P/s: Đây chỉ là góc nhìn bổ sung không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh
Để đề phòng một số ai đó chửi rằng có biết gì bằng các bác sĩ, chuyên gia không mà bày đặt gáy to dạy đời thì tôi đành phủ đầu trước vậy. Thứ nhất, tôi không phủ nhận hay phê phán các nghiên cứu học thuật, khoa học về trầm cảm mà chỉ hướng tới góc tiếp cận đúng đắn hơn về căn bệnh này. Thứ hai, với những người lấy tấm bài là không tôn trọng hay đồng cảm với những người đang phải đối mặt với căn bệnh này, đang phải níu mình giữa ranh giới của sự sống và cái chết thì với tư cách một người có lẽ đã từng mắc bệnh trầm cảm nhiều năm hoặc không, đã vượt qua hoặc không, thì không phải tôi mà chính bạn, những người luôn lấy những người trầm cảm ra như một lá chắn để công kích hay miệt thị mới là những người tôi kỳ thị. Cuối cùng, tôi biết bị chửi là không tránh khỏi,dù trước mặt hay chỉ là suy nghĩ thoáng qua, bạn mắng hợp lý thì tôi tiếp thu. Còn không? Xin lỗi, cứ như tôi quan tâm ấy.

            1, Bạn có chắc mình bị trầm cảm chứ?

            Bạn hãy tự hỏi mình câu hỏi này nếu lâu lâu bạn lại tự than câu: “ Mày ơi, dạo này tao trầm cảm quá! ”. Bạn biết gì về trầm cảm nào?  Một thuật ngữ? Một từ theo mốt, được dùng để gọi cho thứ con người không dám gọi tên và không biết phải giải quyết thế nào? Có lẽ đơn giản nó chỉ là sự pha tạp của chút chán nản, chút áp lực, chút vô định, thiên kiến xác nhận và sự hùa theo đám đông chăng?
            Thật ra có lẽ với những người vỗ ngược bàn về trầm cảm, những người trẻ như chúng ta dều biết khái niệm về trầm cảm rồi. Nhưng, theo đúng quy trình, tôi đành google, Ctrl+C và vẫn theo đúng quy trình bạn được đọc lại lần nữa.
- Trầm cảm (Depression) là một bệnh lý phổ biến và nghiêm trọng ảnh hưởng tiêu cực đến cách bạn cảm thấy, cách bạn suy nghĩ và cách bạn hành động. Trầm cảm gây ra cảm giác buồn hoặc mất hứng thú với các hoạt động mà bạn từng yêu thích. Nó có thể dẫn đến một loạt các vấn đề về cảm xúc và thể chất và có thể làm giảm khả năng hoạt động của bạn tại nơi làm việc và ở nhà.
- Các triệu chứng trầm cảm có thể khác nhau từ nhẹ đến nặng và có thể bao gồm:
+ Cảm thấy buồn hoặc có tâm trạng chán nản
+ Mất hứng thú hoặc mất niềm vui trong các hoạt động đã từng yêu thích
+ Thay đổi cảm giác thèm ăn
+ Giảm hoặc tăng cân mà không có lý do cụ thể
+ Khó ngủ hoặc ngủ quá nhiều
+ Mất năng lượng hoặc tăng mệt mỏi
+ Gia tăng hoạt động thể chất không có mục đích (ví dụ: không thể ngồi yên và hay đi lại)
+ Cảm thấy bản thân vô giá trị hoặc tội lỗi
+ Khó suy nghĩ tập trung hoặc đưa ra những quyết định
+ Suy nghĩ về cái chết hoặc tự tử
Các triệu chứng phải kéo dài ít nhất hai tuần và nên so sánh mức độ hoạt động của bạn trước đây để chẩn đoán mức độ trầm cảm ( mà tốt nhất bạn nên tìm người có chuyên môn để kiểm tra và đánh giá )
Nguồn: Wikipedia nói thế
Không biết sau khi đưa ra định nghĩa về trầm cảm thì sẽ loại bớt hay gia tăng những người vỗ ngực khẳng định như tôi của ngày xưa vì nếu xét theo những biểu hiện trên thì tôi đều có cả, không chỉ kéo dài trong nhiều tuần mà là nhiều năm. Nhưng, khi người người trầm cảm, nhà nhà chầm kảm, xã hội trầm zn, tôi mới tự hỏi thế nào mới là trầm cảm, mình có thật đã từng bị trầm cảm không. Có thể bạn sẽ nói: “ Sao tôi cứ làm quá lên thế ”, “ Đùa xíu thôi mà, gì căng ”, “ Thế chẳng lẽ không được đùa hay sao, biết đâu thứ mày đùa lại là nguyên nhân gây trầm cảm thì sao? ” Ôi bạn ơi! Đừng thế, nền hài kịch nước nhà sẽ tìm tôi cho lên giàn hỏa thiêu mất. Chỉ là, khi một lời nói dối lặp lại đủ nhiều thì nó sẽ trở thành sự thật, cũng như thế khi một định nghĩa lệch lạc được mọi người lặp lại đủ nhiều nó sẽ thay thế trở thành định nghĩa gốc hay ít ra nó sẽ làm suy giảm đi giá trị của định nghĩa gốc. Tôi không biết liệu ai có dở hơi chỉ vào 1 cái túi không tên tuổi và khoe đây là túi Hermes hay gọi cho tất cả mọi người đùa rằng mình bị ung thư giai đoạn cuối; tôi cũng không biết thái độ của mọi người khi đó sẽ ra sao. 115 liên hệ được cả cho khoa chấn thương chỉnh hình lẫn bệnh viện tâm thần đó nhé. Có lẽ điểm khác biệt vì một cái là được biểu hiện thành thứ chúng ta nhìn thấy, sờ nắn được còn một cái là vết thương tinh thần chả ai thấy được. Nếu bạn không cho ai đùa với vảy ngược của mình thì tại sao bạn lại thản nhiên đùa với nỗi đau của kẻ khác hỡi thiên thần trong xã hội đầy cuồng tín và mê loạn.

2, Trầm cảm, tự tử và sự khốn nạn của truyền thông

“ Nhưng chúng tôi cũng chỉ là những người vô tội bị tổn thương và ngây thơ nên bị dẫn dắt thôi mà!”. Vậy chúng ta phải tìm một thứ để đổ lỗi chứ nhỉ? Và truyền thông- thủ phạm chính luôn có tội được xướng tên. Này thì câu view, dẫn dắt, định hướng những con người vô tội, này thì làm tổn thương thêm những người bị tổn thương đến cùng cực này. Không phải tự nhiên mà truyền thông bị chỉ trích khi một chuỗi những điều tồi tệ xảy ra, xin giới thiệu hiệu ứng Werther-thứ mà tôi tìm ở wikipedia tiếng việt được một mẩu thế này:
            Tên gọi Werther xuất phát từ tiểu thuyết Nỗi đau của chàng Werther được ra đời năm 1774 của văn hào Johann Wolfgang von Goethe. Cuốn tiểu thuyết nói về chàng trai tên Werther sau nhiều biến cố vẫn không thể đến được với người con gái mà mình yêu, cuối cùng chàng trai đã tự sát bằng súng. Sẽ chẳng có gì đang nói nếu chuyện xảy ra vào thời nay nhưng sau đó, kết thúc đau đớn của nhân vật chính đã lan tỏa một nguồn năng lượng tiêu cực kinh khủng đến những độc giả thời đó, gây nên một làn sóng tự tử vào thời điểm đó, trông đó nhiều nạn nhân được tìm thấy trong trang phục giống hệt như mô tả về chàng Werther, sau khi tự kết liễu bằng 1 cây súng y hệt. Các vụ tự tử nhiều và tệ đến mức cuốn sách đã bị cấm xuất bản ở Đức, Ý, Đan Mạch và nhiều quốc gia khác, Giáo hội Công giáo thời đó cũng đã lên tiếng cấm cuốn sách này. Ôi, giới trẻ ngày xưa thật là yếu đuối. Hiện tượng kỳ lạ này sau đó được nhà nghiên cứu xã hội David Philips đặt tên là hiệu ứng Werther, hay còn gọi là bắt chước tự sát.
            David tiếp tục tìm hiểu sâu hơn về hiệu ứng Werther khi quan sát và đưa ra bằng chứng rằng tỷ lệ các vụ tự tử tại Mỹ gia tăng đáng kể đặc biệt sau khi báo chí, truyền hình đưa tin về một vụ tự tử bất kỳ. Theo ông, các báo địa phương càng khai thác đề tài về tự vẫn nhiều thì làn sóng tự sát theo sau lại càng mạnh. Một thống kê cho thấy, mỗi khi tờ New York Time đăng tin người nổi tiếng tự sát thì tỷ lệ tự tử tăng khoảng 12% vào tháng sau.
            Vụ tự sát của Trương Quốc Vnh được báo chí đưa tin rầm rộ,tỷ lệ tự sát ở Hongkong lập tức tăng 32%
            Năm 2009, thủ môn người Đức Robert Enke lao vào tàu hỏa tự sát được đưa tin rầm rộ, tỷ lệ tự sát 4 tuần sau đó ở Đức tăng cao 130 vụ, hầu hết đều là nam giới và cũng tự tử theo cách lao vào tàu hỏa ( Biểu đồ minh họa)
            Không nói đâu xa sau vụ em học sinh lớp 10 tự tử nửa năm trước ( thứ mà tôi tìm thấy thông tin gấp chục lần khi tìm hiểu về hiệu ứng Werther), những ngày sau đó, các group, nhóm bạn tôi liên tục chia sẻ những vụ tự tử vì áp lực.
            Vậy đâu là nguyên nhân hay cũng giống như đám đông cuồng loạn, mù quáng và phi lý trí?
            Trong quá trình tìm lời giải cho hiệu ứng đặc biệt này, rất nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng thủ phạm chính của hiện tượng này rất có thể là truyền thông.
            Một số nhà nghiên cứu chỉ ra rằng 1 vụ tự sát có thế ảnh hưởng tâm lý đến ít nhất 6 người bên cạnh họ, đặc biệt với những vụ tự sát bị truyền thông hóa sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến rất nhiều người. Có nhiều người gặp hoàn cảnh tương tự sẽ cảm thấy có lý do để hành động tương tự với những người nổi tiếng được báo chí đưa tin. Sự đồng cảm khiến những người vốn dĩ đang gặp bế tắc cảm thấy cái chết như một lựa chọn khả dĩ có thể giải thoát họ. Vậy là, thay vì tìm kiếm nơi chia sẻ câu chuyện, vượt qua khủng hoảng, họ lựa chọn buông xuôi giống hệt như những gì được miêu tả trên báo đài. Tôi của những ngày bế tắc từng đọc được 1 câu chuyện về 1 người cùng khổ làm tổn thương mình để xoa dịu đi những nỗi đau tinh thần, tôi lúc đó như được khai sáng, “ À, thì ra có thể như thế” và như bạn đã đoán được đấy, mỗi khi vết thương tinh thần của tôi gần như vượt quá sức chịu đựng tôi lại chuyển hóa nó sang dạng vật lý. Tôi khuyên đừng bạn trẻ nào thử cả, vì chả có hiệu quả mấy đâu; trừ khi bạn có một người mà bạn biết là quan tâm bạn, vô tình để lộ ra vết thương và một tinh thần chuẩn bị nức nở chia sẻ như suy nghĩ đôi lần của tôi khi lựa chọn vị trí để “tattoo ngắn hạn”. Nếu vậy rồi thì cần gì phải tổn thương mình chứ, đúng không? Chẳng qua chỉ là một cái cớ để chia sẻ mà thôi.
            Bên cạnh đó cách thức đưa tin cũng là một vấn đề đáng lưu tâm khi các cơ quan báo chí, truyền thông khai thác quá kỹ về cách thức tự sát, cố gắng đưa ra các mẩu tin đồng cảm tôn vinh việc tự sát, “chạm đến trái tim bạn đọc”; những thứ này sẽ cổ vũ thêm cho việc “ “bắt chước tự sát”. Nguy hiểm hơn tất cả là việc lý tưởng hóa tự sát như một lối thoát, khiến những người gặp khó khăn, bế tắc không còn muốn cố gắng thêm nữa  cảm thấy việc tự vẫn giống như một lựa chọn đầy hấp dẫn - vừa thu hút được sự chú ý, lại vừa nhận được đồng cảm sâu sắc từ những người xung quanh.
            Về vấn đề này WHO cũng đưa ra một vài kiến nghị cho báo chí và truyền thông như: Các phương pháp tự tử không được nêu chi tiết; vcác hình ảnh và video tự sát phải được che mờ; không được cổ súy hành vi tự sát bằng các từ ngữ thi vị, đồng cảm. Tôi không cần phải nêu ra thực trạng những trang báo mạng, fb mỗi khi có 1 vụ tự tử xảy ra đâu nhỉ? Là không biết? Hay không quan tâm? Là kiến nghị thôi có phải cấm đâu nhỉ? Rồi che mờ cũng là vì hiểu biết hay chỉ vì sợ bị fb, youtube, tiktok đánh gậy ảnh hưởng doanh số?
            Vậy là chúng ta đã tìm ra thủ phạm gây ra mọi tội ác rồi đúng không? Chúng ta chỉ là những con người ngây thơ vô tội bị lợi dụng lòng trắc ẩn thôi mà…có…phải…không?

            3, Bạn thật sự hiểu và đồng cảm cho những con người tội nghiệp kia chứ?

            Có bạn sẽ bảo tôi: “Tại sao đang nói về trầm cảm tự nhiên lại nhảy sang tự tử thế này, lung ta lung tung chết đi được”. Thế bạn ơi, bạn thông cảm nhất với những người bệnh trầm cảm khi nào? Khi người ta đang âm thầm đấu tranh với nỗi đau trong lòng sao? Không đùa chứ? Phải, là khi nỗi đau ấy được thể hiện bằng cái chết. Mà chẳng cần bạn mất vì trầm cảm, chỉ cần bạn mất đi cả thế giới sẽ đều thương xót bạn.
            Khi những trang báo vẫn tận tình khai thác câu chuyện của những con người xấu số, những hoàn cảnh đau khổ; khi tôi lang thang ngụp lặn đọc những cmt, bình luận; thì mọi người vẫn làm việc chúng ta giỏi nhất: tranh luận. Nhưng những người bênh vực còn chẳng phải vì bênh vực thật, những người công kích cũng chẳng phải công kích thật. Tôi khá buồn cười mỗi khi đọc cmt. Bao nhiêu người bênh vực, bảo vệ  để xả ra nỗi lòng bị dồn nén khi đã phải chịu đựng bấy lâu thứ và công kích biểu tượng đã từng làm họ khốn khổ chứ. Còn những người công kích ngược lại kia chả qua để bảo vệ vị thế bậc trên cũ kĩ của họ, “lũ trẻ ranh thì biết cái gì chứ”, “xã hội mà không có trật tự thì còn ra thể thống gì”. Còn bao nhiêu người thả thương xót, “chỉ lặng lẽ theo dõi…từ lâu rồi” vì “tôi là người tốt mà”. Lược đi thì còn lại bao nhiêu người đây? Đồng nghiệp tôi mỗi khi có biến thương tâm đều truyền tay nhau tin tức để hóng, “Cái này của mày chả rõ nét gì cả, xem của tao này”, và sau khi xem xong nguồn ảnh,video full HD mọi người bỗng chìm vào bầu không khí xót thương…Ôi…mới đáng buồn làm sao…Đừng nhìn tôi như thế, tôi cũng chẳng biết mình có đồng cảm hay không đâu, nếu đồng cảm tôi đã chả viết ra bài này, đúng không?
            Thật đấy, mầm mống để tôi suy nghĩ và viết bài này bắt nguồn vào một tối đẹp trời tôi nhàn nhã tìm nghe thử các bài nói về trầm cảm trong một chuỗi bài giảng giúp xoa dịu tâm hồn của một nhà sư cũng có tiếng, mọi thứ có lẽ rất ổn, tôi sẽ thiu thiu ngủ đi nếu không phải đột nhiên 1 câu nói đập vào tai: “trầm cảm vì các con chưa đủ mạnh mẽ, các con phải mạnh mẽ lên”. Ồ! Woah! Nếu các vị đã coi “Mười năm trồng cây, trăm năm trồng người”, thì các vị hãy thử vứt một cái cây đang yên đang lành ra giữa sa mạc, bắt nó sống tốt như bình thường. Nếu không sống tốt? Chắc tại nó “chưa mạnh mẽ thôi” phải không? Tôi biết mục đích của thầy là có ý tốt nhưng tôi cũng tự hỏi nếu những người làm về chữa trị trầm cảm còn không hiểu hết về căn bệnh này thì ai hiểu về trầm cảm đây? Tôi có hiểu về nó không? Tại sao chúng ta lại không hiểu về nó? Tôi từng bị trầm cảm không? Bao nhiêu phần trăm là ngộ nhận?
            Và tôi tìm đọc kha khá các tài liệu, sách về trầm cảm nhưng phần lớn đều không cho tôi thỏa mãn. Có lẽ vì mục đích đọc của tôi và mục tiêu viết sách của tác giả là khác nhau, nếu như mong muốn của tôi là tìm hiểu về nguyên nhân thì sách phần lớn tập trung vào biểu hiện để người đọc có thể biết và có lẽ là hiểu được những gì người bệnh tầm cảm đã trải qua. Cũng phải thôi, nếu không được hiện thực hóa thành biểu hiện, ngôn ngữ thì liệu chúng ta có hiểu đại khái được cảm xúc của nhau chăng? Chỉ là đại khái thôi vì cảm giác là một thứ gì đó rất riêng, rất khó diễn tả và tổ hợp của hơn hai mươi mấy ký tự cũng không thể diễn tả hết muôn vàn cung bậc cảm xúc của chúng ta. Thử nghĩ xem nếu ai cũng hiểu được cảm xúc của nhau thì mấy cậu con trai đã chả bị lườm cho dựng hết tóc gáy hay bị dỗi vì “anh chả hiểu ý em gì cả!”. Ngưỡng cảm xúc và cảm nhận của chúng ta là khác nhau, cũng giống như cùng một món ăn tôi than ngọt, anh thì chê đắng vậy . Nhiệm vụ cốt truyện cuộc sống đã khó như thế thì nhiệm vụ vượt ải khó như hiểu được trầm cảm, nó còn nan giải, sinh nhiều vấn đề đến nhường nào chứ? Thật vậy, trầm cảm là tổ hợp của không chỉ đề bài khó hiểu mà còn thiếu cả thông tin phần gốc. Đến nay nguyên nhân của trầm cảm vẫn thường không hề cụ thể, rõ ràng và có thể khác nhau với từng trường hợp khác nhau. Nhìn chung, nguyên nhân của trầm cảm thường do sự kết hợp của nhiều yếu tố bao gồm: sinh lý, tâm lý và xã hội. Cùng một sự việc có thể gây suy sụp cho người này nhưng có người chỉ nhẹ nhàng phán: “Sao có mỗi việc cỏn con mà cũng phải bù lu bù loa lên vậy”, giờ chúng ta đã hiểu được phần nào là do góc nhìn và ngưỡng cảm nhận của họ không giống nhau. Mong một số ai đó khi đọc xong sẽ thông...à mà thôi, chắc cũng “kệ”, nhỉ? Bên cạnh đó, với những người khác nhau cũng sẽ có những biểu hiện khác nhau. Điển hình là ở giai đoạn tuổi dậy thì, trầm cảm có thể biểu hiện thông qua sự giận dữ, dễ bị kích thích trong khi đối với người già, trầm cảm thường dễ bị nhầm lẫn với những triệu chứng tuổi già thông thường như trí nhớ kém, đau nhức cơ thể. Cũng như vậy, triệu chứng của trầm cảm bao gồm tăng cân hoặc giảm cân, ngủ nhiều hoặc mất ngủ và do đó khiến những người xung quanh hoang mang, khó hiểu. Đặc biệt là trầm cảm không có những triệu chứng nhìn thấy được như các bệnh khác. Nếu ung thư có thể được giải thích một cách trực quan rằng có một tế bào đột biến đang tấn công các tế bào còn lại, thì trầm cảm lại hoàn toàn khác. Những nguyên nhân của trầm cảm cũng có thể mơ hồ và không được biết tới như quá khứ cá nhân, sinh lý cơ thể và vấn đề xã hội. Cái bài toán gì mà vừa khó hiểu, vừa thiếu thông tin mà còn tung hỏa mù lung tung thế này, cô ơi hình như bài này sai đề rồi ấy?
            Đi tìm một người hiểu mình đã khó đến thế thì liệu khi không cần những bước trung gian kia thì minh có hiểu được chính mình không? Rất tiếc, câu trả lời là cũng không hẳn. Điều này đáng lẽ phải được diễn tả bằng nghiên cứu này, khoa học nọ nhưng do tôi lo lắng bạn đọc nhiều sẽ hoa mắt, quá tải não mà thật ra là do tôi lười nên chỉ cố gói gọn một cách đơn giản. Nhận định, suy nghĩ của chúng ta bị ảnh hưởng rât nhiều bởi cảm xúc và định kiến, đặc biệt là những thứ liên quan đến mình. Mặc dù, lâu lâu tôi lại dùng góc nhìn thứ ba, tắt hết cảm xúc để soi xét mọi thứ nhưng liệu có chăng những định kiến ngàm vẫn chạy ngầm trong tiềm thức mà tôi không kiểm soát nổi nên tôi cũng không dám vỗ ngực tự xưng mình là kẻ đứng ngoài quy luật. Tôi chỉ lặng lẽ sửa câu trả lời khi bị hỏi có từng bị trầm cảm không từ “có” thành “có lẽ”; một phần vì không chắc chắn, phần là vì tôi không quá để tâm mình có đang/từng bị trầm cảm hay không. Khi ta quá để tâm thứ gì thì tần suất nó xuất hiện càng nhiều, người ta gọi đó là gì nhỉ?,à “thiên kiến xác nhận” và khi ta không đủ kiến thức sẽ rất dễ bị các thông tin sai lầm dẫn dắt và tự chìm trong huyễn hoặc mà mình xây dựng. Như crush chỉ cười với bạn 1 cái mà bạn đã tưởng tượng ra đi hưởng tuần trăng mật ở đâu vậy. Thêm một vấn đề nữa là ta không đủ hiểu chính mình. Một người bạn nói với tôi là có những người như nó, than trầm cảm vì không biết diễn tả cảm xúc của mình cũng như không gặp được người hiểu mình. Vậy, vấn đề của những người đó là không đủ hiểu mình để gọi tên được cảm xúc của mình nhưng lại muốn giải quyết nhanh gọn bằng lấy bừa 1 từ theo trend mà họ cũng không hiểu để gắn vào. Và những con người ngộ nhận trầm cảm ra đời, “sóng giả xô sóng thật”. Tôi càng không bàn đến những người lấy trầm cảm để như một phương tiện để thu hút sự chú ý hay lý do có những người (hay là phần lớn chúng ta) thích tiêu thụ những thứ dark dark một chút như trầm cảm hay cái chết. Liệu có ai đọc bài viết của tôi vì muốn hấp thụ một chút năng lượng bóng tối hay vì cái tên trầm cảm không?
            4, Đôi lời nhắn nhủ
            Bới đủ mọi thứ lên rồi thì cũng phải cho một chút gì đó tích cực chứ nhỉ? Nếu không sẽ có người đòi liều mạng với tôi mất. Vì vậy, tôi viết ra vài lời nhắn nhủ ( điều tôi khá ít làm vì tôi có phải là bố bạn quái đâu mà hiểu được con người bạn để cho lời khuyên chứ)
            Đầu tiên, tôi xin bạn, thật sự xin đấy, trước khi đặt phím để chia sẻ hay làm bất cứ thứ gì về trầm cảm, tự tử hãy suy nghĩ kỹ ảnh hưởng cả 2 mặt của nó đến cả bạn lẫn người khác. Tôi biết bạn có ý tốt nhưng bạn ơi, ngu dốt cộng nhiệt tình chính là phá hoại đấy. Cái vỗ cánh của một con bướm ở Brazil có thể tạo ra một cơn lốc xoáy ở Texas.
            Còn đối những bậc làm cha làm mẹ, xin các vị hãy đừng nuôi dưỡng con mình như một phiên bản tốt hơn của chính mình nữa. Mỗi con người là một cá thể khác nhau ở một hoàn cảnh khác nhau, tiếc nuối và mộng ước của bạn dù có thành hiện thực ở con bạn thì giấc mơ của bạn mãi mãi là giấc mơ mà thôi. Tỉnh lại đi và coi cái cây nhìn rực rỡ kia sâu trong thân nó mục ruỗng đến nhường nào kìa.
            Thật có lỗi khi nói đến hiệu ứng Werther mà không nhắc đến hiệu ứng Papageno – khắc tinh của nó ( thứ mà mọi người còn ít nói tới hơn, vì dĩ nhiên, con người vẫn thích quan tâm tới những gì tiêu cực hơn rồi). Hiệu ứng này được ấy cảm hứng từ câu chuyện trong vở opera The Magic Flute từ thế kỷ 18. Trong vở kịch, nhân vật chính Papageno cũng cân nhắc về chuyện tự vẫn rất nhiều trước khi thay đổi quyết định sau khi trò chuyện với các nhân vật khác và tìm lại được ý nghĩa cuộc đời. Vì vậy, hãy nói chuyện và chia sẻ nếu bạn gặp bế tắc, trầm cảm hoặc thấy ai đó phải đối diện với điều tương tự.
            Và đó cũng là lời tôi muốn nói tới những người đang phải đối mặt với trầm cảm hoặc vấn đề tương tự, hãy vớ lấy một người mà bạn muốn chia sẻ để lên thổ lộ. Hoặc làm như tôi mỗi khi nghĩ đến việc tự sát: hãy nghĩ đến những gì xảy ra với tất cả mọi người sau khi mình chết và xem nó có đáng để mình đánh đổi không. Nếu là áp lực từ bên ngoài thì bạn chẳng có lỗi gì hết, vì một thứ không phải lỗi của bạn. Mà nếu là lỗi của bạn thì bạn càng phải sống để chuộc lại lỗi lầm. Hãy nhớ đời còn đáng sống lắm, tự tử không bao giờ là một lối thoát. Nếu bạn không có người để chia sẻ, cứ chia sẻ với tôi, có lẽ tôi sẽ không rep được thường xuyên hoặc có lẽ chỉ ngồi nghe thôi nhưng có lẽ đôi khi chúng ta chỉ cần 1 Hello Kitty mà thôi, nhỉ?
            Còn với các bên làm về báo chí, truyền thông? Tôi không có gì để nói. Hết.
            Có lẽ tôi viết bài này cũng chỉ để giải tỏa chút buồn bực của tôi thôi, vì biết nhưng lại không thể thay đổi được gì cũng là một nỗi bất hạnh.