"Cái gì cũng có giá của nó" - một câu nói tưởng chừng như không thể hiển nhiên hơn, là một điều mà ai cũng biết, nhưng không phải ai cũng có thể chấp nhận được nó. Bởi chúng ta tham. Chúng ta muốn nhận được, nhưng không muốn phải cho đi.
Yêu đương là một việc đòi hỏi một sự dũng cảm vô cùng to lớn, bởi ở chính giây phút bạn nảy sinh tình cảm đặc biệt với người khác, bạn đã trao cho người ấy khả năng làm bạn bị tổn thương - dù người ấy vô ý hay cố tình. Khi bạn yêu ai đó, kể cả đó có là tình yêu đơn phương đi chăng nữa, bạn sẽ bắt đầu nảy sinh những mong đợi, những ham muốn, những khao khát từ người ấy và những gì người ấy có thể làm cho mình. Và khi những đòi hỏi, nhu cầu đó không được đáp ứng, bạn sẽ bị tổn thương. Khi bạn yêu, một tin nhắn được seen mà không được rep lại cũng đã đủ để cho bạn buồn cả ngày, chứ đừng nói tới việc cãi nhau hay ngoại tình.
Như vậy thì, chẳng phải tình yêu cần phải có một lòng dũng cảm rất lớn thì mới dám chấp nhận rủi ro bị tổn thương bởi những điều nhỏ nhặt nhất để đến với nhau và ở bên nhau, đúng không? Dũng cảm để đón nhận nó và chấp nhận nó như một phần của tình yêu. Dũng cảm để dù bị tổn thương nhiều lần nhưng dám tha thứ cho người làm tổn thương mình để tiếp tục với nó, hoặc nếu không phải là tiếp tục mối quan hệ cũ thì cũng là dũng cảm để chấm dứt một mối quan hệ toxic, mở lòng với một mối quan hệ mới sau những tổn thương trong quá khứ. Dũng cảm để đối mặt với những cuộc tranh cãi cần thiết để hai người có thể hiểu nhau hơn. Dũng cảm để chia bớt một phần tài nguyên của mình - bao gồm thời gian, tiền bạc, công sức- sang cho người ấy. Dũng cảm để cùng gánh bớt một phần trách nhiệm cho người ấy khi họ gặp khó khăn. Rồi sau này khi tiến xa hơn, đó là dũng cảm khi gánh vác cả trách nhiệm không chỉ cho gia đình của riêng mình, mà cả cho hai bên bố mẹ của nhau. Với những người yêu xa, đó là dũng cảm để chấp nhận một mối quan hệ thiếu vắng đi những đụng chạm gần gũi. Ở một số trường hợp khác, đó là dũng cảm để vững bước với lựa chọn của mình mặc cho những người khác can ngăn.
Có quá nhiều tình huống đòi hỏi một lòng dũng cảm lớn vô cùng khi bạn bước vào một mối quan hệ, mà nếu bạn là một người nhút nhát, cứ thấy khó hay đau là bạn chạy, thì bạn sẽ cứ nhảy hết từ mối quan hệ này sang mối quan hệ khác, hoặc vì sợ bị tổn thương do nghe những câu chuyện của những người xung quanh mà bạn sẽ đóng cửa trái tim và không bao giờ dám yêu ai hết.
Và đó, chính là cái giá đầu tiên bạn phải trả để có được tình yêu: khả năng bị tổn thương. Tình yêu không chỉ là việc nhận lại những phút giây hạnh phúc, mà cái bạn phải cho đi là lòng dũng cảm để đón nhận những tổn thương đó, quyết định ở lại, cố gắng vun vén, bồi đắp tình yêu đó thay vì chạy đi ngay khi gặp khó khăn đầu tiên.
Cái giá phải trả thứ hai mình muốn nói tới là mặt trái của những ưu điểm bạn đang mong muốn ở người yêu.
Sẽ là thường thấy nếu các bạn nữ mong muốn có người yêu trưởng thành hơn mình, điềm đạm chín chắn hơn mình để được nhận lại cảm giác được che chở bảo vệ, còn các bạn trai thì mong muốn các bạn nữ thấp hơn mình, nhỏ tuổi hơn mình để có được cảm giác có thể che chở bảo vệ cho người họ yêu. Tuy nhiên, không nhiều người nghĩ tới được mặt trái của nhu cầu này.
Để có được sự trưởng thành, điềm đạm chín chắn mà các bạn đang mong muốn, chàng trai ngày nào chắc chắn đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, và tự mình phải vượt qua chúng. Họ đã phải mắc nhiều sai lầm, phải trả giá, và lại phải tự mình đứng lên làm lại từ đầu. Tức là, dù mỗi người mỗi khác, nhưng rất có thể, tại thời điểm gặp bạn - một cô gái trẻ tràn đầy năng lượng, luôn muốn lao ra ngoài khám phá cái mới, hoặc không thì chí ít cũng phải ngồi cà phê chém gió với lũ bạn - anh ấy có thể đã trở nên trầm tĩnh hơn sau những bận rộn từ công việc. Anh ấy có thể sẽ không có nhu cầu ra ngoài giao lưu nhiều như bạn, hoặc có thì cũng không phải là một nhóm bạn ồn ào như bạn. Như vậy, sự điềm đạm chín chắn của anh ấy, sau một thời gian, rất có thể sẽ trở thành sự tù túng, nhàm chán, và khiến cô gái nghĩ rằng hai người không còn hợp nhau nữa.
Tương tự, sự trẻ trung, năng động của cô gái nhỏ tuổi hơn mình có thể làm các anh chàng cảm thấy thật dễ thương, cảm thấy rằng mình có nhiều giá trị có thể đem lại cho họ. Tuy nhiên, trẻ tuổi thường đi cùng với...cứng đầu. Rõ ràng, việc va chạm với cuộc sống nhiều hay ít sẽ ảnh hưởng tới sự khác biệt trong lối suy nghĩ giữa hai người. Từ đó, khi mà người trưởng thành dùng sự sâu sắc của họ để khuyên bảo bạn, rất có thể bạn sẽ không đồng ý với ý kiến của họ vì họ nhìn thấy được những thứ mà bạn không nhìn thấy. Người trẻ tuổi thường sẽ có xu hướng sống cho giây phút hiện tại, hay như Chi Pu nói là cứ enjoy cái moment, cảm thấy thế nào thì sẽ làm như thế, trong khi ở người trưởng thành, mọi suy nghĩ đều được cân nhắc kĩ lưỡng về hậu quả có thể xảy ra sau này, từ đó mọi lời nói hay hành động đều chắc chắn. Sự khác biệt đó dễ khiến người trẻ con hơn cho rằng người trưởng thành hay chuyện bé xé ra to, quá cứng nhắc, còn người trưởng thành sẽ nghĩ người trẻ con là không hiểu chuyện, nói cho mà còn không hiểu. Nói đâu xa, cứ nghĩ tới việc bố mẹ bạn đọc báo và thấy tình hình đường phố ban đêm nguy hiểm, nhiều tai nạn hay cướp giật, lo rằng con mình có thể là nạn nhân và muốn bạn về trước 11h tối, còn bạn thì cứ luôn nghĩ đơn giản là Chắc nó trừ mình ra, ưu tiên cái việc được vui chơi tung tăng với bạn bè. Bạn sẽ cảm thấy khó chịu khi bị bố mẹ bắt về sớm, và có khi còn vục vặc cãi lại khi thấy bố mẹ thức tới tận lúc bạn về nhà mới dám đi ngủ. Đấy có thể nói là ví dụ kinh điển nhất, dễ gặp nhất thể hiện rõ sự khác biệt về cách suy nghĩ của một người trưởng thành và một người còn non nớt.
Thêm vào đó, sự khác biệt giữa yêu một người trưởng thành và yêu một người cũng có cùng sự non nớt như mình đó là, người trưởng thành dùng kinh nghiệm sống của họ để có thể nhanh chóng nhìn nhận chính xác một con người, còn người cũng trẻ con như mình thì chỉ thấy cục bộ những gì xảy ra trước mắt. Ví dụ thế này, khi bạn và người yêu cùng tuổi, cùng kinh nghiệm sống ở bên nhau, thi thoảng cũng có cãi vã này kia, nhưng vì hai bạn không có cái mắt nhìn người của người trưởng thành, nên hai bạn ưu tiên việc cảm thấy vui vẻ ở bên nhau hơn, và vội vàng bỏ qua cho nhau cốt là để không phải bực mình nữa, thay vì đánh giá người ấy qua cuộc tranh cãi ấy, hoặc rút ra được bài học gì từ nó. Nhưng khi bạn đưa người yêu về ra mắt bố mẹ bạn, qua những cuộc nói chuyện, những buổi ăn cơm cùng gia đình bạn, bố mẹ bạn nhìn thấy được những điểm không ổn từ người đó mà bạn trước giờ không để ý, có thì cũng chưa bao giờ nhìn nó dưới góc nhìn như của bố mẹ, từ đó bạn mới thấy ồ à và cân nhắc lại lựa chọn của mình. Khi bạn yêu người trưởng thành, những gì bạn thể hiện ra trước người đó cũng sẽ được họ dùng để đánh giá những nét tính cách của bạn như cách bố mẹ bạn soi xét người yêu bạn vậy. Một hành động nhỏ cũng đủ để họ nghĩ khác về bạn. Và cũng như cách bạn hay phản ứng khi nhận được những lời góp ý từ bố mẹ bạn, rất có thể bạn sẽ nghĩ người yêu trưởng thành của bạn là không công bằng khi mới có việc nhỏ xíu đã vẽ ra thành chuyện lớn, và càng khiến bạn cảm thấy khó chịu khi ở bên họ.
Ngoài ra, với những người từng trải, những người đã phải chịu đổ vỡ để rồi lại tự mình gây dựng lại từ đầu, những người muốn ổn định cuộc sống, và nghiêm túc với mối quan hệ tình cảm, thì mỗi khi xảy ra mâu thuẫn trong tình cảm, họ sẽ cố gắng kiên nhẫn sửa chữa chúng. Nhưng với các bạn trẻ, nhất là những bạn trước giờ chưa phải gánh vác trọng trách lớn, đã quá quen với việc được bố mẹ yêu chiều, lên trường thì được bạn bè giúp đỡ, ra ngoài thì được người quen nâng đỡ, và đặc biệt là chưa từng trải qua mối quan hệ tình cảm nghiêm túc nào, thì rất có thể, cái nhìn về mâu thuẫn trong một mối quan hệ của họ sẽ khác. Khi gặp cãi vã với người trưởng thành, những người trẻ đó rất có thể sẽ nghĩ "Ôi cãi nhiều đau đầu quá, người ấy cứ nhắc nhở mình nhiều mệt mỏi quá. Bỏ thôi. Mình còn trẻ mà. Không yêu người này thì có người khác". Bởi họ không quen với việc phải đối diện trực tiếp với khó khăn, nên khi phải đối diện với cái sự thật trần trụi, cái sự chưa-bao-giờ-là-hoàn-hảo của tình yêu, thì họ muốn sớm từ bỏ và chọn đường đi khác dễ dàng hơn, hồng hơn và đúng với mộng tưởng về tình yêu đích thực của mình hơn. Nếu đây là một cuộc hôn nhân, người trưởng thành sẽ hiểu rằng hôn nhân không chỉ là vấn đề giữa hai người, mà còn có cả trách nhiệm tới cả gia đình bố mẹ của hai bên, nhưng người trẻ tuổi non nớt thì rất dễ chỉ tập trung vào việc bản thân mình muốn làm gì mà thôi. Tức là, người chín chắn hơn thường sẽ nghĩ tới cả ảnh hưởng liên đới tới những người khác, còn người trẻ tuổi thì hay có quan điểm sống cuộc sống của mình, sống cho giây phút hiện tại. Đây có thể nói là một khác biệt khá lớn, có thể gây ra nhiều tranh cãi giữa hai người.
Những cái giá phải trả mình nhắc tới bên trên không phải là tất cả những gì bạn sẽ phải trả khi yêu 1 người khác hệ nhận thức với mình. Chúng cũng không có nghĩa là người trưởng thành yêu một người non nớt hơn mình sẽ chỉ thấy toàn điều phiền phức, rằng họ chỉ nên yêu người cũng đã trưởng thành như mình. Khi yêu 1 người có sức trẻ hơn mình, tâm hồn vốn dĩ đã nhiều sẹo, nhiều tổn thương, đã chai sạn bởi sóng gió của người trưởng thành sẽ cảm thấy như được trẻ lại, được tươi tắn trở lại. Người trưởng thành cũng có thể học được cách thả lỏng bản thân hơn từ người trẻ tuổi, biết hưởng thụ cuộc sống hơn, hơn là chỉ mải bận bịu với những lo toan, chưa kịp vui hôm nay đã lo ngày mai. Người trưởng thành cũng có thể được người trẻ tuổi kéo đi khám phá những điều mới, những điều mà trước giờ vì mải lo cuộc sống mà họ đã bỏ lỡ.
Đồng thời, người trưởng thành cũng cần phải nhớ, chính bản thân họ cũng từng là một người non nớt. Thời gian và va chạm cuộc sống đã giúp họ trưởng thành như ngày nay. Vì vậy đừng bắt người trẻ tuổi cũng phải già dặn hay cũng phải nhìn thấy được những gì bạn nhìn thấy ngay lập tức. Hãy kiên nhẫn giảng giải và hướng dẫn họ nhé.
Bài viết này khó có thể bao trùm hết được những gì muốn nói/cần phải nói, tuy nhiên, mong rằng nó đã bắt các bạn phải ngẫm lại ý chính rằng: Cái Gì Cũng Có Giá Của Nó. Song song với việc tìm những đối tượng có nhiều ưu điểm, bạn cũng cần phải hiểu rõ mặt trái của nó là gì trước khi thực sự nói lời cam kết với họ. Những mặt trái này không chỉ đúng với mỗi khía cạnh người yêu trưởng thành và non nớt. Nó cũng có thể là giữa việc người yêu đẹp hay xấu. Người yêu học cao hay học thấp. Người yêu có điều kiện hay người yêu không có điều kiện v..v…
Bài viết này khó có thể bao trùm hết được những gì muốn nói/cần phải nói, tuy nhiên, mong rằng nó đã bắt các bạn phải ngẫm lại ý chính rằng: Cái Gì Cũng Có Giá Của Nó. Song song với việc tìm những đối tượng có nhiều ưu điểm, bạn cũng cần phải hiểu rõ mặt trái của nó là gì trước khi thực sự nói lời cam kết với họ. Những mặt trái này không chỉ đúng với mỗi khía cạnh người yêu trưởng thành và non nớt. Nó cũng có thể là giữa việc người yêu đẹp hay xấu. Người yêu học cao hay học thấp. Người yêu có điều kiện hay người yêu không có điều kiện v..v…
Hãy tìm người vừa có ưu điểm bạn mong muốn, vừa có mặt trái mà bạn có thể chấp nhận được (hoặc người đó có thể điều chỉnh được) nhé :)
Kênh Youtube Đàn Ông Học:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất