Tôi đã từng nghe đâu đó có kiểu triết lý tình yêu như vầy: Những khác biệt sẽ tạo nên sự bù trừ hoàn hảo cho một mối quan hệ.
Tôi đã tin răm rắp vào câu nói này, thậm chí còn áp dụng ngay vào mối quan hệ tình cảm gần đây của mình. Để xem liệu kết quả có "ra gì và này nọ" không, nghe kể dưới đây thì biết nhe.   
Tôi quen biết L qua một dating app, một nơi tưởng chừng như chẳng thể dùng để tìm kiếm một nửa đích thực. Ấn tượng ban đầu của L trong mắt tôi tốt hơn mong đợi rất nhiều. Một người ghiền sách, có chủ kiến và góc nhìn cá nhân mạnh mẽ, am hiểu tỉ tỉ thứ khiến tôi luôn tò mò và thích thú mỗi khi trò chuyện. 
Chúng tôi chia sẻ với nhau đủ thứ chủ đề từ công việc, bạn bè, đồng nghiệp, tất nhiên không thể thiếu chuyện yêu đương. Tuy nhiên, càng nói nhiều tôi càng nhận ra sự lệch pha càng lớn dần giữa chúng tôi. Không hề có cuộc tranh cãi nào giữa tôi và L, nhưng cả hai đều nhận ra những quan điểm của mình và đối phương đối nghịch nhau. 
"Agree to disagree" (chấp nhận sự bất đồng quan điểm) - đó là điều tôi nhắc nhở mình mỗi khi chia sẻ quan điểm cùng L. Tuy nhiên, tư tưởng này sẽ đúng nếu như chúng tôi là những người bạn của nhau. Riêng việc yêu đương thì sự bất đồng này lại là một vấn đề không thể nhân nhượng. Những khác biệt đúng là có thể bù trừ cho nhau, nhưng nên "bù đúng lúc và trừ đúng chỗ". Chúng không thể bù trừ nếu cả hai đều chỉ khăng khăng tin tưởng tuyệt đối vào quan điểm của bản thân. 
Tôi và L rất hợp nhau về cách trình bày, thể hiện quan điểm cá nhân. Nhưng cũng chính điều đó khiến chúng tôi khó lòng bị "khuất phục" bởi những lý luận của người kia. Chúng tôi không hợp nhau ở cái cần hợp và lại khắc nhau tại ngay cái không nên khắc. Xúc cảm phút ban đầu nhanh chóng bị cuốn bay hết, thay vào đó chúng tôi bị kéo vào những cuộc tranh luận đúng sai không có hồi kết. 
Có lẽ, mọi người sẽ cho rằng chính sự hiếu thắng của đôi bên đã "nuốt chửng" những cảm xúc còn chưa kịp hình thành. Hoặc nhận định sự cứng đầu sẽ chỉ khiến tôi và L khó khăn hơn trong việc tìm kiếm một nửa phù hợp. Okay, đó là cách suy nghĩ của nhiều người. Theo tôi, nhân nhượng hay nhường nhịn không phải lúc nào cũng tốt trong mọi trường hợp. Bạn xây dựng mối quan hệ dựa trên sự nhường nhịn, vậy bạn và đối phương có thể nhịn nhau đến bao giờ? Đến một ngày cả mối quan hệ rồi sẽ sụp đổ vì ai cũng hết nhịn nổi nữa?
Đừng hiểu lầm tôi đang cổ súy việc tình yêu là phải "ăn thua đủ" với nhau nhé! Tôi chỉ nghĩ rằng một người đồng quan điểm với mình sẽ là lựa chọn an toàn hơn. Không cần cả hai phải hợp nhau về cả lối sống, tính cách, sinh hoạt,... chỉ cần đừng "đụng độ" nhau ở những điều quá quan trọng. Ví dụ nếu như tôi là người không thích bị áp đặt thì không nên đến gần những người có tư duy áp đặt. 
Quay ngược lại câu hỏi đầu bài: "Trái dấu" nhưng chúng ta có "hút nhau"? Hai yếu tố mà tôi nghĩ ảnh hưởng trực tiếp đến câu trả lời đó là trái dấu ở đâu và bạn thích người đó nhiều đến mức nào. Riêng tôi sau khi trả lời xong 2 câu hỏi này, mối quan hệ giữa tôi và L cũng đã "tắt nắng" được gần 2 tháng trời rồi.     
Picture by Tamypu