Cho đến tận bây giờ, người ta vẫn còn nhắc đến Top Gun (1986) là một bệ phóng vững chắc cho sự nghiệp của nam tài tử Tom Cruise; hay phong cách thời trang gắn liền với thanh thiếu niên thời điểm đó như chiếc áo bomber, kính Aviator… Thậm chí theo thống kê của Hải Quân Mỹ vào năm 1987 – tức một năm sau khi bộ phim công chiếu – số lượng thanh niên tình nguyện đăng ký nhập ngũ đã tăng lên tới 500% so với những năm trước đó. Thành công của Top Gun (1986) vượt ngoài sức tưởng tượng, trở thành một di sản văn hóa đại chúng của người dân Mỹ. Vì vậy, khán giả lo sợ họ sẽ phải xem một phần hậu truyện nhạt nhòa, thiếu sức sống và ăn theo phiên bản năm 1986. Song Top Gun: Maverick (2022) đã vượt xa kỳ vọng của khán giả và giới phê bình, trở thành một hiện tượng phòng vé vào thời điểm ra mắt. Nhà phê bình chính của trang Variety là Peter Debruge còn khẳng định rằng bản thân cũng bị sốc khi yêu thích tác phẩm này.
Bộ phim dẫn ta tới chàng Maverick điển trai ngày nào giờ đây đã là một anh lính già sắp nghỉ hưu. Trong khi bạn bè đã trở thành những vị Tướng hay Đô đốc thì anh vẫn còn giữ chức Đại tá và né tránh việc được thăng chức. Trong một nhiệm vụ đặc biệt, Maverick được điều trở lại lực lượng không quân tham gia một chiến dịch bất khả thi. Tuy nhiên lần này anh sẽ không trực tiếp tham chiến mà phải đào tạo cho những phi công trẻ. Tại đây anh gặp con trai của một chiến hữu đã hy sinh trong quá khứ và điều này làm anh khó xử. Đó là quá khứ tội lỗi mà anh cần buông bỏ và tha thứ cho chính mình.
Top Gun: Maverick (2022) là một câu chuyện đơn giản, một motip thường thấy của những bộ phim chủ nghĩa anh hùng dân tộc Mỹ vào những năm 70- 80 của thế kỷ trước: một anh hùng dân tộc bị quên lãng hay thất thế tìm cách chứng minh lại bản thân sau những sai lầm của quá khứ. Rõ ràng về mặt cấu trúc, Top Gun: Maverick không quá đặt nặng việc giải quyết những mâu thuẫn cá nhân hay vấn đề về mặt cảm xúc nhân vật. Điểm sáng lớn nhất giúp bộ phim duy trì được nhịp điệu căng thẳng của mình là những trải nghiệm của nhân vật khi đối mặt với khó khăn và thử thách. Một mặt, Maverick cần huấn luyện những phi công trẻ này thành công trong một nhiệm vụ bất khả thi – cho dù họ là những người giỏi nhất trong số những người giỏi nhất. Mặt khác, anh cần giải quyết mối bất hòa của mình với Rooster – con trai của người đồng đội đã hy sinh – cũng như tìm cách tha thứ cho sai lầm của bản thân mình.
Với một cấu trúc và nội dung đơn giản như vậy, Top Gun: Maverick rất có khả năng đi theo vết xe đổ của những bộ phim hậu truyện đã thất bại khác. Song điều đó đã không xảy ra, khi bộ phim sở hữu một cốt truyện vững chắc làm nền tảng. Sự cân bằng giữa các nhân vật cũng rất quan trọng, khi bộ phim khai thác tất cả tính cách của những nhân vật phụ đủ để mà không hoàn toàn tập trung vào Maverick. Từ đó, những nhân vật trong phim hiện lên với những tính cách rõ ràng và không bị mờ nhạt hay lép vế trước một Maverick huyền thoại. Đó là một Jake “Hangman” Seresin kiêu ngạo nhưng tài năng, một Bradley “Rooster” Bradshaw luôn hết mình vì đồng đội nhưng bảo thủ, và một Pete “Maverick” Michell huyền thoại nhưng không hoàn hảo. Tất cả những nhân vật đó đều có khiếm khuyết và điều đó đã giúp họ giống một nhân vật gần gũi mà ta dễ dàng bắt gặp ngoài đời hơn trong điện ảnh. Bên cạnh đó, đạo diễn Joseph Kosinski đã khéo léo lồng ghép những chi tiết hồi tưởng có chủ đích, để từ đó thúc đẩy những nhân vật tiến tới giải quyết những vấn đề mà bản thân mình còn thiếu sót.
Mặt khác, sức hấp dẫn lớn nhất của bộ phim đến từ những phân cảnh hành động. Mặc dù gần như cả bộ phim, khán giả sẽ không được chứng kiến kẻ thù của những phi công là ai. Tất cả chỉ được mô phỏng qua mô hình địa hình mà họ cần luyện tập. Mãi cho tới khi bộ phim gần kết thúc, ta mới thấy 3 chiếc chiến cơ tối tân của kẻ thù xuất hiện. Việc sử dụng những góc máy từ trên cao để quay cảnh bay lượn của chiếc máy bay trong những phân cảnh luyện tập hoặc chiến đấu, rồi đột ngột chuyển sang góc nhìn thứ nhất trực tiếp vào khuôn mặt những phi công làm khán giả trở nên căng thẳng. Đó là khi Coyote ngất xỉu trong quá trình luyện tập và chiếc máy bay lao thẳng xuống đất; là khi Hangman và Rooster phải luyện tập cách chịu áp lực của lực G khi phải lao máy bay thẳng đứng tránh những ngọn núi; là lúc Rooster phóng quả tên lửa vào mục tiêu hay lúc Maverick phải đối mặt với không quân địch.
Tom Cruise và toàn bộ đoàn làm phim đã phải trải qua những giờ tập bay căng thẳng thực sự và đạo diễn Joseph Kosinski cũng rất tiết chế sử dụng CGI trong tác phẩm của mình. Sự chân thực đến trần trụi khi khán giả liên tục chịu những cú “xô đẩy” vô hình từ những cú lia máy chóng mặt, tới những khung hình bị đảo lộn trong buồng lái. Cùng với đó là tiếng gió rít và động cơ đã cho chúng ta cảm giác như thể chính mình đang điều khiển chiếc F-18 trong đội hình bay của Maverick vậy. Sự chân thực ấy đã tạo nên một không khí căng thẳng nghẹt thở từ đầu cho tới cuối bộ phim, khiến khán giả không thể rời mắt khỏi màn hình.
Nhà phê bình phim Peter Debruge đã viết, rằng không gì trong Top Gun: Maverick làm bạn ngạc nhiên, ngoại trừ việc nó làm gần như tất cả những điều mà khán giả muốn và mong đợi nó làm tốt như thế nào. Thực vậy, bằng sự khéo léo và tài tình, cùng thái độ làm việc nghiêm túc, nỗ lực không mệt mỏi, Top Gun: Maverick (2022) đã tránh được cái bẫy chết người của một phần hậu truyện dễ mắc phải. Tác phẩm giống như một buổi tiệc chiêu đãi khán giả sau nhiều năm chứng kiến những tác phẩm hậu truyện nửa vời và nhạt nhòa. Cho dù khán giả chưa từng xem phần đầu của tác phẩm cũng hoàn toàn có thể nắm được nội dung và thưởng thức nó như một tác phẩm độc lập hoàn chỉnh. Top Gun: Maverick (2022) là một trong những ứng viên nhận được đề cử giải Oscar cho “Phim xuất sắc nhất” năm 2023. Và đứng trước những “đối thủ” sừng sỏ khác, liệu chàng phi công Maverick có thể chiến thắng thêm một lần nữa hay không? Chúng ta cần phải chờ tới ngày 13/3 năm nay để tìm câu trả lời cho chính mình.