Tôi vẫn còn nhớ chiếc băng cát xét nhạc bạn tôi cho mượn hồi còn học cấp 2, đó là băng tổng hợp các bài được đề cử giải Grammy năm đấy. Trong cuốn băng có mấy bài rất bắt tai như “Ironic” của Alanis Morissette, “Change The World” của Eric Clapton thu âm cùng Babyface. Tất cả đều rất hay.

Thế rồi cuốn băng chuyển sang bài “Give Me One Reason” của Tracy Chapman – một nghệ sĩ lạ hoắc mà tôi chưa thấy trên MTV bao giờ. Cả bài hát phần nhạc đệm không có gì mấy ngoài tiếng guitar chơi đi chơi lại mấy đoạn bật bông. Vậy mà khi tiếng hát cất lên thì thực sự hớp hồn. Một chất giọng trầm cực kỳ ấm áp mà lúc đầu tôi không rõ là giọng nam hay nữ.
Give me one reason to stay here
And I'll turn right back around

Cái lạ của bài nằm ở chính chữ “here” ở câu đầu tiên. Nó được kéo từ giọng ngực vuốt lên giọng giả thanh mượt rồi ngay lấp tức mất hút, không ngân nga. Rồi Tracy thả từng chữ cuối mỗi khuông nhạc với tiếng rung nhẹ, khiến tôi nghe đi nghe lại giai điệu của đoạn “Give me one reason to stay here / And I'll turn right back around / Give me one reason to stay here / And I'll turn right back around / Said I don't want leave you lonely / You got to make me change my mind” mãi suốt mấy phút mà không thấy chán. Đó là vì Tracy đã sáng tác một trong những ca khúc Blues hiện đại hay nhất lúc bấy giờ.
Sau này tôi cũng mới biết ca khúc ballad “Baby Can I Hold You” mà Boyzone hát được cover lại từ đĩa đầu tay của Tracy Chapman. Và dĩ nhiên bản gốc của Tracy nghe tình cảm hơn rất nhiều!
***
Khi còn là sinh viên, Tracy thường ôm cây đàn đánh ở khu quảng trường Harvard Square và nhà ga tàu điện ngầm ở Boston.
Hôm nào chơi ít, cô đủ tiền mua đồ ăn ở quán Tàu gần đó. Chịu khó chơi lâu hơn thì cô có thêm chút tiền trả hoá đơn sinh hoạt. Cái khó để đánh ở những nơi như vậy là sự hối hả, tấp nập của người đi đường, và còn tiếng ồn của các đoàn tàu điện ngầm đi qua liên tục, át đi tiếng đàn. Mà Tracy lại chỉ trung thành với cây đàn thùng trên tay.
Có lẽ trong không gian biểu diễn đầy thách thức đó, Tracy đã tôi luyện cho mình một lối hát dầy chất Soul và ấm áp, tạo sức hút lớn để những kẻ đang rảo bước đi qua phải bước chậm rồi dừng lại. Bỗng nhờ Tracy, những người khách bộ hành được sống chậm lại một vài giây phút, để nhận ra rằng cuộc sống có nhiều điều tốt đẹp để chiêm nghiệm và thưởng thức?!

Cũng tại nơi này, Tracy đã gây sự chú ý tới một sinh viên cùng trường, người đã bị mê hoặc bởi giọng hát và tiếng đàn của cô. Cậu bèn đem chuyện này giới thiệu với bố, lúc ấy là sếp của hãng ghi âm SBK Publishing. Ông bố của cậu bạn Tracy ngay lập tức bị thuyết phục và từ đó, ông giúp cô ký hợp đồng ghi âm với Elektra Records.
***
Ngày 11 tháng 6 năm 1988 tại sân vận động Wembley ở London, người ta tổ chức buổi ca nhạc nhân ngày sinh nhật lần thứ 70 của Nelson Mandela, được biết đến như sự kiện kêu gọi thả tự do cho bậc vĩ nhân này, lúc ấy còn đang bị giam giữ trong nhà tù ở Nam Phi bởi nhóm theo chủ nghĩa Apertheid.
Hôm đấy có rất nhiều nghệ sĩ lớn thế giới như Sting, George Michael, Eurythmics, Whitney Houston tham gia. Xen kẽ là một cô gái mới 24 tuổi tên Tracy Chapman. Ở thởi điểm đó Tracy vừa mới phát hành album đầu tay và cũng không ai biết đến cô.
Nhà sản xuất chương trình mời Tracy vì 3 lý do sau:
1) Sự giản dị mộc mạc trong âm nhạc của Tracy
2) Cô chỉ cần ôm duy nhất chiếc guitar là có thể diễn được
3) Nội dung các bài hát của cô lại rất phù hợp với cuộc đời đấu tranh không mệt mỏi của Nelson Mandela.
Tracy được người tổ chức chương trình dặn ngồi đợi sau cánh gà và luôn trong tâm thế chuẩn bị. Đơn giản vì họ không có giờ diễn cụ thể cho cô, mà muốn mượn cô để lấp những khoảng trống khi các nghệ sĩ khác đang chuẩn bị phần âm thanh vì Tracy diễn chỉ cùng độc nhất chiếc đàn guitar. Phải đến 3-4 lần người ta gọi cô lên xong lại dẫn cô xuống vì thời gian không phù hợp.
Mãi rồi cũng đến lượt Tracy. Cô vác chiếc guitar thùng hớt ha hớt hải đi lên sân khấu ngoài trời trước 74.000 người xem, chưa kể đến 600 triệu người ngồi trước màn hình tivi theo dõi lúc bấy giờ. Vì sự bất ngờ đó, Tracy tự dưng lại không có thời gian để mà lo sợ.

Cô bình tĩnh vừa chơi guitar vừa hát bài hát “Why?” từ album đầu tay của mình. Khác với bản thu âm có phần trống và các nhạc cụ đánh cùng, đây chỉ có mình Tracy và chiếc đàn đơn độc. Vậy mà giọng cô vang lên đủ lớn và cảm xúc để kéo sự tập trung của cả đám khán giả tới một nghệ sĩ vô danh.
Tại sao trẻ em phải đói khát / Khi có đủ thực phẩm nuôi cả thế giới / Tại sao có quá nhiều người xung quanh ta / Mà vẫn có những người cô độc / Tại sao những đầu đạn hạt nhân được gọi là thứ giữ hòa bình / Khi chúng được tạo ra để giết chóc / Tại sao có người phụ nữ vẫn không được an toàn / Khi cô ấy ở ngay trong nhà mình
Sự uẩn khúc trong giọng hát của Tracy là kết quả của một tuổi thơ chứng kiến nhiều sự bất công trong xã hội và là nạn nhân của sự phân biệt màu da và giới tính.
Kết thúc bài hát là sự hò reo ủng hộ của những khán giả bị thuyết phục bởi giọng hát đầy cuốn hút cùng nội dung phản ánh hiện thực của xã hội.
Với các nghệ sĩ khi trình diễn, họ sẽ tạo điểm nhấn ở những khúc cao trào bằng dàn nhạc công hoành tráng, thì Tracy, vẫn lặng lẽ một mình với cây đàn guitar. Lần này cô chọn hát acapella bài “Behind The Wall”. Dù rằng trong đĩa, bài này cũng được thu âm mỗi giọng hát chay của Tracy, nhưng đây vẫn là quyết định liều lĩnh của cô gái vô danh trước sân vận động khổng lồ để biểu diễn không cần một nhạc cụ hay ca sĩ hát bè nào. Với nội dung về nạn bạo hành gia đình, Tracy chỉ kể bằng những hình ảnh ẩn dụ của “những âm thanh lớn phát ra từ phía sau bức tường”, “lại một đêm không ngủ của cô”, “khi cảnh sát đến thì họ cũng không thể can thiệp”, và cho đến khi “nghe tiếng hét/ theo sau đó là không gian im lặng đến rợn người” và rồi “thấy xe cứu thương đỗ bên đường”. Chỉ chừng đó thôi, giọng hát cô độc của Tracy xé toạc không khí tĩnh lặng không nhạc nền, xoáy sâu vào nỗi sợ của con người.

Chỉ trong phần trình diễn ngắn ngủi 7 phút lúc đó, Tracy đã diễn được 3 bài, kết thúc bằng “Talkin’ About A Revolution”, theo đúng tinh thần đấu tranh bất khuất của người được tôn vinh hôm đó.
Quay lại cánh gà, cô lại được chỉ dẫn tiếp tục ngồi đợi nếu chương trình có gì trục trặc thì lại được lên. Y như rằng là tới xế chiều, lúc Stevie Wonder định lên sân khấu thì ông lại không tìm được ổ cứng thu sẵn phần nhạc đệm, nên phải hủy giờ diễn lúc đó. Tracy được gọi lên thay thế ngay lập tức. Niềm vui như được nhân đôi, Tracy lên hát luôn hai bài “Fast Car”, và “Across The Line”.
Giống như những thương hiệu không nổi tiếng khi mới xuất hiện, bộ não con người thường sẽ không lưu lại lâu trong trí nhớ. Vậy nên quảng cáo thì phải cần lặp lại. Do đó lúc mà Tracy xuất hiện lần thứ hai và biểu diễn bài “Fast Car” thể loại Folk hay nhất sự nghiệp của cô, khán giả bắt đầu nhớ đến cái tên Tracy Chapman và đem lòng yêu mến giọng hát độc lạ của cô.
Nếu như trước buổi biểu diễn lịch sử hôm đó, đĩa Tracy mới bán được có 250 nghìn bản (một con số không hề tệ), thì chỉ hai tuần sau đó, nó tăng vọt lên 2 triệu bản, được đề cử 6 giải Grammy (sau đó cô giành được 3 giải), và đến nay album Tracy này đã bán được hơn 20 triệu bản trên toàn thế giới.
***
Album đầu tay của Tracy Chapman là tuyển tập các ca khúc đều do cô sáng tác với thể loại nhạc Folk, hơi khó nhằn với thị trường số đông, kể cả với người nghe da trắng hay da màu. Vì thế thật khó có thể tưởng tượng thành công vang dội về mặt thương mại của Tracy. Lời lý giải duy nhất là sức lan tỏa được tạo ra từ buổi diễn ở Wembley mà nếu ở thời đại Internet như hiện nay chắc nó còn “viral” trở thành hiện tượng hơn thế nhiều.
Giống như mấy bài mà Tracy biểu diễn ở sân khấu Wembley hôm đó, bài “Fast Car” được ưa thích của cô có một tiết tấu chậm, ngược với cái tên bài hát, và giai điệu đều đều. Khác với cấu trúc bài hát truyền thống, “Fast Car” phải đi qua 3 đoạn verse và 1 đoạn Refrain mới vào được điệp khúc. Phần điệp khúc nhạc điệu không quá biến đổi so với trước, chỉ có phần trống được tăng cao trào hơn bằng tiếng snare gõ mạnh mẽ hơn nhưng cũng lại quay về gõ nhẹ theo cạnh gậy khi trở lại phần verse. Khi chủ hãng đĩa đề nghị cân nhắc đưa câu điệp khúc lên sớm hơn, thay vì mãi đến sau 2 phút, thì dù tay sản xuất nhạc cho Tracy sau khi cân lên cân xuống cũng không thể điều chỉnh được. Bởi lẽ bài hát đó đã hoàn hảo rồi. Nó cần phải đi theo đúng ”chặng đường” như vậy.
Chính sự giản dị nhưng lại sâu sắc trong âm nhạc Tracy sáng tác mà nhà sản xuất album đó đã tôn trọng tầm nhìn của cô gái trẻ này, bằng việc không mix quá nhiều nhạc cụ, và đa phần giữ lại những khoảnh khắc chỉ có Tracy và cây đàn guitar thùng. Các nhạc cụ khác chỉ làm nền cho giọng hát của Tracy và tiếng bass và trống chỉ tôn thêm nhịp điệu “quạt chả” trên chiếc guitar thùng của Tracy.

Hóa ra hình ảnh cô gái đứng một mình ôm chiếc đàn thùng chơi ở sân vận động Wembley rộng lớn giữa biển người hôm đó, cho một sự kiện dành cho một vĩ nhận, cũng không khác gì mấy khi cô ôm chiếc đàn đánh ở quảng trường hay ga tàu điện để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Vẫn là sự mộc mạc, giản dị mà Tracy mang theo cho đến sau này. 
Có thể giờ cô không còn phải “độc diễn” nữa. Cô được biểu diễn cùng các nghệ sĩ gạo cội như B.B. King trong bài “The Thrill Is Gone”, cùng Eric Clapton trong bài “Give Me One Reason”, hay Pavarotti trong “Baby Can I Hold You”. 
Chỉ là Tracy Chapman hát một mình các bài này thì hình như vẫn hay hơn.
Hẹn gặp lại!
Kroon
Đọc các bài khác của EmoodziK tại website: www.emoodzik.com