Ảnh: Tác phẩm Trăm năm cô đơn
Ảnh: Tác phẩm Trăm năm cô đơn
Nói đến tâm lý trong đầu tư, là nói đến con người. Nếu có điều gì chúng ta có thể biết chắc về con người, đó là chúng ta chẳng thể học được gì từ lịch sử, ít nhất đối với số đông.
Vì sao lại nói thế?
Vì chúng ta dễ quên. Bộ não được lập trình, có lẽ phù hợp để thải loại các kiến thức, hơn là thu nhập những điều bổ ích.
Cứ cầm một ly nước, biết đến khi nào buông? Nóng quá thì sẽ tự buông!
Rất nhiều lần, ta dặn lòng cần phải học hỏi từ những điều đã từng xảy ra, nhưng khi chuyện thực sự xảy ra, thì chỉ có bản năng dưới những điều kiện tình thế, ép buộc ta phải hành động.
Ta nhận thấy, bản thân ta thực sự mong manh đến thế nào. Vì sao nói con người là một động vật có tính xã hội cao? Vì chúng ta dựa vào nhau mà phát triển. Rất hiếm khi một công việc nào đó, có thể thực hiện chỉ bằng một, hai cá nhân đơn lẻ. Vậy nhưng, một khi cơn khói bụi của thời cuộc quét tới, mọi tranh luận, hơn thua, ghét ghen cũng nhường chỗ cho ưu tiên tồn vong của bản thể.
Năm 1918, Carl Jung phát biểu rằng: "Có một con quái vật màu vàng đang cựa quậy trong giấc ngủ của mọi người, và điều gì đó sẽ xảy ra ở Đức. Khi đó, không có nhà tâm lý học nào hiểu ý tôi, bởi vì mọi người đơn giản không biết rằng tâm lý cá nhân của chúng ta chỉ là một làn da mỏng, một gợn sóng trên đại dương tập thể. Yếu tố mạnh mẽ, làm thay đổi toàn bộ cuộc sống của chúng ta, làm thay đổi bề mặt thế giới đã biết của chúng ta, làm nên lịch sử, chính là tâm lý tập thể, và tâm lý tập thể vận động theo những quy luật hoàn toàn khác với ý thức của chúng ta".
Trên thị trường chứng khoán, ta sẽ nhanh quên những bài học cũ, và say men trong chiến thắng hiện tại và hi vọng vào tương lai. Vì chúng ta không biết những điều gì thực sự đang diễn ra, dưới tầng sâu của hệ thống.
Có một câu chuyện về chứng bệnh quên lây lan ở một ngôi làng nọ. Có một anh thanh niên chưa bị lây, cố gắng cứu vãn tình huống bằng cách ghi mẩu giấy nhỏ dán lên từng món đồ.
- Đây là cái cửa sổ
- Đây là cái bàn
- Đây con bò cái! Nhớ vắt sữa buổi sáng.
Đêm anh hay kể chuyện cho dân làng nghe. Họ rất thích anh kể chuyện. Anh phát hiện ra anh chẳng còn gì để kể nữa, nên anh kể lại chuyện cũ, dân làng lại rất thích thú! Hóa ra họ quên hết cả, dần dà, anh chỉ kể mỗi một câu chuyện, người trong làng lúc nào cũng nghe xong cũng cười lăn cười bò, họ chẳng thể nhớ hết một câu chuyện.
Trên cánh cổng vào ngôi làng, anh đóng hai tấm bảng, một ghi là "Làng chúng ta tên Macondo", và tấm kia lớn hơn "Thượng Đế Đồng Tại".
Thực ra chúng ta có thể quên nhiều thứ trong đời, cũng không phải là vấn đề gì to lớn. Nhưng nếu chúng ta quên rằng chúng ta tới từ đâu, và thuộc về ai, phần bản ngã của chúng ta sẽ mãi mãi mất đi. Không còn bản sắc trên nền tảng đạo đức thần thánh, chúng ta không khác gì thây ma không hồn chờ cơn sóng lớn của lịch sử.
Đây là thời của ma quỷ khoác áo tăng ni, Đức Thánh Cha sẵn sàng bán chiên con cho quỷ dữ, chỉ có thể cầu xin đất trời cho những người biết phản tỉnh thêm cơ hội nữa.
Ngày mới an.