Mình vừa đi tiêm vacxin covid-19 mũi thứ 1 vào 3 ngày trước. Đối với mình đây là một trải nghiệm khá thú vị và có thể cần thiết cho những bạn nào chưa đi tiêm. Vậy nên có thể đây vừa là bài chia sẻ kinh nghiệm, vừa có tính chất tuyên truyền một chút.

Tâm lý trước khi tiêm

Ban đầu mình khá dè dặt khi nhận tờ phiếu đăng ký tiêm chủng. Bởi rất nhiều tin tức không tốt trên mạng về việc tiêm vacxin gây tác động xấu đến mình. Đặc biệt mình lại đang là lao động chính trong nhà, nếu có vấn đề gì thì sẽ ra sao? Vậy nên nói mình sợ tiêm cũng đúng.
Nhưng bố mình là tổ trưởng dân phố, ông rất xông xáo trong việc vận động người dân đi tiêm phòng, vậy nên trong gia đình càng được vận động mạnh. Ông tiêm mũi thứ nhất khoảng 2 tuần trước, là vacxin Moderna. Biểu hiện của ông sau tiêm là chỉ mệt mỏi trong 1 ngày đầu sau tiêm (tiêm chiều hôm trước thì sáng hôm sau bắt đầu thấy mệt), tới ngày thứ hai thì bình thường trở lại. Vậy nên đó cũng là điểm tựa để mình vững tin hơn, rằng tiêm vacxin nó cũng chỉ thế thôi. Bố hơn 60 rồi (chưa tới 65) mà còn như vậy, thì thanh niên khỏe mạnh như mình chắc không sao. Lúc đó cũng dũng cảm viết giấy đăng ký. Ngoài bản thân ra thì còn có mẹ mình và vợ mình cũng đăng ký luôn. Bởi biết bao giờ mới đến lượt, đông người đăng ký mà.
Nhưng hóa ra mình nhầm. Bởi lượng người đăng ký đông nhưng khi đến lượt thì người ta lại không muốn đi. Kiểu cứ đùn đẩy cho người khác vậy. Do đó chỉ vài hôm sau bố đã gọi cả nhà đi tiêm, bởi: nhiều người xin hoãn quá, trên phường phải bổ sung thêm hồ sơ, nên gọi gia đình mình đi tiêm luôn (lấy ngẫu nhiên thôi). Có người đăng ký hôm trước thì hôm sau đã có phiếu tiêm rồi. Có lẽ cũng vì nhanh quá nên họ lại "rén", không dám đi vì sợ làm "chuột bạch" chăng?
Nhận được phiếu tiêm thì mình vừa vui vừa lo. Vợ mình cũng vậy. Cô ấy còn bảo: hay là thôi, đợi vacxin khác tốt hơn rồi đi, chứ em sợ lắm.
Bản thân mình cũng sợ, bởi ngoài đọc mấy tin lá cải trên fb thì mình thực sự chưa tìm hiểu kỹ về các loại vacxin này, chưa đọc những review thực sự chất lượng, rõ ràng về những vấn đề của tiêm chủng, của phản ứng sau tiêm... nên chính sự mơ hồ ấy khiến mình bất an. Nhưng mà mình lại nghĩ: lúc nước sôi lửa bỏng thế này (chỉ thị 16 ngày càng siết chặt tại HN - nơi mình đang sống) mà còn sợ tiêm phòng (một biện pháp được cho là hữu hiệu nhất trong phòng dịch) thì còn ra thể thống gì. Vậy nên mình cố gắng gạt phăng cái suy nghĩ kia của vợ:
- Làm gì có chuyện mình được kén chọn vacxin. Có tiêm là tốt rồi. Với cả hai vợ chồng cùng nhau đi tiêm chẳng tốt à? Không lẽ mỗi người tiêm một đợt?
Việc có chồng đi cùng sẽ yên tâm hơn nhiều so với đi một mình, điều này giúp vợ mình yên tâm hơn. Sau khi ổn định xong tư tưởng, hai vợ chồng quyết định đi tiêm.

Chờ đợi

Ở nhà cứ tưởng không có nhiều người đi tiêm, đến nơi mới thấy đông lắm. Hai vợ chồng ra đến nơi thì xếp hàng gần cuối, dù lúc đó còn chưa tới giờ hẹn trên phiếu. Điều đó khiến mình khá bất ngờ. Có lẽ cái tâm lý sức ì khi ở nhà thì mới nhiều vậy thôi, chứ ra đến đây rồi thì lại nghĩ: Sao không đi sớm hơn để khỏi phải chờ đợi lâu thế này?
Việc xếp hàng trong thời buổi dịch bệnh cũng tưởng chừng được người dân tuân thủ, bởi các hướng dẫn về giãn cách cũng như có công an, sinh viên tình nguyện của phường hỗ trợ. Nhưng không hẳn. Vẫn có người vì lý do gì đó mà chen lấn, muốn nhanh hơn người khác để vào tiêm. Điều đó khiến mấy anh công an, mấy bác dân phòng phải rất vất vả để chỉnh đốn, nhắc nhở. Quả thực giữa trời nóng 36 độ thì ai cũng "nóng" cả. Dù có mái che và quạt công nghiệp thổi hết công suất thì người ta vẫn có cảm giác nóng. Chưa kể còn có thanh tra xuống xem xét công tác tổ chức tiêm chủng của phường, có truyền hình xuống quay phim... vậy nên mình thấy những người làm nhiệm vụ bảo vệ, hướng dẫn thật vất vả, áp lực.
Quy trình chuẩn bị trước tiêm là:
1. Nhận một số giấy tờ sau để khai báo:
- Nhận giấy đăng ký, khai báo thông tin.
- Nhận phiếu tiêm chủng (mà mình gọi vui là "giấy thông hành" của thời đại mới)
2. Sau khi khai báo xong tiến hành đo các chỉ số, kiểm tra sức khỏe sàng lọc trước tiêm:
Đầu tiên đo huyết áp, nhịp tim, nhiệt độ. Cái này có lẽ là khâu sàng lọc nhanh nhất. Những ai huyết áp không bình thường (cao hoặc thấp đều là không bình thường), nhịp tim nhanh hơn bình thường, nhiệt độ vượt quá chuẩn (37 độ +-0.3) thì đều có nguy cơ bị hoãn tiêm. Có một vấn đề là việc chờ đợi dưới trời nắng khiến người ta mệt mỏi, dẫn tới các chỉ số không được ổn định. Vậy nên nhân viên y tế cũng cho phép những người có chỉ số không bình thường ngồi nghỉ ngơi 1 lát rồi đo lại. Nếu vài lần không được thì mới kết luận. Vậy nên những ai có tiền sử về huyết áp, tim mạch, hoặc đang bị sốt thì không nên đi tiêm tại các cơ sở tiêm chủng mở rộng, mà nên đăng ký trực tiếp với bệnh viện. Bởi tiêm ở bệnh viện thì có điều kiện hỗ trợ tốt hơn nếu có bất cứ vấn đề gì phản ứng sau tiêm.
Sau đó là khâu khám sàng lọc. Điều quan trọng của khâu này mà mình nhận thấy đó là: "không sử dụng bất kỳ loại thuốc kháng sinh nào trong vòng 14 ngày gần đây" và một số điều nữa, các bạn có thể đọc kỹ hơn ở hướng dẫn này:
Vượt qua được vòng kiểm tra sàng lọc này thì mới được vào tiêm. Vậy nên hãy tìm hiểu kỹ và chuẩn bị 1 trạng thái sức khỏe tốt nhất rồi mới đi tiêm nhé, để tránh mất công chờ đợi, hy vọng để rồi không được tiêm lại thấy khó chịu. Do vacxin covid-19 có phản ứng khá mạnh và cần theo dõi kỹ, sàng lọc kỹ để tránh những trường hợp không may, gây tác động xấu tới nhân dân nên họ sẽ làm rất chặt chẽ. Tốt nhất là mình nên tuân thủ.
Ngoài ra mình thấy việc chuẩn bị tâm lý cũng quan trọng. Khi đã xác định tiêm thì tâm lý phải vững và tin tưởng vào vacxin. Việc chuẩn bị một tâm lý tốt cũng quan trọng như sức khỏe tốt vậy. Tâm lý tốt sẽ giúp kiểm soát bản thân tốt hơn, tránh việc ám thị về những phản ứng của cơ thể (như nghĩ rằng mình ốm, nghĩ rằng mình khó thở... dù vẫn bình thường) => dễ khiến phát hiện sai các tín hiệu của cơ thể.

Tiêm và sau tiêm

Khi vào phòng tiêm thì cảm giác cũng như tiêm vacxin bình thường thôi, không có gì đặc biệt cả. Bởi khi ấy mọi thứ đã sẵn sàng hết rồi, đạn đã lên nòng, chỉ bóp cò là bắn thôi. Cảm giác khi ấy khá nhẹ nhàng, nhưng vẫn có đôi chút hồi hộp. Bởi lần đầu nhìn tận mắt thấy lọ vacxin và cảm giác tiêm. Mẹ mình thì bảo khi tiêm cái thấy đau ngay ở vùng tiêm, còn mình thì không thấy gì. Loại vacxin mình tiêm là Astra Zenenca.
Sau khi tiêm thì ngồi nghỉ ngơi 30' để theo dõi. Cảm giác chờ đợi cũng hơi lo lắng đôi chút, giống cảm giác khi đưa con nhỏ đi tiêm phòng vậy. Vì đã đưa 2 đứa nhóc nhà mình đi tiêm nhiều rồi nên cũng quen. Thỉnh thoảng thấy có 1 vài trường hợp không được tiêm, phải mang phiếu lên trả lại, có lẽ lý do là không vượt qua sàng lọc sức khỏe.
Cuối cùng mình cũng được gọi tên. Mình được lên nhận một số giấy tờ và ký tên hoàn thành việc tiêm lần 1. Những thứ mang về gồm:
- Phiếu tiêm chủng phòng covid-19. Phiếu này có đóng dấu xác nhận mũi tiêm lần 1, và là căn cứ để đến mũi tiêm lần 2. Mình nghĩ nó giống như giấy thông hành cho sau này, đi đâu trình phiếu ra, chứng nhận đã tiêm 2 mũi thì cảm giác cứ như đi qua hải quan quốc tế vậy.
- Phiếu theo dõi sức khỏe sau tiêm. Phiếu này để ghi lại các phản ứng (nếu có) trong thời gian theo dõi sức khỏe sau tiêm. Phiếu này sẽ giúp bộ y tế có thêm dữ liệu để đánh giá các loại vacxin, và có thêm hướng dẫn chính xác hơn về cách đối phó với các phản ứng sau tiêm.
- Tờ hướng dẫn cách xử lý các tình huống phản ứng sau tiêm của Bộ y tế. Cái này thực ra có thể không cần vì tra cứu trên mạng được, dù hơi tốn giấy và công in nhưng in ra giấy cũng có cái hay, vì giúp chủ động hơn trong việc nắm bắt nội dung và dễ dàng tìm thấy khi cần (phòng các trường hợp mất internet hoặc không dùng được điện thoại). Mình có điện thoại nhưng trước không để ý cái này. Mãi khi tiêm rồi mới chú ý.
Sau khi tiêm xong thì mình khá hào hứng bởi chưa thấy phản ứng gì. Nhưng đến đêm và sáng hôm sau thì mới bắt đầu cảm nhận rõ. Một số biểu hiện mình gặp phải:
- Người ngây ngấy giống như sốt, nhưng nhiệt độ không ở mức sốt (gọi là thân nhiệt thất thường).
- Cảm thấy đau ở quanh chỗ tiêm (bắp tay bên trái).
- Cảm thấy đau mỏi khá là rõ. Cảm giác này không hề giống với đau mỏi do thiếu vận động.
- Một chút đau đầu, chóng mặt (của hiện tượng như bị sốt)
Đây đều là những hiện tượng có trong khuyến cáo, hướng dẫn theo dõi phản ứng sau tiêm. Bạn mình tiêm trước đó cũng nói phải qua 1 đêm sau khi tiêm mới phản ứng. Cả vợ mình cũng bị tương tự. Những phản ứng này phải đến ngày hôm sau (tức là khoảng 36h sau tiêm) mới thấy giảm dần và hầu như không còn thấy đau mỏi hay chóng mặt nữa.
Cũng vì có phản ứng như vậy mà mình để ý kỹ hơn về công nghệ của các loại vacxin. Hóa ra không phải vacxin nào cũng giống nhau, mà chia ra 2 nhóm chính (theo tìm hiểu sơ qua của mình) là: nhóm sử dụng công nghệ mRNA (không cấy virus nên không gây triệu chứng covid) và nhóm sử dụng công nghệ vector (một dạng virus đã làm suy yếu để cơ thể tạo miễn dịch chống lại - như các công nghệ vacxin hay gặp) => vậy nên hai loại vacxin sẽ có cơ chế phản ứng cơ thể khác nhau. Đúng ra nên tìm hiểu kỹ thông tin này trước khi tiêm thì tâm lý đón nhận các phản ứng sẽ tốt hơn, chứ mình cũng không được chọn lựa vacxin. Có loại nào thì tiêm loại đó thôi. Theo quan sát của cá nhân mình thì bố mình phản ứng nhẹ hơn so với 2 vợ chồng mình. Không rõ tại sao ở người trẻ tuổi lại phản ứng mạnh hơn người lớn tuổi nữa.

Kết

Tới hiện nay thì mình đã hoàn toàn bình thường và không còn cảm giác gì liên quan tới phản ứng sau tiêm nữa. Đúng như bạn mình có nói và hướng dẫn của bộ y tế. Vậy nên mình rút ra được 1 số điều như thế này:
1. Tìm hiểu thông tin về vacxin trước khi tiêm là cần thiết để có tâm lý tốt, ổn định, hiểu về thứ sắp được đưa vào cơ thể. Nhưng hạn chế đọc các tin không chính thống trên các trang mxh, mà nên đọc các hướng dẫn của cơ quan y tế là tốt nhất. Việc đọc bài review của mình cũng chỉ để tham khảo thôi, mình không chắc nó đúng với người khác mà chỉ nói trên những gì bản thân mình quan sát được.
2. Xác định nên nghỉ ngơi 1 ngày sau tiêm, vì đây là thời điểm phản ứng cơ thể mạnh nhất. Nên nghỉ ngơi hoàn toàn để tập trung theo dõi các phản ứng này, tránh vì nguyên nhân khác mà nhầm lẫn các phản ứng. Đôi khi các phản ứng diễn ra nhanh cần đưa đi cấp cứu kịp thời. Luôn giữ thông tin trên tờ hướng dẫn của bộ y tế và số điện thoại của cơ sở y tế gần nhất.
3. Trên hướng dẫn của bộ y tế, sau khi tiêm phải theo dõi chặt trong 1 tuần đầu và theo dõi tiếp trong 1 tuần tiếp theo, tổng cộng là 2 tuần. Vậy nên trong thời gian đang giãn cách xã hội có thể tranh thủ đi tiêm ngay (nếu được gọi). Để sau khi tiêm xong có thể nghỉ ngơi theo dõi mà không ảnh hưởng gì tới công việc. Hết giãn cách lại đi làm thì khá là ảnh hưởng đấy.
4. Tâm lý lo sợ đa phần đến từ việc đọc quá nhiều thông tin trên mạng. Hãy hạn chế bớt việc đó và xây dựng tinh thần "chiến đấu chủ động" chống lại dịch bệnh, cách tốt nhất là chủ động tiêm phòng.