Vùng an toàn là một trạng thái tâm lý mà con người cảm thấy thoải mái vì họ không phải đối diện với những thách thức. Ranh giới vùng an toàn đó có thể là những giới hạn thể chất, giới hạn về mặt nhận thức, giới hạn về tâm lý, ... mà nếu bước qua chúng ta sẽ phải đối diện với những thách thức vượt giới hạn của bản thân.
Bên trong đó, mọi người thường không tham gia vào những trải nghiệm mới hoặc chấp nhận bất kỳ thử thách nào. Họ chỉ tham gia vào các hoạt động quen thuộc, khiến họ cảm thấy “kiểm soát được” môi trường của mình.
Tìm ra động lực để ra khỏi vùng an toàn là rất khó khăn
Tìm ra động lực để ra khỏi vùng an toàn là rất khó khăn
Ở trong vùng an toàn, chúng ta luôn cảm thấy ấm áp, an yên và quen thuộc. Chúng ta phải thừa nhận rằng, tìm ra động lực để thoát ra là rất khó khăn.
Tuy nhiên vùng an toàn lại ngăn mọi người phát triển cá nhân và làm những điều họ muốn. Có rất nhiều lý do để chúng ta có mong muốn thoát ra khỏi vùng an toàn của mình, một số trong đó có thể kể ra như là:
1. Xây dựng sức mạnh nội tại.
Thực hiện điều gì đó mới mẻ khiến chúng ta không thoải mái (như chọn một sở thích mới hoặc kết giao với những người bạn mới) sẽ giúp chúng ta xây dựng sức mạnh nội tại. Ngay cả khi chúng ta thất bại—và điều này thường xảy ra—chúng ta sẽ có một kinh nghiệm mà chúng ta có thể rút ra trong tương lai. Kết hợp lại với nhau, những trải nghiệm này sẽ đóng vai trò như những khối xây dựng cho phép chúng ta có một cuộc sống ý nghĩa hơn.
2. Xây dựng sự tự tin trong bạn
Sự tự tin không phải là thứ chúng ta sinh ra đã có. Đó là một kỹ năng chúng ta có thể xây dựng bằng cách đặt mục tiêu, đạt được những mục tiêu đó và đặt thêm mục tiêu để theo đuổi. Để phát triển sự tự tin, chúng ta cần phải đối mặt với nỗi sợ hãi của mình và chấp nhận rủi ro. Tất cả chúng ta đều biết cảm giác phấn khích khi đạt được điều gì đó mà trước đây chúng ta thậm chí không chắc mình có thể làm được. Chúng ta càng đặt ra và đạt được nhiều mục tiêu, thì sự tự tin của chúng ta càng tăng cao.
3. Giúp bạn có khả năng thích ứng cao với những sự thay đổi
Chúng ta càng ở trong vùng an toàn của mình càng lâu thì lãnh thổ mới đáng sợ hơn sẽ xuất hiện trước mắt chúng ta. Nhưng thế giới đang thay đổi nhanh chóng, và những người sợ thay đổi có nguy cơ bị bỏ lại phía sau. Đối với những người đã sẵn sàng mở rộng vùng an toàn của mình, sự thay đổi sẽ không có vẻ đáng sợ. Thay vào đó, họ sẽ chào đón một dự án mới tại nơi làm việc hoặc học một ngôn ngữ mới như một thử thách có thể mở ra những khả năng phát triển chưa từng có trước đây.
4. Giúp bạn trở nên sáng tạo hơn
Không có gì tệ hơn cho sự sáng tạo của chúng ta hơn là không bao giờ đi lạc khỏi con đường của những gì đã được thử và đúng. Chúng ta càng không sẵn sàng tiếp nhận những suy nghĩ, ý tưởng mới và những cách đi sâu hơn, chúng ta càng sa vào lối mòn. Bằng cách thử một cái gì đó mới, chúng ta khuấy động nguồn sáng tạo sẽ đánh thức trí tưởng tượng của mình.
Các bạn đã có những lựa chọn của riêng mình để ra khỏi vùng an toàn. Riêng bản thân tôi, tôi muốn chia sẻ về những trải nghiệm khi làm quen với những môn thể thao sức bền.
Các môn thể thao sức bền là một cách thoát ra khỏi vùng an toàn
Các môn thể thao sức bền là một cách thoát ra khỏi vùng an toàn
Có một vài lý do để tôi muốn viết về chủ đề này. Đầu tiên có thể nói là những trải nghiệm hết sức mới mẻ và tích cực mà nó mang lại cùng với động lực lớn đến từ các cộng đồng đang càng ngày càng phát triển. Kể từ những cuộc đua marathon đầu tiên hay những cuộc đua chạy bộ đường mòn (trail running) mà tôi tham gia đều đã thay đổi sâu sắc cuộc đời tôi và mở rộng tầm mắt của tôi về thế giới của môn thể thao sức bền.
Tôi đến với chạy bộ đơn giản với mong muốn nâng cao sức khỏe. Thời gian đầu là những buổi chạy ngẫu hứng, uể oải không mục tiêu cụ thể. Để có những động lực tập luyện và quyết tâm cao hơn, tôi đăng ký một số cuộc đua marathon với cự ly 21km mặc dù mới chỉ tập tối đa 10-15km.
Trải nghiệm Race đầu đời với cự ly 21km tại Vnexpress Marathon Hạ Long 2022, đúng không như là mơ, tập luyện có lẽ là chưa đủ. Đường chạy Hạ Long thì rất đẹp nhưng cầu Bãi Cháy thì thật là thảm họa, chưa kể ban tổ chức còn khuyến mãi thêm một vài con dốc. Do không có một chiến lược tốc độ từ trước mà chủ yếu chạy theo cảm tính và theo dòng người, tôi đã bị chấn thương hai má ngoài đầu gối (IT band) và gần như phải đi bộ 3km cuối cùng. Trải nghiệm lết về đích trong đau đớn là những điều mà trước đó tôi chưa bao giờ có.
Sau thời gian giãn cách, các giải chạy liên tiếp được tổ chức. Giải tiếp theo tôi tham gia là cự ly 25km VJM tại Pù Luông, Thanh Hóa. Do chưa từng biết đến các giải chạy trail, tôi nghĩ đơn thuần 25Km thì cũng chỉ hơn HM có 4Km nữa. Với tâm thế ấy, tôi bắt đầu cuộc đua rất nhanh, cảm giác như một cuộc chạy đường dài trên đường bằng. Và tôi đã phải trả giá rất nhanh chỉ khi mới bước qua 8km đầu tiên. Đường chạy của VJM băng qua rất nhiều núi đá tai mèo. Sau một vài lần leo lên và leo xuống tôi đã bị chuột rút do di chuyển với tốc độ khá nhanh. Điều tệ hại là với việc leo lên và leo xuống núi, gần như tất cả các nhóm cơ chân đều phải hoạt động, điều này rất khác chạy đường bằng khi các nhóm cơ đùi trên rất ít chịu tác động. Trải nghiệm này giúp tôi nhận ra điểm yếu của mình trong chạy trial chính là đổ dốc khi phải sử dụng nhóm cơ đùi trước nhiều. Do chuột rút từ khá sớm, nên quãng đường về đến vạch đích quả là một cực hình. Sau khi bạn bị chuột rút lần đầu tiên, thì nó sẽ cứ thế đeo bám bạn liên tục không thôi cho đến khi dừng chạy. Có những đoạn xuống dốc gần như tôi đã phải bò cả bằng hai tay.
Đầu năm nay tôi đăng ký tham gia giải Cúc Phương cự ly 42Km theo đánh giá của đa số mọi người là đường bằng phẳng và dễ đi hơn VJM. Thực tế thì quá khắc nghiệt do ban tổ chức đã thay đổi lại cung đường chạy. Các đoạn băng qua núi đá cũng không kém gì ở VJM, chưa kể các điểm tiếp nước quá xa nhau. Mặc dù rút kinh nghiệm từ cuộc đua trước tôi xuất phát khá nhẹ nhàng cũng như chuẩn bị muối, nước, các thực phẩm bổ xung trước cuộc đua, tôi vẫn bị chuột rút khi mới được khoảng 25Km. Quãng đường trail 42Km với tôi vẫn là quá dài và vượt ngưỡng. Tôi hoàn thành với gần 8 tiếng đồng hồ trong khi người về đầu chỉ hơn 3 tiếng. Chưa bao giờ chạy trong thời gian dài như thế và chạy quá thời gian, cơ thể tôi gần như xụp đổ hoàn toàn, khuyến mãi thêm đau dạ dày cấp do chạy xuyên trưa tới tận 2h chiều.
Vậy tất cả những điều này và những sở thích này giúp tôi như thế nào trong cuộc sống hàng ngày? Tổng kết lại, đây là bảy điều tôi đã học được:
1. Thất bại rất hiếm khi gây tử vong - Thất bại là tốt, từ thất bại chúng ta học hỏi và khi chúng ta học hỏi, chúng ta trưởng thành.
2. Trí óc của bạn của bạn sẽ muốn dừng lại rất lâu trước khi cơ thể bạn không thể hoạt động.
3. Sự kiên cường là một trong những đức tính có giá trị nhất mà bạn có thể phát triển.
4. Tập trung vào hành trình chứ không phải kết quả.
5. Đặt mục tiêu khiến bạn sợ hãi - bạn có thể rất ngạc nhiên với chính mình.
6. Bao quanh bạn với những người luôn cổ vũ bạn làm nhiều hơn (một cách lành mạnh).
7. Chúng ta đã đạt được nhiều hơn bạn nghĩ.
Môn thể thao chạy hoặc sức bền không dành cho tất cả mọi người và đó cũng là một phần thú vị của nó. Mọi người đều có nỗi sợ hãi và mục tiêu của riêng mình, đây chỉ là con đường mà tôi chọn.
Đối với bất kỳ ai đang đọc bài này, tôi đưa ra một thử thách là bạn làm điều gì đó ngoài vùng an toàn của mình, ngay hôm nay - Đó có thể là tham gia chạy 5km, hay có thể là bất cứ điều gì - chỉ mình bạn sẽ biết nó là gì và khi bạn làm điều đó, cảm giác đạt được thành tích có thể sẽ gây nghiện.
Như Dean Karnazas đã nói, nếu bạn không đẩy mình ra khỏi vùng thoải mái của mình, bạn đang từ chối một chuyến đi phi thường của mình - Hãy sống một đời phi thường!