[Trà đá vỉa hè] Lề trái [18+]
Lưu ý: bài viết gắn mác 18+ vì nó liên quan tới chủ đề đặc biệt nhạy cảm là TRính CHị. Nếu bạn có lỡ đọc thì cũng xin đàm luận một...
Lưu ý: bài viết gắn mác 18+ vì nó liên quan tới chủ đề đặc biệt nhạy cảm là TRính CHị. Nếu bạn có lỡ đọc thì cũng xin đàm luận một cách nghiêm túc và văn minh. Nếu không thích chủ đề này hoặc có suy nghĩ "mọi thứ ở bên kia lề đường đều là phản động" thì xin đừng đọc, bởi nó không dành cho bạn.
Nhân một ngày gió lạnh tràn về, mưa phùn gió bấc nhưng vẫn phải toát mồ hôi vì tắc đường trên cầu Chương Dương, tôi xin mạnh dạn chém gió về chủ đề đặc biệt nhạy cảm này để xóa tan cái không khí u ám những ngày cận tết này. Do bản thân tôi cũng là loại "ăn rau muống nói chuyện chính trị" nên viết bài theo lối sảng văn, không theo khuôn khổ gì cả.
Mở đầu phải nói tới thời điểm tôi bắt đầu tiếp cận với thứ gọi là "lề trái". Trước đó tôi luôn cho rằng: chỉ có lũ phản động thì mới quan tâm theo dõi mấy cái lề trái, chứ người bình thường chẳng có lý do gì để quan tâm cả. Bởi theo những gì tôi biết khi đó, mọi thứ từ lề trái đi ra đều nói xấu chính quyền, bôi nhọ lãnh đạo, vạch lá tìm sâu, bới móc sai lầm để nhằm dụ dỗ, lôi kéo người khác theo hướng phản động. Đến thời điểm hiện tại tôi vẫn cho rằng điều này ĐÚNG. Nhưng kiểu đúng của nó lại là "một nửa sự thật". Vẫn có những cái mà chỉ lề trái mới hiện ra chứ không thể tìm thấy, nghe thấy ở lề phải. Tôi xin khẳng định: TÔI KHÔNG LÔI KÉO, DỤ DỖ CÁC BẠN ĐỌC HAY NGHE NHỮNG THỨ Ở LỀ TRÁI. Nó giống như ma túy, nó rất độc hại. Việc lôi kéo dụ dỗ người khác mua bán, sử dụng ma túy đều trái pháp luật và xử phạt nặng. Việc liên quan tới lề trái cũng vậy.
Lý do vì sao tôi muốn chém gió chủ đề này? đó là nhiều người (đặc biệt là trên mạng) hàng ngày nói chuyện chính trị rất trơn mồm nhưng lại không hiểu gì về chính trị. Họ cũng không phân biệt được đâu là chính trị, yêu nước, muốn tốt hơn cho dân tộc và cho bản thân, đâu là phản động.
Nếu bạn có theo dõi series Cà phê 1 mình của tôi thì hãy chú ý ở bài thứ 2, tôi có nhắc đến một ông anh đã dạy tôi nhiều thứ. Trong đó ông anh này hay đọc tin bên lề trái. Khi ấy tôi khá là khó chịu khi gần gũi với một người như vậy. Tôi nghĩ bạn gặp người khác đang nghe tin lề trái cũng khó chịu vậy thôi. Đó cũng là 1 phần lý do tôi không muốn học quá nhiều từ ông anh. Bởi trong đó có cả điều tốt lẫn điều xấu. Sau này tôi nhận ra ông anh rất giỏi đi giữa lằn ranh Trái-Phải và ông anh từng nói: "Phải rất bản lĩnh và vững vàng về tâm lý, chính trị thì mới đứng giữa lằn ranh này được. Bởi chỉ lơ đãng xảy chân 1 chút thôi, người ta sẽ bị mời lên phường ngay."
Sau đó tôi đã thử nghe lề trái và nhận thấy như sau:
1. Khái niệm "lề trái" nên hiểu nghĩa rộng, đó là tất cả những gì không thuộc lề phải. Lề phải là những gì do cơ quan ngôn luận chính thống của Đảng và Nhà nước quản lý. Đó gọi là tin tức chính thống, là "lẽ phải". Cái này không có gì phải bàn. Tôi biết hiện nay có một số nơi thuộc "lề phải" nhưng chất lượng tin tức đã giảm sút, chạy theo thị trường, mất lòng tin ở một bộ phận nào đó, nhưng vẫn là số ít. Bạn vẫn nên coi lề phải là 1 nguồn tin chính thống bởi nó được kiểm duyệt và có người chịu trách nhiệm với những gì được đăng tải. Việc mất niềm tin vào "lề phải" khá nguy hiểm bởi bạn còn nơi nào khác để tin? Còn có gì làm căn cứ để so sánh, đánh giá 1 tin tức, sự kiện là "đáng tin hay không?". Khi không còn căn cứ nữa, bạn sẽ dễ bị lôi kéo hơn. Trừ trường hợp bạn có đủ bản lĩnh chính trị và có nguồn khác đáng tin cậy hơn.
2. Từ khái niệm trên, có thể phân lề trái ra mấy loại:
- Loại 1: Quan điểm trái chiều nhưng hướng tới sự phát triển của đất nước, của Đảng lãnh đạo. Một ví dụ tiêu biểu là "một tin tức ở nguồn không chính thống nói xấu một vị nào đó". Nó hoàn toàn chưa có căn cứ và chưa được ai xác nhận. Tại thời điểm nó nói ra thì nó mang tính "vu khống và gây mất trật tự xã hội", nhưng sau một thời gian theo dõi tiếp thì vị đó bị gặp vấn đề thật.
Giả sử vài năm trước ai đó nói rằng các bệnh viện thông đồng với công ty cung cấp thiết bị y tế nâng giá, tham nhũng hối lộ thì kẻ đó chắc chắn là "vu khống, gây mất trật tự, thậm chí phản động" và chết chắc. Nhưng bây giờ vụ cty Việt Á bị phanh phui, ta sẽ nhận ra việc đấy không thể ngày 1 ngày 2 mà làm được. Nó phải có tiền sử rồi thì mới trơn tru và xuất hiện ở phạm vi rộng đến thế.
Vậy nên khi nói về tin trái chiều kiểu này, không nên bỏ qua hoặc quy chụp ngay. Tốt nhất cứ lặng im mà theo dõi tiếp xem sao. Khi thấy cái kết (ngửa bài) rồi thì bạn hãy liên kết lại các sự kiện để tìm ra sự thật. Với cả biết sự thật rồi thì cũng để đấy thôi, đừng bới móc nó ra. Đó là việc của cơ quan công quyền. Chúng ta chỉ theo dõi sự việc và suy ngẫm thôi.
Yếu tố chính trị ở đây là:
- Nó liên quan tới các cơ quan của nhà nước (những người đứng đầu cơ quan và bộ ban ngành)
- Nó gây mất lòng tin của người dân, ảnh hưởng tới những thứ cao tầng hơn.
Vậy nên việc bới móc, chỉ trích... đều ảnh hưởng tới yếu tố chính trị. Vậy nên bạn biết đã là quá nhiều rồi. Đừng cố gắng muốn nhiều hơn nữa, bởi cố quá thành quá cố.
- Loại 2: Nói xấu, nhạo báng và núp lùm chỉ trích
Loại này xuất hiện nhan nhản và mang đặc trưng của lề trái. Chính sự phổ biến của nó khiến người ta quên đi loại 1. Loại này thì nên tránh, nghe chỉ rác tai chứ chẳng ích gì. Loại này nếu ai đã tiếp xúc và có bản lĩnh chính trị sẽ nhận ra ngay, bởi nội dung của nó chỉ toàn là bêu xấu, đả kích một cách công khai luôn. Sự khác biệt với loại 1 là tính công khai đối tượng đả kích. Chẳng ai dám công khai nói xấu người khác bởi chắc chắn sẽ bị quy tội "vu khống". Nếu như loại 1 thì họ thường nói bóng nói gió để người nghe tự ngẫm, tự hiểu thì loại 2 mang tính nhồi sọ 1 cách trắng trợn.
Với người ít tiếp xúc lề trái sẽ dễ bị nhầm, nhưng kiên trì theo dõi 1 chút là phân biệt được ngay.
Đối tượng ở loại 2 cũng không có ở VN và nếu có cũng bị chính quyền sờ gáy ngay thôi. Còn những ai ở loại 1 thì họ có thể công khai rằng mình ở VN hoặc ở 1 địa chỉ nào đó có thực, và có thể họ cũng bị công an mời làm việc nhưng họ được kết luận là vô tội.
Yếu tố chính trị ở đây là:
- Vu khống gây mất lòng tin.
- Nói xấu cho hả lòng dạ ghen ghét đố kỵ chứ không vì mục đích nào khác.
- Nêu ra những luận điểm làm sai lệch đường lối lãnh đạo của Đảng.
Ở nước ta, thể chế chính trị là Một đảng duy nhất lãnh đạo. Vậy nên mọi thái độ, hành vi đi ngược với đường lối lãnh đạo của Đảng đều là phản động. Hoặc tư tưởng đa đảng cũng sẽ không bao giờ được chấp nhận, nó là 1 điều cấm kỵ.
Với những điều ở loại 2 thì bạn nên tránh xa và không được tuyên truyền cho người khác, xúi dục họ nghe theo, làm theo. Nếu có vô tình nghe phải thì bạn nên biết cách phân biệt và đừng chia sẻ những tin tức loại này.
- Loại 3: Nhắc tới một giai đoạn trong lịch sử dân tộc với đánh giá được cho là hạ thấp người Việt.
Loại này tôi cũng chả biết nói vậy có đúng không nữa. Chỉ là nó không giống như trong những gì chúng ta học sử từ SGK. Loại này khá rộng và khó phân biệt giữa "nói xấu dân tộc" hay "nói đúng sự thật lịch sử". Bởi vì nó khác với những gì ta được dạy, được chỉ bảo từ trước tới giờ nên nó rất "trái tai".
Ví dụ: chuyện thực dân pháp lấy lý do "khai sáng văn minh" để xâm lược nước ta. Điều này gây tranh cãi nhiều trong cả giới sử gia lẫn người dân. Có tài liệu cho là người Pháp tới truyền đạo nhưng rồi bị triều đình nhà Nguyễn ngăn cản nên họ mới đánh lại, và triều đình nhà Nguyễn cũng công nhận sự bảo hộ của Pháp (hòa ước Giáp Thân 1884). Chúng ta vẫn được dạy là "thực dân pháp xâm lược nước ta". Vậy thì hiểu như thế nào cho đúng? Rất khó, tự hiểu thôi, tôi không biết.
Vậy thì từ ví dụ trên, nếu có kẻ nào đó (người nước ngoài chẳng hạn), nói nước ta "kém văn minh" cần được khai sáng thì kẻ đó nói đúng hay nói sai? Tôi cũng không biết, bạn tự đánh giá. Nhưng với tôi, quan điểm đó không đáng quan tâm vì nó chẳng có ích gì, chẳng để làm gì ngoài việc lôi kéo tranh luận nhằm mục đích kích động những người không có bản lĩnh chính trị, thiếu hiểu biết. Thay vì tranh luận về quan điểm đó thì tôi không thèm nghe. Tôi tra cứu lại các tài liệu để đọc một cách đầy đủ còn tốt hơn là mất thời gian tranh cãi. Nếu không có tài liệu đáng tin cậy thì cũng quên nó luôn cho nhanh.
- Hết -
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất