Những năm gần đây, khi các thương hiệu trà quốc tế ngày càng phổ biến ở các thành phố, không quá khó để ta bắt gặp việc người ta bán hay đàm đạo về những loại trà. Kể cả đối với trà sữa, thứ thức uống mà ta bắt gặp mỗi 10m ở Sài Gòn, cũng khiến con người ta quan tâm nhiều hơn đến trà. Hồng trà, lục trà, trà olong,.. dù uống không hay là dùng với sữa, kem tươi, machiato hay rất nhiều cách khác đều khiến những người trẻ hứng thú hơn về trà. 
Khi những quan tâm về trà phát triển nhiều lên, con người ta cũng bắt đầu chú trọng hơn về việc thưởng trà. Lục lọi quá khứ hay tìm kiếm khắp năm châu, ta thấy người Việt học hỏi hơn nhiều cách uống trà. Ta học hỏi cách pha trà của người Nhật, người Trung hay cả những cách biến tấu để làm thay đổi vị trà của người phương Tây để rồi từ từ nhận ra, hoá ra Việt Nam cũng có trà đạo. Cơ mà liệu trà đạo của người Việt thực sự có hay không ? Hay nó chỉ đơn thuần là những gì ta có được khi tiếp xúc với người Trung Quốc ? Có người bảo có, có người bảo không, có sách báo chứng minh nhưng cũng có bài viết bác bỏ. Song, điều đó có thực sự quan trọng không khi nhìn vào quá khứ và hiện tại của người Việt, ta vẫn luôn thấy trà. 
Ảnh của Kaa - Phung Nguyen Quang ( @kaaillustration)
Trà trong đời sống tinh thần con người Việt thú vị lắm, nó không phân biệt tầng lớp, nó cũng không phân biệt tuổi tác vùng miền, trà quen thuộc nhưng việc uống trà luôn mới, chén trà gần gũi nhưng cũng thật linh thiêng. Chén trà bắt đầu một ngày của người nông dân cho năng lượng và nhiệt huyết và kết thúc một ngày cho sự bình yên và thư giãn. Chén trà bắt đầu câu chuyện của người Việt và kết thúc cho những hi vọng mai sau. Chén trà là lời hứa hẹn của những người yêu nhau và là lời thưa gửi đối với bậc phụ mẫu sinh thành. Trà của người Việt gần gũi nhưng lại có giá trị văn hoá vô cùng lớn. Ta dùng trà để dạy trẻ nhỏ, học cách bình tâm trong cuộc sống, học cách quý trọng thiên nhiên và giữ gìn văn hoá. Ta dùng trà để kính dâng ông bà, tổ tiên, để thể hiện lòng biết ơn và kính trọng đối với thế hệ trước. 
Có thể bây giờ người ta tìm tới trà để thưởng thức nhiều hơn cho những mục đích khác, song chỉ cần con người ta vẫn uống trà, vẫn làm trà thì vẫn sẽ có những con người sẽ tò mò rồi bất giác tìm hiểu về trà. Và cứ như thế, văn hoá về trà và những giá trị của nó vẫn sẽ tồn tại và lưu truyền lâu dài hơn.
Lại nói bàn về cách uống trà, thực sự bản thân mình là người thích trà song mình không phải là người quá tinh tế và am hiểu nhiều về trà đạo. Mình thích trà vì nó là trà, nó có vị trà, hương trà, nó hiện hữu và gắn bó từ lúc mình sinh ra cho tới giờ, vì mình sinh ra trong một văn hoá có trà thế là mình thích trà. Nên vì thế mình cũng uống trà theo cách đơn giản mà mọi người Việt đều biết, "nhất thuỷ - nhì trà - tam bôi - tứ bình - ngũ quần anh", cơ mà mình không kiếm ra mấy thứ nước tinh khiết trên lá sen gì đâu nên chắc là một bình trà thơm với vài người mình thích, thế là ổn.
Còn bàn đến vị trà, mình là người theo xu hướng thích những thứ nó đậm vị đậm sắc. Nên trà ngon đối với mình chắc phải đủ thơm đủ mùi, vị đủ đậm thì mới thấy ngon. Mà trà thơm thì ngửi thôi đã thấy sướng rồi chứ không cần làm gì cả, cứ cầm chén trà hít lấy hít để, hồi nhỏ thì còn dễ thương chứ giờ thì có vẻ hơi bị kém sang :v ~
Vậy nên gần tới trung thu rồi, ai thích uống trà thì chuẩn bị một hộp bánh trung thu rồi cùng gia đình, người yêu hay bạn bè thưởng thức cùng trà đi nào. Có trà ngon thì nhớ chia sẽ cho nhau với, đừng có giữ lấy uống một mình, nha.