"CHẮP VÁ" LỊCH SỬ VỀ SỰ PHÁT TRIỂN TRÀ VIỆT

Nói về điểm khởi đầu cho câu hỏi “Trà xuất hiện tự bao giờ?”, trong cuốn Trà Kinh, tác giả Vũ Thế Ngọc đã đề cập tới một huyền thoại phổ thông từ thời Thần Nông (khoảng 3.000 năm TCN) - vị nhân thần được biết tới cái tên Viêm Đế. Đây được mệnh danh là vị thần đã đặt nền móng cho sự phát triển nông nghiệp của các dân tộc Á Đông. Thể theo truyện cổ dân gian Việt Nam, người Việt là con cháu vua Thần Nông mà Kinh Dương Vương* được tính là con cháu đời thứ 6 của vị nhân thần này. Thần chẳng những thành thạo về y khoa, mà còn dạy con người biết trồng trọt, đồng thời (theo truyền thuyết) là người khám phá ra cây chè, tạo nên văn hóa trà cổ đại.
Chuyện kể, có vị thần nọ đang đun nước dưới gốc cây chè, đột nhiên có vài chiếc lá rơi vào ấm nước sôi của ông, sau khi uống thử thức nước được hòa lẫn bởi lá chè ấy ông phát hiện mình có năng lực kỳ diệu, liền ngay lập tức xếp loài cây ấy vào danh sách thảo dược của mình.
Thêm nữa, trong một bản thảo cổ nhất về y học Trung Hoa, được tin là do Thần Nông viết, sự việc huyền thoại Thần Nông biết dùng trà đã được nhắc tới và trở thành dẫn chứng về xuất xứ cây chè. Mặc dù, thuyết của bản thảo này không đủ ấn chứng (và thực tế giới học giả đương đại cũng đã chứng minh cuốn sách không xuất hiện từ thời kỳ Thần Nông) thì câu truyện cổ vẫn được lưu giữ dưới dạng truyền miệng, trở thành sự tích được nhắc tới trong các buổi thưởng trà.
Sự kiện khác cũng được biết đến như cột mốc ghi dấu sự xuất hiện của trà trong đời sống người Việt cổ là từ thời kỳ Văn Lang (2.879 - 257 năm TCN).
Tương truyền, có vị quý phi của Hùng Duệ Vương - vị Hùng Vương thứ XVII cũng là vị vua cuối cùng của nước Văn Lang, sinh sống vào khoảng năm 334 - 258 TCN, có hai người con rể nổi tiếng trong truyền thuyết nước Việt là Chử Đồng Tử - chồng của Mỵ nương Tiên Dung và Sơn Tinh - phu quân của Mỵ nương Ngọc Hoa. Vị quý phi này khi ấy đã về làng Văn Luông, nay là Văn Phú, tỉnh Phú Thọ để dạy dân biết trồng chè, trồng bông làm kế sinh nhai. Kể từ đó, dân cư khắp nơi đã tụ về sinh sống, lập xóm lập làng, phát triển thành xóm Bãi Chè, xóm Bông để tưởng nhớ công ơn bà.
Ảnh hưởng của chiến tranh kéo dài cùng hơn 1.000 năm sống dưới ách đô hộ, nhiều tư liệu sử sách bị hủy hoại và tàn phá, rất khó để tìm kiếm đầy đủ, chính xác các thông tin về trà Việt Nam. Tuy nhiên, lần theo dấu vết còn sót lại, người Việt có thể đặt ra giả thuyết rằng tục uống trà cũng đã có ở Giao Châu, thời kỳ Giao Chỉ, vào khoảng năm 111 - 40 TCN. Theo sách Nghiên Bắc - tạp chí của Trung Hoa, sách viết: “Trà ở Giao Chỉ xanh như rêu, vị cay, nóng…”. Lại thấy rải rác trong chiều dài lịch sử Việt Nam, chữ “trà” cứ thấp thoáng xuất hiện trong nhiều tài liệu, nhiều thời không khác nhau. Hay trong An Nam Vũ Cống (Dư Địa Chí) của nhà văn hóa lỗi lạc Nguyễn Trãi, ông cũng có viết: “Tước Thiệt” - chỉ những búp chè thượng phẩm, có hình dạng lưỡi sẻ - danh tiếng sản xuất ở Quản Trị, Việt Nam
Đến thời Lê Trung Hưng, nhà bác học Lê Quý Đôn cũng có ghi chép trong “Vân Đài loại ngữ” (bộ bách khoa toàn thư của Việt Nam) cho thấy đến thời kỳ này, ở khu vực núi Am thiền Am Giới, Am Các, huyện Ngọc Sơn, tỉnh Thanh Hóa, người Việt ta đã sở hữu vùng chè rộng lớn với cây chè “mọc xanh um đầy rừng, thổ nhân hái lá chè đem về giã nát ra, phơi trong râm, khi kho đem nấu nước uống, tính hơn hàn, uống vào mát tim phổi, giải khát, ngủ ngon”.
Tới thập niên 1930, cây chè được đem trồng theo cách quy mô trên cao nguyên vùng B'lao (nay là Bảo Lộc) và vùng này sau chiếm địa vị là vựa trà. Theo dòng thời gian, đến giữa thế kỉ 20, chè ngày càng trở nên phổ biến và được trồng khắp miền quê ngoài Bắc và Trung. Các đồn điền cây chè bắt đầu hoạt động ở vùng Cao nguyên Trung Kỳ gồm tỉnh Kontum, Pleiku, Đắk Lắk và Đồng Nai Thượng.
Nguồn ảnh: Ký và Phóng sự <a href="https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/kyphong-su-lang-thang-vung-tra-bao-loc-528654.ldo">Lang thang vùng trà Bảo Lộc</a> &amp; Phóng sự Hương sắc B'Lao
Nguồn ảnh: Ký và Phóng sự Lang thang vùng trà Bảo Lộc & Phóng sự Hương sắc B'Lao

TRÀ VIỆT Ở ĐÂU TRONG BẢN ĐỒ TRÀ THẾ GIỚI?

Nhìn vào lịch sửa trà Việt hay đọc những áng văn, thơ của giới văn nhân, thi sĩ nước mình, trà xuất hiện nhiều như một người bạn không thể thiếu trong đời sống tinh thần. Như đã nhắc tới ở phần trên, để nghiên cứu, tìm kiếm thông tin chính xác về trà thì người Việt ta còn thiếu tư liệu mang tính khoa học, từ các trứ tác chắp bút bởi những vị học giả lỗi lạc sở hữu một kho tàng văn tự viết về nền nông nghiệp Việt Nam như Lê Quí Đôn cho tới các gia đình danh sĩ như Ngô gia văn phái hay các tác gia sống trong thời Lý - Trần - thời kỳ được xem là nền văn hóa Việt phát triển huy hoàng và rực rỡ nhất. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới việc tiếp cận, tìm hiểu về nền văn hóa trà Việt cũng như cơ hội truyền đời các câu chuyện về một nét đẹp dân tộc này cho các thế hệ mai sau.
Có thể vì vậy, Việt Nam dẫu sở hữu bề dày lịch sử phát triển cây trà và văn hóa thưởng trà nhưng so với các nước bạn, những dòng trà quý hiếm của nước ta ít được thế giới biết đến. Trà Thái Nguyên là thức trà phổ biến được đông đảo công chúng biết đến, song, đây không phải dòng trà chất lượng duy nhất có ở Việt Nam. Ở ta, cũng có nhiều loại trà mang giá trị cao, đủ sức sánh với Thiết Quan Âm, Long Tỉnh hay Kỳ môn hồng trà đến từ Đài Loan, Trung Quốc. Những người yêu trà Việt không khỏi đau đáu khi nhận thức được thực tế, trà Việt chưa được công chúng nhìn nhận đúng mực về giá trị của nó cũng như chưa có một chỗ đứng thích hợp trên bản đồ trà thế giới. Mỗi lần nghe thân hữu gần xa bàn luận về văn hóa trà, cảm giác này lại càng trĩu nặng.
Nguồn ảnh: Tác giả <a href="https://laichau.gov.vn/tin-tuc-su-kien/san-pham-tra-cua-tinh-lai-chau-dai-dien-cho-viet-nam-doat-04-giai-tra-the-gioi-tai-cuoc-thi-tra-quoc-te-tai-paris-2022.html">Nguyễn Chánh</a>
Nguồn ảnh: Tác giả Nguyễn Chánh
Đi cùng xu hướng hội nhập quốc tế, nhiều thương hiệu trà của doanh nghiệp gia đình hay các hộ kinh doanh truyền thông đã thay đổi, khoác lên mình lớp áo mới với nhiều thương hiệu trà ra đời như là thành quả sau hàng thập kỷ nghiên cứu, sản xuất và chuẩn hóa với khát khao mang văn hóa trà Việt vươn ra thế giới, đặt nó vào một vị thế xứng tầm. Đặt lên mình trọng trách và trách nhiệm của thế hệ kế thừa, phát triển văn hóa dân tộc, nhiều doanh nghiệp đề cao việc làm sao sản xuất ra được những tách trà ngon thượng hạng. Để có một ấm trà hoàn mỹ, từ nguồn gốc cây trà, vùng trồng, loại búp thu hoạch hay phương pháp chế biến…, các doanh nghiệp cùng người nghệ nhân phải áp dụng nhiều những yêu cầu, kĩ thuật khác nhau bởi mỗi cây trà là mỗi cá tính, mỗi dòng trà là mỗi hương sắc riêng biệt.
Qua tìm hiểu và trò chuyện với một số chủ thương hiệu trà, tôi hiểu rằng nước mình có nhiều gia đình làm trà truyền thống với toàn bộ quá trình sản xuất trà đều có tính chọn lọc trong từng phân đoạn. Vùng trà ta có các rừng chè cổ thụ nằm phía trên các vách núi cao Đông - Tây Bắc Việt Nam. Nghệ nhân ta cũng có những gia đình có truyền thống làm trà tới 3 đời, họ dùng tới hơn 60 năm cùng sinh sống bên cây trà, dùng bí quyết riêng tạo ra những thức trà tinh túy. Đi về mạn Lào Cai, ta có vùng chè cổ Tả Thàng quanh năm bao phủ bởi lớp sương mù mịt. Đi tới vùng Đông Bắc, lại thấy rừng chè shan Hoàng Su Phì nằm trên những vách núi cao, cách mặt biển tới cả 2000m. Đi về vùng đất Mộc Châu, không khó để bắt gặp một vùng chè rộng lớn chuyên trồng giống Ô long đỏ Thanh Tâm. Cũng chẳng đi đâu xa, ở giữa lòng thủ đô, ta có thức trà sen nao nức lòng người với hương thơm của loài quốc hoa.
Nguồn ảnh:<a href="https://www.traviet.com/hieu-ve-tra/vung-tra-viet-nam/"> Trà Việt</a>
Nguồn ảnh: Trà Việt
Nằm trọn trong vùng khí hậu nhiệt đới, được thiên nhiên ưu ái với lượng mưa dồi dào, khí hậu ẩm ướt, nhiều nắng ấm, Việt Nam sở hữu điều kiện tự nhiên lí tưởng cho sự phát triển của cánh rừng chè xanh ngợp. Sự tồn tại của rừng chè cổ trên miền sơn cước là bằng chứng hiển nhiên nhất minh chứng cho nền văn hóa trà Việt. Cây chè cổ thụ sinh trưởng tự nhiên có độ tuổi tới vài trăm năm chính là sản vật vô giá của dân tộc, là nguồn nguyên liệu quý hiếm cho ra đời phẩm trà thượng hạng. Nước ta không thiếu vùng nguyên liệu, cũng nào thiếu trà sư am hiểu, thứ ta thiếu là những doanh nghiệp phát triển bền vững, sáng tạo cách thức gia công trà thủ công thành sản phẩm công nghiệp chất lượng cao cùng cơ hội quảng bá, xúc tiến thương mại, đem sản phẩm quốc gia ra tới quốc tế.
Những chuyện to lớn của hệ thống doanh nghiệp hay môi trường công nghiệp, một cá nhân đơn lẻ như chúng tôi làm không được. Nếu có được, thứ duy nhất mà chúng tôi đang làm ở đây là dùng ngôn từ để đưa văn hóa và kiến thức về trà tới gần với thế hệ trẻ hơn một chút.
Nếu đã có cơ hội khởi duyên qua trà, mời bạn lắng lại một chút, vừa thưởng trà, vừa nghe tôi tiếp tục kể những câu chuyện trà Việt Nam.
Bài viết mang tính tổng hợp thông tin, không sử dụng cho mục đích thương mại, được tham khảo từ nhiều nguồn sách, báo và lời phỏng vấn của một số chủ doanh nghiệp trà, do đó thông tin có thể chưa được kiểm chứng. Nếu bạn đọc có bất kỳ thông tin nào có thể cung cấp và sửa sai cho bài viết, mời bạn vui lòng chia sẻ cùng người viết tại phần bình luận.
(*) “Đế Minh là cháu ba đời của Viêm đế Thần Nông, sinh ra Đế Nghi. Khi đi tuần về phái Nam, đến núi Ngũ Lĩnh lấy được con gái bà Vụ Tiên, sinh ra Lộc Tục, phong làm vương đất Nam, lấy tên nước là Xích Quỷ. Sau này, Lộc Tục có người con là Kinh Dương Vương, lấy được con gái Long Vương ở hồ Động Đình, sinh ra Sùng Lãm, hiệu là Lạc Long Quân” - Trích: Truyện Hồng Bàng - Lĩnh Nam Chích Quái