỗi lần nhìn ra ngoài cửa sổ, tôi đều cảm nhận rõ hơn sự hiu quạnh đang bao trùm lấy xung quanh, với đèn đường và nhà cửa đã không còn sáng trưng như trước đó... Chúng ta, sau chừng đó ngày giãn cách, vẫn đâu đó tin rằng mọi thứ đang không còn có thể tệ hơn. Dù từ thời điểm đó cho tới lúc những dòng này được viết ra, thời thế có vẻ chưa có chút nào biến chuyển.
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất